Huyền
Chiêu
Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn
Thuở bé, đọc Tây Du Ký tôi rất thích đoạn
tả vua khỉ Mỹ Hầu Vương (Tôn Ngộ Không sau này) nằm dựa thành cầu ngủ say sưa
trên đường về, sau một chầu nhậu với bạn bè gồm vua của các loài thú. Trong
giấc ngủ, Mỹ Hầu Vương bỗng thấy có hai tên quỷ sứ đến mời đại vương khỉ đi
chầu…Diêm Vương.
Gặp Diêm Vương, vua khỉ hỏi :"Diêm
Vương mời ta đến đây có chuyện chi?”
Diêm Vương đáp: “Đại vương đã tới ngày
tận số nên không còn được sống trên dương thế. Đại vương phải xuống âm ty để
chờ xét xử. Nếu đại vương ăn ở hiền đức, đại vương sẽ được tiếp tục đầu thai
làm khỉ. Nếu ăn ở ác nhân, ác đức, đại vương sẽ bị trừng trị ở chín từng địa
ngục, sẽ bị cưa hai, bị nấu dầu, bị cắt đuôi, cắt lưỡi…”
Mỹ Hầu Vương rụng rời tay chân thầm nghĩ
:"Chẳng lẽ từ nay ta không còn được đánh đu, rong chơi, bơi lội … làm
vương làm tướng lũ khỉ nhỏ nơi Thủy Liêm Động thân yêu?”
Bọn Diêm Vương này là ai mà dám xét xử
ta. Vốn thông minh, Mỹ Hầu Vương biết lúc này mình phải tỏ ra nhún nhường:
"Có gì làm bằng chứng rằng ta đã
tới số ?”
Diêm Vương sai thư ký mang ra cho Mỹ Hầu
Vương xem một quyển sổ dày ngoài bìa ghi “Hộ Tịch Loài Khỉ”, trong đó có ghi
rành rành Mỹ Hầu Vương ngày, tháng đó là phải chết.
Vua khỉ giả bộ liếc ngang qua rồi bất
ngờ xé toang quyển sổ.
Mỹ Hầu Vương nằm ngủ trên cầu mấy ngày
bỗng tỉnh dậy. Bọn khỉ nhỏ vui mừng hò reo khi Đại Vương của chúng kể lại câu
chuyện chầu Diêm Vương và cho biết rằng từ nay loài khỉ được miễn dịch với cái
chết.
Mấy ngàn năm sau có một người cũng nằm
ngang thành cầu mà ngủ, mặc cho người qua kẻ lại dòm ngó, mặc cho nắng chiếu
xiên trên mặt. Người ấy tên là Bùi Giáng. Có lẽ những câu thơ sau được làm
trong những lúc ông thơ thới nằm ngủ bên cầu:
“rụng rời dĩ vãng xô
ngang
Kết thành tố mạch đôi
đàng chia nhau
Nửa xin để lại bên
cầu
Nửa xin trường mộng
nhiệm màu mang đi”
(1)
Từ ngàn xưa thi nhân đã luôn trải hồn
thơ lên những chiếc cầu:
Cảnh tiễn đưa bên cầu lúc nào cũng buồn
và đẹp hơn ở siêu thị hay bến xe đò:
“Ngòi đầu cầu , nước
trong như lọc,
đường bên cầu cỏ mọc
còn non
Đưa chàng lòng dặc
dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa,
thủy khôn bằng thuyền” (2)
Buổi chiều trong thơ Nguyễn Du sao êm
dịu đến vậy khi có bóng dáng một cây cầu:
“Dưới cầu nước chảy
trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng
chiều thướt tha”.
Nhưng
các nhạc sĩ mới là những người mê cầu nhất.
Hãy nghe Văn Cao mô tả niềm hạnh phúc
lần đầu đón bước chân nàng tìm đến:
“nhà tôi bên chiếc
cầu soi bóng
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng
Họp đàn trên khắp bến
xuân”
(3)
Bài hát “Bên Cầu Biên Giới” của Phạm
Duy thì lại mang đến cho ông tai họa.
Theo lời ông kể trong một hồi ký, Bên Cầu Biên Giới được sáng tác tại Chợ
Neo, năm 1948, mô tả mối tình say đắm của ông với một cô ca ve tuyệt đẹp đã
hoàn lương. Vì bài hát này ông bị kiểm điểm tơi tả và có lẽ vì không được tự do
sáng tác, ông bỏ kháng chiến, tìm cách vào Nam.
Chẳng phải bài “Trăng Rụng Xuống Cầu”
đã đưa Nguyễn Hữu Thiết lên hàng nhạc sĩ được yêu thích một thời ?
Ngày xưa chưa có nhiều sắt thép, chưa
phát minh ra xi măng nên loài người chỉ có thể bắc những nhịp cầu nho nhỏ.
Những cầu ván cũ kỹ, những cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi thân quen, gần gũi
với khách bộ hành biết bao.
Cầu thường cao hơn mặt đường nên khi
đi qua cầu người ta thường đi chậm lại và được nhìn thấy nhau nhiều hơn. Cầu
bao giờ cũng là nơi mát mẻ nên các chàng trai, cô gái thường hay ra cầu để hóng
gió hay để chờ đợi ai đó , làm sao mà biết được.
“Ngày đó trên chiếc
cầu, em nhớ chăng?
Một chiếc áo dài màu
trắng xinh xinh
Một nụ cười, mời anh,
đưa em vào đời
Và từ đó hai đứa mình
quen nhau"
(4)
Những cây cầu dài đến mấy cây số thời
văn minh hầu như không mặn mà với thơ nhạc như thời “Ví dầu cầu ván đóng đinh”.
Thật lạ. Những cây cầu dây văng lộng
lẫy và tuyệt đẹp mới mọc lên ở nước tôi không gợi cho người ta một niềm tự hào
dân tộc mà khiến cho người ta nghĩ đến cái chết.
Tin trên báo, cho đến nay đã có 42
người nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
Buồn quá!
Không còn cảnh chờ phà để có cớ chuyện
trò rôm rả, không còn nữa những giây phút được thấy cuộc đời trôi đi bình yên,
chậm rãi.
Xe chạy vun vút trên cầu đưa ta về nhà
nhanh hơn nhưng biết đâu cũng đưa ta về quá sớm với những tuyệt vọng , rối ren
chưa kịp phân giải.
Tôi vốn sợ tốc độ. Một thời báo đăng
tin, Việt Nam dự tính mua tàu siêu tốc của Trung Quốc để người dân có thể ăn
sáng, uống cà phê ở Hà nội rồi ăn trưa ở Sài Gòn
Nghe mà ớn lạnh.
Bỗng nhớ và ngưỡng mộ họa sĩ Hoàng Lập
Ngôn với chiếc xe ngựa đưa ông cùng gia đình và bạn bè lãng du từ Bắc chí Nam.
Chiếc xe ngựa được họa sĩ thiết kế như một ngôi nhà gọi là “Nhà Lăn Mê Ly” vừa
là phương tiện di chuyển, vừa là phòng triển lãm di động vừa là nơi hội họp bạn
bè.
Ôi! Một thời lãng mạn, đáng yêu quá
chừng:
“Ồ mê Ly đời sống với
cây đàn
Tình tình tang dạo
phím rồi ca vang”
(5)
Rồi mấy cái hầm nữa chứ!
Trời ơi! Tôi ghét mấy cái hầm quá đi
thôi.
Khi những cây cầu dây văng thay thế cho
phà Mỹ Thuận, phà Rạch Miễu, tôi tiếc cái cảm xúc khi đứng trên phà, nhìn những
mảng bèo lục bình trôi trên dòng nước mênh mông.
Nhưng dầu sao khi xe qua cầu, mình vẫn
còn nhìn thấy trời nước, làng mạc xa xa.
Chuyến lữ hành còn ý nghĩa gì khi xe
chui qua hầm chứ không chạy ngang qua đèo Cả, Đèo Hải Vân, Đèo Ngang ?
Chẳng lẽ ngày nay người ta tất bật kiếm
tiền để được hẹn nhau ở Thái Lan, Singapore chứ không còn muốn hẹn nhau ở Cầu
Ngói Thanh Toàn (6)? Chẳng lẽ ngày nay người ta ngồi với nhau ở Cà Phê tầng 68
chứ không còn thích ngồi “Bên Dòng Sông Trẹm”? (7)
Chẳng lẽ ngày nay người ta chỉ biết chúi
mũi nhìn vào màn hình Ipad chứ không thèm nhìn nhau để thấy lòng rưng rưng khi
cùng nhau nhìn ngắm những con đường cây cỏ chen nhau, cheo leo qua vách núi khi
chiều nắng xế, rồi nhìn thấy mấy chú tiều lom khom gánh củi, rồi ngâm nga:
“Nhớ nước đau lòng
con “Quốc Quốc”?
(8)
Huyền Chiêu
18 tháng 9- 2016
(1)
Hôm Qua Mộng- Thơ Bùi Giáng
(2)
Trích Chinh Phụ Ngâm
(3)
Bến Xuân- Văn Cao
(4)
Ngày đó (Nhạc và lời của Jo Marcel)
(5)
Ô Mê Ly-Văn Phụng
(6)
tên một cây cầu cổ nhỏ bé ở Huế.
(7)
Tên một tác phẩm của nhà văn Dương Hà (1952)
(8)
Thơ Bà Huyện Thanh Quan
No comments:
Post a Comment