Nguyễn
Đạt
Gác Trịnh
Chúng
tôi vừa có chuyến đi ngắn ngày, ra Đà Nẵng và Huế. Các bạn đồng hành, chủ yếu
nhắm tới Đà Nẵng, thành phố cảng, một Tourane xưa không ngừng phát triển, nhất
là sau 30 Tháng Tư, 1975; bây giờ là thành phố lớn thứ 3 trong cả nước. Tất
nhiên trong chương trình du ngoạn, các bạn không quên đi Hội An - đô thị cổ,
cách Đà Nẵng không xa, chừng vài mươi cây số. Bởi vì, theo thống kê của ngành
du lịch toàn khu vực Đông Nam Á, Hội An - đô thị cổ của Việt Nam đứng hàng đầu
về số du khách tới tham quan. Vậy là, chúng tôi ở Đà Nẵng mới 2 ngày, các bạn
đã nóng lòng đi Hội An.
Rồi
lại quành về Đà Nẵng, đêm đêm sáng rực ánh đèn; lại vừa khánh thành 2 cây cầu:
cầu Rồng và cầu Quay. Gọi là Cầu Rồng vì có thiết kế dài suốt vài cầu hình tượng
con rồng, sáng lên vàng rực trong đêm, nửa khuya mỗi cuối tuần con rồng vàng ấy
lại phun lửa mươi phút. Đà Nẵng có bãi biển chạy dài trước đại lộ thênh thang;
có Ngũ Hành Sơn lịch sử; có khu du lịch Bà Nà, nơi thời tiết bốn mùa giao hòa nối
tiếp trong ngày ... Các bạn chưa muốn rời Đà Nẵng để ra Huế; trong khi chúng
tôi đã lấy vé máy bay khứ hồi, 2 ngày nữa trở về Sài Gòn. Tôi đành một mình lên
xe đò, ra thăm lại chốn xưa: thành phố Huế, cách Đà Nẵng không hơn một trăm cây
số.
Huế,
tôi sống ở đây thời chiến tranh; và rời Huế trước mùa-hè-đỏ-lửa, năm 1972. Bước
chân xuống hè phố Huế, tôi tới ngay con đường tôi yêu thích nhất của thành phố
cổ kính này: đường Nguyễn Trường Tộ. Một đầu đường là ngôi nhà thờ Phủ Cam; đầu
kia là hai ngôi trường danh tiếng lâu đời của thành phố, tọa lạc ở hai bên: Trường
Quốc Học và Trường nữ trung học Đồng Khánh. Cả hai ngôi trường vẫn y như xưa;
riêng trường nữ trung học Đồng Khánh, sau 30 Tháng Tư, đổi tên là Trường phổ
thông trung học Hai Bà Trưng.
Ngồi
xuống cái ghế nhỏ bên bàn cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Trường Tộ, tôi điện
thoại tới người tôi quen duy nhất hiện nay ở Huế, nhà thơ Phạm Tấn Hầu. Tôi
quen anh qua Tạp chí Sông Hương; tôi gửi thơ để đăng báo, và anh Phạm Tấn Hầu
phụ trách biên tập Thơ của tạp chí. Mười giờ sáng, trời mưa lâm thâm; tán lá
cây rậm rạp trên hè đường đủ che mưa, không thấm ướt chút gì. Rồi mưa cũng dứt
tạnh ngay. Cà phê hè đường tôi đang ngồi nhìn sang nhà dòng Thánh Tâm. Bức tường
xưa cũ chắc bền, che chắn không cao lắm, nhìn thấy những dãy nhà, những mái vòm
cổ kính của nhà dòng, thấp thoáng nhô lên giữa nhánh cành cổ thụ ở phía trong.
Anh
Phạm Tấn Hầu tới; không ngồi xuống ghế để uống cà phê, anh chỉ tay lên phía
trên, nói: “Lên Gác Trịnh chứ!” Hóa ra, ngay phía trên căn nhà bày bán cà phê vỉa
hè tôi đang ngồi uống, là căn nhà mà Trịnh Công Sơn từng sống và viết những ca
khúc đầu tiên của ông. Tôi nhìn địa chỉ căn nhà: KHU NHÀ C - SỐ 19 - đường Nguyễn
Trường Tộ. Đấy là căn nhà ở tầng hai của Khu tập thể Nguyễn Trường Tộ. Một nhóm
văn nghệ sĩ Huế -trong đó có nhà thơ Phạm Tấn Hầu, muốn lưu giữ những kỷ niệm về
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở đây, gọi căn nhà nhỏ hẹp trên tầng hai này là “Gác Trịnh”.
Anh Phạm Tấn Hầu cho biết: “Chúng tôi khai trương ‘Gác Trịnh’ vào ngày đầu
tháng tư, buổi khai trương quá đông người tới; căn nhà thì nhỏ hẹp, chỉ đủ chỗ
cho anh em đứng quay phim chụp hình, còn tất cả phải đứng chật ngoài hành lang,
đứng cả ở phía dưới để ngó lên nữa.” Gian ngoài đặt một cái bàn rộng, 7 - 8 cái
ghế chung quanh. Trên tường treo tranh Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận...,
và nhiều ảnh chụp lưu niệm của Trịnh Công Sơn thời trẻ, thập niên 1960. Thời
gian ấy tôi đang là lính ở Vùng 1 Chiến thuật, thường hành quân ở A Sao, A Lưới,
thỉnh thoảng về thành phố Huế. Khi gặp nhà biên khảo Đỗ Long Vân ở Sài Gòn, ông
từng nói với tôi, thời gian dạy học ở Đại học Huế, ông thường ghé chơi với nhóm
bạn trẻ là Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ..., tại căn nhà ở Khu tập thể
Nguyễn Trường Tộ, chính là “Gác Trịnh” này.
Ngồi
một lúc, có nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc -Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, và một
nhà thơ tôi không nhớ tên, cũng là một thành viên trong nhóm văn nghệ sĩ Huế lập
nên “Gác Trịnh”, cùng lên tới. Nhà thơ Phạm Tấn Hầu vào trong lấy thùng bia
“Huda” đặt trên mặt bàn. Anh vừa mở bia vừa tấm tắc về tiếng đàn Tây-ban-cầm của
Trần Văn Phú, trong buổi khai trương “Gác Trịnh”. Tôi đã nghe danh ông từ lâu;
Trần Văn Phú tốt nghiệp thủ khoa Trường Quốc gia Âm nhạc Huế năm 1969, sau đó
giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, làm trợ giảng cho nhạc sĩ Dương
Thiệu Tước. Trần Văn Phú quả thật là một bậc đệ nhất bậc danh cầm, nhà thơ Lê
Huỳnh Lâm ở Huế đã gọi ông như vậy; ông lại từng chuyển soạn cho guitar
classique những tác phẩm: Cửu khúc, dân ca quan họ Bắc Ninh; Nghìn trùng xa
cách của Phạm Duy; Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn...
Tôi
uống cùng các anh, nói chuyện về Đỗ Long Vân, người mà thi sĩ Bùi Giáng gọi là
nhà-thơ-ngậm-ngùi-đi-vào-biên-khảo... Ngoài đường phố Nguyễn Trường Tộ lại mưa
lâm thâm; tôi thấy bất cứ gì trước mắt tôi nhìn cũng chứa chất ngậm ngùi.
NĐ
(Nguồn: Tiền Vệ)
No comments:
Post a Comment