Nguyễn
Đạt
Dã quỳ Dran
Tác phẩm Nguyễn Đạt
Hoa
cỏ nào chẳng là con đẻ của thiên nhiên. Có những thứ hoa, con người dời về ở
chung, đặt tên và gắn cho một ý nghĩa, trưng bày trong phòng khách, gửi trao
nhau… Vô vàn loài hoa khác ở lại rừng, ở lại bất kỳ nơi nào chúng đã tự mọc
lên, dù ở đấy cũng có thứ hoa con người đã đặt cho danh tính trong một trường hợp
có thể là vớ vẩn, ngẫu nhiên.
Bạn tôi, Đăng, một người mà tôi ngỡ mình
biết rất rõ, thật ra tôi chỉ đọc thơ của anh, đều là những bài thơ nhắc tới dã
quỳ, và một nơi chốn, thị trấn Dran (trong đó có Tutr’a; và gọi chung là Đơn
Dương). Tôi đã tin mình biết rõ loài hoa dại ấy chỉ sống ở vùng thị trấn Dran.
Hóa ra không phải. Dã quỳ không những có ở khắp miền cao nguyên B’Lao – Di Linh
– Đà Lạt – Đơn Dương…, mà còn có ở khắp nơi. Chị Ý Nhi, một nhà thơ từ miền Bắc
vào miền Nam sau ngày đất nước gọi-là-thống-nhất, một nhà thơ khả ái hiếm hoi
mà tôi quen thân, nghe tôi đọc một bài thơ của Đăng, hỏi tôi: “Dã quỳ là gì vậy?”
Tôi hăm hở nói về loài hoa man dại ấy, mô
tả nó, pha lẫn trong đó chút đắng cay phẫn nộ. “Vậy là tôi đã thấy nó -chị
nói-, nhiều cực kỳ trên rừng Việt Bắc.”
Tôi cũng đọc được, trong một tập truyện
ngắn của nhà văn Sơn Nam, dù chỉ trong một dòng chữ, nhắc tới cây hoa dã quỳ,
trơ trụi phất phơ trên mỏm đất giữa đồng nước bao la của Cà Mau. Trong thơ Đăng
thì như có cả rừng dã quỳ vàng rực ngây dại.
Sau này tôi được đọc một số bài thơ về dã
quỳ của vài nhà thơ, nhưng không thấy niềm say mê bí ẩn, mối ám ảnh kỳ dị, như
trong những bài thơ về dã quỳ của Đăng.
Tôi mang câu chuyện về hoa dã quỳ nói với
Đăng. Anh thản nhiên bảo:
-Tôi thậm chí thù ghét thứ hoa ấy. Chẳng
qua tôi gặp nó trong cơn đói mà thôi. Ngạc nhiên, sau đó tôi nghĩ rằng yêu quá
hóa ghét, cái tâm lý này vẫn thường xảy ra trong bụng dạ đầu óc con người.
Nhưng tôi cũng bối rối khi Đăng bảo anh đã gặp hoa dã quỳ trong cơn đói. Anh
nói theo nghĩa đen hay nghĩa bóng? Đăng như đoán được ý nghĩ của tôi, anh nói
tiếp sau đó:
-Tôi đã ăn vào bụng ít nhất vài chục
bông dã quỳ.
-Anh nói thật sao? Hoa dã quỳ ăn được?
Cả vẻ mặt và giọng nói của Đăng đều
nghiêm chỉnh:
-Tôi nói thật. Năm…, tôi sống lang thang ở
Đà Lạt, kiếm tiền sinh nhai bằng đủ mọi cách. Tất nhiên có lúc chẳng có cách
nào kiếm tiền để ăn bữa cơm. Lang thang trên một trái đồi, mỏi chân, tôi ngồi
nghỉ bên khóm dã quỳ. Chẳng phải là tôi chọn khóm dã quỳ ngồi nghỉ cho thơ mộng.
Tôi không thể không ngồi bất cứ chỗ nào khi đôi chân đã rã mỏi và bụng đói cồn
cào, khi không còn đi được đâu mà đi. Tôi ngó khóm hoa dại, thấy đàn kiến xúm
xít trên những cánh hoa vàng tươi đậm. Chúng cong mình nhấm hút trên cánh hoa,
chắc hẳn là ngọt. Tôi lựa vài bông, phủi sạch những con kiến trên đó, cho vào
miệng nhai ngấu nghiến. Ăn cũng được đấy, cũng no bụng. Tôi đã nghĩ , lúc nào
đói bụng mà không có thực phẩm của con người, tôi có thể giải quyết cho cái dạ
dày như con dê, con bò, con ngựa. Tôi cho rằng cơn đói khát không bao giờ nên
thơ cả, mà nó sẵn sàng biến con người thành con vật.
Nghe Đăng nói một thôi một hồi như vậy,
tôi hiểu tại sao anh thậm chí thù ghét thứ hoa này. Anh đã liên tưởng dã quỳ tới
cơn đói. Hóa ra không phải. Anh nói:
-Loài
hoa dã quỳ giống như kẻ phỉnh gạt.
-Nghĩa
là… hoa dã quỳ không ăn được? Anh đã bị đau bụng hoặc nôn mửa sau khi nhai nuốt
chúng?
Đăng lắc đầu, chán nản:
-Không phải vậy. Đấy hoàn toàn là câu
chuyện khác.
*
Đấy là Uyên, cô gái người dân tộc Thái trắng,
sinh ra ở Than Uyên – Lào Cai, người tôi yêu thương đầu tiên và cuối cùng trong
đời. Cô gái miền sơn cước này, đối với tôi, chính là linh hồn của đoá dã quỳ.
Tôi đã xô nàng xuống vực thẳm ở Tutr’a – Đơn Dương, trong một cơn cuồng nộ thậm
vô lý mà tôi hoàn toàn không kềm chế được. Đăng nói như vậy.
Và Đăng kể lại, anh đã xô cô gái xuống vực
thẳm như thế nào, trong cơn cuồng nộ vô lý của mình. Vẻ mặt anh không biểu lộ một
nét xúc động, đôi mắt anh trông vẫn như buồn ngủ không khác lúc bình thường.
Tôi
rùng mình, tự hỏi: Đăng như vậy sao? Giống một kẻ sát nhân chuyên nghiệp, một
tay giết mướn. Chỉ có loại người ấy, bọn sát thủ ấy, mới có thể bình thản kể lại
chuyện giết người. Một kẻ như vậy mà làm thơ? Hóa ra những bài thơ Đăng viết về
dã quỳ, về Tutr’a, về Dran… đã tạo nên niềm say mê bí ẩn, mối ám ảnh kỳ dị.
Chính vì vậy đó, vì anh là kẻ sát nhân lạnh lùng. Tôi lại nghe Đăng nói:
-Trong nhiều năm, dã quỳ và Tutr’a và Dran
đối với tôi như nỗi-chết-không-rời. Đến bao giờ tôi dứt được mối ám ảnh đó. Bao
giờ tôi nguôi được nỗi ân hận đã đẩy Uyên xuống vực chết. Tôi cứ quanh quẩn nơi
chốn ấy. Nơi chốn ấy đối với tôi không khác một hình phạt. Crime et châtiment. Đúng như vậy. Kẻ sát nhân bao giờ cũng thế. Hắn
không thể rời, thoát khỏi nơi hắn đã gây án mạng.
Tôi nghe Đăng nói mà không một chút xót
thương. Anh nói như một cái máy vi tính hiện lên màn hình những dòng chữ kể một
câu chuyện ghê gớm, một câu chuyện kinh khủng. Tôi khiếp sợ, và chỉ có nỗi khiếp
sợ ấy mà thôi. Tôi tự hỏi: loài hoa dã quỳ đã phỉnh gạt Đăng ở chỗ nào? Đăng chợt
cười rộ, nhìn tôi và nói:
-Có phải anh đã nghĩ tôi là kẻ sát nhân
thứ thiệt? Rằng tôi không hề xúc động khi kể lại câu chuyện giết người?
Trong lúc tôi thán phục trí thông minh của
Đăng, anh có thể đọc được ý nghĩ của tôi, thì anh không nói gì thêm nữa. Anh lẳng
lặng lấy ra từ túi áo choàng một bức thư. Thư của Uyên gửi về từ hải ngoại.
Uyên đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Uyên bên kia bờ Đại Tây Dương. Ấy vậy mà, mối ám ảnh,
nỗi ân hận, đã đeo riết tâm tưởng Đăng trong từng ấy năm.
-Anh
đã đọc hết rồi chứ? Bức thư này tôi nhận được sau từng ấy năm. Tôi nào biết được,
bụi dã quỳ dày đặc dưới vực đã đón Uyên khi tôi xô cô ấy xuống. Và vị cứu tinh
người thiểu số đi kiếm cây làm củi đốt, đã giúp Uyên lên lại an toàn. Tất cả những
điều ấy, tôi hoàn toàn không biết, ngoài cái hành động xô Uyên xuống vực.
*
Sau này Đăng còn làm thơ về dã quỳ, những
bài thơ ấy đã khác hẳn trước. Đăng nói:
-Bởi đâu còn cái chết ám ảnh, đâu còn nỗi
ân hận dày vò. Và bởi sau này tôi gặp một người đem lòng yêu tôi, tình nguyện
theo tôi về rừng, tìm đến những đóa dã quỳ để ấp ủ yêu thương, như ấp ủ yêu
thương vẻ đẹp hồn nhiên hoang dã của đất trời.
NĐ
(Nguồn: Da Màu)
No comments:
Post a Comment