Tố Nghi
Music, poetry & painting. By Paul Klee
Thi tánh là tánh thơ. Thi tánh đồng nghĩa thơ
mộng - đầy thơ lẫn mộng - Các nhà thơ mắt mở trừng trừng nhưng thiệt ra đang ngủ
rất say. Ngủ say dễ sanh tai nạn, ra đường xe đụng chó cắn, ở nhà vợ quở con rầy,
vào sở lờ quờ khiến nhơn loại chúng sanh hết hồn, tưởng đang dính… stroke ! Vậy
dzồi thi tánh là chi chắc phải kêu các thi sĩ ra hỏi tới cho đặng rõ ràng. Có vẻ
như thi tánh luôn bắt đầu bằng "cảm nhận", các thi sĩ do nhạy quá trời
nên nhìn đâu cũng "cảm" dzáo chọi. Dễ nhận nên dễ rung - và rung lung
tung - cho đứa sắn khoai (là tui heng) có cơ hội rung ké.
Rung ké nghĩa là cộng hưởng. Phải cùng tần số
thì mới xảy ra cộng hưởng. Sách vở khoa học vật lý kiếm ra công thức đàng
hoàng, rằng các sóng cộng hưởng luôn có độ dài sóng tỷ lệ chẵn với sóng chánh.
Tỷ lệ lẻ hổng tạo cộng hưởng, có đật lên máy rung thì sắn khoai nhứt định đực
ra, nghiêm và buồn màn ù lì lý thuyết. Cảm nhận và rung là tánh trời cho, nên
sách dạy viết văn ể hề mà sách dạy làm thơ y hình thiếu vắng, do có học mờ mắt
cũng huề vốn, hổng ra. Thơ có ngôn ngữ, viết bằng chữ rồi xướng bằng lời. Ngôn
ngữ du dương trầm bổng được coi là đầy nhạc tánh. Ngôn ngữ thơ còn đầy thi tánh
vì gợi mở cảm nhận, như những đường cọ họa sĩ quẹt lên giá vẽ, tạo những hình ảnh
lung linh ẩn hiện đậm lạt sắc màu. Thành ra rồi, nhạc tánh của thơ có lẽ là
xương thịt bên ngoài, và thi tánh của thơ là linh hồn bên trong… chăng ?
Thi tánh của thơ may ra rờ rẫm đặng, cho dù
mù mờ, sang tới thi tánh của nhạc thì rắc rối còn bạo nữa ! Nhạc tánh nằm ở nốt
nhạc trầm bổng, nốt nhạc được móc vào khung nhạc. Móc theo hàng ngang tạo âm điệu.
Móc theo hàng dọc tạo bề sâu cho nốt - Những nốt đật theo hàng dọc ấy hầu như
luôn luôn là nốt cộng hưởng, nghĩa là rung theo. Nốt chánh mình ên nông hìu nên
rung yếu xìu, khi có nốt cộng hưởng đứng chung sẽ sâu xuống, rộng ra, mần màn
tung bừng khí thế. Nốt cộng hưởng do đó là nền tảng của âm giai, cần thiết
trong phối âm, tạo sắc màu thêm cho bản nhạc.
Vậy rồi thi tánh của nhạc thiệt sự là chi ?
Ca khúc là nhạc có lời thì thi tánh hẳn nằm trong lời, khi lời hát đậm ý tử
hình ảnh cảm xúc như thơ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được kêu bằng thi sĩ là vậy.
Nhưng rồi nhạc không lời mà cũng mang thi tánh là sao ? Rắc rối khó hiểu quá xá
! Có vẻ như (dà, bị hổng chắc) một tấu khúc gọi là có thi tánh khi nó mang âm
điệu tiết tấu êm ái dịu dàng làm ngất ngây hồn khách thưởng ngoạn. Nhạc có tánh
thơ tạo cảm xúc y chang thơ, là dòng nhạc tuôn chảy du dương êm đềm. Ồn ào phẫn
nộ hay hùng tráng kiểu nhạc quân hành thì chất thơ nhứt định thiếu vắng.
*
Phim ảnh đứng hàng thứ bảy trong các bộ môn
nghệ thuật, do sanh sau đẻ muộn. Gần đây trong danh sách thấy có thêm nghệ thuật
thứ tám của truyền thanh truyền hình báo chí v.v. Phim ảnh thăng tiến dần và nhạc phim xuất hiện giúp
vui. Nhạc phim hẳn góp phần ít nhiều cho sự thành công của cuốn phim, nhứt là
theme nhạc đề, thường được xướng lên khi
bát đầu lẫn khi phim kết thúc. Nhưng thông thường, người coi phim chỉ để ý tới
hình ảnh cốt truyện mà quên hẳn nhạc
phim, trừ những khúc nhạc của các sáng tác gia tăm tiếng, xuất sắc tới độ
được lôi ra viết lại phối âm phối khí, trở thành tiểu phẩm cho các dàn nhạc
giao hưởng trình diễn thâu đĩa sau này.
John Barry là sáng tác gia Anh cát lợi, viết
nhạc phim chuyên nghiệp, đã ẵm sơ sơ 5 tượng vàng oscar nhạc phim về chưng chơi
- ngang ngửa hay dám hơn đồng nghiệp Morricone đất Ý và John Williams đất Mỹ -
Nhạc của Barry rất poetic nghĩa là âm điệu ngập thơ. Sách
vở phân tách nói Barry sở trường về âm điệu đã đành, ông còn nhuần nhuyễn việc
phối khi, chọn nhạc cụ với âm sắc thích hạp cho từng ý nhạc riêng. Ngoài đàn dây
là nhạc cụ chánh của dàn nhạc, Barry còn hay dùng sáo (clarinet, oboe, english
horn) và kèn đồng (trumpet, trombone và frech horn) cốt tạo tương phản âm sắc.
Sau đây là một bản nhạc nổi tiếng của Barry viết
cho phim Somewhere In Time. Phim chỉ vậy vậy, dở là khác, đã kéo bản nhạc đi xuống.
Cánh én đã không tạo được mùa xuân, cho dù tiếng hót ngập hương xuân, thành tui
làm lơ hổng chiếu lên cho bà con đỡ tốn thì giờ bộ đội. Dà đây là ý riêng tui
thôi heng, vì tui vốn hổng ưu ái phim giả tưởng fantastic, nhứt là giả tưởng
tình yêu. Yêu thiệt còn hổng tới đâu nói chi yêu giả !
Các thi sĩ ơi, nói một chập mà vẫn chưa biết đích
xác thi tánh là chi nữa lận, thiệt khổ !
(clip đầu là theme nhạc original chơi trong
phim, clip sau là một hoà âm khác viết cho giàn nhạc giao hưởng)
TỐ NGHI
No comments:
Post a Comment