Saturday, September 3, 2016

CUỘC HÀNH HƯƠNG BÁO HIẾU


Nguyễn Quang Chơn

Nguyễn Quang Chơn và gia đình trong cuộc hành hương

Ba tôi mất vừa đúng 8 năm. Ông sinh rằm tháng bảy và mất cũng đúng rằm tháng bảy. Lúc sinh thời ông là người bôn ba làm lụng để nuôi một đàn con đông đến 14 người. Còn bảo bọc bà con, giòng họ vất vả bởi chiến tranh, tao loạn...

Ông là Nguyễn Cưu, nhà thầu đê đập nổi tiếng ở miền nam trước 1975. Từ 1964 đến 1975 ông đã xây tất cả 7 cái đập lớn nhỏ, nay vẫn trường tồn...

Nhân ngày giỗ ba, bọn con cái chúng tôi hẹn rủ nhau đi du lịch và thăm lại các công trình ông đã làm, mà chúng tôi nói với nhau là "cuộc hành hương báo hiếu"

14 người con nay chỉ còn lại 6, thêm dâu r, đoàn có 9 người. Bà chị đầu đã 75. Đứa em út vừa 49. Hành trình được xuất phát từ Đà Nẵng ngày 31/8, cũng nhân những ngày lễ nghỉ dài!...

Đến Kỳ Lý Tam Kỳ, chúng tôi dừng chân thăm đập Bà Dụ, cây đập đầu tay của ông xây năm 1964. Cây đập nhỏ, thân đập vẫn vững vàng với thời gian. Chỉ phần lan can phía trên bằng sắt bị gỉ gãy, nhà nước mới tu bổ lại năm 2014.

Rồi đi thẳng vào Qui nhơn, chúng tôi lên Tây Sơn thăm quê hương Tam Kiệt. Vui thay. Ngày 31 cũng là ngày giỗ 224 năm anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Chúng tôi chụp hình. Tự hào mình mang giòng máu Quang Trung. Và vui, thắp nén hương trong ngày giỗ trọng đại này!...

Đêm ở Qui Nhơn được một bữa tối ngon và vui. Sáng hôm sau được Võ Minh Sang, một bạn thân hồi đại học bách khoa mời đặc sản bún chả cá và cà phê. Rồi đi thăm khu Nhơn hội mới mở, rộng mênh mông bên kia đầm Thị nại, thăm khu du lịch Kỳ Co, Eo Gió. Thăm mộ Hàn Mặc Tử để tưởng nhớ một thi tài mệnh bạc...

Ăn trưa tại Sông Cầu rẻ mà ngon với ốc nhảy đặc sản, với cá, mực mà mấy tháng nay dân ĐN bỏ ăn vì bọn Formosa..., đoàn đến Tuy An dưới cái nắng nung người... Ở huyện lỵ Tuy Hoà này, ba tôi có hai công trình, một là tu bổ đập Đồng Cam, hai là xây mới đập Tam Giang. Chúng tôi thăm đập Tam Giang, tiện thể trên đường đến gềnh Đá Đĩa, một danh thắng lạ kỳ được tạo hoá dựng xây...

Đập Tam Giang chắn ngang dòng sông Cái, tưới tiêu cho cả một vùng ruộng lúa bao la. Gần 50 năm vẫn đẹp và vững chãi....

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy tấm bia mố đập ghi công trình của nhà nước, hoàn thành năm 2009. Như có ai mách bảo, chúng tôi kéo lên thành đập và bước qua mô đập bên kia. Trời. Còn một tấm bia ghi ngày khởi công, khánh thành và tên nhà thầu. Tấm bia đã hư hao, mờ tàn với thời gian nhưng vẫn còn đọc lờ mờ tên cha trên đó. Một bà mẹ khoảng gần 80 đang quét những bó rơm trên bờ đập. Tôi bước đến hỏi. Đập này ai xây bao giờ vậy bà? Bà trả lời. "Do ông Cưu xây từ thời Quốc Gia. Nhà nước mới sửa hai đầu đập này cho rộng thêm mà thôi. Còn có cả cái nhà thờ ông lập đàng kia gọi là nhà thờ Ông Cưu đó." Trời. Tất cả chúng tôi đều khóc. Hình ảnh ba hiện về trong tâm tư từng đứa. Nước sông Cái vẫn ngày đêm chảy qua thân mà đập vẫn như còn nguyên vẹn. Đang mùa gặt, lúa chín vàng phơi trên đường đi. Những cánh đồng thơm mùi lúa mới. Chúng tôi càng thương nhớ ba. Mà còn khâm phục ông hơn nữa khi biết ông đã xây cả một nhà thờ công giáo cho giáo dân trong làng, dẫu ông vốn là một Phật tử chính tông, phát tâm xây dựng trùng tu không biết bao ngôi chùa ở Quảng Nam, miền trung Nam Việt... Câu chuyện về ba cứ râm ran cho đến buổi cơm chiều. Chúng tôi dặn với nhau rằng. Phải học tập nhân cách của ba. Chính đức sống đó đã tạo căn cơ cho chúng ta có được cuộc sống đủ đầy ngày hôm nay. Hình ảnh ba theo tôi trong giấc mơ êm ả một đêm Tuy Hoà bình yên...

Sáng hôm sau đoàn đổ đèo Cả để thăm đập Tu Bông Vạn Giả mà ba tôi xây năm 1970. Xe dừng ven làng Tu Bông để hỏi đường. Một cô gái đang đi xe máy, bảo, "nhà cháu ở ngay chân đập, để cháu dẫn đường." Vậy là cô bé đưa đoàn chạy thẳng tới chân đập. Cô còn bảo, cái đập này mới xây dựng khoảng 10 năm. Đúng thế. Theo tôi được biết, nhà nước đã mở rộng qui mô đập, mở rộng lòng hồ, kỳ vọng sẽ thành một khu du lịch và đặt tên là đập Hoa Sơn. Vậy là vết tích cây đập Tu Bông ba xây ngày xưa không còn nữa. Tôi nhìn quanh một qui mô mới, to lớn, kệch cỡm mà buồn... Ghé vô nhà cô bé dẫn đường. Trời đất. Một cô bé đen hoẻm ở trong một cái chòi tranh vá víu với chồng và 3 đứa con nhỏ xíu, kiếm ăn từ một đàn vịt trong ao trước nhà. Nghĩ rằng chắc linh hồn ba linh thiêng đã khiến cô bé dẫn đường chúng tôi cho nhanh, khỏi tìm loanh quanh, đỡ mệt, chúng tôi đã "lì xì" cho các cháu một khoản tiền kha khá mà lòng vui. Vui vì biết ba luôn muốn chúng tôi giúp đỡ những người nghèo... Ngồi trên xe. Chúng tôi nói với nhau. Chắc ba cũng đang đồng hành trên xe cùng. Đang hướng dẫn những đứa con trong cuộc hành hương!...

Đến Dốc Lết thăm ngôi chùa Huệ Hà do ni cô Minh Lạc, con gái lớn của bà chị đầu trụ trì. Ngôi chùa đang trùng tu xây dựng sắp hoàn thành thật đẹp, hoành tráng và giá trị với những câu đối và hoành phi được lạc khoản bởi thầy Tuệ Sỹ. Bữa cơm chay trong chùa thật ngon. Nhìn đứa cháu nhỏ bé ngày nào giờ đã là một sư nữ viên thành. Tự nhiên thấy lòng thanh thản, riêng vợ chồng tôi còn tranh thủ thăm được vợ chồng nhà văn Khuất Đẩu-Huyền Chiêu ở thị trấn Ninh Hoà, thật vui và ấm áp.

Ngày thứ tư của cuộc hành hương. Đến Phan Rang đã có Bi, cháu gọi ông anh rể bằng chú ruột, thổ địa, làm người dẫn đường. Đập Nha Trinh ba làm cũng chắn ngang sông Cái và là một hệ thống tưới tiêu điều thuỷ cho hàng ngàn hecta đồng ruộng Phan Rang, cách trung tâm thành phố chừng 15km...

Trời vẫn nắng gay gắt. Chúng tôi phải đi bộ một đoạn mới tới thân đập. Trời. Một cái đập thật đẹp. Thật hùng vĩ dài chừng 1,5 km, lại có những bước gãy rất nghệ thuật. Nước vẫn miệt mài tràn qua thân đập tưới tiêu cho ruộng lúa hoa màu. Tiếc là nhà nước đã cho tu bổ hai mố đầu thân đập nên đã xoá hết vết tích kỷ niệm, tên tuổi của ba ghi trên đó...

Đập này hoàn thành đầu năm 1975, chưa kịp quyết toán ngân sách thì miền Nam sụp đổ. Ba tôi phải lanh lẹ chạy vạy và được nhiều quan chức ngành thuỷ nông giúp đỡ mới thanh toán được một phần. Những ngày đầu tháng tư, tôi vẫn còn theo ba đến ngân hàng Bank Francais D'Asie ở đầu đường Hàm Nghi SG để rút tiền. Nhớ ngày đó, ba rất tự hào về con đập này. Ba nói, đây là cây đập đẹp nhất và lớn nhất đời ba. Nó đã là một thắng cảnh của Phan Rang. Ba có khắc tên ba trên đó. Nếu có dịp đi ngang nhớ ghé thăm!...

Tôi bước đi trên thân đập dài, trơn trợt bởi rêu xanh. Lòng bùi ngùi bâng khuâng thương nhớ. Tôi phục ba tôi, một con người thuần nông chân chất. Ông đâu có tốt nghiệp đại học, kỹ sư cử nhân như con cháu bây giờ, mà ông đã đảm nhận những công trình trọng yếu để đời, nửa thế kỷ rồi vẫn trường cửu với thời gian, vẫn mang lại màu xanh của nước, màu xanh của cây trái, màu vàng của những cánh đồng bội thu lúa trĩu...

Anh chị em chụp với nhau bức hình bên thân đập vững bền. Như có ba bên cạnh. Nguyện với ba. Sống xứng đáng với công đức ba đã xây dựng. Công lao ba đã để cho đời. Tình yêu ba đã dành cho gia đình, giòng họ, quê hương...


Nguyễn Quang Chơn
03/9/16
Cuối mùa Vu Lan Bính Thân
Thương kính dâng hương hồn ba, thương tặng các anh chị em con cháu trong nhà


No comments:

Post a Comment