Cao Vị Khanh
Tưởng niệm Budapest 1956
Tôi chưa bao giờ thích thơ tự do (hổng hiểu thì lấy gì mà thích) kể cả thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, ngay khi ở tuổi 20 vốn
vẫn khoái cái trò nổi loạn với phá phách. Chậm tiến (?) hơn các bạn cùng lứa cứ
thường hay cặp nách tập thơ Tôi không còn
cô độc của ông như bằng chứng của một sự thách thức với những lề thói rề rà lệch bệch của xã hội miền Nam thuở đó. Ngay
cả đến những năm 60 mà còn mê Lỡ bước
sang ngang của Nguyễn Bính hay những bài thơ-mới của những năm 30 như tôi
thì quả nhiên là chậm tiến… thứ thiệt.
Vậy mà có hai câu thơ của ông tôi thích vô cùng
… hãy cho anh khóc bằng mắt em
những cuộc tình duyên Budapest…
Trong cái đầu rất hương-xa của tôi thuở đó, hai câu thơ…
thơ đến tuyệt vời. Tuyệt vời không phải vì thơ nhắc đến Budapest, kinh thành cổ
kính và hoa lệ của Âu châu thế kỷ 19, nằm soi bóng hai bên bờ con sông Danube
sóng lanh chanh như vòng quay luân vũ, cũng không phải vì đó là nơi sinh trưởng
của Liszt với dòng nhạc cổ điển mang đầy âm hưởng lãng mạn của một thời
vàng son… Tôi thích vì hai câu thơ là một ẩn dụ trữ tình về một biến cố chính
trị đẩm máu năm 1956, ở đó, những “tình nhân” của tự do đã khóc nhau vì một
thất hẹn của định mạng.
Ðọc lại chứng từ của một người Pháp có mặt ở đó vào
những ngày tháng 10, năm đó…
“… ngày 23 tháng 10… tình hình
vô cùng phức tạp. Những cuộc biểu tình của sinh viên diễn ra khắp nơi. Người ta sống trong sự thắp thỏm chờ đợi một cái
gì đó sẽ xảy ra…
Những cuộc biểu tình biến
thành những cuộc đụng độ thực sự. Sinh viên và thợ thuyền lao mình vào hàng rào
cản của cảnh sát chính trị. Người ta nghe súng nổ khắp nơi. Chính quyền (cộng
sản) ra lệnh cho quân đội với chiến xa kéo tới nhưng rồi chính binh sĩ lại tỏ
ra thân thiện với đám biểu tình và quay lại dẫn đầu cho đoàn biểu tình tấn công
đài phát thanh của chính quyền cộng sản. Ðường phố trở thành pháo đài dựng
chống bằng đủ thứ gạch ngói, bàn ghế, đường rầy xe lửa mà tuổi trẻ khát vọng tự
do đã đi tháo gở đem về.
Sáng hôm sau, từ cửa sổ của
khách sạn trên đảo Saint Maguerite, tôi thấy từng đoàn chiến xa Nga kéo qua với
súng đạn tua tủa. Ít lâu sau, lính sô-viết Nga nổ súng tấn công khách sạn Astoria,
trụ sở của những người khởi nghĩa. Nhóm nổi dậy chống trả kịch liệt dù ô hợp.
Họ mai phục với súng ống cá nhân trong những dinh thự quanh đó bắn cản chận
đường hy vọng làm chậm bước tiến của đoàn chiến xa hùng hổ.
… chỉ riêng quanh đó đã có
trăm người chết… và đạn đại bác của quân Nga sô-viết thì tiếp tục đổ xuống
thành phố như mưa. Trận chiến càng lúc càng ác liệt, kéo dài qua suốt đêm…. Rồi
chuyện phải đến đã đến, xe tăng bọc sắt với đại pháo cũng bắn sập được thành
trì chống giữ không có gì ngoài những tay súng nhỏ và... những tấm lòng khao
khát tự do …”
Bài tường thuật ngưng lại ở đó.
… Có điều, đằng sau những lời tường thuật nghe như thản
nhiên đó, có bao nhiêu điều không nói hết.
Thử tưởng đến những khuôn mặt sinh viên non dại mà
tâm hồn thì lồng lộng khí tiết của bầy ngựa thảo nguyên, những nhà văn nhà thơ
sức trói gà không chặt nhưng đủ sức để bứt tung những vòng xích đang chực chờ
trói chặt linh hồn họ, chính họ, tuổi trẻ và trí thức tháng 10 năm đó đã chứng
tỏ một điều: người ta có thể bỏ tù một thân xác, nhưng không bao giờ
người ta giam hãm được một tinh thần.
Hãy hình dung những người tuổi trẻ của Budapest đã buồn
rầu và thương tích vì sức công phá của đạn bom, và còn thứ thương tích không có
bệnh trạng rõ ràng gây nên bởi sự áp đảo của súng đạn trên tay trơn, của
ngụy tín trên chân lý, của bất nhân trên lương tâm, của độc tài trên tự do…
Hãy nghĩ đến hàng tấn đạn bom sắt thép đổ lên đầu họ để
bịt miệng, chẹn tiếng kêu gào của ý thức tự do.
hãy cho anh khóc bằng mắt em
những cuộc tình duyên Budapest
Tháng 10 năm đó ở Budapest, có rất nhiều người đã chết,
bị bắt bớ, bị tù đày và hàng trăm ngàn người phải bỏ xứ ra đi. Nhưng cũng từ
những người đã chết ở đó, từ những người bị bắt bớ tù đày bỏ đi lưu lạc tháng
10 năm đó ở Budapest,
mà mươi năm sau người ta lại được nghe cùng một tiếng kêu đòi ở Prague,
mùa xuân năm 68. Y như cùng một khuôn mặt, một nhân dáng cũ hiện nguyên hình
trong những hầm tối trong những khuôn viên đại học trên những con đường dẫn tới
những quảng trường ở Tiệp Khắc. Và vẫn y nguyên một niềm khao khát cũ.
Rồi cũng chính niềm khao khát đó lại một lần nữa
tái hiện trên khuôn mặt người thanh niên mảnh khảnh và đơn độc, đứng dang tay
như muốn chặn đứng cả đoàn chiến xa đang lầm lì băng qua Thiên an môn ở Bắc
kinh, một đêm mùa xuân năm 89...
Tháng 10 năm 1956 ở Budapest sẽ
còn trở lại hoài hoài khi trên mặt đất này còn những trại giam không tên và
những người tù không số hiệu.
50 năm sau, ngày 23 tháng 10 năm 2006, cả thế giới kỷ
niệm cuộc nổi dậy dũng cảm của những người tuổi trẻ Budapest. Sự thức tỉnh của
họ là một điều tất yếu sau mươi năm bị tước bỏ quyền làm người. Không ai có thể
bị ép nói trắng thành đen, bị buộc nói không thành có mãi mãi. Bạo lực có trói
tay bịt miệng người ta cách nào đi nữa để che giấu tính phi nhân cũng không thể
triệt bỏ được hoàn toàn lòng yêu chuộng sự thật. Cái sự thật đơn giản và căn
bản như chính Lời mẹ dặn trong thơ Phùng Quán
yêu ai cứ bảo là yêu
ghét ai cứ bảo là ghét
Có bấy nhiêu đó thôi để làm-người mà có lúc cả mấy phần nhân loại bị bắt buộc
phải tráo trở kể từ khi cái chủ nghĩa không tưởng đến quái đản đó được thực
hiện ở Nga sô năm 1917. Ðể từ đó bằng bạo lực và lừa dối áp đặt lên một số dân
tộc không may khác, trong đó có dân tộc Việt Nam.
50 năm nay, lịch sử đã quay lại theo cái vòng quay
thuận chiều của nó. Mọi thứ quyền lực đi ngược lại với nguyện vọng chân chính
của con người, dù có được hổ trợ bằng mọi thứ phù phép ma quỷ nào đi nữa cũng
sẽ có lúc sụp đổ.
Từ giữa đêm 9 rạng ngày 10 tháng 11 năm 1989, người dân
Berlin đã giật đổ Bức tường ô nhục, chia rẻ thâm tình của một thành phố trên
dưới 30 năm. Những bức tường thành vô hình nhưng có thật khác đã được
dựng lên sau thế chiến thứ hai nhằm che đậy sự đày đọa con người ở phía đông
châu Âu cũng đã lần lượt sập ngã. Những cuộc- cách-mạng-nhung, cách-mạng-xanh,
cách-mạng-vàng-cam… như những đợt sóng thủy triều buổi sáng kiên nhẩn vỗ lên
bờ, xóa sạch rác rưới trên những bãi cát đêm qua.
Ðể con người ở đó hít thở lại cái không khí trong lành và
hiền hòa của quê hương đích thực.
Mừng cho họ ! Mừng cho nhân loại ! Và bao giờ thì đến
lượt chúng ta !
Ôi đất nước có còn
vui kịp
Một đời tôi héo úa
từng giờ
CAO VỊ KHANH
No comments:
Post a Comment