Saturday, September 24, 2016

THU SANG. HỐT LÁ TRONG VƯỜN


nguyễn xuân thiệp

Autumn tree painting. Internet

   Hôm nay có phải là thu... Câu thơ của Đinh Hùng chợt vang lên trong trí Nguyễn khi lái xe vào con đường Tully của thành phố San Jose trong dịp đi za-zu thăm bạn*, thấy những cây phong hai bên đường bắt đầu ửng lên những màu rực rỡ. Vâng mùa thu đã đến sớm ở phương Bắc này, sớm hơn ở phương Nam nơi thành phố Dallas của Nguyễn (gớm, ai cho ông nhận xằng?). Nhìn màu đỏ, tím, vàng trên những cây phong ven đường, lòng mình bỗng thấy dâng lên những cảm xúc dạt dào. Chợt nhớ về những mùa lá trong đời với những khuôn mặt bạn bè đây đó.

   Vâng, từ mùa thu đến sớm ở phương Bắc, trí óc của kẻ này đi lạc về những khu vườn đầy lá năm nào. Ở đâu thế nhỉ, có phải trong vườn nhà Vương Phủ, nơi có những cây bàng chín đỏ trong mùa thu? Hay vườn nhà Hà trong khu Pháp bên tả ngạn sông Hương?
   Và mình chỉ muốn kêu lên:
      Có ai thấy lá vườn tôi
      Đốt lên cho khói lên trời tôi trông
   Hai câu thơ của Trần Huyền Trân vẫn còn âm vang trong trí nhớ của k này, mặc dù thời gian đã đổi khác, cuộc đời đã đổi khác. Mùa thu ở Mỹ có vô số lá vàng. Lá trên cây rộ đỏ, lá rụng đầy vườn... Thích nhất là nhìn trẻ con hốt lá tung lên hay chạy đuổi theo những chiếc lá trên đường. Viết tới đây lại nghĩ tới hai đứa bé nghèo trong bài Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh in ở đầu cuốn Đoạn Tuyệt cách đây mấy chục năm. Trong đêm khuya gió lạnh, chúng cất tiếng reo: Gió lên, lạy trời gió lên...”Gió lên, chúng lạnh run, nhưng lá rụng nhiều và chúng tha hồ nhặt về đun bếp hoặc đem ra chợ bán. Ở đây, trẻ con không đi nhặt lá mà chúng chỉ đùa nghịch với lá. Hai vùng trời, những mảnh đời không cùng nhịp, với những bé con... Và nơi đây khi gió đến thì lại vang vang bài ca của màu sắc. Không phải cái melody u sầu đầy kỷ niệm của Les Feuilles Mortes đâu nhé, mà là tiếng reo vui của lòng người và thiên nhiên tạo vật. Xin nói thêm ở đoạn sau.
   Bây giờ, trở lại với hai câu thơ của Trần Huyền Trân: Có ai thấy lá vườn tôi / Đốt lên cho khói lên trời tôi trông... Nhưng bạn ơi, đó chỉ là hoài niệm một thời đã xa. Trên nước Mỹ này, mùa thu lá rụng đầy vườn, nhưng không thấy ai đốt lá. Nghe nói luật cấm kia đấy. Ô, hay nhỉ, tại sao lại cấm đốt lá? Một việc làm thơ mộng như thế mà nỡ cấm sao? Cái ông luật pháp Hoa Kỳ này thật không có chút tâm hồn romantic nào ráo trọi. Ông cứ duy lý, vị thực tế mà làm.
   Phải nói là não trạng của những người viết lách sang bên này khó thể chấp nhận một cái luật khô khan và cứng nhắc như thế. Rõ ràng là chúng ta không vui với luật cấm “đốt lá vườn tôi”. Cũng như chúng ta không vui khi ông nhà nước Hoa Kỳ cấm trồng rau muống và thả bông súng trên ao hồ chẳng hạn. Bộ các ông muốn giết chết cái đẹp sao? Còn nhớ nhà văn Trúc Chi bất bình ghê lắm về cái vụ cấm đốt lá này. Và ông đã viết cả một bài dài để bày tỏ quan điểm đồng thời biểu dương cái đẹp của việc vun lá thành từng đống rồi châm lửa đốt trong khu vườn mùa thu. Thế nhưng nghĩ cho cùng, nhà cầm quyền nước Mỹ cũng có cái lý của họ khi ra lệnh cấm đốt lá. Mùa thu ở đây lá rụng vô số kể, vườn nhà nào cũng đầy lá. Thử tưởng tượng nhà nào cũng đốt lá thì môi trường sẽ bị ô nhiễm tới đâu, đó là chưa kể nạn hỏa hoạn sẽ xảy ra ngày một. Thôi thì đành hy sinh chút vẻ đẹp và hơi hướng lãng mạn để giữ gìn cái sạch và sự an lành cho mọi người. Xin lỗi thi sĩ nhé!
   Không đốt lá thì cào lá, hốt lá. Cũng thơ mộng quá chừng chừng đấy chớ. Thu sang hốt lá trong vườn / nghe tiếng tàn phai rụng vỡ... Thơ của tui đấy! Hốt lá. Đẹp và thơ mộng nhưng cũng bá thở. Bạn nào đã từng cào lá, hốt lá trong vườn thì biết. Mà không phải chỉ cào chỉ hốt có một lần đâu nhé. Suốt một mùa thu, ít ra cũng phải cào lá hốt lá đến dăm bảy lần. Thân gầy nghệ sĩ cúm rúm ho hen, cứ nghĩ mà thấy tội. Nhưng các ông nên nhớ là bác sĩ bảo phải exercise, kẻo không về chầu ông bà sớm. Mà cào lá, hốt lá là exercise rất tốt. Bảo đảm (chứ không đảm bảo như mấy “ông” bên nhà nói) là sẽ sống và vui vẻ dài dài.
   Trong số bạn bè của kẻ này, có một ông bạn mùa nào cũng cào lá, hốt lá. Đó là ông Đinh Cường, họa sĩ -ấy là chưa kể có cả ông Triều Hoa Đại, Trần Doãn Nho và Phan Xuân Sinh (hồi còn ở bên Boston) trong đó nữa. Đây, ta hãy nghe Đinh Cường tả: Chiều mù cây nhánh trơ / tôi mù sương mất hút / giữa muôn trùng lạnh tăm / cuối năm rào lá đổ... Như người xưa nhớ bạn / cánh nhạn nhờ đưa tin / tôi một mình đứng lặng / cào lá ngoài sân đêm... Tội nghiệp chưa. Ai biểu sang xứ Mỹ làm chi cho nó cực thân. Ở quê nhà với mấy ổng có phải khỏe re không. Ấy là chưa kể ở đây ngày ngày còn phải lái xe đưa vợ đi chợ, "đảm trách”" nấu cơm, chiên cá, rửa chén bát, phụ vợ cuốc đất, trồng rau, trồng hoa cho nàng. Ôi, cuộc bể dâu sao mà oái oăm làm vậy!
   Nhưng phải nói là mùa thu ở Mỹ đẹp cực kỳ và rực rỡ mê hồn. Nhất là mùa thu ở New England và trên thượng nguồn sông Mississippi ở Minnesota. Kẻ này bỗng nhớ Cao Đông Khánh (này Khánh ơi, bạn giờ ở đâu vậy, có còn mê trăng trong vịnh Frisco và ‘bông cúc vàng nở trong kẹt háng’ một nhân vật nào đó của thơ và truyện?), vâng nhớ Cao Đông Khánh trong một lần lái xe tới thành phố Saint Paul, Minnesota, đọc thơ và thăm bạn bè vào những ngày mùa thu như thế này. Cuối tháng mười, ngày vẫn còn chút nắng, và rừng cây rộ lên bản hợp tấu của những sắc màu rực rỡ. Kẻ này hớn hở hân hoan đứng ngắm, tự nói với lòng mình -và xin nhắc thêm lần nữa ở đây- rằng mùa thu trên xứ này không hề buồn như trong văn chương lãng mạn, mà trái lại reo vang như thể ca ngợi những niềm vui của thế gian -một thứ ode à la joie. Không, lòng ta không hề cảm thấy chút u sầu nào, mặc dầu có thể vừa chia tay với một mối tình. Kia, nhìn xem. Đỏ, vàng, cam, nâu, có cả lục biếc, xôn xao, hát múa trên cành và đùa bay tán loạn. Lá mùa thu đang biểu diễn lập trường đấy, các bạn ơi. Lập trường của cái đẹp.
*mùa thu năm 2005

NXT

No comments:

Post a Comment