Sunday, October 1, 2017

NHỮNG CON CHỮ TIẾP TỤC LANG THANG


Hồ Đình Nghiêm

Tác phẩm của Lữ Quỳnh

Nhà thơ Lữ Quỳnh

Ở Huế, tôi vẫn thường nhìn thấy anh. Dáng gầy, co ro đạp xe dưới một trần mây thấp thu cất sự ẩm ướt chưa tiện đổ xuống tắm gội đôi bờ tả, hữu nơi có dòng sông mềm mại chảy tràn trong văn chương. Nơi sinh ra nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn với cách dùng chữ dễ thương: “Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau”.

Thấy khác quen, hoặc cái hình ảnh “nghệ sĩ” đạp xe lang thang kia đã trở nên quen mắt? Giữa anh và tôi, khoảng cách xa hơn từ Nội Thành buồn chân qua tới An Cựu, mọc lên cái bến xe đò để mang những đứa con của Huế phiêu bạt vào Quy Nhơn, hoặc tấp tận Sài Gòn. Nghĩa là thấy mà chưa từng chào hỏi nhau, bởi chăng tự thân, anh là người từng hứng trải qua bao thăng trầm trong khi tôi vẫn là cậu học trò hồn nhiên sống giữa lắm biến động. Đã có thật một dòng sông chia lìa hai thế hệ? Điều không may này thi thoảng vẫn hiện lên chút dằn vặt trong những truyện ngắn được ký tên Lữ Quỳnh.

Rồi thời gian chất chồng để làm rõ nghĩa bảy chữ “ở một nơi ai cũng quen nhau”. Đấy là vào một hôm nắng lửa của Huế giữa cao điểm mùa hạ, trong gian khó tôi đã hoang đàng “nhị thập nhi lập”. Thay vì ra mắt chào quan viên hai họ, không có xác pháo hồng, chẳng có cảnh đưa người sang sông để nghe tiếng sóng dậy lòng; ngược lại buổi đó tôi chính thức được tiếp đãi anh, được quen anh, được ngồi quây quần bên những gương mặt mà tôi tự phong cho họ là hào kiệt xứ Thần kinh: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ, Lữ Quỳnh, Định Giang, Bửu Ý và người hoạ sĩ trẻ Dương Đình Sang. Trước đó, trong gian nhà thuê chật hẹp số 14 Đinh Công Tráng (nơi đâm thẳng vào cổng Hiển Nhơn có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật khuất lấp mà tôi vừa giũ áo, đánh đổi sau 5 năm vật lộn cùng cọ màu để nhận tờ quyết định ra Đông Hà làm cán bộ Thông Tin Văn Hoá, lương 52 đồng một tháng). Gian nhà với chủ hộ đứng tên thuê: Hoạ sĩ Đinh Cường. Anh đang đổ mồ hôi sắp xếp một khoảng trống, bày biện ghế bàn có được dành cho “tiệc cưới lạ thường” chốc nữa sẽ diễn. Chị tôi cũng đổ mồ hôi mãi lui cui sau bếp cùng củi lửa để hoàn tất cho được ba món ăn chơi trời ơi đất hỡi. (Văn nghệ thôi mà, rình rang cưới hỏi gì đâu?)

Hầu như dạo đó ai nấy đều gầy chứ không riêng mình anh Lữ Quỳnh, có da có thịt chút đỉnh là hai mệ Bửu Ý và Bửu Chỉ. Cũng hoàng phái, nhưng Tôn Thất Văn, giáo sư môn lụa xem ra cơ thể cũng thường thường bậc trung.  Buổi tiệc diễn ra đầy tiếng cười bởi chẳng mấy khi gian nhà Đinh Cường chứa quá tải một gặp gỡ đình đám tựa thế. Nói nhiều nhất là Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Văn và người ít nói vẫn là Lữ Quỳnh. Anh giống tôi, một chú rể ngác ngơ luôn ngờ vực có phải hôm nay là ngày vui của mình? Từng thấy, vừa quen, nhưng vẫn chưa có điều kiện thuận lợi để trao đổi. Huế vẫn xa khi muốn vào Quy Nhơn và dĩ nhiên Montréal diệu vợi ngút ngàn khi mơ về San José. Đến khi anh Đinh Cường bỏ cuộc lữ ở Virginia, tôi mới gặp lại anh, mới thực sự ngồi chuyện vãn về những đổi thay mà đời sống luôn hào phóng trao tặng cho từng cá nhân chúng ta. Trịnh Công Sơn, Định Giang, Tôn Thất Văn. Bửu Chỉ. Dương Đình Sang. Đinh Cường lần lượt khiếm diện. Anh đã “có da có thịt” và tôi đã “phát tướng”. Và chúng tôi khi ấy mới nghiệm ra, đôi khi những kẻ mình hạc xương mai lại chứa được sức dẻo dai, ít gặp bệnh tật thăm hỏi. Sự trái khuấy này cũng tựa như anh ngạc nhiên khi biết tôi buông cọ để nắm lấy cây viết. Ngồi gần anh ở nhà anh Trương Vũ treo đầy tranh, ở nhà anh Phạm Cao Hoàng nức mũi hương vị quê hương bún cháo phở, tôi mơ hồ thấy lại căn nhà ở Huế thuở ấu thời có trồng dãy hàng rào luôn đỏ thắm những nụ hoa dâm bụt mà láng giềng thân cận có một chị ẩn hiện vào ra, chị mang trùng tên với người chị đầu của tôi. Có ngờ đâu ở một nơi ai cũng quen nhau đã tác hợp thành cuộc chung vui lên đường giữa chị Kim Nhung (ở cạnh nhà tôi thiếu trồng cây mồng tơi) cùng nhà văn Lữ Quỳnh. Hai người đã vào Quy Nhơn, tấm ảnh chụp lứa đôi vào năm 1967 thật đẹp, thật quý giá. Đó là thứ hình bóng lang thang có ngày tháng, nhằm nhắc lại: Chúng ta đã có một thời như thế. Trí tưởng tôi “lang thang” để ngạc nhiên khi hay biết anh chị có một người con trai mang tên Phan Triều Hải. Một chàng tuổi trẻ sớm nổi danh qua văn tài, chủ nhân của những trang viết thật lắng đọng, thật sâu sắc, thật giàu cảm xúc.

Và rồi chúng tôi lại phải chia tay, chia tay như ngày nào cùng ngậm ngùi nghe nhạc Trịnh Công Sơn thì thầm: “Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”. Anh Lữ Quỳnh và tôi đã để lại bên đời biết mấy con sông? Mơ màng nhớ thơ Hoài Khanh: “Con sông nào đã xa nguồn, là con sông ấy sẽ buồn với tôi”.

Những ngày sang mùa, ở đây sớm nghe heo may về trên từng chỏm lá vừa nhuộm vàng. Vàng héo của thứ sắc màu tuyệt vọng, hoặc nỗi chờ mong đã tới giới hạn cuối của chịu đựng. Nói vậy hoá ra sai, màu ấy chỉ biểu tượng cho Thu, lá chỉ tuyệt vọng hồi nào nó rời cành để tâm hồn thi nhân manh động: “Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi!”. Nói tới quê nhà, thường người ta mặc nhiên xem lãnh địa ấy chỉ có hai mùa mưa nắng, Xuân Thu nhị kỳ trốn ở hẳn trong thi ca, trong âm nhạc hoặc cá biệt xẩy tới rất nhanh tuỳ vào địa phương, Hà Nội hoặc Huế chẳng hạn. Và tôi chợt nhớ ra, tự truy cứu, vì hoàn cảnh nào mà tôi chưa từng một lần có cơ duyên được tiếp cận thế giới thơ văn do anh Lữ Quỳnh tạo nên qua bao năm tháng? Rất thầm lặng “Những Con Chữ Lang Thang Không Ngày Tháng” đã đến trên đôi tay vừa ấp ủ thứ duyên phận lạ thường do văn chương mang lại, thứ duyên mà nhà thơ nữ Nguyễn Thị Khánh Minh bảo là “tâm giao”. Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình là thứ định nghĩa sai lạc xét riêng cho trường hợp chúng tôi. Và anh Lữ Quỳnh ạ, chữ cũng như người hẵng sẽ không bao giờ mãi lang thang. Nó tới bến bờ và nó đã gieo vào lòng tôi biết bao điều, ngập tràn cảm xúc. Ít nhất thì hiện tại, chữ của anh- những liên ảnh đen trắng- đã chở cho tôi về sống lại những ngày tháng câm nín ở Huế xưa. Tôi cảm ơn Huế đã tạo ra được những nhân vật mà tác phẩm họ từng làm xiêu lạc lòng người. Khi xúc cảm dâng đầy, những đứa như cá nhân tôi, sẽ vụng về khi muốn bày tỏ. Tôi yêu lắm, bài thơ Tự Tâm của anh:

“tự tâm mở rộng vòng tay
nghiêng mình chỉ thấy bóng ngày hoang vu
thân xưa hao hút sa mù
lòng xưa cũng một rối mù vô minh
thời gian qua. hẳn vô tình
nghiệp gieo đủ nặng giờ đành lảng xa
khai tâm sám pháp di đà
đêm xanh ngồi niệm hằng hà bóng cao
hiên ngoài loé một đường sao
có con chim nhỏ cánh chao nghiêng chờ”.

Có vô tình không? Khi ngoài trời chợt độ lượng bay vụn một cơn mưa bụi. Anh Lữ Quỳnh ơi, mưa ấy là đích thị mưa Huế vừa vui chân ghé thăm thành phố tôi ở nổi tiếng về chuyện giá băng. Ở nơi xứ lạ nọ, mong anh và chị Kim Nhung mãi an vui để thấy hằng hà những kỷ niệm chẳng bao giờ tàn úa. Những con chữ vẫn còn đó sự đồng vọng, dẫu xa xăm ngàn trùng.
Cảm ơn anh.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
29 tháng 9, 2017

No comments:

Post a Comment