Nguyễn Thị Huế Xưa
Cây ngọc
lan
Nguyễn
Thị Huế Xưa bên cây ngọc lan
Dưới ánh đèn màu
chập chờn trong khung cảnh một hội trường được trang trí giản dị của một trường
trung học nhỏ ở thành phố, khuôn mặt rất khả ái của người ca sĩ với mái tóc ngắn,
đôi mắt to buồn, mười ngón tay dài vuốt ve những sợi dây tơ của chiếc đàn guitar, và giọng hát thanh thoát, cao
vút đã tạo rất nhiều cảm tình cho khán giả tham dự tối nay. Riêng với Vũ thì
chàng không để ý gì đến tiếng nhạc mà chàng lại nhìn vào đôi nạng gỗ nằm bên cạnh
chiếc ghế ngồi và trí óc thì nghĩ ngợi đến cái tên hơi lạ của người ca sĩ, Khuyết
Lan. Vũ ngẩng đầu lên nhìn chăm chú vào khuôn mặt của nàng, chàng ngồi ở hàng
ghế đầu cho nên rất dễ quan sát. Không có một chút gì quen thuộc trên khuôn mặt
đó đối với Vũ nhưng sao chàng có một cảm giác gần gũi lạ lùng, chàng nhớ là dường
như cái tên Khuyết Lan chàng đã nghe đâu đó một vài lần. Vũ lắc đầu, chàng tự
nhủ là mình lại tưởng tượng mông lung, chàng trở về với thực tại khi tiếng hát
của Khuyết Lan cất lên với một bài hát mà chàng rất yêu thích...những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng
như mây... có chút tình thoảng như gió vội...(TCS)...
Vũ bất chợt thấy lòng mình chùng xuống, có một giọt nước mắt nhỏ đang làm ướt
khoé mắt chàng, Vũ vội vàng cúi xuống giấu nỗi xúc động trong vòng tay áo.
Đã hơn mười năm
nay đời sống của chàng từ từ khép kín kể từ ngày những hẹn hò đã là quá khứ với mùi hương Ngọc Lan còn mãi
trong tâm tưởng. Chuyện tình của chàng đẹp và buồn như những chương tiểu thuyết
mà đến chương cuối cùng người đọc vẫn hoang mang vì những dấu chấm trong chương
cuối không đưa đến một kết cuộc, một dứt khoát, một giải thích về một tan vỡ buồn
đau. Chàng và Ngọc Lan quen nhau năm năm, những giây phút hẹn hò, những ngày
bên nhau là những giây phút hạnh phúc ngà ngọc. Ngọc Lan ngoan, hiền, và trí thức, nàng đã sẵn
sàng đi bên cạnh cuộc đời bấp bênh của chàng trong một thời gian rất dài, nhưng
có lẽ khi đang ngợp lặn trong khối hạnh phúc miên man của cả hai chàng đã không
nhận thấy sự kiên nhẫn vô biên của Ngọc Lan. Đối với Vũ, chàng nghĩ tình yêu, tương lai lứa đôi đã là
sự hiểu ngầm giữa hai người, không cần hẹn ước, giải thích, mà là một đương
nhiên và khi thời gian cho phép, chàng sẵn
sàng chào đón nàng vào cuộc đời đơn độc của chàng. Khi Ngọc Lan quyết định ra
đi là khi Vũ mới hiểu được mặc dù yêu chàng tha thiết nhưng Ngọc Lan đã cảm thấy
hụt hẫng, chới với trong cuộc tình dài rất mông lung. Vũ luôn quan niệm rằng
trong tình yêu dù là tình yêu không vẹn toàn nhưng không ai có lỗi cả, có chăng
những thay đổi trong tình cảm biến hiện tại thành ngày xưa, năm xưa, hay người
xưa một cách rất vô tư, cho nên chàng không trách nàng bằng trách mình và vẫn
thầm nguyện ...đường dài hạnh phúc cầu
chúc cho người (PD). Nàng xứng đáng có được một đời sống êm đềm với hạnh
phúc nàng hằng mơ ước.
Từ ngày quen với
Ngọc Lan, hai lối đi vào sân sau nhà của Vũ xum xuê những cây hoa Ngọc Lan xanh
mướt. Nhờ khí hậu mát mẻ cho nên những
cây Ngọc Lan chàng trồng lên rất mau và
nở đầy hoa thơm ngát. Có những đêm trăng chàng cùng Ngọc Lan ngồi uống
trà ở sân sau và cùng tận hưởng mùi thơm nhẹ nhàng của hoa toả khắp không gian
và hơi thở rất nồng nàn, gần gũi của nàng trên bờ vai rắn chắc của chàng. Hạnh
phúc ôm choàng cả hai người, hạnh phúc tưởng như sợi dây ràng buộc hai cuộc đời
với nhau trong khoảnh khắc, trong phút giây. Nhưng rồi hạnh phúc tan theo hư ảo, hạnh phúc đem
đau thương vào trái tim chàng khi mỗi tối mùi hoa Ngọc Lan phảng phất qua cửa sổ
khiến tâm hồn chàng thổn thức và tâm trí chàng choáng váng với kỷ niệm dường
như mới hôm qua. Chàng vẫn thường hái một
vài chiếc hoa cánh mỏng, mang vào thả vào trong bình nước thuỷ tinh nhỏ trên
bàn ăn để mỗi sáng, mỗi chiều chàng âm thầm luyến tiếc mùi hương yêu thương
ngày cũ.
Một thời gian rất
lâu Vũ sống trong cô đơn, chàng xa lánh bạn bè, chàng trốn tránh đám đông vì
nơi đâu cũng vương vấn bóng dáng dịu dàng, hiền lành của Ngọc Lan. Tối nay, nể
lời người bạn chí thân, cũng là người tổ chức buổi văn nghệ đơn sơ, nhằm gây quỹ
giúp cho các em khuyết tật hoặc mồ côi nhưng hiếu học của một nhóm thiện nguyện
ở Việt Nam nên Vũ mới đi dự chương trình nhạc này. Chương trình nhạc do một số
ca sĩ khuyết tật từ VN qua trình diễn, thêm vào phần giúp vui của các ca sĩ địa
phương. Vũ đảo mắt lên sân khấu, Khuyết Lan đã hát xong mấy bài, mặc dù có thêm
lời yêu cầu, nàng xin phép nhường lại sân khấu cho một ca sĩ khác và hứa sẽ trở
lại sau phần hai của chương trình. Nhìn nàng thong thả lấy cặp nạng và đi chậm
xuống bậc sân khấu, Vũ cảm thấy có một sự xốn xang rất mơ hồ trong lòng.
Khuyết Lan trở lại
như đã hứa, Vũ đăm chiêu nhìn nàng, tiếng hát cất lên như một lời tự tình, an
phận...sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình, đường quen không tới,
tìm nhau ngại ngùng, chỉ vì đời mình, chưa có bình minh… (LP). Vũ
nghĩ tới đời sống đúng nghĩa một mình của chàng rồi cảm thấy tủi thân nhưng chỉ
trong một thoáng chàng nhìn Khuyết Lan và lại trách mình ích kỷ, bi quan. Khuyết
Lan ngồi hát mê say với cây đàn trong tay, dường như chung quanh nàng chỉ có một
mình nàng với dòng nhạc. Vũ nhìn khuôn trẻ trung với mái tóc ngắn ôm tròn khuôn
mặt trái xoan xinh đẹp của Khuyết Lan và đôi nạng thản nhiên nằm đợi chờ bên cạnh
chiếc ghế, không dưng chàng sửng sốt vì trí nhớ bỗng nhiên quay trở về một thời
niên thiếu nơi chàng nhớ đến âm vang của hai tiếng Khuyết Lan.
Thuở đó, mỗi chiều
khi đi học về Vũ thường đạp xe đạp đi qua những con đường vắng ngập bóng mát
trong một khu phố trung lưu, lạ một điều là ở khuất tận cùng khu phố đó có một
biệt thự lớn xây theo lối mới. Ngôi biệt thự xây theo hình bán nguyệt, mái ngói
đỏ và dãy hàng rào cao chung quanh nhà cũng được xây bằng đá màu đỏ như mái
ngói. Đặc biệt là trên cái trụ đá lớn
phía trái của cổng nhà có khắc hình bốn bàn tay chụm vào nhau với những ngón
thon dài rất mỹ thuật, chính giữa của những ngón tay đó có vỏn vẹn hai chử “Tứ Mỹ” chạm theo lối Gothic rất khéo léo. Theo như người bạn ở
trong khu đó cho biết biệt thự có tên là Tứ Mỹ vì người chủ nhà có bốn cô con
gái rất xinh đẹp. Tuy nhiên, những người ở chung quanh thì chưa bao giờ gặp gia
đình họ. Mỗi chiều Vũ đạp xe đi qua con đường và dọc theo dãy hàng rào dài của
ngôi biệt thự, chàng không nhìn thấy được gì ngoài những cây hoa Ngọc Lan cổ thụ
mọc bên trong dọc theo hàng rào, nhưng có những nhánh rũ ra ngoài với hàng trăm
nụ hoa mỏng manh với mùi hương dịu dàng bay thoảng khắp không gian. Dường như mùi hương Ngọc Lan quyện theo những
vòng xe đạp chậm và tạo cho tâm hồn của chàng thanh niên mới lớn một chút mộng
mơ rất hồn nhiên.
Mỗi chiều khi đạp
xe qua biệt thự đó Vũ cố tình đạp xe thật chậm và cũng có lần chàng vươn người
lên hái một hai bông Lan nồng hương đó đem về làm quà cho cô em gái cài lên
tóc.
Một bữa tình cờ trong lúc hái hoa, chàng nghe văng vẳng lời đối
thoại vọng ra từ phía bên kia hàng rào làm chàng tò mò và thích thú vì mẫu đối
thoại thật dí dỏm. Dường như giọng của một người lớn.
“Em ráng bước thẳng
tới, cầm hai bên kẻo té”.
Sau đó thì Vũ phải lắng tai lắm mới nghe được câu trả lời từ một
giọng nói vòi vĩnh của một con bé.
“Hai bước là một
con chuồn chuồn chị nhé”.
“Ừ, chị sẽ bắt chuồn
chuồn đủ màu cho em. Nhưng bước thêm bước nữa đi em, em không tập đi cho thẳng
tí nữa ông về chị sẽ bị rầy”.
“Ô, ba em không rầy
chị đâu, em sẽ ráng bước tới thêm. Mà em muốn con chuồn chuồn một bên cánh đỏ,
một bên cánh xanh nghe.”
“Làm sao mà có chuồn
chuồn lạ vậy em, chị sẽ bắt cho em một con đủ màu.”
“Thôi, em chỉ thích
hai màu”
“Thì hai con, mỗi
con một màu”.
“Không cơ, em muốn
một con có hai màu bên hai cánh khác nhau kia.”
Giọng người lớn vỗ
về:
“Chị sẽ cố tìm, đi
thêm đi em, vịn chặt hai bên, có chị đi sau không sợ té đâu”.
Giọng con bé nũng nịu:
“Em mỏi chân rồi chị
ơi, một bước nữa thôi nha”.
“Khuyết Lan giỏi lắm,
ngày mai mình tiếp tục tập nghe em.”
Cứ như thế, mỗi chiều
Vũ lại nghe những mẫu đối thoại ngớ ngẩn, tương tự trong suốt một mùa hè. Vì cổng
tường rất cao, chàng không thể nhìn được bên trong sân mà chỉ nghe hai giọng
nói với nhau, chàng không biết con bé tại sao phải tập đi hằng ngày. Vũ chỉ nhớ
là mỗi tối khi ngồi học bài chàng đã tưởng tượng ra hình ảnh một con bé với những
bước đi nhí nhảnh dưới hàng ngàn nụ hoa Ngọc Lan với mùi hương làm xao động cả
bầu trời. Cuối mùa hè Vũ vào Sài Gòn học, tình cờ cạnh cửa sổ nơi chàng ngồi học
trên căn gác thuê nhỏ, một nhánh cây tràn đầy hoa Ngọc Lan từ nhà hàng xóm hay
vướng vào cửa. Từ đó chàng bắt đầu biết lãng mạn và yêu hương hoa êm dịu đó.
Khuyết Lan vừa hát
xong bài cuối…
Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn dâng lên đôi
môi, buồn đau hoen ướt mi ai rồi, buồn đi trong đêm khuya, buồn rơi theo đêm
mưa…(TCS), giọng hát của nàng nghe rất não nuột. Vũ nhìn Khuyết Lan và thầm
trách sao định mệnh khắt khe cho nàng mang cái tên biểu hiệu vẻ đẹp mỹ miều của
một loài hoa mà cũng nhắc nhở đến sự khuyết tật vĩnh viễn của nàng qua dáng đi khó
khăn với đôi nạng gỗ. Bây giờ Vũ mới để ý là bên cạnh sân khấu, ban tổ chức đã
tế nhị làm một cái “ramp” cho nàng đi
xe lăn lên nếu cần nhưng mỗi khi Khuyết Lan hát xong, nàng chậm rãi lấy hai cây
nạng và thản nhiên khập khểnh đi xuống bục gỗ. Vũ thầm nghĩ, có phải đây là con
bé năm xưa đã hằng ngày cương quyết tập đi từng bước?
Buổi văn
nghệ thành công mỹ mãn với số lợi tức được khán giả ủng hộ thêm ngoài tiền mua
vé. Người bạn thân của Vũ có trong ban tổ chức nên có nhiệm vụ đưa các ca sĩ đi
ăn sau khi chương trình chấm dứt. Vì đi chung xe nên Vũ đành phải tháp tùng ban
văn nghệ đến một nhà hàng quen đã đặt chỗ trước. Tất cả mọi người ngồi xung
quanh một cái bàn tròn thật lớn, Vũ ngồi cạnh người bạn thân và phía bên kia là
Khuyết Lan. Vũ lúng túng, chàng chưa biết phải đối thoại như thế nào thì Khuyết
Lan đã nhỏ nhẹ nhờ:
-Anh cho Khuyết
Lan xin ly nước.
Vũ vội vàng rót
cho nàng nước và vụng về hỏi:
-Khuyết Lan hát nhiều chắc mệt?
Khuyết Lan cười,
nụ cười có hai má lúm đồng tiền thật sâu:
-Dạ quen rồi anh,
không mệt nhưng hát xong thì thèm nước lắm.
Vũ đã mạnh dạn
hơn, chàng tiếp tục câu chuyện:
-Vậy Khuyết Lan
đi xa từ VN qua chắc…cực lắm phải không?
Cũng nụ cười
duyên dáng đó, Khuyết Lan từ tốn trả lời:
-Em qua từ New
York anh ạ.
Vũ thắc mắc:
-Khuyết Lan ở New
York?
Khuyết Lan nghịch
ngợm:
-Em là New Yorker
chính hiệu.
Nhìn nét mặt ngạc
nhiên của Vũ, Khuyết Lan giải thích là nàng quen với mấy người bạn
làm trong nhóm từ thiện này, khi họ từ VN qua, có ngỏ ý mời Khuyết
Lan tham dự buổi gây quỹ và nàng đã nhận lời bay qua Quận Cam, California để
tham dự. Nàng còn cho biết nhóm sẽ đi gần như khắp nơi mà họ có thể đi trên nước
Mỹ mong gây được nhiều tiền để giúp cho các em kém may mắn trong đời. Nàng cho
biết trong viện bây giờ có chừng 100 em mà chi phí ăn uống, học hành cho mỗi em
là một ngàn mỹ kim một năm. Vũ nghe lòng
mình chùng xuống đầy cảm xúc. Một việc làm có ý nghĩa mà có bao giờ chàng nghĩ
đến đâu, bao nhiêu năm chàng sống trong thế giới riêng tư, cô lập của chàng, thế
giới bên ngoài dường như không hiện hữu cho đến tối hôm nay chàng mới tỉnh giấc
để thấy cuộc đời mình qúa đầy đủ, sung túc và hạnh phúc so với rất nhiều người. Vũ rót thêm nước cho Khuyết Lan:
-Thế bao giờ Khuyết
Lan mới về lại New York?
Khuyết Lan cho
thêm một lát chanh vào ly nước:
-Em lấy phép vài
tuần, theo giúp bạn bè. Có lẽ tụi em sẽ đi khắp nhiều nơi khác nữa
mong gây thêm quỹ tài chánh giúp cho các em đầy đủ hơn một chút.
Tiếng nói văng vẳng
của con bé năm xưa vang dội trong ký ức khiến Vũ bạo dạn hỏi:
-Khuyết Lan là tên
thật hay là “stage name”?
Tiếng Khuyết Lan dịu
dàng:
-Tên thật của em
anh ạ. Nhà em ai cũng tên Lan, bốn chị em chỉ khác nhau tên đệm.
Vũ nghe tim mình
thót lại…bốn chị em, biệt thự Tứ Mỹ? Có một liên hệ nào không đây?
Còn đang phân vân chưa biết phải hỏi Khuyết Lan như thế nào thì
nàng đã thong thả nói tiếp:
Chị Mỹ Lan, Cát
Lan, và Bạch Lan hiện giờ ở Pháp, chỉ có mình em bơ vơ bên này.
Vũ buột miệng:
-Tứ Mỹ…
Khuyết Lan trố mắt
nhìn Vũ và la khe khẽ:
-Anh biết gia đình
em?
Vũ chưa kịp trả lời
thì nàng đã oà lên khóc. Tất cả mọi người ngồi chung bàn ngạc nhiên nhìn cả hai
người. Vũ luýnh quýnh, chàng xin lỗi và xin phép đưa Khuyết Lan qua chiếc bàn
trong góc phòng gần đó. Khuyết Lan chậm
nước mắt, nàng ngượng ngùng:
-Em xin lỗi anh…
Vũ nhỏ nhẹ:
-Khuyết Lan không
sao chứ?
Nàng gật đầu:
-Mỗi lần có ai nhắc
đế Tứ Mỹ là em lại mủi lòng, and quen biết gia đình em như thế
nào?
Vũ lắc đầu, chàng chậm
rãi kể cho Khuyết Lan nghe về sự tình cờ của những chiều với những vòng xe đạp
lăn quanh trên con đường ôm ấp mùi hương Ngọc Lan dịu dàng của một thời rất xa
xưa trong trí nhớ. Chàng nhắc lại mẫu đối thoại ngộ nghĩnh mà chàng nghe lóm được.
Khuyết Lan mỉm cười:
-Con bé ngớ ngẩn đó
là em anh ạ.
Rồi nàng cho biết
năm lên bốn nàng mắc phải chứng Polio
và ảnh hưởng đến hai đôi chân cho nên nàng đã phải tập đi với hai cây nạng mỗi
ngày. Chị người làm chỉ có mỗi phận sự là chăm sóc và luyện tập cách đi đứng
cho nàng lúc còn bé.
Vũ e dè:
-Tên Khuyết Lan
nghe lạ và đẹp lắm.
Khoé mắt nàng long
lanh ngấn lệ:
-Tên em như một định
mệnh anh à. Mẹ em nói lúc em sanh ra thì ông ngoại lâm bệnh
trầm trọng, tên đệm của em là tên của ông ngoại đó. Sau khi em bị polio thì mẹ cứ ân hận mãi vì cho rằng cái tên này đã đem đến điều
không may cho em, nhưng em lại yêu mến nó vì em biết mẹ em thương ông ngoại vô
vàn. Biệt thự Tứ Mỹ là do ông ngoại đặt, em nghe nói ông ngoại lúc trẻ giỏi lắm.
Vũ cảm thấy gần
gũi nàng hơn và không ngần ngại tiếp tục câu chuyện:
-Khuyết Lan ở New
York với gia đình?
Có một nỗi buồn nhẹ
vương trong đôi mắt to của nàng:
-Em ở với chị Liên,
ba mẹ cùng các chị qua Pháp cư ngụ từ năm 75, ba mẹ mất cũng
khá lâu rồi và các chị Lan đều có gia đình bên đó.
Khuyết Lan thì thầm
kể cho Vũ nghe là ba mẹ nàng thuở đó thuộc giới thượng lưu, ba nàng là một nhà
thầu có tiếng. Vì tình trạng sức khoẻ yếu
đuối của Khuyết Lan lúc đó, mấy tháng trước tháng tư 1975, qua một vài người bạn
ngoại quốc làm ăn chung, ba nàng dường như đoán được sự bấp bênh của đất nước,
ông và mẹ nàng đã bằng lòng cho nàng làm con nuôi của một cặp vợ chồng người bạn
ngoại quốc để họ đưa nàng về Mỹ trước mong nàng có cơ hội chữa trị kỹ lưỡng
hơn. Liên là chị người làm cũng được nhận đi theo để chăm sóc Khuyết Lan và để
cho con bé đỡ sợ. Sau khi mất nước, một
thời gian ngắn sau đó thì cả gia đình của nàng định cư ở Pháp. Ba mẹ nuôi của
Khuyết Lan rất cưng chìu nàng và lúc nào cũng giữ tình bạn chặt chẽ nên lúc còn
bé cho tới khi ba mẹ nàng mất, mỗi mùa hè ông bà đưa Khuyết Lan về Pháp sống với
gia đình vài tháng. Khuyết Lan cho biết nàng lúc nào cũng cảm thấy rất hạnh phúc
với sự thương yêu từ cả hai gia đình. Khuyết Lan học xong đại học nghành khoa học
nhưng nàng say mê âm nhạc, nhờ có chị Liên bên cạnh cuộc đời nên nàng thông thạo
tiếng Việt. Ngoài khả năng trình diễn piano nàng còn học ca nhạc, luyện giọng
và phần nhiều nàng hay tham gia hát cho những buổi gây quỹ từ thiện. Khuyết Lan ngưng kể và mở cell phone ra khoe hình của gia đình
nàng. Nhìn ba người chị, chắc là đã lớn tuổi cỡ Vũ nhưng chàng vẫn thấy những
nét đẹp thanh tú tồn tại trên khuôn mặt của cả ba. Vũ tấm tắc trong lòng đúng
là tứ mỹ. Khuyết Lan còn cho Vũ xem tấm hình của một cặp vợ chồng già người Mỹ,
trông họ còn có vẻ khoẻ mạnh, nàng cười vui:
-Mom and Dad hiện
giờ đang ở trong “Assisted Living”.
Em gọi đây là “Nhà dưỡng lão tạm thời” vì chỗ này rất sang trọng, không hẳn là
nhà dưỡng lão. Ba mẹ nuôi của em giàu có nhưng ông bà đã đến tuổi không thể lo
cho mình và không muốn làm phiền ai, nên quyết định vào đây để có người chăm
sóc hằng ngày nhưng họ vẫn có thể tự do ra vào. Tuần nào em và chị Liên cũng đến
đón hai ông bà đi chơi.
Khuyết Lan nói về
ba mẹ nuôi với ánh mắt chan chứa niềm thương. Nàng có vẻ chấp nhận sự an vui với cuộc đời
tuy không toàn vẹn nhưng đối với nàng đã là đầy đủ. Vũ cảm thấy mình qúa nhỏ bé
khi nhìn cặp nạng gỗ lúc nào cũng bên cạnh Khuyết Lan. Chàng nghĩ cuộc đời có những tình cờ hy hữu mà
chỉ có Thượng Đế mới có thể sắp đặt cho chàng có cơ hội đi ngược về quá khứ vô
tư. Có thể đây cũng là một sự may mắn để chàng thấy rằng trong sự mất mát chàng
vẫn tìm được hạnh phúc dù là hạnh phúc đau thương. Ngọc Lan của chàng đã xa khuất
tầm tay nhưng tình yêu kia vẫn hoài tồn tại trong tâm tưởng.
Đêm đã khuya và mọi
người đã cảm thấy mệt mỏi nên tất cả bắt đầu sửa soạn ra về. Vũ đưa Khuyết Lan
trở lại bàn tiệc. Nhóm nghệ sĩ cho biết
là ngày mai họ sẽ trình diễn ở San Diego. Vũ cám ơn Khuyết Lan đã kể cho chàng
nghe về cuộc đời của con bé sau hàng rào cao năm nào và khi nàng cúi xuống viết
cho chàng cái địa chỉ email của nàng,
Vũ cảm thấy dạt dào xúc động vì chàng vừa bắt gặp lại được mùi hương Ngọc Lan thoang
thoảng tinh khiết trên mái tóc ngắn của Khuyết Lan. Chàng nói nhỏ trong đầu…ngày
mai chàng cũng sẽ lái xe từ quận Cam đến San Diego tham dự.
NTHX
September
26, 2016