Trịnh
Thanh Thủy
Tác phẩm Phạm Công Thiện
Photo Đinh Cường
Sáng
nay tôi nhận được một điện thư báo tin Phạm Công Thiện đã mất. Lòng tôi bỗng
dấy nên một nỗi chơi vơi, hụt hẫng nào đó. Nghe như mình vừa mất đi một vật gì
quý báu. Tôi tự nhủ “Ông đi nhanh thế sao?” Dường như tôi vẫn thấy ông ở đâu
đó. Dù lần đầu gặp ông cũng là lần cuối cách đây hai năm ở chùa Viên Thông,
trong một buổi giảng pháp nhân dịp Vu Lan. Cái khoảng cách thời gian ấy như con
sông cạn, thâu ngắn ký ức tôi. Tôi tưởng như còn thấy cặp kính trắng và giọng
nói nào vang âm chừng mực, vừa đọc vừa giảng OM MANI PADME HŪM (Châu báu trong
hoa sen).
Ngài Quán Thế Âm Đại
Bồ Tát lúc nào cũng có mặt mỗi lúc chúng ta tha thiết kêu gọi danh hiệu Ngài
hoặc mỗi lúc chúng ta trì đại thần chú OM MANI PADME HŪM. Đức Phật Thích Ca hãy
còn hoá thân thị hiện là Bồ Tát, nhưng trong giây phút hiện tại này Quán Thế Âm
vẫn linh hiện liên tục cho đến lúc nào chúng sinh vẫn còn đau khổ, vẫn còn bị
trói buộc trong bao nhiêu sợ hãi khổ nạn... Chỉ Xưng danh Quán thế Âm Bồ Tát
một lần; chỉ nhớ tưởng Quán Thế Âm Bồ Tát một lần; chỉ nói OM MANI PADME HŪM
một lần thì Hạt Giống Nẩy Mầm thành ra cả đại ngàn bông trắng, cả vô số vô
lượng bông sen đủ màu ở cõi Cực Lạc.
(Trích
bài giảng “Do sức niệm Quan Âm như mặt nhựt treo không” của Phạm Công Thiện
tại
chùa Viên Thông, Bell Flower, California, ngày 1 tháng 11, 2009)
Những
lời giảng của ông đẹp như cánh bướm, bay lượn trong trí tôi nở ra vô vàn đoá
cẩm chướng trắng, lác đác những hạt mầm. Mani là biểu hiện của con đường đến
thân thể hư không, Padme là biểu hiện của con đường dẫn đến trí tuệ tịnh quang.
Ôi những câu thần chú chữ phạn, đó là con đường dẫn tới trí tuệ tịnh quang (clear
light) hợp nhất với thân thể hư không (illusory body).
Ông
giảng Mật Tông mà như đang đọc thơ. Lời niệm Quán Thế Âm làm toả sáng đức
Lục-Ngọc-Quang Quan Âm (Green Tara), Bạch-Ngọc-Quang Quan Âm (White Tara),
Hồng-Ngọc-Quang Âm (Red Tara). Những Quan Âm chập chờn màu sắc như áo lụa cô
gái áo vàng quẩn quanh trong trí Phạm Công Thiện năm nào, ngày ông vào tịnh
thất. Mỗi lần nghĩ tới ông tôi lại nhớ tới đoạn văn kể chuyện của Nguyên Sa
trong “Bài Tựa Riêng” viết cho Văn năm 1985, số 38:
Mười mấy năm trước, thi
sĩ họ Phạm đã vào tịnh thất một lần, bạn ta ở đó được hai năm cho đến một buổi
chiều, tiếng cười của thiếu nữ nào vọng lên từ sân chùa, thi sĩ động tâm, hé
cửa nhìn xuống, tịnh thất khép lại phía sau.
Mười
mấy năm sau, ông lại diện bích ba năm, ba tháng, ba ngày. Ông tách biệt khỏi
thế gian, không nhìn, không nói, không đập phá, không say sưa, không nổi loạn,
không khật khưỡng, không sân si. Ông trầm mình trong cõi lặng đến nỗi Nguyên Sa
nhờ Thượng Toạ Thích Mãn Giác (nay đã quá cố) đưa giùm một bài thơ “Nói chuyện
phải quấy với Phạm Công Thiện” qua khe cửa:
Người vào tịnh thất
sống ba năm
Cất tiếng không lời
để nói năng
Buổi sáng thinh
không, chiều tới chậm
Tiền kiếp chen vô
cạnh chỗ nằm
...
Bao
nhiêu năm sống, Phạm Công Thiện đã sôi nổi cùng bè bạn, rong chơi đủ đầy từ cực
đoan này sang cực đoạn khác. Ông dạy học, làm thơ và vẫy vùng trong những vũng
tư tưởng, hố thẳm không đáy của Sartre, Rimbaud, Henry Miller, Duras, Eliot,
Williams...
Bấy
nhiêu năm ông đã nhiều lần lặng yên thiền tĩnh tâm ở chùa, ở mật thất, ở
Houston, ở thành phố mà ông gọi đùa là Mất Thiên Thần (Los[t] Angeles). Ông
quán tưởng Mật tông, quán tưởng Tara xanh, trắng, đỏ và phóng tâm trí lên phủ
cả bầu trời một cái hĩm đàn bà vĩ đại bao trùm cả càn khôn vạn đại và thiên thu
đại kiếpđể nghe tiếng cười của các vị bồ tát. Tôi không biết trong tiếng ngọc
lưu ly trong veo ấy, ông có nghe được tiếng cười của người con gái hoa cúc động
tâm ông năm xưa không? Không biết trong cuộc lang thang suốt đêm dài trên quả
đất ông có quên được hình bóng người con gái trăng rằm Tây Dương của Duras mà
ông tưởng tượng không?
Còn
bao nhiêu tiếng tâm động ở lồng ngực phì nhiêu bao la ấy hở ông?
... tiếng ho của cô
nường, tiếng đập tim, tiếng lá cây phong reo, tiếng Địa Trung Hải, tiếng Đại
Tây Dương, tiếng Thái Bình Dương, tiếng trùng dương, tiếng sông Garonne, tiếng
sông Lot, tiếng sông Seine, tiếng sông Isère, tiếng sông Isar, tiếng sông
Danube, tiếng sông Nhị Hà, tiếng sông Hương, tiếng sông Cửu Long, tiếng yêu,
tiếng em, tiếng thương, tiếng nhớ, tiếng Hoài, tiếng Hương, tiếng Nga, tiếng
Phượng, tiếng Chinh, tiếng Khánh, tiếng Dung, tiếng Ly, tiếng Nguyệt, tiếng
Thu, tiếng Ngọc, tiếng Cầm, tiếng Uyên, tiếng My, tiếng Véronique, tiếng
Françoise, tiếng Isabelle, tiếng Agnes, tiếng Laura, tiếng Dương Quý Phi, tiếng
nường Thái trắng, Thái đen...
(Trích
“Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong”, 1985)
Tôi
thích nhìn ông dưới mắt nhìn thi sĩ, dưới những cơn địa chấn đầy sân si của con
người trần tục hơn. Ngay từ thuở còn thanh niên, cái động trong bản ngã ông hiện
diện cùng khắp. Nó cho ra đời một Ngày Sanh Của Rắn.Trong tập thơ đầu làm động
một thế hệ, cái tôi của ông lao xao trong suốt tập thơ.
tôi đứng trên đồi mây
trổ bông... tôi nằm cho rã chiếu cạp điều... tôi chấp chới... tôi bay trên
biển... tôi đi đông chìm... tôi về... tôi hiện... tôi nhớ một lần cây quế
mọc... tôi mửa máu đen... tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng... tôi thủ
dâm thượng đế sinh ra loài người... tôi nuốt nọc đen... tôi mặc... tôi gọi
hương và tôi chết giấc... tôi chạy... tôi long đong... tôi nghe... tôi ca
hát... tôi nuốt... tôi đau... tôi yêu... tôi cúi đầu trong hầm cà phê... tôi
thấy việt nam ngang tàng... tôi không nghe...
Phạm
Công Thiện trong mắt nhìn Mai Thảo là một ồn động không bút nào tả xiết. Ông là
một thiên tài say hùng dũng giơ cao cánh tay, tự dành những lời châu ngọc nhất
về tài năng xuất chúng, về tâm thức cự phách khơi khơi riêng tặng cho mình. Ông
tôn vinh chính ông là nhà thơ lớn nhất thế giới, lẫy lừng hoàn vũ; Sartre,
Camus cho đi quét đường hết. Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm là những tên nào vậy, tao
liệng vào sọt rác hết cả thảy Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh. Vì thế sau
này, khi một người bạn gọi tôi để giới thiệu tôi với ông qua một buổi điện đàm.
Tôi cũng không ngạc nhiên khi nghe qua đầu dây tiếng ông vang vang hỏi bạn tôi
“Trịnh Thanh Thủy là đứa nào đó?”
Ngoài
những ồn ã tếu nghịch ngông cuồng, bất cần đời trong những huyên náo bè bạn,
các cơn “động” địa chấn lớn trong thơ ông phát nổ, phát sáng và cháy cả “em”,
tiêu cả thinh không, làm chết thiên tài, làm tỉnh cơn mộng dài sau tiếng đại
hồng chung.
Về đi thôi rắn cắn
Đại Không
Phù chú bay rợp cả
Phương Đông
Phương trượng bay ai
vừa tỉnh mộng
An Ma ni bát di hồng!
Om mané padmé hum!
Om ah Hum! Om Ah Hum!
Sấm vừa nổ cháy cả
thinh không
Gió mùa xưa nổi đoá
sen hồng
Hắt hiu em chết bên
kè đá
Anh vụt hiện về trên
biển đông.
...
(Trích
“Thơ sấm kè đá quán tự tại”, 1985)
Trong
chúng ta, ai cũng biết khi một sự thân yêu mất đi, không có sự thân yêu nào
thay thế được. Có phải chúng ta vừa mất đi một tiếng cười sảng khoái, một hơi
thở thơ ca ngất ngây, một đoá sen thiện tâm kỳ thú hay một con rắn Nam phương?
Chúng ta đã có một nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, đại đức, cư sĩ, nhà thơ,
nhà văn mà đôi lúc bút pháp của ông, tôi nghe chừng như đang vẽ lên màu hồng
sắc tía đủ hình dạng của một bức tranh lắp ghép (collage).
Giấc nồng nặc, rượu
vàng đêm hai mươi chín tết. Đường hẻm khu xóm tuổi nhỏ. Đường lót gạch rong
rêu, vách tường ai vẽ hình tục tĩu. Tuổi dậy thì tọc mạch. Linh thiêng đâu đó
sân khấu cải lương, lựu đạn nổ, máu chảy, người chạy mất. Đương đầu với những
tử thi, cây đa, bến cũ, đường xe lửa bị giựt mìn... Hồi quang, phản ảnh vài
chục kiếp người, thời gian, tiếng xôn xao và nước chảy. Lùng bắt đôi ba câu
huyễn mộng, thực thế thì chỉ có thế. Thế thì thôi, gió nước. Cô phong độc tú,
không gian trong gian phòng, không gian trong thời gian, thời giờ...
(Trích
Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, 1988)
Tôi
có vài người bạn tỏ ý không hiểu ông nói gì trong thơ. Họ bảo thơ ông như bùa
chú, nó chập chùng những con chữ, âm điệu nhịp nhàng nhưng nó cũng mù mù sương
ẩn. Thơ ông thường dài như loại trường ca:
Mùi con gái hươu nai
bộ lạc
Những con lạc đà âm
thầm chở kinh băng qua sỏi đá
Cù Lao Rồng ngày
tháng phôi pha
Hà Hương trôi đi Hà
Hương ở lại
Tên một người con gái
tương lai
Không hề gặp trong
đời
...
Hương Hà ta ra bên
sông chơi
Thời oanh liệt thơ
bay rợp miễu
Mai Thảo buồn sát na
phiếu diễu
Nghiêm Xuân Hồng đan
dệt quang minh lướt đỉnh tịch liêu
Ngày xưa thi sĩ thả
diều
(Trích
“Trường ca cù lao rồng”, 1985)
Bảy
mươi mốt năm ngang tàng như gió lộng, cháy hừng hực tựa lửa dung nham, đi về
như sao băng cùng trời cuối đất. Ông lúc nhập thất, lúc chân nam đá chân xiêu
say ngất ngây, khi phát ngôn bừa bãi gây sự với mọi người như lời kể của Mai
Thảo. Ông đã đi trong thế giới hàng ngàn tiếng động, để tâm chao theo từng sát
na nhiễu nhương cuộc đời. Ông đã ngồi thiền nghe chim hót quanh mình, nghe thân
động, tâm động, tình yêu động. Nhưng phút cuối trên tất cả đỉnh cao là lặng
yên, ông đã yên lặng đời đời.
TTT
(Nguồn: Tác giả và tác
phẩm. Phí Ngọc Hùng)
No comments:
Post a Comment