Saturday, September 10, 2016

GƯƠNG MẶT NGƯỜI KÊU GỌI


Ý Nhi

Tác phẩm Nguyễn Minh Châu

1.Tháng 7 năm 2001, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Duy, tham gia trại hè của Trung tâm William Joiner của đại học Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ. Ngoài những buổi đọc thơ ở Santa Fe và Boston, tôi có cuộc gặp với một nhóm độc giả Mỹ để thử dịch một bài thơ của tôi. Trong cuộc gặp, khi nhắc đến văn học Việt Nam, tôi nói nhiều về tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và khẳng định: theo tôi, Nguyễn Minh Châu là khuôn mặt đẹp nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Một vài người muốn tôi nhắc lại tên ông. Vài người khác nhờ tôi ghi tên ông trên bảng, dĩ nhiên là những chữ không có dấu: NGUYEN MINH CHAU. Tôi hy vọng họ sẽ có dịp được đọc ông, đọc những truyện ngắn đặc sắc của ông và bản tuyên ngôn văn chương tuyệt vời Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa.
Làm việc tại nhà xuất bản Tác phẩm mới, một nhà xuất bản có chức năng  giới thiệu  tác phẩm của các nhà văn đương đại, tôi có nhiều dịp gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, kể cả những người ở cách xa Hà Nội. Nhưng tôi không mấy khi gặp Nguyễn Minh Châu, mặc dù ông đã cho in tại đây rất nhiều tác phẩm của mình.
            Hồi đó, khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội còn Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách, Nguyễn Trọng Oánh, Nhị Ca, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… được Xuân Quỳnh gọi là Hội nhà văn của những người viết trẻ. Chúng tôi thường qua đó gửi bài và rất thân  thiết với các anh chị lớp trước nhưng tôi cũng chưa khi nào được “chạm mặt” Nguyễn Minh Châu. Hình như ông  ít khi  xuất hiện ở những nơi đông người, mà có tới, chắc cũng ngồi ở một căn phòng đóng kín cửa nào đó trong số 4 Lý Nam Đế hay một góc khuất nào đó trong những lần họp hành của giới văn nghệ. Trong Ngồi buồn viết mà chơi vào những ngày bệnh nặng Nguyễn Minh Châu đã kể về mình:”Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào tổ”. Nhưng có lẽ, sự “biến mất” của ông không chỉ do tính rụt rè, nhút nhát bẩm sinh. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn- người từng nhiều năm sống gần và “mê mẩn” ( chữ của Vương Trí Nhàn) Nguyễn Minh Châu nhận thấy:” … ở ông có một khả năng mà nhiều người chúng tôi không có: sống đơn độc. Và đằng sau cái con người nhạy cảm mà chúng tôi mang ra cười cợt đó, trong ông còn có một con người sắt đá, đằng sau cái cách sống đóng vai một kẻ tầm thường là một niềm tin lớn lao- tin vào điều kỳ diệu của văn chương”.
Mãi khoảng sau những năm tám mươi đầy biến động tôi mới có vài lần gặp hiếm hoi và quý giá với nhà văn mà mình yêu mến, quý trọng.
            Đó là một buổi sáng, khi Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê và tôi đang tụ tập tại phòng làm việc của tôi (Tổ Thơ, Nhà xuất bản Tác Phẩm mới), tán chuyện, cười nói rôm rả thì Nguyễn Minh Châu bước vào. Như lệ thường, ông mặc bộ quần áo màu cỏ úa của bộ đội, tay cầm một chiếc túi vải cũ, cùng màu. Ông hỏi, các cô có chuyện gì mà vui thế. Còn tôi thì có nhiếu cái sợ quá. Xuân Quỳnh hỏi ngay: anh sợ gì?. Ông cười mà giọng thì buồn buồn: sợ đủ thứ, sợ ma quỷ, sợ đám phê bình, sợ tuyên huấn…Chúng tôi biết ông đang buồn bực vì bị một số người xúm vào phê phán các truyện ngắn mới xuất bản của ông, nào là phi hiện thực, nào là phi xã hội chủ nghĩa trong một cuộc hội thảo ở Tuần báo Văn Nghệ. Ông đang cần một sự chia sẻ. Tôi và Lê Minh Khuê im lặng, chỉ có Quỳnh kịp ứng xử với tình cảnh. Quỳnh gọi những người phê phán ông với đủ thứ biệt danh: kẻ thì “chữ vón trong đầu”, người thì “mồm như ống nhổ thầy Đề’, kẻ lại giống “bươm bướm ma”…Có vẻ như, cách làm của Quỳnh có hiệu quả lập tức. Ông phì cười, nét mặt chợt nhẹ nhõm. Thấy không khí đã thay đổi, tôi cũng góp lời: “ Anh Châu ơi, cái ảnh của anh ở bìa 4 cuốn Bến quê trông như ảnh đi tìm người thân bị lạc ấy”. Ông đưa tay xua xua, ra vẻ chịu thua, rồi ra về. Ngang qua ô cửa sổ, ông còn quay lại, mỉm cười, chào lũ em “đáng sợ”.
            Dịp thứ 2 là chuyến đi cùng Ban nhà văn trẻ lên Hội Văn Nghệ Thái Nguyên, vào năm 1984. Nguyễn Minh Châu lúc này đã có Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà, Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành…Trong khi chúng tôi giao lưu, trao đổi công việc với các anh chị ở Hội Văn Ngệ địa phương thì ông được các thầy cô Trường Đại học sư phạm Việt Bắc mời nói chuyện với sinh viên.  Không phải là người hoạt ngôn, lại ngại đám đông nên Nguyễn Minh Châu nhận lời không mấy vui vẻ. Thế nhưng, khi gặp lại chúng tôi, ông hào hứng khoe, trong đám thính giả có một cô áo đỏ rất xinh đẹp. Chúng tôi tò mò, tìm cách xem mặt cô gái bằng được. Cả bọn hơi bất ngờ vì đó là một nhan sắc rất bình thường. Tôi đùa: chắc “bác Châu nhà mình” bị lóa mắt vì màu đỏ. Tất nhiên, chúng tôi chỉ thì thầm sau lưng ông. Lại nhớ, Xuân Quỳnh kể chuyện đi Liên Xô cùng Nguyễn Minh Châu và một nữ văn sĩ khác. Nữ văn sĩ  là người vốn kiểu cách. Nàng chê Nguyễn Minh Châu không biết trò chuyện, không biết cởi áo khoác, xách túi, kéo va-li cho phụ nữ… Một hôm, cả đoàn được mời đi tham quan viện bảo tàng. Nữ sĩ lên cơn đau tim, đòi ở nhà. Nàng bắt đoàn trưởng Nguyễn Minh châu ở nhà để theo dõi bệnh tình. Xuân Quỳnh đi một mình, lúc quay về thấy nữ sĩ nằm đắp chăn trên giường, còn Nguyễn Minh Châu  ngồi chồm hổm trên chiếc ghế kê bên cạnh, tay bó gối, mắt nhìn chăm chăm vào mặt người bệnh. Tôi ngờ rằng Xuân Quỳnh có thêm bớt chút ít nhưng những chi tiết đều phù hợp với tính cách Nguyễn Minh Châu, với cách cư xử có phần vụng về, nhất là đối với phụ nữ của ông. Vậy mà lạ thay, các nhân vật nữ của ông lại đẹp vô cùng. Quỳ ( Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) chẳng hạn. Đọc truyện rồi, tôi háo hức chờ đợi bộ phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, để có thể thấy Quỳ bằng xương bằng thịt. Tôi hơi bị hẫng, dù diễn viên chính là một người nổi tiếng tài sắc và chị rất được khen ngợi khi thủ vai Quỳ. Mọi sự có lẽ, một phần do độ chênh tất yếu giữa văn học và điện ảnh, phần khác, do cách hình dung của tôi về vẻ đẹp khác thường của người đàn bà mộng du suốt đời đi tìm cái đẹp tuyệt đối của Nguyễn Minh Châu. Lại nhớ, trong một trang văn nào đó của mình, Nguyễn Minh Châu cắt nghĩa: “tâm hồn nghệ sĩ- một tâm hồn vô cùng thính nhạy nhưng lúc nào cũng khép kín”. Ông đã giấu sự “thính nhạy” với cái Đẹp, nhất là cái Đẹp của người phụ nữ trước con mắt của người đời chăng?.  Ông đã chẳng từng để cho nhân vật của mình thốt lên “đàn bà phải chứa đầy nước mắt trong người mới là đàn ” đó sao.
Dịp thứ 3 là vào khoảng giữa 1987, khi tôi chuẩn bị dời vào Sài Gòn. Tôi không nhớ ai đã tổ chức chuyến lên công trường Thủy điện Sông Đà, chỉ nhớ trong đoàn có Nguyện Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu, Trần Chinh Vũ, tôi và con trai thứ 2 của tôi. Thủy điện sông Đà lúc ấy là một công trình lớn và thu hút sự chú ý của toàn xã hội, trong đó có giới văn nghệ (một số nhà thơ trẻ như Dương Kiều Minh, Giáng Vân, Nguyễn Lương Ngọc…còn “nằm vùng” tại đây trong một thời gian dài.) Ban lãnh đạo công trường dường như đã quá quen với các chuyến “ đi thực tế” ( một khái niệm chỉ việc đưa nhà văn về các cơ sở sản xuất, các nông trường, các hợp tác xã nông nghiệp…tìm hiểu đời sống người lao động để viết nên những tác phẩm theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa) nên việc đón tiếp cũng nhẹ nhàng: cử nhân viên đưa các nhà văn vào nhà khách, báo cơm ở nhà ăn chung, bố trí cho khách gặp một số kỹ sư, công nhân tiêu biểu và đưa khách ra công trường nhìn ngắm công nhân làm việc. Nguyễn Minh Châu tham gia tất cả các sự vụ, ngoại trừ việc ra công trường. Khi chúng tôi háo hức ra đi thì ông dứt khoát ở nhà cùng cậu con trai nhỏ của tôi. Cháu sợ ô tô, còn Nguyễn Minh Châu thì bảo:” ở nhà để hưởng điều hòa nhiệt độ”( Ở Hà Nội bấy giờ không gia đình bình thường nào biết đến loại máy móc kỳ diệu có thể khiến căn phòng mát lạnh giữa mùa hè nóng bỏng này). Tôi nghĩ đó chỉ là một cách nói vui. Có thể ông  không mấy thích thú với những chuyến đi thực tế có phần thô thiển. Mà cũng có thể, ông có cách riêng của mình. Nghe đâu, lúc vào chiến trường, Nguyễn Minh Châu thường mắc võng ở nhà ăn, trùm kín mặt, nằm nghe lính kháo chuyện nhà, chuyện chiến trận, những câu chuyện vô tư, không sắp đặt, bày tỏ hết những cảnh ngộ họ từng trải qua, những nỗi lo âu, nhớ nhung, chờ đợi của họ. Ông từng nói điều này trong tác phẩm của mình, qua nhân vật nhà báo trong thiên truyện Mùa trái cóc ở miền Nam :” Nhờ nghe hóng tôi biết được ối chuyện, tôi biết cả trong và sau trận đánh lịch sử cuối cùng ấy đã chứa đựng biết bao chuyện thật và chuyện giả dối đến mức đau lòng. Cái sự thật nghiệt ngã sẽ lắng đọng lại mãi mãi trong trí nhớ những thằng lính đang ngồi với tôi đây nhưng nay mai sẽ mỗi đứa đi một ngã, còn lịch sử viết thành văn bao giờ cũng trang trọng và sạch sẽ “. Và biết đâu, Nguyễn Minh Châu có cách nhìn nhận vai trò của tư liệu khác những nhà văn cùng thế hệ: đối với ông, tài liệu có thể chỉ  là một  phương tiện quá cảnh, dùng để chuyên chở tư tưởng, là cái trường hoạt động để tư tưởng có dịp triển khai mà thôi. (Tôi biết có những nhà văn luôn  kè kè giấy bút bên mình và cắm cúi ghi chép mọi sự việc, nhất là trong những dịp đi thực tế. Những cuốn sổ tay ấy xếp chồng lên nhau có thể cao hơn chiều cao của chính nhà văn nhưng các tác phẩm thì không nhiều giá trị).
Khi chúng tôi về vào buổi trưa, hai bác cháu đang “tham quan” căn tin của công trường. Nguyễn Minh Châu nhìn những giá gỗ bày hàng, trầm trồ: phong phú thật, còn cháu nhà tôi thì reo lên: mẹ ơi, có lốp xe đạp kìa. Thực ra thì dù được ưu tiên, hàng hóa cũng chỉ lèo tèo vài thứ vật dụng và một ít nhu yếu phẩm (vốn khan hiếm ở nơi khác, kể cả Hà Nội) như xà-phòng bánh, kẹo Hải Châu, nước mắm…Tôi mua mấy gói bột cam ( để pha nước uống) biếu Nguyễn Minh Châu. Ông nhận quà, vẻ rất vui:” chắc bà Doanh thích đây”. Doanh là vợ ông.
Tôi từng nghe nói nhiều về người vợ hiền hậu, tận tụy của ông nhưng mãi sau này, khi ông ốm nặng, khi chúng tôi lập một nhóm để lo việc in ấn các tác phẩm của ông*, tôi mới có dịp gặp và trao đổi công việc cùng bà.
Trong tủ sách của tôi còn giữ nhiều tác phẩm của Nguyện Minh Châu như Dấu chân người lính (tiểu thuyết), Miền cháy ( tiểu thuyết) , Mảnh đất tình yêu( Tiểu thuyết), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành( tập truyện )…Đặc biệt, tập truyện ngắn Bến quê với chữ đề tặng của Nguyễn Minh Châu và tập truyện ngắn Cỏ lau, xuất bản sau khi Nguyễn Minh Châu mất, với lời đề tặng của bà Doanh:” Xin thay mặt anh Nguyễn Minh Châu , kính tặng chị Ý Nhi, Hà Nội 27/10/1989. Nguyễn Thị Doanh”.

2. Những cuốn sách giấy đen, bìa vẽ sơ sài, chữ bị nhòe mờ, đứt gãy này ôm chứa trong chúng những truyện ngắn hay nhất, giá trị nhất của văn xuôi Việt Nam đương đại.
         Tôi  thực sự “mê” Nguyễn Minh Châu khi đọc truyện ngắn Bức tranh. Mặc dù ông không để thời gian viết ở cuối truyện, tôi nghĩ truyện phải được viết sau năm 1980, cùng thời kỳ với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành- thời kỳ  bắt đầu những thay đổi quan trọng của ông, thời kỳ chuẩn bị cho Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Cỏ lau, Phiên chợ Giát…những tác phẩm được nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh đánh giá đã thực sự “ thoát ra thành tiếng nói nghệ thuật”. ( theo Vương Trí Nhàn)
          Nhân vật chính trong Bức tranh là một họa sĩ. Trong chuyến đi vất vả đem tranh ra miền Bắc để tham dự triển lãm, họa sĩ được một người lính giúp đỡ rất nhiều. Cảm động vì sự giúp đỡ, họa sĩ  đã vẽ bức chân dung của người lính và hứa sẽ chuyển tận tay cho mẹ anh ta ở một vùng quê đang ngày đêm mong ngóng tin con. Thế nhưng, khi bức tranh được giới nghệ thuật đánh giá cao và ông được vinh danh, họa sĩ đã quên mất lời hứa. Trớ trêu sao, một hôm ông ghé vào tiệm cắt tóc bên đường  rồi nhận ra người thợ cắt tóc chính là người lính năm xưa và người mẹ của anh mắt đã lòa vì khóc thương con, đang dọn dẹp quanh quẩn. Trớ trêu hơn, khi người lính nhất quyết không chịu nhận ra người quen cũ, thản nhiên làm công việc của mình, chịu đựng sự cực nhọc của mình. Tưởng như sự “phớt lờ” của người lính là cái cớ để họa sĩ có thể đào thoát nhưng chính điều đó lại khiến cho những ngày tháng của họa sĩ như bị đảo tung lên bởi đau đớn, tủi hổ. Ông không thể trốn khỏi cái tiệm cắt tóc nghèo nàn trên vỉa hè ấy, không thể trốn thoát những gì ông đã gây ra cho người lính, cho người mẹ của anh.  Đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, tôi tìm thấy một nhân vật muốn vẽ bức chân dung tự họa để “tự đối diện với mình”, để “nhìn kỹ cái mặt mình”. Câu chuyện kết thúc khi tác giả mời người đọc nhìn ngắm bức tự họa: ” các bạn hãy thử tưởng tượng khuôn mặt của một người khách đang ngồi như bị đóng đinh vào chiếc ghế mộc của một cửa hiệu cắt tóc, với một tấm khăn choàng trắng buộc trùm kín ngực. Một cái mặt người rất lớn chiếm gần trọn bức tranh. Những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa cái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn và một nửa mái tóc đã cắt thoạt trông như một phần bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra. Khuôn mặt của người khách: một cặp mắt mở to nhìn trừng trừng vào luồng ánh sáng, một cái nhìn khắc khoải, bồn chồn, kinh ngạc và đầy nghiêm khắc. Phần bên dưới của khuôn mặt như vẫn đang được dấu kín dưới một cái mặt nạ: cái cắm, hai bên mép bị phủ kín bởi bọt xà phòng. Không thấy rõ cái miệng, chỉ trông thấy một vệt lờ mờ màu đen nổi bồng bềnh trên đám bọt xà phòng phồng to…Đó là khuôn mặt của mình, khuôn mặt bên trong của chính mình…Đó là khuôn mặt của tôi lúc ngồi trên chiếc ghế mộc, đầu kê trên thành chiếc ghế được lót bằng một khúc gỗ lõm có lót da và đang ngước nhìn lên, đối mặt với người thợ cắt tóc”.
           Bức chân dung này ám ảnh tôi đến nỗi, khi đọc ông, tôi cứ mải mê theo cái vệt của những khuôn mặt người, những dáng dấp người có phần khác thường ( nhân vật chính trong Cỏ lau phải mất rất nhiều công sức và thời gian mới tìm thấy khuôn mặt mình trong vô số những khuôn mặt khác chập chờn, trôi nổi trong thau nước thuốc hiện hình; nhân vật Quang trong Cơn giông : “nhìn bề nghiêng khuôn mặt hắn có một nét gì đó thật khó nắm bắt, quỵ lụy nhưng lại tàn ác, nhưng đầy quyến rũ; nhân vật Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam: khuôn mặt vuông vức lẫn trong khoảng bóng tối sau chiếc máy điện thoạinửa người trên mềm oặt như thân rắn nhoai về phía trước, nửa người dưới từ thắt lưng trở xuống vẫn cứng và thẳng đơ như một chiếc com-pa”; nhân vật Phi trong Cỏ lau: một bên bầu má của người thanh niên cứ như đang hóp dần vào, cứ như một quả khô héo, khiến cho nửa khuôn mặt chĩa về phía tôi như đang bị một bàn tay làm dị dạng…Tôi không còn thấy cái khoảng lõm vào dị dạng trên bầu má, trong một tích tắc tôi chỉ nhìn thấy đằng sau cái vẻ mặt lạnh lùng, một ánh mắt trách móc, và đằng sau sự trách móc, một phản ứng tự trọng”)… Cố nhiên, cùng với những khuôn mặt này, những dáng dấp này là những thân phận, những cảnh ngộ cũng “khác thường”.
Sớm nhận ra căn bệnh của văn học Việt Nam:” Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước. (Nguyễn Minh Châu, theo Vương Trí Nhàn), Nguyễn Minh Châu đã viết về cái hiện thực “đang tồn tại”, cái “đang là” chứ không phải cái “phải là”.  Đó là sự khác biệt với chính ông trước đó và với những tác giả khác đồng thời.  Văn chương của Nguyễn Minh Châu lúc này tựa như một thứ thuốc hiện hình, làm bật lên cái thật, cái bản chất của con người. Nó tựa như những lời của Phác trong Mùa trái cóc ở miền Nam : “… Tôi có cảm tưởng mấy lời của Phác ném vào mặt Toàn ban nãy như một thứ thuốc rửa biến ảnh âm thành ảnh dương. Mọi cái gì đang đắp đậy, vẻ lịch thiệp xã giao, thái độ mềm mỏng khiêm nhường, sự chịu đựng đều biến mất…khuôn mặt điển trai của Toàn bỗng phút chốc trở nên già cấc, quyết liệt và đầy ngạo mạn”.
    
             Đó là những lựa chọn đầy ý thức của một nhà văn biết hoài nghi, luôn đi tìm những gì còn khuất lấp, những bí mật của con người, nhà văn hơn một lần :” cảm thấy lòng mình bị thương tổn nặng nề, và hình như cả con người tôi tự nhiên bị ngập chìm trong lo âu, một nỗi lo âu sao mà lớn lao và đầy khắc khoải về con người (Mùa trái cóc ở miền Nam).
            Chính nỗi lo âu, khắc khoải đó đã tạo nên tác phẩm Phiên chợ Giát, thiên truyện cuối cùng của Nguyễn Minh Châu, lời từ biệt vừa cay đắng vừa huy hoàng của ông. Có thể nói, Phiên chợ Giát là kết quả của một chặng “đi tìm đường” để hiện đại hóa tư duy văn học của Nguyễn Minh Châu – một “quá trình làm việc tự nhiên song phải nói là rất vất vả của một người tự học” ( Vương Trí Nhàn).
Tôi đọc Phiên chợ Giát nhiều lần, (có khi chỉ nhân việc sắp xếp tủ sách, nhìn thấy tập Cỏ lau) mà lần nào cũng có cảm giác ngỡ ngàng sao đó. Tôi luôn cảm thấy mình chưa thấu hiểu thiên truyện, chưa thấu hiểu nỗi khắc khoải, sự bất an, niềm lo âu của nhà văn trước thân phận người, trước cõi người.
 Tôi tìm đọc những phân tích, những bình phẩm của người khác, trong đó có sự  bình giá của giáo sư Đỗ Đức Hiểu- một chuyên gia văn học phương Tây, người từng nghiên cứu và giới thiệu với người đọc Việt Nam những thành tựu văn chương và các trường phái phê bình văn học hiện đại, về thiên truyện này: “Phiên chợ Giát là một tâm trạng lớn, là những cảm xúc và những suy tư sâu thẳm, một văn bản đa thanh, một tác phẩm nghệ thuật mở, một bức tranh lạ lùng, gợi nhớ Biến dạng của Kafka ( ông Khúng hóa thân thành con bò Khoang đen), Ngày cuối cùng của một người bị kết án của  V. Hugo ( ngày cuối cùng của bò bị mang ra chợ bán để làm thịt) hoặc Người ở tầng hầm của Dostoievsky ( với những lời bộc bạch, hồi tưởng, đối thoại nội tâm của ông Khúng) hoặc Ông già và biển cả của Hemingway ( truyện là một độc thoại và một đối thoại triền miên…)-tức là Phiên chợ Giát có một tầm cỡ lớn. Nó là một chấn thương nhức nhối, một bức tranh với bao cảnh hoang vu, với nhiều mảng tối và những chấm đỏ màu máu, một bức tranh nhiều nét nhòe, nét này thâm nhập nét kia gây nhiều ảo ảnh, một sự thẩm thấu giữa hiện tại và quá khứ, giữa giấc mơ và sự thật, cái cụ thể và cái trừu tượng, độc thoại, đối thoại và lời người kể chuyện, giữa nhẫn nhục và tự do, những nét bút dữ dằn và thương yêu hòa quyện với nhau, xen lấn nhau, gây cảm giác dằn vặt, những cấu trúc đan chéo, chồng chất lên nhau biểu đạt những cuộc chia ly nhọc nhằn, đau xót…Nghệ thuật xây dựng Phiên chợ Giát, chủ yếu, là cách pha màu, cái pha trộn của những tâm trạng đối nghịch, là sự thâm nhập lẫn nhau của các chi tiết, là cái nhòe, cái mơ hồ, cái không xác định của các cấu trúc hình tượng…Phiên chợ Giát là một truyện mở; từ cái logic của ngôn ngữ trên bề mặt , truyện đi tới ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ biểu tượng, xiêu vẹo, những ảo giác, với những cơn sốc, những nghịch lý…đó là những ký hiệu riêng của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn này…” ( Đỗ Đức Hiểu/ Đổi mới đọc và bình văn/ NXB Hội nhà văn /1999). Đó là những nhận xét mới mẻ, thấu đáo và nhiệt thành. Nhưng dường như vẫn chưa đủ, dường như còn rất nhiều điều có thể nói, cần nói, phải nói về các tác phẩm của Nguyện Minh Châu.

3.Tôi có phần bất ngờ khi Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa xuất hiện trên báo Văn Nghệ vào năm 1987.( thường được gọi tắt là Lời ai điếu). Bất ngờ vì Nguyễn Minh Châu rất ít khi có những phát biểu liên quan đến các vấn đề mang tính lý luận, rất ít khi “lập ngôn”. Nếu có, thì chỉ trong nhóm bạn bè thật gần gũi, như Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khải. Nhưng bất ngờ lớn hơn vì bài viết xuất hiện sau khi Đề dẫn nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua. Phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới của Nguyên Ngọc ( thường được gọi tắt là Đề dẫn)vào năm 1979 và Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến ( cùng năm 1979) bị phê phán, mô xẻ, thậm chí vùi dập tơi tả. Trong một thời gian dài, người ta dường như “quên”  những vấn đề “ nhạy cảm” ấy và tưởng  sẽ không còn ai nhắc lại những vấn đề đã được Đề dẫn và bài viết của Hoàng Ngọc Hiến đặt ra. Vậy rồi, Lời ai điếu thổi bùng lên ngọn lửa vẫn âm ỉ trong tâm khảm những người thực tâm muốn thay đổi, muốn đổi mới.  Nguyên Ngọc, với cương vị Bí thư đảng đoàn – một trọng trách ở Hội nhà văn đã phải diễn giải, rào đón rất nhiều trước khi đưa ra những nhận định chính như: khoảng cách giữa văn học và đời sống còn khá xa; số phận riêng của từng con người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn; tính hiện thực của văn học bị hạn chế; nhiều sách mà không có tác phẩm; tác phẩm thì vẫn như trước, vẫn “hay’ như trước kia nó đã “hay” song hiện thực đã biến đổi khác trước; văn học “lặp lại những vấn đề cũ, trả lời những câu hỏi cũ, có thể trả lời khá hay nhưng vẫn là trả lời những câu hỏi mà hiện thực đã vượt qua rồi; sự thô thiển trong việc xác định chức năng của văn học dẫn đến “ dung tục hóa mối quan hệ giữa hiện thực và văn học”…Và, văn học không có tư tưởng, văn học đang trong “một tình trạng đáng báo động”, “ văn học đang có vấn đề”… Hoàng Ngọc Hiến với lối phê bình triết luận, đã phải vận dụng những phạm trù mỹ học như cái Cao cả, cái Đẹp  …để phân tích thực tiễn văn học và đưa ra khái niệm “ Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, chứng minh cho tình trạng lạc hậu, thậm chí lệch pha của văn học so với đời sống.
Nguyễn Minh Châu, trong  vị thế  một nhà văn độc lập, không ngần      ngại chỉ thẳng ra căn bệnh trầm kha của nền văn học Việt Nam hiện đại. Đó là lớp nhà văn “ được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng…họ cầm bút là nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó…cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này- buồn thay- các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!. Với cách viết ấy, đương nhiên chỉ có thể đẻ ra những tác phẩm minh họa: sơ lược, nhạt nhẽo, giả. Đó là “sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài”. Và :” tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động…” . Điều kinh khủng nhất là nhà văn đã quen với lối nghĩ, lối viết ấy, đã tự nguyện khuôn mình “trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp”, đã “thích nghi với văn học minh họa”, nếu có lúc nào cảm thấy bức bối lại “tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự hạ chiều cao cho thấp để khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia”. Sự chấp nhận ấy đồng nghĩa với việc  nhà văn đánh mất cái đầu và tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng “ như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp”. Ông đau đớn thốt lên:” chúng ta thiếu vắng những cây thông đứng sừng sững”; “ cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ”. Tôi biết mình đã dẫn hơi nhiều Lời ai điếu nhưng tôi không thể dừng lại trước dòng chảy sôi cuộn, cay đắng mà đầy cảm hứng này. Nếu không ghi lại những lời này trong bài viết về ông sẽ là một thiếu hụt lớn trong bức chân dung Nguyễn Minh Châu. Gần 30 năm trôi qua mà tôi vẫn nghe thấy câu hỏi :” Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? chẳng lẽ nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên là Nhà văn Việt Nam…” và sự tiếc nuối quặn lòng:” giá mấy chục năm qua văn nghệ không lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các nhà văn nghệ sĩ mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng …không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi  lại là những cái, những người còn lại” .
 Khi ngồi viết lại những dòng này lòng tôi vẫn tràn ngập niềm cảm thương và niềm kính trọng con người tuyệt vời này. Trước và sau Nguyễn Minh Châu, trong suốt 70 năm qua chưa có nhà văn Việt Nam nào cất lên tiếng nói quả cảm, quyết liệt, cay đắng, nồng nhiệt như ông. Không phải vô cớ mà có người gọi bản tuyên ngôn văn học đặc sắc này là Trảm văn nghệ minh họa sớ, gợi nhớ đến Thất trảm sớ đầy nghĩa khí của Chu Văn An. Nguyên Ngọc đã hoàn toàn đúng khi gọi Nguyễn Minh Châu là :” Người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất”.
Tôi đã viết bài thơ Nhà văn Nguyễn Minh Châu sau khi ông mất ít lâu:
                       Tự thức tỉnh
                       điều chỉ có nơi một lương tâm trong sạch

                        Tự lìa bỏ
                        những giá trị đã một thời xây đắp
                        (điều chỉ có nơi một người hoàn toàn mạnh mẽ)

                        Tự bước khỏi lối mòn
                        ( cái lối mòn từng dẫn tới vinh quang)
                        điều chỉ xảy ra với một tài năng

                        Bừng sáng
                        giữa bao nhiêu ràng buộc
                        tối tăm

                        Bừng sáng
                        giữa bao nhiêu hiềm khích

                        Bừng sáng
                        Gương- mặt- người-kêu-gọi.
                                                  1990                    

         Giờ đây, khi những hoạt động văn học vẫn chịu thành kiến, ràng buộc, khi cái hành lang hẹp và thấp kia vẫn hiện hữu (dưới những  hình dạng khác hoặc vô hình vô dạng), tôi lại nghĩ, giá chi còn anh Châu. Chắc chắn anh Châu sẽ đứng bên chúng tôi, anh sẽ khuyến khích chúng tôi, sẽ bảo vệ chúng tôi, không chỉ bằng những tác phẩm của mình.

Sài Gòn 9/2015.
Ý Nhi.

*Trích thư Lại Nguyên Ân gửi Ý Nhi về việc cùng nhau lo xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu: “ Mình nói một chút về nhóm Nguyễn Minh Châu: …Không biết ở Sài Gòn thế nào chứ ngoài này bọn họ cũng phá dữ lắm. Các đồng nghiệp ở 4 Lý Nam Đế không tiếc lời chửi bới bọn ta. Chị Doanh cũng chịu rất nhiều sức ép. Có chuyện 1 cô ( quân nhân trong thành) đến gặp chị Doanh, dèm pha ( chắc được phân công!), nói xấu nhóm, đặc biệt là nói xấu 3 thành viên nữ của nhóm ( Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Ý Nhi-YN). Chị Doanh đã bình tĩnh và từ tốn ( nhưng kiên quyết) trả lời, nói rõ thiện chí và sự trong sáng của nhóm. Tên của mình, Nhàn và Thảo ( Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo-YN) là câu rủa đầu lưỡi của đám người ở nhà số 4. Thế đấy. Mình và Nhàn vẫn “phập phồng” cho số phận của nhóm, mà cái hiện thực của nó là việc in mấy cuốn cho anh Châu. Hiện giờ mình đang tổ chức tập Trang giấy trước đèn( Tiểu luận). Cuối năm đưa in được thì tốt quá…
( Thư đề ngày 31/5/1990, đã in trong Một thoáng xuân Hà Nội)
                
                                          
 

No comments:

Post a Comment