Thursday, October 5, 2017

TÙY BÚT. QUÁN CÀ PHÊ KÝ ỨC



Nguyễn Thị Hậu


Cafe Tùng. Đà Lạt

Đinh Cường. Ngồi dưới bức Thiếu Nữ
vẽ và triển lãm ở Đà Lạt 1965

Bạn nhắn, em còn ở Đà Lạt thì ghé cà phê Tùng uống giùm anh một ly cà phê đen không đường. Hơn 40 năm trước mỗi khi lên Đà Lạt anh vẫn ghé đó hàng đêm… Như lời bạn kể, có mặt từ những năm 60 của thế kỷ trước, cà phê Tùng là nơi gặp gỡ của văn nghệ sĩ ở Đà Lạt hay từ nơi khác đến…
Tranh thủ lúc rảnh rỗi trước khi ra sân bay, tôi ra đầu đường vẫy một chiếc xe ôm, nói, cho tôi ra cà phê Tùng. Bác xe ôm nhanh miệng: ở khu Hòa Bình phải không cô, quán này hồi xưa chỉ có nhạc Trịnh.
Khu Hòa Bình chính là trung tâm thành phố, nơi có chợ Đà Lạt, có chợ đêm ăn uống, có những tiệm ăn và quán cà phê từ lâu đã quen thuộc với người Đà Lạt. Cà phê Tùng là một trong những địa chỉ như vậy.

***
Quán cà phê Tùng vẫn ở nơi cũ như trong ký ức của bạn. Nằm trên con đường một chiều nho nhỏ, vỉa hè hẹp chỉ để được vài xe máy, mặt tiền không có gi đặc biệt ngoài cái bảng hiệu Cà phê Tùng trông rất đỗi khiêm nhường, ai không chú ý thì đi ngang qua vài lần cũng không nhận ra. Quán là gian nhà phố một lầu, tầng trên là nơi sinh hoạt gia đình, toàn bộ tầng trệt dùng làm quán. Hai dãy ghế kiểu xưa kê sát tường, hai dãy bàn thấp và một số ghế dựa nhỏ kê phía ngoài. Mặt tiền là khung cửa kính lớn lấy ánh sáng, được tận dụng gắn một kệ nhỏ để vừa ly cà phê hay ấm trà, có thể kéo chiếc ghế nhỏ ngồi đây nhìn ra đường hay xéo bên kia là khu chợ. Đây là chỗ ngồi đẹp được nhiều người ưa thích dù hơi bất tiện vì sát cửa ra vào.
Không gian hẹp nên đồ đạc cũng nhỏ gọn, giản dị, hòa với tiếng nhạc và cả khói thuốc lá tạo cho quán sự ấm cúng và thân thuộc dù lần đầu đến đây. Nhiều năm trước, khách ngồi trong cà phê Tùng nghe nhạc Trịnh lãng đãng, trò chuyện khe khẽ lịch thiệp, phần nhiều là giọng Huế hay giọng Quảng… Thời chiến tranh dân miền Trung hay đổ vào phía Nam, vô Sài Gòn, nhưng ở Đà Lạt có nhiều người Huế, phải chăng vì hợp với không khí và thời tiết nơi đây hơn cái nóng quanh năm của Sài Gòn? Mà người xứ Huế sống ở Đà Lạt không thành văn nhân mới lạ!
Bây giờ chỉ khi vắng khách mới có nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An với những giọng ca nổi tiếng Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Sĩ Phú… Còn ban ngày quán để nhạc Âu Mỹ thập niên 60, 70, hợp với cả người già và người trẻ. Thỉnh thoảng có nhạc hòa tấu. Giờ cao điểm khoảng từ 8 – 11g sáng trong quán không lúc nào còn chỗ trống. Khách chấp nhận ngồi cạnh nhau, chung một chiếc bàn hẹp trên để đủ thứ: cà phê, trà, sữa chua, nhìn vô không biết ai dùng thứ gì…
Bây giờ trong quán người trẻ nhiều hơn, họ đi từng nhóm, khá ồn ào. Hầu như không ai ngồi một mình ở quán, cũng ít người kêu cà phê đen hay cà phê sữa nóng. Khách đi từng đôi hay nhóm, uống cà phê đá, bạc xỉu, sữa chua… miệng nói chuyện mà tay và mắt không rời màn hình điện thoại, ipad… Nhiều ánh mắt lạ lẫm nhìn khi thấy tôi ngồi viết vào cuốn sổ tay những dòng tùy bút này. Viết bằng bút không còn là thói quen của nhiều người, hay là đã có 1, 2 thế hệ mất thói quen này từ khi máy tính ra đời? Để thử gửi cho bạn mấy trang viết xem anh có còn nhận ra chữ của tôi không?
Nếu trước 1975 Đà Lạt là khu nghỉ mát phục vụ cho miền Nam thì sau đó, Đà Lạt là thành phố du lịch quen thuộc của người dân cả nước. Khách du lịch trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông, không biết sự yên tĩnh hiếm hoi của những quán nhỏ ở khu Hòa Bình còn giữ được đến bao giờ? Trên đà “phát triển” phục vụ du lịch, Đà Lạt đã mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng khá nhanh. Nhà cao tầng hiện đại, quán ăn quán cà phê cửa hàng sang trọng mọc lên như nấm ở khu trung tâm và những con đường quanh đó. Xe cộ nhiều hơn, Đà Lạt cũng vội vã thức khuya và dậy sớm hơn. Tuy nhiên, nhiều vốn quý của Đà Lạt như hệ thống biệt thự đẹp như cổ tích, một số thắng cảnh nổi tiếng… đã bị hư hỏng, biến dạng.
Quanh Hồ Xuân Hương có quá nhiều công trình dịch vụ mới kiểu dáng phong cách khác nhau, không khỏi làm người ta liên tưởng đến cái ao ở làng mà mỗi nhà quanh đó có thể tùy tiện bắc cái cầu ao tắm rửa, ngăn mặt ao nuôi bèo hay thả đám rau muống hay cho giàn bầu bí. Cảnh quan đô thị nói chung hay cảnh đẹp Đà Lạt nói riêng đâu phải cái ao mà có thể chia sẻ “sở hữu” cho những ai đầu tư du lịch để khai thác vô tội vạ? Bên cạnh đó Đà Lạt còn có những khu du lịch mới mất đi tính chất thân thiện với môi trường vì để xây dựng người ta đã phá hủy rừng và cảnh quan tự nhiên.

***
Cũng may, nhờ bạn nhắc mà tôi còn có phút giây nhớ lại một Đà Lạt xưa êm đềm trong quán nhỏ. Cà phê Tùng vẫn được nhiều người nhắc nhớ. Khách sành cà phê nếu từng biết cà phê Tùng đều khẳng định, chất lượng cà phê ở đây không đổi, vẫn ngon như hàng chục năm qua. Trên mạng và trong một số sách về du lịch có một số bài viết giới thiệu cà phê Tùng với bạn bè quốc tế. Bây giờ khách đến với cà phê Tùng không chỉ như đến một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, mà còn là đến với một nơi lưu giữ một phần lịch sử và những câu chuyện về Đà Lạt. Vì vậy khách đông hơn cũng là điều đáng mừng…
Nhưng sao trong tôi vẫn có chút gì luyến tiếc, dường như không khí của cà phê Tùng xưa kia, “cái hồn” của một không gian văn hóa rất Đà Lạt đã mất đi, chỉ còn trong hoài niệm và ký ức… Bỗng nhớ quán cà phê ở đâu đó mà có lần tôi tình cờ lạc bước ghé vào, cũng là một quán nhỏ xưa cũ kỹ chỉ phục vụ ít người thôi, khách không trò chuyện mà im lặng đọc sách hay nghĩ ngợi, cũng không sử dụng điện thoại và internet trong quán. Vào đây để thưởng thức cà phê ngon, được yên tĩnh đọc và suy nghĩ, thậm chí chỉ để đầu óc trống rỗng trong giây phút…
Một quán nhỏ như vậy ở Đà Lạt để sống lại một không gian Đà Lạt xưa, yên bình và thanh thản, lãng mạn và cô đơn… ước mơ đó có là một điều không tưởng?
NGUYỄN THỊ HẬU
Đà Lạt 8/12/2016

1 comment: