Hồ
Đình Nghiêm thưa chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.
The
Concert, 1957 - Marc Chagall
Nguyễn
Thị Khánh Minh. Đinh Cường vẽ
Sáng
hôm nay, nổi hứng, tôi bách bộ ngoài công viên nằm gần nhà. Cây cỏ chưa bị mùa
màng tác hại, thu đã về nhưng lá vẫn xanh. Trong đầu, quàng xiên hiện lên mấy
câu thơ của Nguyễn Đức Sơn: “Sáng mênh mông. Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng. Ồ
bông, ồ mộng, ồ không”. Ở xa, có lùm cây nở những đốm bông lạ thường, bước tới
gần lại nhớ những đoản văn chất đầy sắc màu của chị Khánh Minh, hồng, tím,
vàng, đỏ, xanh lay động cùng “mưa nắng thềm nhà”. Heo may đi ngang, tôi quá bộ
trở về, tự cười thầm khi cố tình “đạo” một đoạn trong trang đầu cuốn tản văn
“Bóng Bay Gió Ơi”:
Thời
gian gần đây, có lần “tập đoàn” yêu tinh họp nhau lại tìm cách quấy phá con
người. Một yêu tinh (HĐN) nói: Phải nên hỏi “chị ấy” thu giấu thứ quý giá của
con người ở đâu? Một yêu tinh đáp: Cũng dễ thôi, mày cứ thử gắp lửa bỏ tay
người, vấn đề là mày liệu kham nổi không. Tuy mang tiếng là yêu tinh, nhưng tập
đoàn ấy có đứa tin vào thánh thần. Nó uỷ lạo một câu rút ra từ thánh kinh: Gõ,
cửa sẽ mở.
Hồ
Đình Nghiêm (HĐN): Thân chào chị Nguyễn
Thị Khánh Minh. Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, chưa đến mùa Halloween, chị thấy
tôi có giống yêu tinh không? Tôi đến để xin chị viên kẹo bởi tôi nghĩ thơ văn
chị viết quá đỗi ngọt ngào. Chị có rộng lòng đứng với tôi chừng nửa giờ ngoài
thềm sương?
Nguyễn
Thị Khánh Minh (NTKM): Ở đâu đó có ai nói, ấm áp không phải là ngồi trước một
lò sưởi mà là có người đứng cùng mình trước thềm sương, và hỏi một câu như vậy.
Bây giờ đang đầu thu, tôi đang có niềm vui được tâm sự. Trong một bài thơ về
Halloween tôi có viết về mấy con ma thơ (có tôi) đi tìm người nghe thơ: … Những con ma thơ, cầm sách. “Cù lét hay đọc
thơ.” Và cùng nhau im lặng. Nghe thơ… Giờ có người xin kẹo thơ. Thế thì chúng ta đều là những yêu tinh yêu thơ, đó không phải là Cõi
Đẹp sao?
HĐN:
Tôi bị chứng mất ngủ quấy phá, may chưa
mộng du. Hoặc do mộng du mới được gần kề bên chị. Chị có phương thức nhằm trị
liệu không? Tỉnh như sáo sậu có giúp chị ngồi viết được “những bức tranh”? (Tôi
mượn ý của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp khi bảo thơ chị đẹp như những bức tranh).
NTKM:
Trị chứng mất ngủ hay trị mộng du? Mộng du và mất ngủ là liên hệ nhân quả qua
qua lại lại? Tôi cũng đang bị mất ngủ kéo dài đây. Tối nào cũng đi mượn giấc
ngủ từ viên thuốc bé xíu. Hãy hiểu mộng du theo cái nhìn của HĐN đi, tôi mong
trong tình cờ nào đó của mộng du, tôi lọt vào cõi thơ để trò chuyện. Đó dường
như cũng là lúc tỉnh như sáo sậu như bạn nói chăng? Tôi cảm thấy trong bất cứ
lúc nào tôi viết là lúc tôi sống trọn vẹn nhất của từng phút giây, đại khái là
phút tỉnh nhất.
HĐN:
Lần trước, tôi nhớ là có viết ở đâu đó,
rằng chị đỗ xong Cử nhân Luật… rồi bù trất. Xin chị chịu khó hé lộ một chút bằng
ba chữ: “Sau đó thì…” cho lắm người đọc bớt nôn nóng đợi chờ.
NTKM:
Đó là đoạn thời gian mà đối với tôi là một
vết thương hoài không dám mở băng dán… Vâng sau đó thì, gia đình gặp nhiều
biến cố, tôi làm nghề dạy kèm anh pháp văn cho các em 6-12 tuổi, con cháu của
bạn ba má tôi, vì họ muốn giúp đỡ, cũng có con của cán-bộ trong xóm. Rồi đến
nghề kế toán trong một công ty được phẩm lớn hồi bấy giờ cho đến 1982 tôi phải
nghỉ việc vì bị đau cột sống. Qua tới đây từ 2006 tới giờ thì bịnh dài dài, (phải
mổ cột sống hai lần) có khoảng hai năm tôi làm thư ký đánh máy bán thời gian
cho một tờ báo văn học nghệ thuật ở Nam Cali.
HĐN:
Mỗi người trong chúng ta (kể cả yêu tinh)
hẵng phải trải qua một giai đoạn gọi là vàng son. Tôi ngắm tấm ảnh “Mẹ và con”
thật rạng rỡ chụp ở Sài Gòn tháng 12 năm 1974 và tôi hoài nghi đó có phải là
chặng đường đáng nhớ của chị?
NTKM:
Mỗi khi nhớ đến thời sinh viên, tôi thấy ký ức quả thật là một kho báu quý, cho
dù biết rằng chẳng nên bận bịu, quá khứ là điều đã qua, ngày mai chưa đến,
nhưng khi tôi quay về những hình ảnh cũ tôi cảm ơn là kỷ niệm đã làm cho phút
hiện tại của tôi nở hoa cảm xúc. Bạn biết không, tôi tốt nghiệp vào tháng
12.1974, khóa cuối cùng của Luật Khoa Đại Học Đường, năm đó Khoa Trưởng Vũ Quốc
Thông lần đầu tiên tổ chức cho sinh viên tốt nghiệp được mặc áo như luật sư
trong lúc lãnh bằng. Lần đầu và cũng là lần cuối. Ngày mà ba má tôi rất vui
mừng. Dễ quên sao cái giá trị tinh thần ấy? Nên với tôi, đôi khi phải cần tìm
về ngày qua để nạp năng lượng cảm xúc sinh cái mới cho hôm nay. Tôi thuộc dạng
hoài cổ.
HĐN:
Thời gian đó chị đã làm thơ viết văn chưa
nhỉ? Tôi yêu thành phố “Nha Trang của chị” quá, yêu tới độ chưa dám viết xuống
một đôi câu. Một phần, ngay cả chị còn sợ mang tội, phần khác sợ anh Vũ Hoàng
Thư quở. Nhưng mà cần chi phải dụng bút, giờ đây kề cận cái danh xưng Nguyễn
Thị Khánh Minh chừng như tôi đang nghe miền thuỳ dương cát trắng reo. Hồ đồ
thêm chút nữa, Thâm Tâm đâu có đưa ai sang sông, tự dưng ai xúi mà ông nghe
tiếng sóng ở trong lòng?
NTKM:
Tôi làm thơ từ năm 11 tuổi, hồi đó báo Ngàn Khơi (báo này lúc đầu như là của
Nhà Văn Chu Tử) mục thơ nhi đồng do Uyên Chuyên phụ trách đã cho tôi cái mác
“thi sĩ búp bê” đấy. Xin lỗi nhớ cho là tôi đang nói chuyện thơ trong cơn mộng
du. Cảm ơn là tiếng thơ cát trắng reo đã dội tiếng sóng trong lòng ai. Anh Vũ
Hoàng Thư ơi, sóng Nha Trang và sóng Huế, anh đều có kinh nghiệm, vậy chớ âm ba
nào làm anh mộng du? Giờ chúng ta chờ tiếng sóng của HĐN hòa âm…
HĐN:
Trước khi sang Mỹ, chị có lần nào ra Hà
Nội để thăm quê ngoại không? Tôi chẳng có điều kiện để đặt chân lên thủ đô, chỉ
yêu thiết tha thành phố ấy qua những trang sách mượt mà ẩm sương của nhóm Tự
Lực Văn Đoàn gầy dựng nên.
NTKM:
Trong bài viết Bồng Bênh Quê Nhà, tôi
có nhắc đến hai quê: Hà Nội và Nha Trang, Hà Nội quê ngoại là một giấc mơ khắc
khoải, Nha Trang quê nội là giấc mơ đã được sống cùng. Hai giấc mơ bồng bênh
như một nhịp nhàng của hơi thở. Sẽ có lúc trở về nơi làng hoa Ngọc Hà để nghe
tiếng gió sớm lay động nụ tường vy trong tiếng oa oa chào đời của mình, mẹ tôi
nói sân nhà hồi đó có cụm tường vy rất đẹp. Tôi chỉ ở đó tới vài tháng tuổi thì
bà nội tôi kêu cả nhà về Nha Trang, lúc đó là năm 1952, cho nên, lớn lên biển ở trong tim, lớn lên da ngào
muối biển, và Hà nội thì vẫn thường về
mơ mớ giấc chiêm bao… nên nó rất đẹp trong tôi, qua văn của Thạch Lam.
HĐN:
Nêu câu hỏi vừa rồi cũng chỉ nhằm nói lên
ý chính: Tôi quê mùa chưa hề sang tới Calif. nhưng đã có chút cảm tình về nó
nhờ đọc tản văn của chị. Theo chị, thơ văn có thể mang tới sức mạnh nhằm thu
phục được yêu tinh? (tựa như cái hồ lô trong tay đạo sĩ vậy).
NTKM:
Tại sao Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam, Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng đã
cấy dược những hình ảnh đẹp về Hà Nội nơi tôi? Tôi tin tưởng một cách mê tín
vào sức mạnh của thơ văn. Nó tạo nên Cõi Đẹp. Và tại sao không thu phục được
một loài ma đi tìm người nghe thơ, cũng như yêu tinh đi xin thơ, đi nghe đọc
thơ? Tại sao nhà thơ cỡ Nguyễn Xuân Thiệp lại rung động bởi thơ đẹp như bức
tranh và tại sao thơ lại để âm ba nơi cảm xúc một nhà văn cỡ HĐN? Đó chả phải
là sức mạnh của thơ? Nói yêu tinh một cách thơ mộng như Hồ Đình Nghiêm, tự
nhiên tôi nghĩ ra một điều, con đường vào cõi thơ văn trong sáng là con đường
hướng thiện. Yêu tinh ơi, tìm đọc thơ để nhận chân hạnh phúc là mỗi lúc mỗi gần
hơn cõi thiện. Khi đọc một bài thơ văn mình thích, tôi cảm nhận được điều thiện
mà tác giả ấy đã làm cũng như điều thiện tôi đang làm. Cũng là một pháp tu?
HĐN:
Mặt khác, theo tôi, chữ viết cũng có sự
giới hạn của nó. Các bậc tài hoa Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Tấn Hải, Lê
Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ và “tập đoàn” yêu tinh có đứa đã thu gom bao bồ chữ
tốt đẹp nhằm ca ngợi chị, cá nhân tôi đi sau đành bất lực mót không ra thứ gì
khả dĩ “ăn theo”. Chị đồng ý về luận cứ đó không? Trong đối thoại giữa các bạn
bè, chị luôn là người thắng áp đảo hay nhún nhường thua cuộc?
NTKM:
Hồi trước khi đọc thơ văn của Hồ Đình Nghiêm trong Gio-o, tôi đã rất ngưỡng mộ,
Nhà văn chủ biên Lê Thị Huệ quả có con mắt xanh. Tôi nghĩ mình không thể theo
kịp những mới mẻ của người viết này, hôm nay lại được lời ngỏ đứng nói chuyện
cùng mình nơi thềm mùa thu. Quả là mộng du. Bởi tôi là người nhát đối thoại, và
gần như né tránh mọi tranh luận, nên không biết thắng thua. Khi nhận bài mà bạn
gọi là tâm sự này, tôi toát mồ hôi, sợ hơn là khi đọc bài tiểu luận lúc thi tốt
nghiệp nữa, lạy trời là HĐN sẽ hài lòng như Giáo Sư Vũ Quốc Thông chấm điểm khá
cho tôi.
HĐN:
Chắc chị có biết Bửu Chỉ, hoạ sĩ nổi
tiếng ở Huế? Ngoài tài năng trong lãnh vực hội hoạ, thời gian còn ở bên nhà tôi
“mê” anh ấy qua cách nói chuyện đầy thuyết phục, bởi dầu gì anh ấy từng học qua
Luật khoa. Một cử nhân Luật, nói có sách mách có chứng, hình bóng ấy có thích
nghi với thế giới thơ mộng tuyệt chẳng nảy sinh ra chuyện bất ưng chất chứa đầy
trong thơ chị không? Đọc thơ văn chị trí óc tôi buộc phải hình dung tới một thứ
gì mong manh, nhưng khó đổ vỡ, hoặc cường điệu một chút, như sương giăng trên
mặt hồ tĩnh yên. Cứ lãng đãng nhưng không tan biến. Chị có biết trong võ học có
môn gọi là thuật phân thân? Như đôi vầng nhật nguyệt, chị biết cách dung hoà?
NTKM:
Luật sư, nói chuyện hay và làm thơ chẳng bà con gì với nhau HĐN ơi. Tôi chưa
hành nghề luật sư một ngày nào, nói chuyện lại nhút nhát, chút nương tựa vào
thơ, mặt này coi bộ êm nhất, bằng chứng là có ít nhất một nhà văn nổi tiếng là
HĐN đây đã đã hình dung ra tôi thơ
như vậy. Tôi thấy không khó khăn gì, tôi sống như tôi là như thế, và tôi có một
trái tim quyết liệt để đi đến với Thơ. Thơ là một người chỉ đường, tôi là đệ
tử.
HĐN:
Đã lâu, chị có phát biểu, đại ý đã là thơ
thì tối thiểu phải chở được tính thẩm mỹ của Thơ? Tôi hoàn toàn đồng ý về thứ
tạm gọi là căn bản đó, nhưng điều này vô tình trở thành rào cản cho những trường
phái khác, nơi quy tụ các tay muốn thoát khỏi các quan niệm có sẵn. Chị có
thông cảm cho sự “làm mới” ấy không?
NTKM:
Trong bài phỏng vấn của Nhà Văn Lê Thị Huệ, tôi đã nói đến vấn đề này, khi tôi làm
thơ tôi không hề bị một rào cản nào của những quan điểm về thơ văn thời đàn anh.
Tôi chú trọng ý thơ, đến chất thơ của từ, nhưng điều đó không có nghĩa tôi
không tôn trọng những phong trào cải cách làm mới thơ. Những nhà khai phá họ có
cái nhìn thẩm mỹ khác nhau của thơ, phản ảnh thời đại họ đang sống, và họ chứng
tỏ điều đó qua chữ thơ ý thơ của họ. Cũng đã có những thành tựu, cũng có những
cái đang chịu thử thách. Những phong trào đổi mới tạo nên sinh khí trong văn
chương nghệ thuật.
HĐN:
Khi tôi theo học hội hoạ, sách vở người
ta dạy rằng: Bạn phải biết cách giảm thiểu những đường nét, đôi lúc phải gián
đoạn, đừng để cho đường viền kia liền lạc. Phải biết xóa nhoà đường biên giữa
ánh sáng và bóng tối, hoặc trong một bức tranh, dựng xong bố cục, bạn phải nên
chừa cho nó một khoảng trống, một lối thoát (cho người thưởng ngoạn tự suy
diễn?). Tôi nghĩ điều này có “bà con” với một bài thơ hay. Nét đẹp của nó ngầm
mang một thứ gì gần như bất toàn. Tôi có một ví dụ: Lắm người khen thơ của chị
Trần Mộng Tú, lại có người đưa ý kiến “thơ hay nhưng cái vẻ đẹp ấy tròn trịa
quá!”. Ồ! Trăng khuyết có khi đẹp mông lung hơn trăng rằm sao? Có thể xin chị
một ý kiến không?
NTKM:
Tùy sự thưởng lãm của mỗi người. Tôi không dám lạm bàn về sở thích. Riêng tôi
tôi thích cái bỏ lửng mênh mang ở câu kết một bài thơ Haiku. Tôi cũng thích
tranh ít đường nét và sắc màu như trong tranh của Họa Sĩ tài hoa Bé Ký, chỉ với
những nét đen, mảnh mà Họa Sĩ đã phổ hết vào đó những linh động của một gánh
hàng rong, cái khoảng trống của tranh Bé Ký là cái ngầm sâu thẳm gợi nên âm
thanh của không gian nơi những nhân vật đang sống. Trong bức Mẹ Con chỉ trên
dưới mươi nét cong và nhanh. Mà thấy được mẹ con đang dắt díu nhau đi trong
ngày rét và nói nhỏ lời thương yêu hẳn phải có của Mẹ. Thụy Khuê đã viết, “…
với Bé Ký… Trước khi vẽ, bức tranh đã phải xong rồi, và đặt bút là kết thức tác
phẩm*” Có phải vậy mà giữ được cái thần của cảm xúc ngay lúc ấy. Tôi nghĩ một
số nhà thơ đã sáng tác thơ theo kiểu này, viết theo ý tứ dẫn mình đi với cảm
xúc ngay lúc đó.
HĐN:
Sẵn, xin cho tôi được “múa rìu qua mắt
thợ”. Tôi yêu mấy câu này, đoạn cuối trong bài thơ “Sông Thương Tóc Dài” của
Hoàng Nhuận Cầm, hiện ở Hà Nội:
“mai đành xa sông
Thương, thật thương
mắt nhớ một người,
nước in một bóng
mây trôi một chiều,
chim kêu một giọng
anh một mình náo
động, một mình anh”.
Đơn giản, mộc mạc,
chân thành, nhưng nó tải được vào lòng tôi chút khuấy động. Chị có lời phản
biện nào không, thưa chị?
NTKM:
HĐN ơi, cảm ơn bạn đã gợi nơi thềm sương này mắt nhớ, nước thương, dù tất cả
chỉ một-mình, ta cũng một mình sao ta bị náo động, vì cái nhớ làm ta chao đảo
chăng? Đây lại là vấn đề sở thích, mà tôi vốn không tranh luận về sở thích của
người khác, không thể nào bảo anh thích thế sai, là đúng, Một câu văn một câu
thơ mà đánh động được mình là nhân duyên của mình với nó, câu thơ gieo vào lòng
mình những diệu âm, kéo mình vào miên viễn của mộng tưởng, những điều ấy ở mỗi
người mỗi khác, vì thế mà có những ngưỡng mộ khác nhau. Đó là hạnh phúc cho
người viết. Sở thích của người đọc cũng là một điều giác ngộ cho người làm thơ.
HĐN:
Nhà văn Phan Tấn Hải từng đưa thắc mắc:
“Tại sao trong tuyển tập “40 năm thơ Việt Hải Ngoại” lại thiếu tên Nguyễn Thị
Khánh Minh?” Chị có lợn cợn chút gì không? Riêng tôi thì đồ rằng chuyện ấy nào
có gì quan trọng, bởi theo cách nhìn đầy “gây hấn” của nhà thơ Phan Nhiên Hạo,
tuyển tập ấy chỉ có 5, 7 tác giả là đáng đọc! Căng quá. Đôi khi người ta gây
nên lỗi lầm và đôi khi mình nên thở phào cho sự đãng trí ấy. Chị nghĩ sao?
NTKM:
Đây cũng là chuyện sở thích. Tôi viết trước hết cho chính mình, mọi chuyện sau
đó tùy nhân duyên, và tôi không có tham vọng lọt vào tất cả danh sách sở thích.
Tôi rất cảm động bởi bài viết của Nhà văn Phan Tấn Hải. Có ai đó đồng cảm coi
như mình đã gặp được bạn tri âm. Có được tri âm để có thể chia sẻ những văn thơ
hay của người, hưởng giây phút ngọn cỏ đang rung lên bởi tiếng chuông nơi núi
xa, đó là điều làm tôi tự tại hạnh phúc.
HĐN:
Chị có thật lắm con. Nhà nêm chật tiếng
cười. Tôi chỉ mới trông thấy hai “cháu” Ký Ức Của Bóng và Bóng Bay Gió Ơi mà đã
muốn nói chuyện thâu đêm. Sương xuống đầy bên thềm và chị thì quên mang khăn
quàng cổ. Ca từ của Trịnh Công Sơn có “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi”
thì con yêu tinh này e phải đến lúc quay gót. “Nhạc chiêm bao réo rắt. Đi đi
những bước chân. Rất xanh. Bùa hương xanh”. Cảm ơn chị. Vào nhà nhớ kiếm viên
thuốc. Sức khoẻ là vàng mà thơ là kim cương. “Thắp bao nhiêu lần ngọn lửa. Đốt
bao nhiêu lời. Vẫn không tận mặt được Thơ…” Tạm biệt chị.
NTKM:
Lời chia sẻ này là một kết rất hay cho phút tạm biệt nơi thềm sương mù…
HỒ
ĐÌNH NGHIÊM
thực hiện bằng điện
thư, cuối tháng 9, 2017
*trích
trang 41 trong tập tranh Quê Hương Mến Yêu của Họa Sĩ Bé Ký, USA 2002.
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete