Tuesday, October 3, 2017

TẢN MẠN VĂN HỌC. NÓI CHUYỆN VỚI LƯU NA II


Nguyễn Mạnh Trinh & Nhã Lan

Tác phẩm của Lưu Na

Nhã Lan:  Thân ái chào tái ngộ Lưu Na
Lưu Na  :  Xin chào tái ngộ
Nguyễn Mạnh Trinh:  Tôi đọc trong Lênh Đênh thấy Lưu Na trách móc lớp đàn anh đàn chị đã bỏ rơi mình thì tôi thấy lạ quá, vì chính chúng tôi cũng bị bỏ rơi, chúng tôi cũng là nạn nhân chứ đâu chủ động để bỏ rơi người khác.  Như vậy tại sao LN lại có ý nghĩ là lớp đàn anh đàn chị bỏ rơi lớp trẻ… ()  Có thể tôi đọc bị hiểu lầm bị nhiễu xạ, xin cô giải thích.
Cho em nói như vầy, khi anh NMT nói lớp đàn anh thì em hiểu anh NMT muốn nói tới lớp sinh viên đi trước và những người quân nhân.  Rõ ràng sinh viên và quân nhân là lứa đàn anh; sinh viên thì em không có ý kiến vì em không biết nhiều, bây giờ nói đến lớp quân nhân là lớp ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến LN, thì gia đình LN cũng có người tử trận, và cũng có người lính – cũng phải ở tù.  (Như vậy), trước tiên là gia đình LN cũng có lính nên Na không có lý do gì oán trách người lính.  Bây giờ nghĩ chung về một thế hệ thì Na thấy, những người quân nhân những người lính cũ họ muốn hay không thì vì cuộc chiến họ đều phải tham dự. Tham dự, nếu không mất mạng thì cũng mất tuối trẻ, bây giờ cuộc chiến tàn họ phải vào tù mà những người không vào tù - ở bên ngoài trốn chui trốn nhủi sống rất là bấp bênh, đói khổ, thảm thiết lắm.  Những trường hợp như vậy mình thương không hết, không có lý do gì để giận.  Nhưng tuổi đời càng lớn càng nghĩ đến những mất mát của họ, nói cho cùng LN nghĩ mình nợ những người lính đó một mạng sống một cuộc đời, và LN tin không phải chỉ mình LN mà rất nhiều người cũng nghĩ như vậy.  Họ đã hy sinh đã mất mát rất, rất nhiều, chịu đau khổ rất nhiều, Na không có lý do gì oán trách họ.  Thành ra, nếu trong Lênh Đênh có nhắc một điều gì đó để gây hiểu lầm thì nơi đây nhờ anh Trinh hỏi Na có dịp để nói: không có chuyện đó.

Nhã Lan:  Lưu Na vượt biên đến đảo nào?
Lưu Na đến đảo Bidong.

Nhã Lan:  Khi nhắc đảo Bidong người ta có chữ Buồn Lâu Bi Đát.  Những kỷ niệm nào cho đến giờ này LN vẫn còn giữ cho mình, một cảm xúc nhớ mãi?
Nếu nói cảm xúc thì đó là nỗi xúc động Na có viết lại trong Lênh Đênh khi gặp những người vượt biên trên biển gặp điều không may. Có những người mất gia đình, mất hết. Cả một tàu đi mà chỉ còn một người, có những điều thảm thiết mà nếu nhắc lại có thể gây nỗi đau lòng cho rất nhiều người, nên xin phép không nhắc lại.  Nếu quí vị đọc Lênh Đênh sẽ có nhiều chi tiết hơn nhưng xin phép ở đây cho qua (những) thảm cảnh đế tránh nhắc chuyện đau lòng. Có hai cảm xúc chính yếu đối với Na: cảm xúc thứ nhất đương nhiên là khi đứng trên đất lạ một tay thì đã chặt đứt với đất nước với mẹ cha với anh em, một tay kia không với tới đâu. Ở đảo không với được tới đâu, thấy mình trụi thùi lùi, trần trụi, chơ vơ lắm, nhưng ở giữa cái trần trụi chơ vơ đó nhìn quanh biết là bao thảm cảnh.  Có một điều thực sự nói ra có thể là (đáng) chê trách - ở Mỹ nói là better you than me, còn lúc đứng ở đó mình buồn mình thương nhưng thực sự mừng hú vía (thảm cảnh) không đến với mình. Cái đó (nếu nói ra) bây giờ bị trách là bần tiện hay nhỏ mọn thì Na cũng đành phải nhận, nhưng Na đã thật sự có cảm xúc như vậy. Điều đặc biệt thứ hai có ghi lại trong Lênh Đênh là Na rất ngạc nhiên và thán phục. Trên một đảo trống chỉ có đất đá đồi núi đá sỏi tự dung dựng lên một trại tị nạn mà rất lớp lang thứ tự.  Mình có ban điều hành, có đủ mọi thứ để giữ một trật tự.  Thực sự mình đang ở trong một xã hội đầy đủ bây giờ đi ra một xã hội giống như ăn lông ở lỗ, dựng lều lên ở với nhau, nhưng khi Na đặt chân lên đảo thì thấy mọi sự rất ngăn nắp, thứ tự.  Không thứ tự như xã hội đã phát triển, nhưng vẫn có một thứ tự.  Na ghi nhận trong lòng một điều là, những thứ tự ngăn nắp (trong việc) điều hành như vầy là nhờ công, nhờ hiểu biết của thế hệ đàn anh đi trước. Thế hệ đó ở Việt Nam - là lính thì anh Trinh nghĩ là Na oán trách, Na không oán trách, mà bây giờ họ đặt chân lên đảo họ đã giúp gầy dựng điều hành rất chừng mực rất ngăn nắp.  Lại thêm một điều cho mình hiểu thêm rằng kiến thức là sức mạnh.  Chính khả năng điều hành, trong quân đội cũng như trong hành chánh ở Việt Nam, vì đã thành một xã hội ngăn nắp người ta mới có kinh nghiệm ngăn nắp, và như vậy khi lên một đảo hoang sơ sống đời primitive người ta vẫn tổ chức được (đời sống) cho ngăn nắp.  Điều đó dạy cho Na biết ơn những người đi trước.  Na cảm phục, Na quí, Na biết ơn.

Nhã Lan:  Sau thời gian ở đảo, sang đến nước người – quê hương thứ hai, những bước đầu tiên hội nhập vào xã hội mới thì sinh hoạt của LN như thế nào và tâm trạng lúc đó ra sao?
Nói là hội nhập thì tất cả mọi người đều phải đi một bước chung: học Anh Văn, làm sao để sống cho thích hợp, tìm công ăn việc làm.  Cái chuyện ai cũng nhắm tới là làm sao để ổn định, mua một cái nhà để ở hay tìm một chỗ ở vững chắc, người chưa có gia đình thì tìm bạn tình để kết hôn, xây lập gia đình mới.  Tất cả những chuyện đó mọi người đều đi qua và LN cũng vậy.  Nhưng nếu hỏi cảm giác thì với Na đó là cảm giác dùng dằng.  Na tin là mọi người (tị nạn) cũng dùng dằng cũng dằn vặt thôi, nhưng với Na chẳng những là cảm giác dùng dằng mà nhiều khi thấy mình đứng bên lề.  Hơi trái ngược, (vì) Na vẫn lao vào học Anh văn, lái xe, đi tìm việc làm…, ráng để dành tiền mua một cái nhà.  Nghĩa là làm tất cả mọi chuyện hội nhập nhưng lòng không hội nhập!  Na không cam lòng, nên trong Lênh Đênh có khoảng viết lại điều không cam lòng đó, hiện ra ở chỗ, mình mua nhà để ở thì sắm đồ dùng, Na chỉ mua đồ rẻ rẻ vất đi thôi, không phải vì không có tiền mà vì trong lòng Na cứ lưu luyến, cứ nghĩ là mình sống tạm.  Mang tâm trạng ăn nhờ ở tạm Na không một cái gì chắc chắn, không phải không tiền hay không thích cái đẹp mà là không cam lòng (bởi) mua một món đồ chắc chắn cũng giống như đóng đinh ở xứ này, không cam lòng, nên không mua.  Đến cái chuyện thật ra (có thể) tầm phào với mọi người mà lớn lao với Na: không lập được một bàn thờ.  Na ra đi ba má có viết ngày cho mình ngày giỗ ông bà ngoại, ông bà nội, ngày giỗ cậu… đủ thứ giỗ.  Na lên đảo không có tiền vẫn ráng mua một trái táo một thẻ nhang để thắp cúng.  Bây giờ ở nước ngoài có tiền mua được một căn condo để ở mình có quyền làm bàn thờ thì Na lại không làm được.  Cái dùng dằng cái không cam lòng hội nhập (tựa như việc) mua một món đồ chắc chắn giống như đóng đinh ở đây, bây giờ lập một bàn thờ (thì) nghĩ đến ở Việt Nam có những nhà thừa tự, ba đời năm đời – đời cha truyền đến đời con đời cháu để thờ tự, khi đóng một bàn thờ tự dung cũng có cảm tưởng mình đang xây nhà thừa tự ở đây, mình (sẽ) chết ở đây, rồi con mình (cũng) sẽ chết ở đây, rồi ai cũng thờ ở đây.  Cảm giác đó lôi mình lại, Na không cam lòng, Na có nhắc cảm giác (không) cam lòng đó trong Lênh Đênh vì nghĩ mình vẫn là người Việt Nam, (vẫn) là con của ba má.  Ba má để bàn thờ ông bà ở VN, mình cúng giỗ ông bà ở VN, bây giờ giỗ ở đây không lẽ ở VN không làm?  Chỉ là một chuyện dùng dằng không giải quyết được mà nghĩ lại thấy mình vô lý hay vớ vẩn (!!!) nhưng lúc đó – nói lúc đó nghĩa là mười mấy năm dài Na nghĩ như vậy. 

Nhã Lan:  Vậy lúc đó có mơ ước một ngày về quê hương không?
Lúc đó không dám mơ ước đâu.  Mơ gặp lại mẹ cha thì có mơ, nhưng tình hình lúc đó không nghĩ họ có bao giờ cho mình về, không nghĩ có ngày gặp lại mẹ cha, thành ra hỏi có mơ – nhớ thì nhớ chứ biết họ có cho về thăm đâu mà mơ!!!

Nhã Lan:  Vì sợ?  Sợ họ bắt đi thủy lợi?  Bắt đi thanh niên xung phong?
Không không, cái chuyện sợ là một chuyện khác một vấn đề khác mà nếu có thì giờ Na sẽ xin nói tới.  Mười năm đầu tiên (ở Mỹ) trong giấc ngủ Na luôn nằm mơ thấy những ngày ở đảo, nhưng đến đoạn đã cho về thăm nước thì lại là những giấc mơ khác, nếu còn thì giờ sẽ nói thêm (sau). 

Nguyễn Mạnh Trinh:  Cô nghĩ sao, tự nhận mình là người tị nạn, người di dân, hay mới đầu là người tị nạn về sau là người di dân, cảm nghĩ riêng của LN?
Em đến đây với qui chế tị nạn, bản thân em là một người tị nạn.  Bây giờ là công dân Mỹ sinh sống ở đây làm đầy đủ nghĩa vụ công dân và cũng suy nghĩ (như người) ở đây, hỏi có còn là người VN thì em không còn hoàn toàn là người VN, hỏi có phải là người Mỹ thì chắc chắn cũng không là Mỹ, em là ba rọi, nhưng nếu giây phút sau cùng hỏi em là ai ở đâu đến thì LN vẫn là người tị nạn đến từ nước VN.  Cái đó bảo sửa thì Na cũng không sửa được.  Hỏi cho tách bạch “cô là người gì” thì ngay bây giờ Na không khẳng định được, nhưng giây phút sau cùng Na sẽ nói (như vậy,) tiên quyết là người VN, qui chế tị nạn dù đã đổi thành công dân Mỹ thì khi chết vẫn là người tị nạn.

Nguyễn Mạnh Trinh:   Trong nước sau năm 75 LN có bị ảnh hưởng về văn học, báo chí cũng như âm nhạc phục vụ chính trị của đảng cộng sản?  Cô có cảm giác chống đối?  LN có thể giải thích hoặc phác họa lại?
Khi cộng sản chiếm miền Nam thì em chưa học hết trung học, em phải học một số văn hóa của chương trình “cách mạng,” đến hai năm đại học thì chỉ toàn học chính trị Mác-Lê Nin.  Nhận xét chung chung là trong giảng dạy từ trung học lên đại học, hãy nói ngược chiều lại từ đại học, học chính trị Mác Lên Nin, ba giòng thác cách mạng vân vân…  Chính trị đó, đầu tiên là chủ nghĩa tư bản thối nát, đế quốc người bóc lột người, và bọn nó đang giẫy chết!!!  Ở trình độ đại học sinh viên (được) hỏi thì chúng em cười với nhau, em cũng muốn giẫy chết như vậy lắm mà không được!

Nguyễn Mạnh Trinh:  Cô nghe những bản nhạc như Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, hay bản Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân thì thấy sao?  Thấy chán nản hay bị kích động theo?
Không, cho em được nói như vầy, nếu nói kích động thì chắc chắn không có chuyện (bị) kích động để  cùng đi hành quân, hay “tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù…” là không không không có chuyện đó!!!  Em sống trong miền Nam, cha mẹ em là Bắc di cư, đối với em cho đến giờ phút này em vẫn thấy rằng cộng sản chiếm miền Nam.  Em không thể nào thích được mà bảo là có cái hăng say mà “tiến về Sài gòn,” nhưng ở lứa tuổi 16, tuổi nhỏ mình dễ xúc động, dễ thương dễ ghét dễ yêu lắm.  Mình không nuôi hận thù trong lòng (và) ở hoàn cảnh nào cũng yêu được hết.  Anh nói (hỏi) mấy cô thanh niên xung phong không yêu được chăng, ở đâu cũng yêu được và càng hoàn cảnh khắc nghiệt càng yêu.  Bây giờ bị giới hạn bó buộc vào một số văn hóa – chỉ được đọc loại sách này chỉ được nghe loại nhạc này (“cách mạng”) tụi em vẫn yêu được, vẫn có thể dùng những bài nhạc đó bày tỏ tình cảm với nhau.  Là sinh viên khi thực tập cô này bảo qua ngân hàng Phú Nhuận anh kia đến ngân hàng đâu đó hai đầu tỉnh, học trò muốn tỏ tình muốn nói với nhau một lời thương nhớ (mà) không dám nói thì nói là “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”  Mượn nhạc của người ta nói lòng của mình, một cách gián tiếp nói rằng “tui nhớ bồ lắm bồ có nhớ tui hông!”  Nếu nói như vậy là theo cách mạng theo cộng sản thì xin thưa là không, nhưng hỏi nó có ảnh hưởng như thế nào thì phải nói là có.  Lúc đó không có gì để dùng, không có thơ Nguyên Sa để đọc, không có nhạc tình để hát, phải dùng nó (thơ nhạc “cách mạng”) thì đương nhiên nó thành một phần trong kỷ niệm, trong đời sống của mình.  Không thể nói không không tui không hát, cũng không thể nào nói tui không nhớ gì hết.  LN vẫn nhớ vì nó dầu sao chăng nữa đã đi với mình một đoạn đời.

Nguyễn Mạnh Trinh:  Tôi đọc trong Lênh Đênh có chỗ cô tham dự đổi tiền, cảm giác của cô ra sao: bị bắt buộc phải làm (thì) miễn cưỡng, hay vui thích (vì) tuổi trẻ?
Thứ nhất, rất là bất ngờ, bất ngờ vì cách làm việc (của họ).  Tự dung lùa mình vào trung tâm Quang Trung, nói là đi công tác, cách biệt mình ra - đứng không như vậy, một hai ngày sau nửa đêm chuyển mình về nhà dân, sáng sớm dậy tuyên bố đổi tiền.  Đối với một người tuổi 18, 19 như em, chưa ra đời chưa kiếm được đồng xu nào chưa sống ngoài xã hội bao giờ thì xã hội nào cũng ngỡ ngàng, nhưng cái này (đổi tiền) càng quá ngỡ ngàng.  Em rất ngạc nhiên, nhưng trong tuổi nhỏ thì ngạc nhiên cứ ngạc nhiên, thử coi đó là chuyện gì.  Bày ra nói đổi tiền, thì mình làm.  Làm việc trong một phòng nhỏ thôi, có 3, 4 bàn, (mấy người) làm việc với nhau không có máy tính, mỗi anh (người) một xấp giấy một cuốn sổ tay cầm viết làm toán cộng trừ nhân chia trên đó (giấy, sổ tay).  Nhìn ra ngoài thấy dân họ đứng lam lũ quá.  Nón lá, áo bà ba, rồi… nhiều lắm, tự dưng mình có cái sợ - mình thì nhỏ tuổi, lại chẳng biết quái gì về chuyện kế toán đổi tiền tự dưng bây giờ ngồi tính đổi tiền tựa như cầm sinh mạng của người ta, trong Lênh Đênh LN có kể, nhận ra mình tính tiền sai (thì) đổ mồ hôi, sợ quá.  Người ta về tỉnh mất rồi, mình buồn vô cùng.  Ở dưới quê lên, đi xe đò xe gì.. tới đây đổi tiền, cho đổi 200 đồng hay 100 hay bao nhiêu bây giờ viết xong Na cũng quên rồi, họ cũng không đủ đồng tiền để đổi số lượng cho (phép), mà mình tính tiền sai.  Bà đó đi về rồi mình kêu lại để tính lại cho đúng mà trả  cũng không được.  Hối hận vô lường mà không biết làm sao để chuộc lại cái lỗi đó của mình.  Lúc đó nghĩ vậy, nhưng bây giờ 50 tuổi đầu nghĩ lại, giao việc hệ trọng cho những đứa trẻ làm, mình (LN) chỉ là một đứa trẻ….    Em chỉ thấy mình làm một cái lỗi, thực sự làm toán sai thì cũng nhỏ thôi, nhưng ngay lúc đó giật mình vì thấy cái lam lũ của người dân, (mà) đổi tiền không đủ mới nhận ra lỗi của mình (dù) nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn lao, quá lớn lao, đâm sợ - hối hận, không biết làm sao để bù để gỡ.  Nếu hỏi ra thì chỉ là vụn vặt thôi, bây giờ kể ra có thể có người nghĩ LN thích tự đánh bóng mình, cho nên nói cũng phải chừa một lối.  Na xin nói, chuyện to tát lớn lao thì đó không phải, chỉ là chuyện vụn vặt, nhưng là một dấu vết trong lòng mình mang theo với một chặng đời.

Nhã Lan:  Nói to tát lớn lao vì Nhã Lan nhớ thời gian đó còn ở trong nước có tới 3 lần đổi tiền, và mỗi lần đổi tiền đổi tiền như vậy thì dân miền Nam càng nghèo hơn và đời sống càng cơ cực thiếu thốn hơn.  Đó là ảnh hưởng rất to lớn đối với người dân miền Nam.  Đó là một thời kỳ rất khốn khó…
LN cũng biết vấn đề đổi tiền gây ra nhiều – nói nhẹ là xáo trộn, trong chuyện viết lách chỉ xin nói sơ sơ, còn bàn đến hệ quả những việc đã qua (sẽ) tốn nhiều thì giờ và vất vả nhiều công sức lắm, Na không nghĩ mình đủ sức đủ trình độ để nói những chuyện sâu rộng như vậy.

HẾT PHẦN II

No comments:

Post a Comment