Friday, October 20, 2017

NGÔ THẾ VINH VÀ 18 CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ VĂN HOÁ


Phan Tấn Hải

Sách của Ngô Thế Vinh

Ngô Thế Vinh là người viết rất cẩn trọng, và tôi là người đọc ông rất trân trọng. Chữ của Ngô Thế Vinh không phải từ những giấc mơ hiện ra, nhưng là từ nỗi lo sâu sắc cho dân tộc và từ những bước chân đi xa nhiều ngàn cây số bên dòng Cửu Long để viết lên hai tác phẩm biên khảo Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy SóngMekong Dòng Sông Nghẽn Mạch – nơi giữa những dòng chữ, độc giả có thể ngửi thấy mùi bùn non đồng ruộng chen lẫn với mồ hôi, nước mắt của đồng bào.
Và bây giờ là tuyển tập Ngô Thế Vinh viết về 18 người mà ông trực tiếp có giao tình, có hoạt động nghệ thuật một thời với họ, hay từng là môn sinh. Nơi đây chữ của ông kể lại nhiều thập niên từ quê nhà tới quê người, qua 18 người hoạt động văn học và văn hóa độc đáo, và họ là một phần những gì đẹp nhất của một thời VNCH. Trong đó, có những người đã lìa xa, nhưng không bao giờ trôi vào quá khứ --  như Võ Phiến, như Thanh Tâm Tuyền, như Mai Thảo, và tất cả -- vì tác phẩm của họ vẫn đang hiện ra trong các sắc màu bất tử của văn học dân tộc, chứ không chỉ riêng của Miền Nam VN.
Tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (nơi đây, sẽ gọi tắt là Chân Dung) của Ngô Thế Vinh viết về: Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn-Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Biểu Tâm, Phạm Hoàng Hộ.
Trong đó, hai người cuối danh sách là 2 nhà khoa học, từng là thầy của Ngô Thế Vinh trong Đại Học Y Khoa.
Bạn có thể thắc mắc: danh sách các chân dung văn học nghệ thuật như thế là không đủ… Như vậy, còn thiếu Tạ Tỵ, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Khắc Khoan, Cung Tiến, Doãn Quốc Sỹ, vân vân… Không phải đâu, họ vẫn bàng bạc hiện ra trong sách Ngô Thế Vinh. Bạn sẽ thấy tên của các nhà văn vừa nêu đó, và rất nhiều nhà văn khác hiện diện trong nhiều trang sách và cả hình ảnh. Như thế, Chân Dung có thể xem là một phần của văn học Miền Nam VN trước 1975, và một phần văn học hải ngoại.
 Tôi là một trong vài người có cơ duyên được đọc sớm những gì Ngô Thế Vinh viết, mỗi khi ông gửi bài để phổ biến lên báo. Bài ông viết mang tính sử liệu cao, thường dài, phức tạp, nhiều hình, và do vậy khi đưa lên trang web là cả một vấn đề. Để giữ đúng thứ tự hình trong bài, giữ đúng vị trí và giữ luôn cả những cách Ngô Thế Vinh trình bày văn bản, như các chữ nghiêng và chữ đậm, chỉ có cách lấy ra từng tấm hình… Những việc như thế, thường mất gần một tiếng đồng hồ cho một bài viết. Nghĩa là, cực kỳ gian nan. Và tôi phải tự mình trình bày bài Ngô Thế Vinh như thế. Bởi vì, nếu tôi chuyển sang Ban Kỹ Thuật, bài của Ngô Thế Vinh sẽ được phóng lên chớp nhoáng, sẽ không được trình bày như nguyên bản, và có thể bị cắt bỏ rất nhiều hình để làm cho nhanh.
Nếu tất cả các bài viết gửi tới tờ báo đều phải trình bày cẩn trọng như thế, một tờ nhật báo không thể thực hiện được, khi hàng ngày phải đọc cả trăm bản tin, phải chọn ra vài chục bản tin để dịch, và có khi phải viết các bài bình luận chính trị khẩn cấp trong ngày. Nhưng với Ngô Thế Vinh, tôi tự thấy mình không có quyền để cho chữ của ông chệch ra khỏi các trình bày nguyên thủy – vì với tôi, chữ của Ngô Thế Vinh đã khắc họa lên những chân dung của văn học, văn hóa… nơi đó, các tác giả sống trong đam mê sáng tạo, khát khao tìm cái mới và đẹp của nghệ thuật, và đồng thời chia sẻ những đau đớn với đồng bào trong cuộc chiến Nam-Bắc.
Ngô Thế Vinh có cơ duyên trưởng thành trong nhiều lĩnh vực. Ông viết văn, làm báo từ thời còn là sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn. Ngô Thế Vinh tự trình bày về cơ duyên xuất bản sách này:
“…Với 18 chân dung văn học nghệ thuật và văn hoá đã hoàn tất, tôi nhận được nhiều gợi ý nên cho xuất bản như một tuyển tập, nếu có một cuốn sách "tạo dựng [lại] diện mạo của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ" như vậy, thì đây sẽ là trang sách riêng đề tặng cho Phùng Nguyễn.”
Cảm giác của tôi là: nói là viết để tặng Phùng Nguyễn, một nhà văn thế hệ đi sau nhưng cũng chia sẻ những gian nan một thời chiến tranh VN, trong tận thâm tâm Ngô Thế Vinh đã viết để tặng cho đời sau. Mỗi bài viết của Ngô Thế Vinh là một mảng lịch sử về dân tộc mình. Bạn có thể đọc Ngô Thế Vinh như đọc những sử liệu có thể không tìm ra nơi đâu, những sử liệu của người trong cuộc kể lại. Văn của Ngô Thế Vinh không để giải trí. Nó có thể làm chúng ta mất ngủ, trằn trọc. Khi đọc sách Ngô Thế Vinh về dòng sông Mekong, chúng ta có thể cảm nhận trên trang giấy có bùn lầy Miền Tây, đang loang những trận mưa nước mắt của đồng bào. Và khi đọc về 18 chân dung văn học và văn hóa, bạn sẽ thấy hơn một nửa thế kỷ lịch sử hiện ra, nơi đó tác giả Ngô Thế Vinh kể lại từ góc nhìn của một nhà văn, và là một bác sĩ.
Không ai kể được chi tiết về bệnh của họa sĩ Đinh Cường như Ngô Thế Vinh, và cũng là người khéo chọn hai câu của họa sĩ để từ biệt trần gian:
“...Vĩnh biệt Đinh Cường. Tưởng nhớ cuộc đời tài hoa Đinh Cường qua hai câu thơ man mác của chính anh:
 Ra đi mới biết lòng vô hạn
sương có mờ thêm trên sông Hương.”
Chúng ta cũng có thể nhận ra nét bút rất riêng của Ngô Thế Vinh mà không nhà biên khảo văn học nào có thể đạt tới, một nét bút mô tả như ảnh chụp về nhà văn Mai Thảo:
“…Chỉ có một bàn viết, chiếc giường đơn với nơi đầu giường là một chân đèn chụp rạn nứt và dưới gậm giường mấy chai rượu mạnh; trên vách là mấy tấm hình Mai Thảo; đặc biệt là tấm ảnh phóng lớn có lẽ chụp trước 1975, Mai Thảo cao gầy ngồi trên bậc thềm nhà cùng với nhà thơ Vũ Hoàng Chương mảnh mai trong áo dài the, phía dưới là một kệ sách…”
Ngô Thế Vinh cũng kể về những mâu thuẫn trong văn giới về cách biên khảo văn học, qua bài viết về Võ Phiến:
 “...cho dù Võ Phiến đã phải lao động bền bỉ suốt 15 năm [1984-1999] để hoàn tất bộ sách Văn Học Miền Nam nhưng chính ông chưa hề tự coi đó là một công trình hoàn hảo nên vẫn ao ước việc đánh giá nền văn học 1954-75 cần được bắt đầu nghiêm chỉnh. 
 Cho dù bộ sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến có những hạn chế đưa tới nhiều tranh cãi khá gay gắt. Người ta đã nặng lời trách ông về những phần thiếu sót trong bộ sách ấy: như khi ông đã gạt một số tên tuổi văn học của thời kỳ 1954-75 ra khỏi bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan, rồi cả cách ông phê bình các nhà văn, nhà thơ được ông chọn đưa vào sách cũng bị ông sử dụng cái sở trường văn phong tuỳ bút / nay thành sở đoản để châm biếm mỉa mai cá nhân với nhiều định kiến thiên lệch. 
Nhà văn Mặc Đỗ nhóm Quan Điểm thì thật sự bất bình, Mai Thảo nhóm Sáng Tạo trong lần trò chuyện cuối cùng với Thuỵ Khuê 07/ 1997 cũng không kềm được cảm xúc nói tới "bọn vua Lê chúa Trịnh", và nói thẳng: "Võ Phiến cũng có chỗ được chỗ không được. Đại khái như phê bình văn học, đối với tôi thì không được. Văn Học Miền Nam tổng quan đó thì không được. Thơ dở. Tạp văn hay."...”
Trong bài viết về Nguyễn Đình Toàn, chúng ta sẽ nhận ra cách đọc văn của Ngô Thế Vinh, không chỉ đối chiếu với các diễn biến lịch sử quê nhà, mà cũng là phân tích về nỗ lực sáng tạo:
“Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri… 
...Nguyễn Đình Toàn với kỹ thuật viết mới, viết truyện mà không có truyện, những trang chữ là một chuỗi những hình ảnh tạo cảm xúc và là một trải dài độc thoại nội tâm. Nguyễn Đình Toàn thành công trong nỗ lực tự làm mới văn chương nhưng không vì thế mà bảo ông chịu ảnh hưởng và chạy theo phong trào tiểu thuyết mới của Pháp.”
Trong bài viết về Thanh Tâm Tuyền, chúng ta cũng đọc được các lá thư trao đổi giữa nhà thơ và Ngô Thế Vinh – đó là các lá thư mang tính sử liệu, ghi lại những chặng đường sáng tác và suy tư của Thanh Tâm Tuyền.
Ngô Thế Vinh viết:
“...Những người bạn gần và hiểu TTT đều nghĩ rằng thái độ sống ẩn dật, từ chối những tiếp xúc và khép kín của anh có lý do của một TTT đang tự lột xác, lặng lẽ tích luỹ, TTT vẫn đọc rất nhiều và không ngừng đi tìm cái mới, với "giấc mộng lớn" để rồi khi tái xuất hiện là một TTT hoá thân, đó sẽ là một TTT khác, một TTT phục sinh để anh có thể viết trở lại / re-écrire. Nhưng rồi, như một định mệnh, TTT đã không còn thời gian.”
Vâng, Thanh Tâm Tuyền không còn thời gian. Nhưng các tác phẩm văn học của Thanh Tâm Tuyền đã trở thành một tượng đài, vương các lớp bụi thời gian và vẫn đứng sừng sững trước mắt chúng ta.
Hay như hình ảnh Nhật Tiến qua lời kể Ngô Thế Vinh – cả hai người đều là nhân chứng sống của một thời 1963. Lúc đó, nhà văn Nhất Linh trước khi tuẫn tiết đã chép một bản sao di chúc gửi cho chàng sinh viên y khoa Ngô Thế Vinh đề ngừa mật vụ tịch thu và bóp méo sự kiện. Lúc đó, nhà văn Nhật Tiến đã can đảm đọc bài tiễn biệt Nhất Linh giữa vòng vây mật vụ. Ngô Thế Vinh kể lại:
“...Nhất Linh đã viết thêm một bản di chúc thứ hai giao cho nhóm sinh viên. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba Y khoa. Vào những ngày đầu của tháng Bảy, 1963, Nguyễn Tường Quý chở anh là Nguyễn Tường Vũ [con của ông Nguyễn Tường Thụy, người anh cả của mấy Anh Em gia đình Nguyễn Tường] xuống Đại học xá Minh Mạng tìm tôi. Quý chờ xe ở ngoài, chỉ có Nguyễn Tường Vũ vào gặp. Không nói gì nhiều, Vũ trao tay cho tôi một phong thư mỏng, cho biết đó là một trong hai bản di chúc viết tay của Nhất Linh: “Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại“.
…Điếu văn của nhà văn trẻ Nhật Tiến lúc đó mới 27 tuổi, giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, Nhật Tiến đã can đảm phát biểu với tính cách một nhà văn độc lập cho dù lúc đó Anh đang là Phó Chủ tịch Văn Bút. Nhật Tiến đã ràn rụa nước mắt với hết tâm can nói tới cái chết của nhà văn Nhất Linh: “Văn hào đã hình thành sứ mạng cao quý của người cầm bút. Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính.”…”
Những dòng kể lại tự thân đã trở thành một phần lịch sử.
Bên cạnh vai trò nhân chứng lịch sử, bản thân Ngô Thế Vinh cũng là một nhân chứng y khoa. Như trong bài Ngô Thế Vinh viết về Cao Xuân Huy:
“...Melanoma-mắt là loại ung thư hiếm, rất thầm lặng và khi phát hiện thường là trễ...
Huy và tôi, qua cell vẫn liên lạc với nhau hàng tuần, thường là ngày thứ Năm sau ngày tái khám ở UCLA về. Thường là tôi phone cho Huy, nhưng lần này Huy gọi tôi báo tin cho biết CT scan mới phát hiện có bướu nhỏ trong gan. Nhiều phần có thể là do di căn từ ung thư mắt...”
Chúng ta cũng sẽ gặp những tấm ảnh hiếm gặp, những khoảnh khắc của lịch sử ghi lại qua ống kính máy ảnh. Thí dụ, trong bài viết về Giáo sư Phạm Biểu Tâm, bên cạnh các tấm hình có từ thân nhân Giáo sư họ Phạm, chúng ta sẽ thấy một tấm hình có nguồn từ Life Magazine, với ghi chú của Ngô Thế Vinh:
“...Hình 11: Gs Phạm Biểu Tâm nói chuyện với SVYK trong một giảng đường 28 Trần Quý Cáp, Sàigòn sau vụ Thầy bị bắt trước biến cố 1963. [nguồn: Life Magazine]”
Cuối bài viết này, Ngô Thế Vinh mượn chính dòng thơ của Giáo sư Phạm Biểu Tâm, người được mô tả là “một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước” để như lời từ biệt của môn sinh gửi tới người thầy ngành y:  
“Nhớ Thầy Phạm Biểu Tâm, đọc lại bài thơ thiền của Thầy, để tìm được nguồn an ủi:
Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không 
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi…”
Vâng, câu hỏi trong đời của từng người chúng ta vẫn là: trăm năm còn lại chút gì? Câu trả lời là, ước mơ một nét văn hóa Việt nơi phương trời xa. Ngô Thế Vinh viết về họa sĩ Nguyên Khai, và ghi ước mơ này:
“Mong ước, rồi ra ngoài một Gallery Nguyên Khai trên không gian ảo www.nguyenkhaiart.com, căn nhà nhỏ mơ ước của Nguyên Khai - chữ của Trịnh Cung, nơi thị trấn Tustin, Orange County California và một số tranh tượng ấy sẽ được giữ lại như thêm một nét văn hoá Việt nơi thủ đô tỵ nạn của một thế hệ di dân thứ nhất.”
Hay như để hóa thân vào một nền văn học khác, như trường hợp Nguyễn Xuân Hoàng, khi được một nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật. Ngô Thế Vinh viết:
“Tanaka Aki, tên cô gái Nhật Bản, Aki có nghĩa là "Mùa Thu", cô đã không có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng mà cô rất ngưỡng mộ nhất là sau này khi được đọc tác phẩm Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Bụi và Rác. Aki đã bị cuốn hút ngay với tác phẩm Người Đi Trên Mây vì mối quan tâm của cô về môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trước 1975. Aki đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm nhưng là thời kỳ sau 1975. Và cô có ý muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật nhằm chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.”
Để nói ngắn gọn, thời gian đang cuốn trôi tất cả, nhưng tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá của Ngô Thế Vinh sẽ vẫn ở mãi với văn học Việt Nam, vừa là sử liệu, vừa là chứng liệu, vừa là nhận định văn học từ chính một người cùng chia sẻ nỗ lực sáng tạo một thời. Nơi một góc thư viện, tác phẩm của Ngô Thế Vinh vẫn là độc đáo, và những dòng chữ đó – dù là viết về dòng sông Mekong hay về dòng sông văn học – cũng là từ máu tim của ông. Xin trân trọng mời đọc.
PTH

GHI CHÚ:
Tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá của Ngô Thế Vinh đang lưu hành ở Amazon, ấn bản màu và ấn bản đen trắng ở:
Liên lạc tác giả hay nhà xuất bản: vietecologypress@gmail.com
P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740



No comments:

Post a Comment