Trịnh Y Thư
Tác phẩm của Ngô Thế Vinh
1.
Văn
học Việt Nam truyền thống không có bộ môn tiểu sử. Hay nói cho rõ hơn, không có
những công trình dài hơi, thấu đáo, viết về chẳng những sự nghiệp mà cả thân thế
đời sống riêng tư của các văn nghệ sĩ làm nên văn học sử nước nhà. Bên trời
Tây, họ có truyền thồng này ngay từ thời Trung đại. Nhờ thế, qua Thayer, chúng
ta biết những “Người tình bất tử” của
Beethoven chẳng qua chỉ là sản phẩm tưởng tượng nằm bên trong khối óc âm nhạc
kì vĩ nhất của nhân loại; và nhờ nữ sĩ Elizabeth Gaskell viết cuốn tiểu sử
Charlotte Brontë chúng ta biết nhân vật Rochester trong cuốn tiểu thuyết kiệt
tác Jane Eyre được xây dựng từ một
hình tượng có thật, đó chính là ông thầy dạy học Charlotte thời bà còn là cô
gái trẻ du học bên xứ Bỉ và cô nữ sinh trong trắng đem lòng yêu thầy mình, một
người đàn ông đã có vợ. Hiểu biết tường tận hơn về con người cá thể của tác giả,
các nhà nghiên cứu hai ba trăm năm sau có thêm trong tay cơ sở quy chiếu để đọc
văn bản từ một góc độ độc lập nào đó, tâm lí học chẳng hạn, và rất có thể có
cái nhìn phân tích thú vị và trung thực hơn về tác phẩm.
Trong
khi đó bên ta, lúc hiệu khảo bộ Truyện Kiều,
học giả Trần Trọng Kim chỉ có thể đưa ra một tiểu sử rất sơ lược về cụ Nguyễn
Du, thậm chí cụ Nguyễn sinh tháng nào, cụ Trần cũng lúng túng, không biết tra cứu
nơi đâu! Rồi đến thân thế nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, cách đây khá lâu,
chính xác là năm 1958, trên tạp chí Sáng
Tạo, ông Lữ Hồ còn tỏ ý nghi hoặc về một bà Hồ Xuân Hương có thật!
Bước
sang thời hiện đại, tình trạng thiếu sót ấy phần nào được bổ khuyết bởi những
tác phẩm được viết dưới dạng “chân dung,” một tập hợp những phác thảo đại cương,
thay vì một nghiên cứu chuyên sâu, về nhiều văn nghệ sĩ, mà cuốn mới nhất trình
làng năm 2017 này chính là tuyển tập nhan đề Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa (CDVHNT&VH) [Viet
Ecology Press xuất bản] do nhà văn Ngô Thế Vinh biên soạn.
Nhà văn Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại
Thanh Hóa, theo học ngành y tại Sài Gòn. Thời gian học ông từng giữ chức chủ
bút tờ Tình Thương, cơ quan tranh đấu
văn hóa xã hội của sinh viên y khoa thời ấy. Tốt nghiệp năm 1968, ông gia nhập quân
y, phục vụ tại Lực lượng Đặc biệt và giữ chức vụ y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách
Dù. Nhưng Ngô Thế Vinh trước đó đã được biết đến như một nhà văn. Những tác phẩm
của ông trong giai đoạn này gồm có các tiểu thuyết: Mây Bão (1963); Bóng Đêm
(1964); Gió Mùa (1965); và Vòng Đai Xanh (1970). (Cuốn Vòng Đai Xanh được trao giải thưởng Văn
Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971 bộ môn Văn.) Tuy vậy, trong vòng hơn 20 năm
qua – với hai tác phẩm quan trọng gây tiếng vang không ít, Cửu Long
Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng
và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, cộng
thêm hàng chục tiểu luận biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi nguy hại
của hệ sinh thái sông Mekong – ông mặc nhiên được xem như một chuyên gia hàng đầu
trong lĩnh vực này, và một cách ưu ái hơn, con chim “báo bão” về mối đe dọa thường
xuyên và ghê rợn từ phương Bắc đối với sự sinh tồn của đất nước và dân tộc. Để thực hiện các bộ sách về sông Mekong ông đã lặn lội từ tỉnh
Vân Nam, Trung Quốc xuống các quốc gia Lào, Thái Lan, Cam Bốt và đồng bằng sông
Cửu Long Việt Nam. Qua các chuyến đi quan sát thực địa, ông đã tận mắt chứng kiến
sự suy thoái bất khả đảo nghịch của con sông Mekong, “hậu quả dây chuyền của những bước khai thác tự hủy, tàn phá sinh cảnh,
làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường,” do chính sách phát
triển kinh tế bất chấp hậu quả tai hại ra sao của nhà cầm quyền Trung Quốc, mà
Việt Nam là quốc gia lãnh chịu hậu quả nặng nề và thiệt thòi nhất.
Tuy nhiên, tác phẩm nhà văn Ngô
Thế Vinh xuất bản năm 2017 lại là một bất ngờ thú vị, một cuốn sách vẽ “chân
dung” bằng chữ nghĩa các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong mắt nhìn của ông.
Điều này cho thấy sự đa dạng, đa năng và tầm cỡ trong vóc dáng nhà văn của ông.
Động lực nào như một duyên khởi đã thúc đẩy ông thu nhặt không biết bao nhiêu
nguồn tư liệu để đặt bút thực hiện tác phẩm dày gần 500 trang ấy? Người ta có
thể thắc mắc như vậy. Muốn biết, chúng ta hãy nghe ông tâm sự với nhà văn Phùng
Nguyễn:
“Loạt
bài chân dung văn nghệ sĩ đến với tôi như một sự ‘tình cờ.’ Khởi đi từ một bài
viết ‘Nhớ về người bạn Tấm Cám
Nghiêu Đề’; họa sĩ Nghiêu Đề là một cố tri từ tuổi rất thanh xuân, sau bài viết đó,
tôi nhận được feedback từ mấy người bạn cũ của Nghiêu Đề; trong số đó có Đinh
Cường, tỏ ra rất tâm đắc với bài viết và đã đưa ra nhận định: không thể viết về
Nghiêu Đề hay hơn Ngô Thế Vinh nên Đinh Cường có đề nghị sẽ đưa vào cuốn sách
Đi Vào Cõi Tạo Hình II sắp xuất bản viết về những họa sĩ
cùng thời từ 1957 đến 1966, năm thành lập Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam. Với tôi, thì
đề nghị của Đinh Cường là một niềm vui. Rồi phải kể tới những khích lệ của các
bạn văn như anh Phạm Phú Minh Diễn Đàn Thế Kỷ, anh Phùng Nguyễn chủ biên Da
Màu, nhà thơ Thành Tôn…”
Dự
định khởi đầu là một bài viết về cố tri, nhưng rồi không tránh được, chữ của Ngô
Thế Vinh, “như một flashback, có thêm những
khúc phim trắng đen ngắn của hồi tưởng rất chung và cả rất riêng tư, khá rời rạc
đổ tràn theo những trang viết.”
Cứ
thế đổ tràn, cứ thế tuôn ra ào ạt để ngày hôm nay độc giả chúng ta có cuốn sách
cầm trên tay với 18 chân dung gồm 13 nhà văn, nhà thơ, nhà báo (Mặc Đỗ, Võ Phiến,
Mai Thảo, Linh Bảo, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Như Phong Lê
Văn Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Xuân Huy,
Phùng Nguyễn); 3 họa sĩ (Nghiêu Đề, Đinh Cường, Nguyên Khai); và 2 nhà văn hóa,
hai trí thức khoa bảng đáng kính bậc nhất của Việt Nam: Bác sĩ y khoa Phạm Biểu
Tâm và giáo sư, nhà sinh học thực vật Phạm Hoàng Hộ.
Sự
chọn lựa các chân dung đưa vào sách hiển nhiên là chủ quan bởi danh sách văn
nghệ sĩ và nhà văn hóa hàng đầu của dân tộc trong vòng hơn nửa thế kỉ qua dài
hơn thế nhiều. Chủ quan bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ thân thiết
giữa tác giả và những nhân vật được chọn. Ngô Thế Vinh bộc bạch điều này cũng với
nhà văn Phùng Nguyễn: “… nhưng yếu tố quan trọng nhất là do tôi đã có mối liên hệ
quen biết và thân thiết trước đó; và cũng từ đó tôi đã có thể dễ dàng tiếp cận
với nguồn tư liệu cá nhân và cả những điều khá riêng tư.”
(Tuy
vậy do quảng giao và đam mê văn chương ngay từ thuở còn là sinh viên y khoa,
bàng bạc trong tác phẩm, tác giả cũng nhắc đến rất nhiều văn nghệ sĩ khác, có
thể nói là không thiếu một ai, trong sinh hoạt văn nghệ miền Nam thời trước
1975 và sau đó ở hải ngoại. Ngoài những nhân vật “chính diện”, tác giả cũng
không ngần ngại nhắc đến các thành phần “phản diện” như Vũ Hạnh, Phạm Xuân Ẩn,
v.v...)
2.
Mười
sáu chân dung văn học nghệ thuật và hai chân dung văn hóa, qua giọng văn đầy
thân ái và nhân hậu của nhà văn Ngô Thế Vinh, là một công trình biên soạn phong
phú tư liệu, một tập hợp quý hiếm quy tụ những khuôn mặt văn nghệ và văn hóa
tiêu biểu của một thời đại vốn được xem là nhiễu nhương nhất của dân tộc, suốt
nửa sau thế kỉ XX cho đến nay. Ngô Thế Vinh không khoác áo nhà phê bình, ông
không làm kẻ đứng trên bục giảng nghiêm khắc phê phán tác phẩm hay sự nghiệp mỗi
văn nghệ sĩ được nhắc đến. Ông không làm thế, bởi họ chẳng phải ai xa lạ mà
chính là những bằng hữu văn nghệ, những vóc dáng tài năng, gần như trọn đời người,
đã cùng ông dấn thân trên những chặng đường trắc trở nhất, trong những điều kiện
ngặt nghèo nhất, để xây dựng một nền văn nghệ nhân bản đích thực và có giá trị
nghệ thuật cao cho dân tộc. Ông mượn tác phẩm của họ như cái cớ để ngồi xuống
nhẩn nha lần giở từng trang kí ức bộn bề, len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn dưới
lớp bụi dày thời gian, cố tìm lại những cung bậc hoài niệm mù tăm để làm nên những
trang viết thật đẹp, thật ấm áp tình bằng hữu, thật chan chứa tình người. Tất cả
những gì ông viết trong cuốn sách gần như chỉ là những nét phác họa đại cương về
con người, khung cảnh sống, hoàn cảnh sáng tạo của những văn nghệ sĩ, mà chính
ông cũng là một thành viên. Đan xen vào đấy là những không gian và thời gian kỉ
niệm, đầy ắp kỉ niệm, kỉ niệm nào cũng được nâng niu, trân quý như món bảo vật
khó tìm. Tuy thế, đọc kĩ hơn, chúng ta có thể cảm nhận ra một điều, là bên dưới
lớp sắc màu tương đối hiền hòa, dịu êm ấy là niềm xác tín chắc nịch, một cái
nhìn quả quyết cộng thêm chút tự hào, về một nền văn nghệ, văn hóa miền Nam Việt
Nam tự do thời kì 54-75 và, trong chừng mực nào đó, vẫn tiếp nối ở hải ngoại,
mà sự đột phá về các mặt tư tưởng, nghệ thuật, nhân sinh, tưởng như chưa thời
nào qua mặt nổi.
3.
Trong
số 18 chân dung, chỉ hai người thuộc thế hệ người viết sau 1975 được đề cập,
nhà văn Cao Xuân Huy và nhà văn Phùng Nguyễn. Tuy vậy, dù trước hay sau, tất cả
đều kinh qua thời đoạn lịch sử khốc liệt của dân tộc vào nửa sau thế kỉ XX. Bởi
thế, dù muốn hay không, lịch sử hiện hữu khắp nơi và bám chặt lên đời sống mọi
người. Sự hiện hữu của con người và thế giới xung quanh liên
kết, thắt buộc vào nhau như con ốc sên đeo dính cái vỏ của nó. Thế giới là một
chiều kích bất khả cách li của con người, thế giới biến đổi, cái hiện tiền oan
khiên cũng biến đổi theo. Thế giới chúng ta đang hiện hữu có bản chất lịch sử,
đời sống của tất cả chúng ta mở ra theo chiều thời gian đánh dấu bằng những cột
mốc biến cố và ngày tháng (30/4/1975 chẳng hạn). Cuốn CDVHNT&VH của nhà văn Ngô Thế Vinh không đi trệch ra ngoài định đề ấy,
nhưng nó hoàn toàn bác bỏ mọi giá trị sử học định kiến mà chỉ chú tâm đến những
hồi đoạn trọng đại ở mặt nhân chủng nhưng bị quên lãng, không chút trọng lượng đối
với sử gia hay nhà chính trị học.
Lịch
sử ở đây hiện lên với bản di chúc viết tay của Nhất Linh kèm theo câu nói ngắn
gọn “Nhờ
Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại” giữa hai người sinh viên trước cửa cư xá đại
học. Lịch sử hiện lên trong cuộc chia tay cảm động giữa cơn đại hồng thủy của
nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến với gia đình Đỗ Thúc Vịnh trên đường Tự Đức. Lịch
sử hiện lên “sau khi lệnh đầu hàng được
phát đi, có thể thấy từ mấy tầng lầu cao là một cơn mưa confetti, chỉ một màu
trắng của những mảnh vụn giấy tờ tùy thân của quân cán chính cần được xé hủy
trước khi cộng quân hoàn toàn kiểm soát Sài Gòn.” Lịch sử hiện lên “những giày nón quân phục được cởi bỏ vội
vàng vứt tả tơi trên đường phố.” Lịch sử hiện lên khi nhà văn Lê Tất Điều
trông thấy nhà văn Võ Phiến ứa nước mắt khóc trên con tàu Challenger đậu ngoài
khơi trong chuyến di tản rời bỏ quê hương không ngày trở lại. Lịch sử hiện lên khi
nhà văn Phạm Việt Châu tuẫn tiết tại tư gia sau khi Cộng sản hoàn toàn chiếm Miền
Nam. Lịch sử hiện lên với nỗi đau không ai biết của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vì mất tích đứa con trai trên đường vượt biển,
và suốt thời gian sau đó ông “đã không ngừng
khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy.” Lịch sử hiện lên “những bao gạo in nhãn ‘Đại Mễ’ đầy mối mọt
viện trợ của Trung Quốc được đưa vào nuôi tù cải tạo.” Lịch sử hiện lên lúc
căn nhà của bác sĩ y khoa Phạm Biểu Tâm – một trí thức khoa bảng suốt đời tận tụy
với bệnh nhân và nền y học nước nhà – trên đường Ngô Thời Nhiệm ít nhất hai lần
bị công an thành phố xông vào lục xét. Lịch sử hiện lên hôm “tình cờ thấy thầy Phạm Biểu Tâm đang đi bộ rảo
bước trên khúc đường Trương Minh Giảng gần Tòa Tổng Giám Mục nơi góc đường Phan
Đình Phùng. Dừng chiếc xe đạp cũ kĩ bên lề đường, tôi chạy tới chào thầy. Thầy trò
gặp nhau không nói gì nhiều nhưng tôi thì đọc được những xúc cảm trong ánh mắt
của Thầy. Rất ngắn ngủi khi chia tay thầy chỉ nhắc tôi hai điều: Vinh nên đi chụp
một hình phổi và ra ngoài rồi cũng ráng ăn thêm một chút thịt.” Lịch sử hiện
lên lúc nhà văn Nhật Tiến cùng hai nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thủy “viết từ trại tị nạn và gửi ngay ra ngoài những
bản cáo trạng về thảm cảnh trên Biển Đông, đã làm rúng động lương tâm của thế
giới và cũng là bước đầu hình thành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển hoạt động nhiều
năm về sau này.”
Lịch
sử ấy được nhà thơ Thanh Tâm Tuyền gói ghém một cách tuyệt
hảo trong 6 câu thơ viết năm 1988:
Như chim chao liệng chưa hừng đông
trên hoang phế cuối đêm thảm họa
buột tiếng kêu vô vọng thinh không.
Như con nước cuồng lưu mùa lũ
Trắng xóa bão gông mù mịt nguồn
Trôi giạt bến bờ đất khốn đọa.
Lịch
sử ấy trong men say chiến thắng lên cơn đồng thiếp giở trò cưỡng bức vô-văn-hóa
cực kì man rợ. Đó là chiến dịch đốt sách.
Đốt
sách với mục đích triệt tiêu mọi di sản văn hóa của một dân tộc hay một sắc dân
– phần nhiều chỉ xảy ra vào thời Cổ/Trung đại – là hành vi man rợ chưa từng thấy
trong lịch sử loài người, như: vụ đốt sách Nho dưới triều Tần Thủy Hoàng Đế bên
Trung Quốc; vụ đốt thư viện Alexandria xứ Ai Cập thời đế quốc La Mã; vụ đốt thư
viện thành Baghdad năm 1258; vụ đốt dược thư của các sắc dân bản xứ Mỹ châu Aztec,
Maya sau khi thực dân Tây Ban Nha chinh phục Tân Thế giới. Những vụ đốt sách như
thế trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại xảy ra không nhiều, bởi ngay cả ở thời
Cổ đại người ta cũng đã mơ hồ cảm thấy đốt sách là hành vi tồi tệ đáng khinh bỉ
nhất, nó chỉ để lại vết nhơ khôn tẩy xóa cho hậu thế và bị xem là bề trái đen tối
ngạo mạn của cái-gọi-là văn minh.
Thế
kỉ XX chứng kiến hai vụ đốt sách: một, Quốc xã Đức thập niên 30; hai, Cộng sản
Việt Nam thập niên 70. Vụ thứ nhất, cả thế giới rùm beng phản đối, kết án, để rồi
sau đó xúm lại đập tan tành Hitler và bè lũ. Vụ thứ hai, chẳng ai thèm mở miệng,
một phản ứng tiêu cực chiếu lệ cũng không, và những kẻ đốt sách cho đến ngày
nay vẫn nhởn nhơ, trâng tráo.
Là
nhà văn lại phải chứng kiến cái trò phản-văn-hóa man rợ đó, Ngô Thế Vinh đau
xót là phải. Ông nhắc đến nhiều lần trong cuốn CDVHNT&VH. Hãy nghe ông miêu
tả cảnh đốt sách và biểu lộ nỗi bất bình của mình:
“Những ngày sau 30/4/1975, hai đứa con Vũ Hạnh
trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới tòa báo Bách Khoa cũng là nơi cư ngụ của anh chị Lê Ngộ Châu.
Trước khách lạ, đứa con gái nói giọng hãnh tiến: ‘Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả
đêm qua đi kích tới sáng.’ Người dân lành nào vô phước đi lạc trên đường ruộng
đêm đó có thể bị tụi nó coi là ngụy. Những tên nằm vùng cùng với đám ‘cách mạng
30’ này chỉ như phó bản đám Hồng Vệ binh của Mao nhưng lại sau cả thập niên.
Cũng chính những đám này là thành phần khích động chủ lực trong chiến dịch lùng
và diệt tàn dư văn hóa Mỹ-Ngụy, chúng giẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng
chồng sách rồi tới cả những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề
đọc, trong đó có cả một tủ sách Học Làm Người. Sách của những ‘tên biệt kích văn nghệ’ còn được trưng bày trong tòa
nhà triển lãm Tội ác Mỹ Ngụy cùng với vũ khí chiến tranh và chuồng cọp, dĩ
nhiên có sách của Dương Nghiễm Mậu, có cả cuốn Vòng Đai Xanh của người viết.”
Hoặc
ở một đoạn khác, ít phẫn nộ hơn nhưng đau xót không kém, trong bài viết về nhà
văn Nguyễn Đình Toàn:
“Sách Nguyễn Đình Toàn được xếp vào loại văn
hóa đồi trụy sau 1975; nên tất cả bị tịch thu và trở thành Tro Than, như tên một tác phẩm định mệnh Nguyễn Đình
Toàn trong chiến dịch đốt sách lan rộng khắp Miền Nam thời bấy giờ.”
“Chúng ta cần có một lịch sử ở dạng toàn
nguyên, để không rơi ngã trở lại vào nó mà để vượt thoát nó.” Triết gia Tây
Ban Nha José Ortega Y Gasset có lần nói thế. Cái lịch sử nhân chủng suốt trăm
năm qua của chúng ta có quá nhiều lỗ hổng, lỗ hổng nào cũng to đùng như động
Phong Nha như nhà văn Ngô Thế Vinh trình bày. Làm sao có được một lịch sử toàn
nguyên trong khi thay vì khâu vá những lỗ hổng cho lành lặn chúng ta lại phá ruỗng
cho nó rách toác thêm? Ông Ortega Y Gasset nếu còn sống chắc phải lắc đầu ngán
ngẩm với lũ chúng ta thôi. Và nhà văn Ngô Thế Vinh trước cuộc bể dâu ấy chỉ biết
ngậm ngùi chua xót, và từ chua xót biến thành phẫn nộ:
“Không phải chỉ có oan nghiệt giam cầm hủy hoại
những thân xác, họ còn giết chết sức sáng tạo của văn nghệ sĩ trong khoảng thời
gian sung mãn nhất. Một nỗ lực hủy diệt cả một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch
sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?”
4.
Ngô
Thế Vinh không tuân thủ một công thức nhất định nào ở các bài viết trong bộ
sách của ông. Ông viết tùy hứng và có lẽ cũng tùy cảm quan và quan hệ riêng tư giữa
ông và các chân dung. Nhờ thế, chúng ta không phải đọc một bản báo cáo dài lê
thê các lí lịch cá nhân đơn điệu chán ngắt. Ngược lại, ở mỗi chân dung ông đều
có một cách xử lí riêng, hợp tình và thú vị. Mỗi chân dung là một câu chuyện kể
với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc sôi nổi, lúc u tình, lúc chua xót,
lúc phẫn nộ, lúc cười mỉm nhưng cũng có lúc ứa nước mắt. Qua ngòi bút linh động
nhưng chân thực của Ngô Thế Vinh, những chân dung ấy bỗng nhiên “sáng” hơn, gần
gũi người đọc chúng ta hơn, và ở chừng mực nào đó, chúng ta “hiểu” tác phẩm của
họ hơn.
Ông
nói khá nhiều về thân thế cũng như sự nghiệp văn học của nhà văn Mặc Đỗ, ông không
giấu giếm lòng tâm đắc và tâm phục của mình đối với nhà văn đàn anh trong nhóm
Quan Điểm lừng lẫy của thời kì 20 năm văn học miền Nam này. Mỗi truyện ngắn của
Mặc Đỗ được ông xem như một “viên ngọc của
chuỗi ngọc” và “ngôn ngữ thì giàu
hình ảnh nhưng cô đọng và trau chuốt.”
Ông
cũng yêu thích những truyện dài, truyện ngắn của nhà văn Linh Bảo như các cuốn Gió Bấc, Những Đêm Mưa, Tàu Ngựa Cũ.
Theo ông thì “ngòi bút của Linh Bảo thông
minh sắc sảo, giễu cợt lật ra những mặt trái của cuộc sống, một cách tàn nhẫn với
giọng nghịch ngợm tinh quái bất cần đời nhưng cũng thật là chua chát. Người phụ
nữ trong tác phẩm Linh Bảo tuy cứng cỏi, chịu đựng nhưng vẫn luôn luôn là nạn
nhân đáng thương của những hoàn cảnh.” Ông còn đi xa hơn khi đưa ra nhận định
nữ sĩ Linh Bảo qua tác phẩm đã sớm là ngòi bút đấu tranh cho nữ quyền, một nhận
định đáng lưu ý cho những ai có tham vọng nghiên cứu về khuynh hướng Nữ quyền
trong sáng tác văn học của các nhà văn nữ Nam Việt Nam thời kì 54-75.
Giấc Ngủ Chập Chờn, một truyện dài của
nhà văn Nhật Tiến viết về ấp Vĩnh Hựu, một ngôi làng xa xôi tan nát do hoàn cảnh
một vùng xôi đậu ban ngày Quốc Gia ban đêm Việt Cộng, cũng được ông nhắc đến với
nỗi niềm cảm hoài u uất:
“…
dân chúng trong làng sống dở chết dở giữa
hai lằn đạn với oán thù chồng chất vây bủa giăng mắc họ ngày đêm. Đám thanh
niên và cả con nít ở cái làng đó vốn thân thiết với nhau nhưng đến lúc cuộc chiến
tràn về thì hàng xóm giết nhau, anh em cũng giết nhau, gây ra bao thảm cảnh khổ
đau.”
Ngô
Thế Vinh cũng nói thêm cuốn sách này của nhà văn Nhật Tiến đã “nói lên một sự thực là không có phong trào
quần chúng bất mãn chế độ mà nổi dậy trong cái-gọi-là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” và chính vì thế cuốn sách cũng như
tác giả của nó đã bị tập đoàn Hà Nội kết án là cực kì phản động, một tội danh one-size-fit-all cho tất cả những kẻ nào
không đồng ý với đường lối chính trị của họ.
Ngô
Thế Vinh tự bản chất có lẽ là một nhà văn xã hội ưu thời mẫn thế, những tác phẩm
của ông trong suốt quá trình viết chứng tỏ như thế, và chẳng có gì ngạc nhiên
khi ông tỏ ra đồng cảm với những sáng tác như cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn hay các cuốn Áo
Mơ Phai, Đồng Cỏ của nhà văn Nguyễn
Đình Toàn:
“Áo
Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội
sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác
dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết
cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi
trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri.”
Ông
đặc biệt tâm phục công trình biên soạn bộ sách 20 Năm Văn Học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến. Đây là một công trình
đồ sộ mà nhà văn Võ Phiến đã dốc không biết bao nhiêu công sức thực hiện. Khi bộ sách ra mắt quần chúng hải ngoại, nó bị một thiểu số
rất ít phê phán là thiên kiến (gạt bỏ một số chân dung quan trọng), chật hẹp trong
quan điểm về thơ (thiếu sót những nhà thơ cách tân), và thiếu tính phê bình
nghiêm chỉnh (văn phong đôi lúc giễu cợt, châm biếm), v.v... Tuy vậy, đại đa số,
giới cầm bút cũng như độc giả, đều nhiệt tình đón nhận bộ sách như một công
trình giá trị to tát và xứng đáng, không phải ai cũng làm được. Ngô Thế Vinh
thuộc đa số. Ông nêu ý kiến mình về cuộc tranh cãi ấy:
“Công trình nghiên cứu của Võ Phiến cần được đánh giá đúng
vào giai đoạn
thập niên đầu ngay sau 1975 với hoàn cảnh ra đời của nó: khi
mà trong nước
có cả một sách lược hủy diệt toàn diện, xóa sổ nền văn học miền
Nam 20
năm ấy, công trình của Võ Phiến như một nỗ lực sưu tập và cứu
vãn/rescue
mission, nên xem như một khởi đầu đáng được trân trọng. Ai cũng hiểu
bộ sách Văn Học Miền Nam “không chuyên nghiệp” của Võ Phiến sẽ không bao giờ là bộ
sách phê bình văn học duy nhất hay cuối cùng, nhưng đó là một bước tạo thuận /facilitation
khởi
đầu, một roadmap dẫn tới cả một khối tài liệu đồ sộ để
tham khảo, nó như một giàn phóng cho những công trình hoàn chỉnh kế tiếp. Đây
chính là phần trách nhiệm và nghiệp vụ của giới phê bình chuyên nghiệp, họ cần
có hùng tâm để “bắt đầu nghiêm chỉnh” việc đánh giá nền văn học 1954-75 bằng
những tác phẩm xứng đáng thay vì cứ mãi xoáy nhìn vào “nửa phần
vơi” của
bộ sách Võ Phiến. Một câu hỏi được đặt ra: Ai trong chúng ta có thể “bắt đầu
nghiêm chỉnh” một công trình nghiên cứu như vậy? Một câu hỏi tiếp theo: Ai sẽ
thừa kế kho tư liệu phong phú mà anh Võ Phiến có được trước khi rơi vào quên
lãng?”
Câu
trả lời cho cả hai câu hỏi của nhà văn Ngô Thế Vinh chỉ có thể là một tiếng
“Chưa”. Chưa ai làm được dù 20 năm đã trôi qua từ ngày Võ Phiến hoàn tất tập
sách cuối cùng trong bộ sách.
(Tưởng
cũng nên nói thêm, mặc dù chế độ Cộng sản tìm đủ mọi cách xóa sổ nền văn học 20
năm miền Nam, nhưng sự thật là ngày nay nó vẫn tồn tại và được lưu giữ, yêu quý
bởi thế hệ đi sau, cả hải ngoại lẫn trong nước. Quan trọng hơn, những luồng tư
tưởng xuất phát từ nó, mà quan trọng nhất là tư tưởng tự do, đã mãi mãi ở lại với
chúng ta. Tôi xin mượn câu phát biểu thật khảng khái của nữ sĩ Helen Keller, một
nhà văn Mỹ, về vụ Quốc xã Đức đốt sách, “Các
người có thể đốt sách tôi và sách của những bộ óc trí tuệ bậc nhất châu Âu, thế
nhưng, các tư tưởng trong những bộ sách ấy đã tuôn chảy qua cả muôn triệu sông
ngòi và sẽ tiếp tục chảy mãi không ngừng” để thêm một lần nữa củng cố lòng
xác tín của riêng mình là, không một thế lực bạo tàn nào có thể vùi lấp những
phẩm giá cơ bản cao đẹp nhất của con người.)
5.
Với
những nhân vật khả kính suốt đời tận tụy đấu tranh hay công hiến tài năng, sở học
của mình cho dân tộc, đất nước như nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, bác sĩ Phạm
Biểu Tâm, nhà khoa học Phạm Hoàng Hộ, nhà văn Ngô Thế Vinh luôn luôn đặt sự
trân trọng của mình lên hàng đầu. Nhưng với những bằng hữu văn nghệ – như họa
sĩ Nghiêu Đề, mà ông gọi là người bạn tấm
cám – thì khác. Ở đây chúng ta bắt gặp một Ngô Thế Vinh nhân hậu, thương
quý bằng hữu, lo lắng cho bằng hữu, và thậm chí xem những tật xấu nho nhỏ nào
đó của bạn mình như cái gì dễ thương, chẳng có gì đáng phiền hà.
Đặc
biệt thú vị hơn các tác phẩm “chân dung” khác, ở cuốn này, nhà văn Ngô Thế Vinh
còn cho chúng ta biết “tình trạng sức khỏe” của các văn nghệ sĩ ra sao. Ông bỏ
ra khá nhiều chữ nghĩa với không ít thuật ngữ y học viết về một số ca bệnh hiểm
nghèo đã cướp đi sinh mệnh người bạn văn. Cao Xuân Huy lì lợm cắn răng chịu đựng
chứng ung thư “melanoma-mắt với di căn
gan”; Nguyễn Xuân Hoàng lao đao trên con dốc tử sinh với chứng “sarcoma cột sống.” Ngô Thế Vinh đôi lúc
nhìn bạn mình trong vai trò một y sĩ. Dễ hiểu thôi, ngoài đời ông là bác sĩ y
khoa, và đối với “bệnh-nhân-bạn-văn,” ông chính là hình ảnh của một “lương y
như từ mẫu.”
Tôi
không rõ lắm sự nhân hậu nơi con người nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh đến từ bản
chất con người ông; hay một nền giáo dục gia đình và xã hội nhân bản; hay những
năm tháng bên cạnh giường người bệnh, đau với nỗi đau của nhân sinh; hay những
tấm gương sáng như bác sĩ Phạm Biểu Tâm? Có thể là tất cả những điều trên. Sự
nhân hậu ấy phản ánh trong mắt nhìn chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo lưu vong,
phảng phất đôi nét u buồn, chua xót:
“Căn phòng nhỏ hẹp ngày nóng đêm lạnh ấy là
không gian sống và cũng là tòa soạn báo Văn của Mai Thảo. Mỗi lần tới thăm anh, tôi vẫn để ý tới chiếc bàn viết lữ
thứ của Mai Thảo kê sát khung cửa sổ thấp nhìn thoáng ra bên ngoài. Rồi tới kệ
sách, không có nhiều sách Mai Thảo, chỉ có ít cuốn sách tiếng Pháp, mấy số báo Văn, đôi ba cuốn sách mới bạn văn gửi tặng anh.”
Hoặc,
tại nhà Dương Nghiễm Mậu, trong bữa cơm gia đình sau những tang thương dâu bể
mà thân phận mình, bằng hữu mình cũng như đất nước như đang hấp hối:
“Nếu
không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày
thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với
hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình
như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu
nhau rồi.”
Vâng,
cuốn sách có những trang viết chân tình, đẹp đến nao lòng. Tình bằng hữu, nhất
là bằng hữu văn nghệ, không phải một sớm một chiều có ngay. Từ điểm hội tụ, nó
cần được chưng cất, tinh luyện nhiều tháng năm với tấm lòng chân thành, tha thiết.
Điểm hội tụ đó chính là lòng đam mê văn chương, nghệ thuật mà Ngô Thế Vinh cùng
các bằng hữu của ông có thừa. (Không có đam mê, bạn đừng đặt chân vào khu vườn
nghệ thuật làm gì. Triết gia Hegel bảo, “Không
điều gì vĩ đại trên thế gian này thành tựu mà không có sự đam mê.” Nhưng
ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng chẳng ra hồn nếu bạn là hòn đá lửa nằm lăn lóc
trong đám sỏi đá vô hồn khô khốc, không có lòng đam mê đập vào cho tóe lên tia
lửa sáng tạo.)
Hình
như cái chất đam mê đã chảy rất sớm trong huyết quản nhà văn Ngô Thế Vinh và
các bằng hữu của ông. Thử nghe ông nhắc lại chuyện cũ hơn nửa thế kỉ:
“…
Xóm Bùi Viện gần Ngã Tư Quốc Tế là khu
giang hồ nơi chúng tôi thường lui tới lúc đó, họ tiềm ẩn tài năng nhưng còn như
những ‘viên ngọc ẩn thạch,’ giới hội
họa như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyên Khai; nhóm thơ văn Trần Dạ Từ,
Nguyễn Đức Sơn/Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển/Tú Kếu, Nguyễn Nghiệp
Nhượng, Nguyễn Thụy Long, mỗi người một vẻ với khao khát nghệ thuật là mẫu số
chung mà họ hướng tới. Sức sáng tác của họ mạnh mẽ, sớm có tác phẩm và họ đều
trở thành những tên tuổi…”
Sinh
hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam lúc đó như bừng lên tràn trề sức sống. Trước
hết phải kể đến thành phần văn nghệ sĩ di cư từ Bắc vào Nam. Họ đã đóng góp một
phần không nhỏ vào sự khởi sắc đột khởi này. Chỉ một năm sau Hiệp định Geneva
chia đôi đất nước, nhật báo Tự Do ra
đời tại Sài Gòn với một ban biên tập hùng hậu và những người cộng tác gồm toàn
những cây bút Bắc kỳ di cư nhiều kinh nghiệm với Cộng sản, như: Tam Lang Vũ Đình
Chí, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu, Vũ Khắc Khoan, và ít
lâu sau có thêm Hiếu Chân, Hi Di Bùi Xuân Uyên và họa sĩ Phạm Tăng. Thế nhưng, đáng
chú ý nhất ở thời đoạn này là các nhóm văn chương. Nhờ hít thở bầu khí quyển tự
do, tiếp cận trực tiếp với các trào lưu văn nghệ, tư tưởng lớn của Tây phương,
mà điển hình là Pháp, các nhóm văn chương đã có cơ hội nở rộ, tạo môi trường
thuận tiện, là chất xúc tác cho những sáng tạo đột phá, gây kinh ngạc lớn và có
khả năng trường tồn. Theo Ngô Thế Vinh thì có các nhóm chính sau: 1) Tự Lực Văn Đoàn được tiếp nối với Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh; 2) Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền
phủ nhận nền văn học tiền chiến với nỗ lực cách tân văn chương; 3) Quan Điểm của Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc
Khoan, Mặc Đỗ; 4) Đêm Trắng (còn được
gọi là nhóm La Pagode nơi họ tụ tập
sinh hoạt) được xem như nhóm Tiểu Thuyết
Mới của Sài Gòn.
Không
nghe Ngô Thế Vinh nói ông thuộc nhóm nào, có thể ông đứng ngoài, nhưng xuyên qua
vài cảm nghĩ rời người ta có thể phỏng đoán ông có cảm tình đặc biệt với nhóm Đêm Trắng gồm các nhà văn nhà thơ đa số
xuất thân nhà giáo, như: Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật,
Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ. Người ông đề cao nhất trong
nhóm là nhà văn Nguyễn Đình Toàn:
“Nổi bật trong nhóm này là Nguyễn Đình Toàn với
kĩ thuật viết mới, viết truyện mà không có truyện, những trang chữ là một chuỗi
những hình ảnh tạo cảm xúc và là một trải dài độc thoại nội tâm. Nguyễn Đình
Toàn thành công trong nỗ lực tự làm mới văn chương nhưng không vì thế mà bảo
ông chịu ảnh hưởng và chạy theo phong trào tiểu thuyết mới của Pháp.”
Tiện
thể, ông nói luôn về những thành tựu làm mới văn chương của thời kì này:
“Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu là hai
tên tuổi khác cũng được nhắc tới khi nói về khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Sài
Gòn lúc bấy giờ. Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, Hoàng Ngọc Biên không ở trong
nhóm Đêm Trắng nhưng chính anh là người
đầu tiên thực sự nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman của Pháp, vào giữa thập niên 1950’s với các tên tuổi như Alain
Roble-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon. Hoàng Ngọc Biên
đã dịch một số tác phẩm của Alain Roble-Grillet và cũng thể hiện quan niệm tiểu
thuyết mới ấy qua tập truyện Đêm Ngủ ở Tỉnh do Cảo Thơm xuất bản Sài Gòn, 1970. Cũng theo Hoàng Ngọc Biên, thì
ngoài danh xưng, trong 20 năm Văn Học Miền Nam thực sự đã không có một phong
trào Tiểu Thuyết Mới tại Sài Gòn ‘theo
cái nghĩa thời thượng’ của phong trào Tiểu
Thuyết Mới xuất phát từ Tây Phương.”
Hiện
hữu chỉ vỏn vẹn 20 năm nhưng trước và sau nó chưa có thời kì nào trong văn học
Việt Nam khởi sắc như thế, chưa có thời kì nào có nhiều tài năng hơn thế. Vậy
mà nó bị gọi là đồi trụy và phản động để rồi bị vùi giập không thương tiếc, cả
một nền văn hóa nhân bản tươi đẹp của dân tộc bị truy lùng, diệt trừ đến tận gốc.
“… Trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách
nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?” Nhà văn Ngô Thế Vinh vừa đau xót vừa
phẫn nộ đặt câu hỏi.
6.
Chỉ
thấy ba nhà họa tài ba của hội họa Việt Nam – Đinh Cường, Nguyên Khai, Nghiêu Đề
– được nhắc đến trong bộ sách CDVHNT&VH. Là những họa sĩ Ngô Thế Vinh có mối
quan hệ bằng hữu chân tình, nhưng qua đó ông cũng nhắc đến những tên tuổi lừng
lẫy khác như Mai Trung Thứ, Tạ Tỵ, v.v… và nhất là quá trình xây dựng và phát
triển trên bình diện nghệ thuật của hội họa miền Nam Việt Nam thập niên 60.
Đây
là một điểm nhấn khác của Ngô Thế Vinh:
“Họ ở lứa tuổi 20-30, cho dù là hội viên của
Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam hay không, một số tốt nghiệp trường Mỹ Thuật như Đinh
Cường, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, hay bỏ học
ngang như Nghiêu Đề, hoặc không xuất thân từ trường Mỹ Thuật như Cù Nguyễn
nhưng họ đều là những ‘viên ngọc ẩn thạch,’ những khuôn mặt tài năng có cơ hội
là phát triển với sức sáng tạo thăng hoa tới mức cao nhất để hình thành những
tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật trong không khí tự do của miền Nam.”
Một
lần nữa chúng ta lại thấy yếu tố “không khí tự do” được nhà văn Ngô Thế Vinh nhắc
đến như điều kiện cần và đủ cho bất cứ thể loại sáng tạo nghệ thuật nào. Họa sĩ
Trịnh Cung nói nhiều về Hội Hoạ Sĩ Trẻ trong
hai tác phẩm xuất bản ở hải ngoại – Mỹ
Thuật Việt Nam, Những Vấn Đề Xoay Quanh và Nhận Định & Những Câu Hỏi về Mỹ Thuật – với ít nhiều tự hào.
Nhưng, vẫn theo lời họa sĩ Trịnh Cung, hội họa miền Nam Việt Nam không phải đợi
đến khi có mặt Hội Hoạ Sĩ Trẻ năm
1966 mới bắt đầu khởi sắc. Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, hội họa Sài Gòn đã có những
thành tựu đáng kể mà cột mốc khó quên là cuộc triển lãm quốc tế lần thứ nhất tổ
chức năm 1962 tại công viên Tao Đàn với sự tham dự của các nền hội họa hàng đầu
thế giới như Ý, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha… Tranh của các họa sĩ Việt Nam ngay từ
thời điểm này đã được các nhà sưu tập nước ngoài tìm mua không ít. Kì thực, Việt
Nam có một truyền thống hội họa phong phú mà bệ phóng chính là trường Mỹ Thuật
Đông Dương do người Pháp thành lập năm 1924 ở Hà Nội. Trước Cách Mạng Tháng Tám
đã có một đội ngũ họa sĩ nhiều tài năng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm,
Dương Bích Liên… Thế nhưng con đường hội họa nhiều triển vọng tốt đẹp ấy đã bị
con chó ngao biện chứng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa từ lịch sử xông ra chặn đường.
Biện
chứng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì? Bạn có thể hỏi ngược lại tôi như thế. Muốn
tìm hiểu, tưởng không đâu bằng chính lời nói của cha đẻ cái chủ nghĩa ấy: nhà
văn Maxim Gorky. Trong diễn văn đọc tại đại hội lần thứ nhất hội nhà văn Liên
Xô năm 1934, ông phát biểu như sau:
‘Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa khẳng định
tồn tại như là sự hoạt động, sự sáng tạo mà mục đích là liên tục phát triển những
năng lực quý giá của cá nhân con người, vì thắng lợi của nó đối với các lực lượng
tự nhiên, vì sức khỏe và tuổi thọ, vì cái hạnh phúc lớn nhất là được sống trên
trái đất.’
Tôi
vớ được câu nói trên từ một tài liệu văn học tiếng Việt. Không biết một chữ tiếng
Nga lại thiếu nguồn đối chiếu, tôi không chắc người dịch có bao nhiêu phần đúng
bao nhiêu phần sai. Cái mệnh đề “vì sức
khỏe và tuổi thọ” khiến tôi thắc mắc. Sáng tác theo Chủ nghĩa Hiện thực Xã
hội chủ nghĩa sẽ khỏe như voi và sống lâu trăm tuổi ư? Còn nếu bạo gan đi ngược
lại thì nhà nước sẽ cho đi cải tạo mút mùa, ắt hẳn sức khỏe sẽ yếu kém và chết
sớm? Thú thật, tôi không đủ kiến thức và ngôn từ để phản biện cái triết học rối
mù ấy. Vì vậy, tôi xin mượn lời nhà thơ Czeslaw Milosz. Ông này hay lắm, người
ta gọi ông là nhà thơ của lương tâm nhân loại. Ông nói giản dị như thế này về
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, dễ hiểu hơn cái ông Gorky kia nhiều, và chính
xác trăm phần trăm:
“Biện chứng: Tôi tiên đoán căn nhà sẽ cháy;
đoạn tôi đổ xăng lên bếp lửa, căn nhà cháy rụi; tiên đoán của tôi đúng. Biện chứng:
Tôi tiên đoán một tác phẩm nghệ thuật mà không tương hợp với Hiện thực Xã hội
chủ nghĩa thì chỉ đáng vứt đi; đoạn tôi bắt nhà nghệ sĩ sáng tác trong những điều
kiện chỉ có thể tạo ra những tác phẩm đáng vứt đi; tiên đoán của tôi đúng.”
Stalin
đã áp đặt cái chủ nghĩa ấy làm phương pháp sáng tác chủ đạo cho tất cả các bộ môn văn nghệ trong xã hội
Xô Viết, và dần dà nó được truyền tụng sang các quốc gia khác trong cộng đồng
xã hội chủ nghĩa, trong đó có Bắc Việt Nam. Kết quả như thế nào thì chúng ta đã
quá rõ, chẳng cần nhắc lại nơi đây.
Trong
khi đó, sau Hiệp định Geneva 1954, một số họa sĩ miền Bắc di cư vào Nam như Thái
Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ… cùng một số du học từ châu Âu trở về Sài Gòn
đem theo những quan niệm sáng tác của Chủ nghĩa Hiện đại, tất cả đã góp phần tạo
một luồng gió mới cho sự phát triển văn hóa miền Nam nói chung, mĩ thuật hiện đại
Việt Nam nói riêng, mà trung tâm là thủ đô Sài Gòn lúc đó. Được tiếp cận với
sách vở và tạp chí nghệ thuật Tây phương, được tham gia các cuộc triển lãm quốc
tế (tại Việt Nam hoặc nước ngoài), không bị con chó ngao biện chứng Hiện thực
Xã hội chủ nghĩa canh chừng ngày đêm, các họa sĩ miền Nam tha hồ tiếp cận và tiếp
thu nhanh chóng các trường phái của Chủ nghĩa Hiện đại như Tượng trưng, Siêu thực,
Trừu tượng, Biểu hiện, Biểu Trừu tượng, Dã thú, Lập thể, v.v… Nhờ thế, nền nghệ
thuật tạo hình Sài Gòn từ chỗ còn non yếu đã mau chóng phát triển bằng những bước
dài chững chạc, có khả năng diễn ngôn cùng một ngôn ngữ hội họa chung thế giới.
Sau
cột mốc cuộc triển lãm quốc tế lần thứ nhất năm 1962 là cột mốc thứ hai, sự
thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ năm 1966 với
sự tham gia của hầu hết các họa sĩ tài danh lúc đó như Nguyễn Trung, Trịnh
Cung, Nguyễn Lâm, Nguyên Khai, Đinh Cường, Ngy Cao Nguyên, Hồ Hữu Thủ, Rừng, La
Hon, Đỗ Quang Em, Hồ Thành Đức, Nguyễn Phước, Hoàng Ngọc Biên… Âm vang của Hội Họa Sĩ Trẻ cho đến tận ngày nay vẫn còn,
chứng tỏ tầm ảnh hưởng của nó là không nhỏ. Điểm khác đáng lưu ý là, song hành
với những nỗ lực cách tân với ảnh hưởng Tây phương rõ rệt, hội họa mang tính mĩ
cảm truyền thống vẫn không ngừng chảy với các họa phẩm giá trị của các họa sĩ
như Tú Duyên, Nguyễn Siên, Trần Văn Thọ… Và đặc biệt Nguyễn Gia Trí, người được
xem là tiên phong trong lĩnh vực làm mới sơn mài, chinh phục giới thưởng ngoạn
bằng một cảm xúc sâu lắng, hòa phối từ hai trường phái Phục hưng và Hiện đại;
hay tranh lụa Lê Văn Đệ với đường lối đặc trưng tỏa sáng hương sắc bình dị, nhẹ
nhàng, sâu lắng.
Xem
thế, sự lớn mạnh của nền hội họa miền Nam trong giai đoạn 54-75, như nhà văn Ngô
Thế Vinh trình bày trong cuốn sách của mình và như họa sĩ Trịnh Cung xác nhận,
là sự phát triển theo quy luật tự nhiên nhờ vào những điều kiện tạo thuận từ
bình diện học thuật, tư tưởng cho đến chính trị. Song hành với văn học, có thể
xem đó là thời đại hoàng kim của hội họa Việt Nam mà trước đó hay sau này đều
không thấy.
7.
Tuyển
tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật &
Văn Hóa của nhà văn Ngô Thế Vinh không phải là một cuốn sách Who’s Who về các nhà làm văn nghệ, văn
hóa Việt Nam. Nó không có tham vọng vẽ lại toàn cảnh hay nghiên cứu chuyên sâu
một tác giả nào. Nó mang tính cách tâm tình nhiều hơn. Nó cũng không tán rộng
các điểm phụ bên ngoài đời sống văn học nghệ thuật. Đọc xong cuốn sách, chúng
ta không rõ trong hoàn cảnh nào nhà văn Nhật Tiến viết cuốn Thềm Hoang, hoặc nhân vật nữ trong tiểu
thuyết Một Chủ Nhật Khác của Thanh
Tâm Tuyền là ai ngoài đời, v.v… Những điều đó hình như không quan hệ lắm đối với
giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Nhưng nhà văn Ngô Thế Vinh đã cho chúng ta
cái nhìn bao quát đa chiều kích về một thời kì văn học – theo lời nhà văn Võ
Phiến – kém may mắn (vì thiếu phê bình) và bất hạnh (vì bị hủy diệt). Cuốn sách
còn là một kho tư liệu rất quý, vô cùng hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu sâu thêm.
Đối với bằng hữu văn nghệ, đối với những nhân vật nhà văn Ngô Thế Vinh hằng ngưỡng
mộ và kính trọng, đối với người đọc chúng ta, ông quả đã làm tròn điều ông muốn
làm, đó là, “Của tin gọi một chút này làm
ghi.”
10/2017
Đôi
dòng tiểu sử nhà văn Ngô Thế Vinh:
Ngô Thế Vinh, sinh năm 1941 tại Thanh Hoá. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn 1968. Trong ban biên tập, rồi chủ bút báo sinh viên Y khoa Tình Thương. Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp Y khoa Phục hồi tại San Francisco. Sau 1975, tù ba năm qua các trại tù cải tạo. Tới Mỹ cuối 1983, bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh viện Đại học New York. Tốt nghiệp Nội khoa, bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện miền nam California.
Tác phẩm (Việt ngữ):
Mây
Bão (Nxb Sông Mã Sài Gòn 1963, Nxb Văn Nghệ California 1993);
Bóng
Đêm (Nxb Khai Trí Sài Gòn 1964);
Gió
Mùa (Nxb Sông Mã Sài Gòn 1965);
Vòng
Đai Xanh (Nxb Thái Độ Sài Gòn 1971, Nxb Văn Nghệ California 1987);
Mặt
Trận ở Sài Gòn (Nxb Văn Nghệ California 1996);
Cửu
Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (Nxb Văn Nghệ California 2000, Nxb Văn Nghệ
California tái bản 2001, Việt Ecology Press & Giấy Vụn VN tái bản 2014);
Mekong
Dòng Sông Nghẽn Mạch (Nxb Văn Nghệ Mới California 2007, Nxb Văn Nghệ Mới tái bản
2007, Nxb Giấy Vụn VN tái bản 2012);
Audiobook
Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (Nxb Văn Nghệ Mới 2007, Việt Ecology Press &
Nxb Nhân Ảnh 2017);
Chân
Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (Nxb Việt Ecology Press 2017).
Tác phẩm (Anh ngữ):
The
Green Belt (Ivy House 2004);
The
Battle of Saigon (Xlibris 2005);
Mekong
The Occluding River (iUniverse 2010);
The
Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in Turmoil (Việt Ecology Press & Nxb
Giấy Vụn 2016).
No comments:
Post a Comment