Monday, October 23, 2017

VÀI NÉT VỀ TUYỂN TẬP ‘CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT & VĂN HÓA’ CỦA NGÔ THẾ VINH


Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)

Nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh

Ngô Thế Vinh là một thầy thuốc, một bác sĩ y khoa. Nên dù là một nhà văn, nhà báo, nổi tiếng với nhiều tác phẩm, đặc biệt những cuốn sách viết về dòng Mekong gần đây của anh, thì người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng blouse trắng. Anh luôn nhìn con người như một tổng thể, thân tâm nhất như. Cho nên những bài viết của anh về các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong cuốn tuyển tập này luôn có những chi tiết, những góc nhìn của người thầy thuốc, lấp lánh tình người trong mỗi câu chữ.

Võ Phiến “nhà văn lưu đày”
Những ai từng đọc Võ Phiến, từng đọc “Đất nước quê hương’’ với nào áo dài, bánh tráng, tô cháo, chén chè, rụp rụp, đất nước, con người... thì coi bộ khi phải rời xa những thứ quấn quít đó của quê nhà, Võ Phiến đã khốn khổ thế nào!
Trong bài ‘’Một cốt cách ở đời’’ về cuốn sách có tựa là Cuối Cùng của Võ Phiến, tôi viết:
“Suốt một đời người đeo đẳng văn chương chữ nghĩa, chẻ sợi tóc làm tư, lặn lội vào những nẻo u uẩn ngóc ngách của lòng người, bỗng dưng cuối cùng hiện ra trước mắt một vầng sáng: Mộc Mạc
 Xưa từng có xóm có làng
 Bà con cô bác họ hàng gần xa
Con trâu, con chó, con gà
Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.
(...)
Rồi bây giờ:
Thân tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.
(Mộc Mạc, Võ Phiến)

Một người như thế thì đúng là một kẻ bị lưu đày. Lưu đày tự trong tâm khảm. Cho nên thầy thuốc Ngô Thế Vinh đã có một chẩn đoán chính xác, chỉ cần một dấu chứng (sign): ‘’... bữa ăn ở nhà ông bà Võ Phiến với bánh tráng thuần túy Bình Định nhúng nước, chấm nước mắm nhỉ chanh ớt đỏ au...” Rồi anh cho biết thêm: chanh, ớt đều hái ở vườn nhà, ngay tại Mỹ quốc!

Đinh Cường “đốn ngộ’’
Đinh Cường từng nói: “Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn. Không biết để làm gì. Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm”.
Và, Huỳnh Hữu Ủy nhận xét về tranh Đinh Cường :“Không rực rỡ, không lạc điệu, một chất màu ủ và quánh mà vẫn nhẹ nhàng và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong”. Phải. Quay trở vào bên trong. Là một Đinh Cường đốn ngộ vậy.
Ngô Thế Vinh cho biết có lúc Đinh Cường ‘’muốn loại bỏ mô thể /forme của sự vật để chỉ còn giữ lại cái chất liệu /matière thuần túy của sơn dầu” nhưng rồi cuối cùng anh vẫn trở về với hội họa tạo hình!
Bởi, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (TCS). Sắc tức thị không/ không tức thị sắc rồi đó thôi! Ngô Thế Vinh nói đúng: giờ đây không cần ký tên dưới bức tranh, người ta vẫn nhận ra là tranh của Đinh Cường.
Nhớ năm 1993, khi tôi ở Boston thì Đinh Cường gởi tôi: “Mỗi lần moa đến thác Niagara, moa đều có cảm giác muốn nhảy ùm xuống thác như con diều rơi cho vực thẳm buồn theo của TCS vậy”.
Rồi mới thôi (2014), Đinh Cường trong bài thơ Phương nào viết “gởi Đỗ Hồng Ngọc”:
Vậy đó. ngàn năm trước ngàn năm sau
chỉ nghe Không Lộ hú dài tiếng thơ
hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Những ngày tháng nằm bệnh của Đinh Cường, chúng tôi bàn bạc tìm nhiều cách cứu vãn tình thế, không xong, như trong bài Pain, Painter, Paintings dạo đó tôi đã viết:
... Thân Trọng Minh thầy thuốc/ lắc đầu sợ khó qua/ con trăng này, không chắc/ cơn đau đã dập vùi…/ Ngô Thế Vinh tìm kiếm/ một pain specialist/ cho một người painter/ suốt đời tìm cái đẹp… (ĐHN).

“Khoảng trống’’ Nghiêu Đề
Lần nọ, Ngô Thế Vinh xin một tấm hình của ông cậu tôi, Nguiễn Ngu Í. Anh nói để viết về Nghiêu Đề, một người bạn mà anh gọi là ‘’bạn tấm cám’’. Có một bài phỏng vấn Nghiêu Đề của Nguiễn Ngu I trên Bách Khoa thời đó (khoảng 1970), trong loạt bài Sống và Viết với... ; Sống và Vẽ với...v.v... Họa sĩ Nghiêu Đề bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình: Ở quê tôi, có một giống chim lạ, sắc trắng, và dáng mong manh lắm, thường bay một mình trong đêm trăng. Người ta bảo nó bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại. Tên nó là Nguyệt. Tiếng hót hay vô cùng. Không biết vì sao tôi yêu nó. Chỉ biết mỗi lần nó bay ngang cùng tiếng hát đã làm tôi xúc động. Bây giờ tôi nghĩ Nghệ Thuật tôi muốn là một cái gì hết sức tự nhiên như tiếng hót của chim Nguyệt vậy’’...
Trong ‘’Người bạn tấm cám Nghiêu Đề’’, Ngô Thế Vinh cho biết: Đó là “... một người bạn không ham muốn sở hữu một thứ gì. Sự nghiệp của anh chỉ là những dấu chân chim trên cát, mau chóng bị xóa nhòa bởi lớp sóng thời gian”. Cho nên đã có rất ít bài viết về Nghiêu Đề cho đến nay. Anh muốn lấp ‘’khoảng trống” đó. Bài viết của Ngô Thế Vinh là một kỳ công, không chỉ đầy đủ tiểu sử, quan niệm sống, quan niệm sáng tác mà còn sưu tập được một số hình ảnh, bìa sách, bìa báo quý giá của Nghiêu Đề.
Và tôi thật sự giật mình khi được xem bức Bố Cục Sen của Nghiêu Đề, vẽ năm 1986 khi anh đến Mỹ. Nghiêu Đề từng trả lời Nguiễn Ngu Í : “Nói về mình đã khó, giải thích cả tác phẩm mình nữa, thì thật quá sức...”  nhưng với cảm nhận của một người thưởng ngoạn, tôi tự giải thích cho mình được quá chớ phải không? Tôi không tin cái đẹp của tranh chỉ ở ‘’chất liệu’’, màu sắc, ánh sáng, hình thể... mà cái chính vẫn là ý tưởng, dù nhiều khi còn nằm trong tiềm thức của người họa sĩ ‘’bất khả thuyết’’. Tranh Nghiêu Đề với tôi không chỉ để ngắm nghía, mà để ngẫm suy.
Bố Cục Sen là một. Bố Cục Sen dĩ nhiên không phải Sen. Sen chỉ là cái cớ. Hãy nhìn kỹ mà coi. Từ những làn sóng cuồn cuộn xô bồ dưới kia vươn lên nhưng búp sen e ấp rồi đột ngột tách ra, vút lên trời cao, một đóa sen vừa nở: thiếu nữ!
Mà thiếu nữ trong tranh Nghiêu Đề, đến thi sĩ Luân Hoán cũng choáng: “... thế gian được mấy góc trời / để tay Thánh chúa vẽ môi mắt tình / dẫu từ đường nét hiển linh / nghìn năm em vẫn một mình khói sương”...
Nhưng thiếu nữ ở đây cũng chẳng phải thiếu nữ. Đôi mắt to để nhìn rõ nhân gian, tiếng kêu trần thế, một tay nâng cành dương liễu, một tay rưới giọt cam lồ: Quán Thế Âm Bồ-tát!
Hình như Nghiêu Đề đã tìm ra một lối thoát, như tiếng hót của chim Nguyệt... bay ngang bầu trời!
Cảm ơn Ngô Thế Vinh đã lấp “khoảng trống Nghiêu Đề”.

Và, “Tìm lại thời gian đã mất”
Trong Tìm lại thời gian đã mất, viết về người Thầy của chúng tôi ở trường Y thời đó (Y khoa Đại học đường Saigon) - Giáo sư Y khoa Phạm Biểu Tâm - anh đã vẽ nên một nhân cách của vị thầy, một trí thức chân chính, bằng những hồi ức cảm động.
Viết về Thầy nhưng cũng là viết về một thế hệ những người áo trắng, từ thuở còn là sinh viên đến khi là người thầy thuốc trong buổi nhiễu nhương của cuộc chiến tương tàn. Cũng là đoạn hồi ký của chính anh, chính tôi, những ngày gian khó dưới mái trường Y đầy uy nghiêm, đầy lý tưởng. Ngô Thế Vinh học trên tôi một năm nhưng cùng chung mái trường Y khoa suốt 6-7 năm trời, cùng làm báo Tình Thương với nhau nên gần gũi, thân thiết. Dưới mắt tôi, anh là một người bạn thâm trầm, kín đáo, đa cảm, mà như ráng giấu đi những cảm xúc để chỉ bày tỏ trên trang viết!
Tôi còn nhớ khi thầy Phạm Biểu Tâm đón lứa tân sinh viên chúng tôi vào trường Y ở 28 Trần Quý Cáp Saigon, Thầy ân cần dặn dò: "Nghề Y là một nghề cao quý, nếu mình muốn cao quý, nhưng cũng là một nghề thấp hèn, nếu mình muốn thấp hèn!". Rồi Thầy nói thêm: "Trong đời làm nghề Y, không tránh khỏi đôi khi lầm lỗi, nhưng chỉ nên là những lỗi nhẹ để ân hận mà không nên để phải hối hận!".
Năm 1988, khi Saigon (tp HCM) chuẩn bị thành lập trường Y riêng (nay là ĐHYK Phạm Ngọc Thạch), tôi đã đến thăm Thầy, xin thầy cho vài lời chỉ dạy. Thầy nói, “Trước hết phải Nghiêm”. Đúng vậy. Sinh mệnh bệnh nhân nằm trong tay người thầy thuốc. Thế hệ thầy thuốc chúng tôi đều đã học được điều này từ tấm gương của chính Thầy trong nếp sống, trong nghề nghiệp. 
Hình như ai trong chúng ta rồi cũng có lúc “tìm lại thời gian đã mất phải không Vinh?

ĐHN
Saigon, 8/2017



No comments:

Post a Comment