Nguyễn Vy Khanh
Nguyễn Xuân Thiệp đến
với thi-ca rất sớm nhưng từ khi ông định cư ở hải-ngoại, tác-phẩm của ông mới
thật sự được người thưỏng ngoạn văn-chương khám phá. Chúng tôi đã ghi nhận sự
đóng góp ban đầu của Nguyễn Xuân Thiệp (thời ký Châu Liêm) trong biên-khảo Văn-Học Miền Nam 1954-1975 (2016); ở đây là những cảm tưởng
khi đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp sau biến cố 30-4-1975, một số đã xuất-bản trong Tôi
Cùng Gió Mùa (Westminster
CA: Văn Học, 1998) và một
số sáng-tác khác trong Thơ Mạn Đà La chưa xuất-bản.
Thi-ca thiên
nhiên
Ở Nguyễn Xuân Thiệp, độc-giả nhận ra
nhiều nơi chốn đầy thơ mộng, đầy kỷ-niệm - Huế, Đà-Lạt và vùng đồi núi mộng mơ
bên cạnh cái không-gian địa ngục của các trại gọi là “cải tạo”; rồi không gian
của hoa cỏ, và một không gian thi ca độc đáo của riêng ông với chữ dùng của
thơ, với hình ảnh và ngôn-ngữ ẩn dụ, ngụ ý, gợi tích cũ người xưa, với
thời-gian không dễ phân biệt tách bạch. Thơ ông đây đó, trước sau, dù trong
hoàn cảnh nào, đều như tẩm hương của hoa cỏ và những bức tranh, bóng dáng thân
yêu một đời. Mỹ ở Nguyễn Xuân Thiệp không hẳn là người Đẹp, mà chính thức là
Hoa: chúng nhẹ nhàng đi vào thơ ông, nào hoa dã
quỳ, hoa thạch thảo, hoa lys, hoa sen, hoa giấy, hoa phù dung, hoa trắng, hoa
lavender, hoa phượng, hoa hippies, hoa vông, hoa chanh, hoa trà, hoa
bluebonnet, hoa mộc-lan, hoa hải đào, hoa mơ, hoa hồng, hoa loa kèn, hoa “ngâu”, đóa quỳnh,… bên cạnh những lá cây rừng, đồng, nương đồi, sừng sững đó
hoặc theo gió rơi rụng theo mùa; những lá bàng,
lá thông tùy lúc sẽ là lá
xanh, lá vàng, lá khô, lá bay, lá rụng, lá chết,... Tất cả xuất hiện trong thơ ông dưới nhiều thể trạng, từ
ấn tượng bất chợt, tâm tưởng, từ hồi-ức hay đời-sống, gây cảm xúc, đê mê, hụt
hẫng,… đủ cả - đã gây đồng-cảm khiến người đọc thơ ông thường trực trở lại, lùi
về, mà nhớ nhung, tiếc nuối, sống lại cùng tiềm thức, kỷ niệm đã lắng đọng nay
ẩn hiện!
Thời trước biến cố
30-4-1975, nhà thơ sinh trưởng ở đất Thần-kinh nhưng sinh sống nhiều năm ở
Đà-Lạt, gần thật gần thiên nhiên núi rừng với hoa cỏ biểu tượng cho hạnh-phúc,
cho cái Đẹp và cho cuộc-sống – tất cả đã là không-gian tuyệt vời cho một tâm
hồn nhạy cảm như Nguyễn Xuân Thiệp. Khi miền Nam thất trận “chiến-tranh lạnh”,
cũng như bao quân cán chính và đồng bào khác, ông bị đưa vào các trại “tù cải tạo” và trong số tập thể đó nhiều người đã bị cưỡng bức ngược
đường ra Bắc, cam chịu khổ sai, đày đọa ở những vùng hoang vu, đồi núi của nước
độc, của cái chết cận kề,... Thảo
Nguyên được thai
nghén và hình thành năm 1980 trong
một trại tù như thế ở ngoài Bắc, lần đầu đăng tạp-chí Văn Học (CA) tháng 7-1997 và xuất-bản trong Tôi Cùng Gió Mùa tháng 4-1998. Cuốn “album” hình ảnh và âm
thanh nơi ấy
được nhà thơ ghi lại như sau:
“mùa hạ ta qua vùng
thảo nguyên
gió thổi chiều xanh trôi với nắng
(…) mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên
bước nhẹ tênh quên thời khổ hạnh
mê con chuồn chuồn. đỏ. bay ngang
thương bầy dê con. trên đồi vắng
gặp trẻ chăn bò đi hát rong
gọi ấu thơ ta. mùa hạ sáng
đời trôi đi tưởng đời lặng câm
bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng
(...) mai mốt chị
qua vùng thảo nguyên
như xưa một lần về quê ngoại
ngày reo vui. vườn chim bay chim
lòng reo vui. reo tà áo lụa
chị gội đầu bằng nước hoa chanh
hương tóc bay sang. chiều vời vợi
chị ơi. mai qua vùng thảo nguyên
mang cho em một chùm nhãn chín
ôi. tình xưa như nhãn và sen
dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn
(…) mai mốt em qua vùng thảo nguyên
tìm nhau. trăng đã về động cổ
tìm nhau. tìm nhặt chiếc khăn rơi
(…) ta đi
năm năm qua thảo nguyên”.
(TCGM,
tr. 63, 69-70)
Hình ảnh và cảm
xúc, xưa và nay. Tác-giả sử-dụng những từ
láy như những điệp khúc để mở ý, chuyển tiếp và đi đến tận cùng tâm cảm: Thảo Nguyên đã dễ nhận được sự đồng cảm có thể với bạn tù
(khả thi chăng?), nhưng chắc chắn với độc giả sau đó. Ở phần đầu, hình ảnh gợi nhớ chuyện Bá Di, Thúc Tề hoặc
những thi-ảnh từ Kinh Thi xa xưa, đến phần sau là vang vọng ca dao và thơ Nguyễn
Bính thuở nào chưa xa –
thi-cách này sẽ được nhà thơ trở lại ở các sáng-tác khác.
Từ khi định cư ở hải-ngoại, nhà thơ đã hơn một lần đến
với thiên nhiên, để ca tụng, sống cùng như không thể thiếu vắng, qua bốn
mùa,... Đây là thiên nhiên vào tháng Chín ở Oklahoma – có thể là nơi định cư
đầu tiên ở xứ người:
“tháng chín. cơn mơ nào ở Oklahoma
thoáng mùi tử đinh hương
quanh trời sấm dội
con chim màu đỏ trở về
một mình. đứng hót trong mưa
(…) tôi. áo rực tà dương. đi trong rừng
Parkwoods
như đi qua đời sấm dội
như con chim màu đỏ vẫn hót
tôi làm thơ
cho bạn bè. cho những người cùng khổ
cho sấm dội. cho đổ vỡ. cho mây xa
tôi làm thơ
và con chim màu đỏ
hót. một
mình. dưới trời mưa thưa” - 9-1997
(“con chim màu đỏ hót dưới trời
mưa thưa”, tr. 168,170)
Những vần chữ đầy hình ảnh và tiếng vọng từ đâu thật xa,
xưa!
Bài “trà hoa. camellia” đã đưa nhà thơ trở về thời
quá vãng:
“xin đốm tuyết dưới trời thu hạ
hứng giọt máu từ cườm tay
bình minh
chợt tím một bông trăng tình sử
hương tóc ai. anh thở với cây rừng
một lần chân đã rời xa
anh mơ qua cầu gỗ lim
tìm câu ca dao cổ
bỗng quẹo. gặp camellia
ngỡ hoa trà ngày xưa anh hái
trong máu, và bùn. chiêm bao” - Huntington library
1996.
Thiên nhiên sống động cả trong giấc mộng:
giấc mơ
hoa magnolia nở trắng
thơm trên vai
những căn nhà kín cửa
con đường lát đá. những câu thơ holderlin
bread and wine
bánh mì và rượu
cỗ xe. chở tóc nắng. về xa
giấc mơ
những hàng cọ hát dưới trời
và biển xanh. biển xanh. ôi biển của vòng tay ôm
nụ cười. giàn hoa giấy
những thiếu nữ. mặc quần hở rốn. chạy bộ
đàn hải âu bay trong nắng
và kêu
căn phòng nhỏ. con mắt nhìn
mặt trăng
giấc mơ
giấc mơ
màu nắng
và mùi bánh nướng
ly rượu nào uống chung
không. không có chiều hoen lệ
chia tay, người không xa người
mãi mãi
như giấc mơ” - July 2013 (Giấc
Mơ).
Giấc mơ, canh mộng xuất hiện thường hơn ở những sáng-tác
những năm sau này, như “thi. mùa đông”, “giấc mơ hoa hướng dương”, “đêm. mơ
thấy ngồi đọc thơ với đinh cường” hay “cánh bướm. giấc mơ”:
“buổi sang
người xưa. gọi thăm
ôi. món quà thật quý. trong cơn bệnh của lá vàng
giọng nói. tiếng cười
của ai
như cánh bướm
giấc mơ
đưa tôi về lại
với những cây sầu đông
hoa tím
bếp lửa chiều. mẹ nhúm. bên hiên
nụ cười
mùi khoai lang nướng
dưới ngọn đèn dầu. những trang sách đầu tiên. mở
găp lại cô bé ngày nào. học chung trường. thế dạ
đôi mắt nâu. to. tỏa nắng
trên đường tôi đi
qua hàng bút bút.
tòa khâm
cây cầu. cánh chim. nghiêng. soi bong
dòng sông
cổng trường. màu ngói đỏ
cho tôi về lại
với những mái tóc bạn bè
những bài thơ. bài tùy bút. bức họa. tiếng chim của buổi
sáng mai
sẽ không có chiến tranh. chia ly. lửa và khói
không lán trại chập chùng. rừng già. suối độc
và những ngày đói khổ. lang thang. giữa sài gòn
ra đi
trong nước mắt rơi. màu hoa phượng
để đến đây. làm người hành giả cô đơn. ngồi dưới gốc sồi
nghe vọng tiếng đàn cello. mùa thu. bệnh
ôi. tiếng cười em. và cánh bướm
của giấc
mơ
tôi” (Garland,
Jan. 18. 2016)
Hoa và cây cỏ từng đã là đề tài quen thuộc trong thi ca
thời lịch-triều với tác-giả nhà nho kinh điển, thường dùng chúng làm đối tượng
hoặc cái cớ để giãi bày tâm sự, để tự khẩu khí – với các phép ẩn dụ, biểu
tượng, v.v, hoặc giả dùng làm đề tài vịnh họa tài tử. Tuy nhiên, thảo mộc được
đưa vào thi ca thường cao quý, thơ mộng,... và trong thi-ca đó tất cả hầu như
đều mang tính trừu tượng, xa rời hiện thực, và vì được cố tình chọn lọc để đưa
vào thơ nên số lượng hạn chế và cũng thiếu đa dạng, như vài cây ngô đồng, cây
phong, cây tùng cây bá, cây đào, cây dâu, cây hạnh, cây hoè, cây bạch dương,
cây liễu,… Mặt khác, thảo mộc cũng đã đi vào dòng ca dao bình dân với những cây
trái, hoa cỏ của đời-sống thường nhật, thiết thực như cây lúa, trà, hoa sen,
hoa lài, bông hồng, v.v. Ở đây, thảo mộc cũng thường được dùng như hình ảnh,
biểu tượng để truyền-thừa kinh-nghiệm và phổ dương đạo đức, triết lý sống,...
Ở Nguyễn Xuân Thiệp thì khác, thảo mộc gần gũi độc giả
hơn, gần như là đời-sống hiện thực, gần về tâm tình, tư duy, do đó dễ gây ấn
tượng và đánh động tâm hồn người đồng điệu. Thảo mộc, thiên nhiên đã trở nên
yếu tố không thể thiếu đối với Nguyễn Xuân Thiệp và thơ ca của ông, chúng là
đặc điểm và là sự hiện sinh không ngừng nghi hay vắng mặt,...
Hiện-tượng thiên
nhiên
Mưa nhiều trong thơ Nguyễn Xuân Thiệp, như những cơn mưa vùng đồi núi - “mưa
ở đây như mưa ở quê nhà” được sáng-tác khi tác-giả còn bị đọa đày ở các “trại
học tập”:
“... này người bạn đường. cùng ta đi dưới cơn mưa
tháng hạ
có chi đâu mà lặng thinh
có chi đâu mà muộn phiền
thôi. gần lại bên nhau. và nói
mưa ở đây. như mưa ở quê nhà
đó vườn ai xanh biếc
hoa cau. vàng. mấy mùa trăng
chắc hẳn đêm nay lòng sẽ mát
đêm. sẽ choàng chiếc khăn thơm. lên giấc ngủ mơ
(…) ơi. người bạn thơ ơi
áo ướt. tóc ướt. chiều mưa
mắt đắm hồn mây xa
mưa ở đây
mưa qua mấy thôn nhà cỏ
mưa ở đây. như mưa ở quê nhà
mưa từ thảo nguyên
chảy qua khe mòn. sỏi đỏ
kìa. tiếng nhạc ngựa ai rung
chiều trong rừng. hiu quạnh
mưa
tiếng reo. của trẻ. thành ha-mơ-le
và gió
người thổi sáo lang thang trên mặt đất
gió vin ngọn cau vàng
rong cương qua bờ thùy dương. rạp bóng
gió thênh thang. bên trời rộng
một sớm lãng du qua chốn này
kìa. ai chơi đàn thập lục. mà âm thanh rung suốt hàng cây
(…) qua mưa
ta thấy lại. những tầng cửa sổ. bật sáng.
trong đêm
thấp thoáng. đời vui. sau khung kính
tiếng nói cười. lẫn tiếng hạt mưa
nay. dẫu đã khép. trước mắt ta. trăm nghìn
cánh cửa
ánh chớp xanh còn sáng mãi hồn
qua mưa
ta thấy lại một hè phố quen
buổi chiều. tiếng reo của âm thanh. và vầng
hương
sáng (…)
chớp mắt
lửa pha lê vạch sáng chân trời
mưa rơi. sáng rừng thưa. nội cỏ
mưa ở đây. như mưa. từ những cơn mơ (…)
mưa / những giọt mưa rơi qua trời sáng
rớt xuống ao hồ. nở những búp sen
mưa. trong khu vườn ủ mật
thoảng qua trí tưởng. mùi trái chín. và men rượu
đâu. ly rượu óng vàng. em đã uống cùng ta. như uống ngọt
ngào. cay đắng. trước ngày
chia
tay. trong đêm lễ nến
mưa. và đèn. trên sông
chân sóng đẩy đưa. ta đi trên đường biệt xứ
mang trong hồn. chút bóng đêm. và lửa nến
xanh.
của thành phố quê nhà (…)
nhìn lại ta
người cùng khổ. kẻ cùng đường. trên mặt đất
mênh
mông
trần thân. trong nắng rát
nay gặp trận mưa hoa. loang loáng. qua trời
mở tung nghìn cánh cửa
thấy cây vô ưu. rũ bóng. quanh đời
đầu cành. chim trắng hót
kinh lăng nghiêm. và hội pháp hoa
hết rồi. thời quỷ mị
đời hân hoan. gió gọi ta
hài cỏ. nón mơ. tay nải biếc
mai về
dưới trăng. hái một bông trà
trong mưa. buộc chú ngựa con. bên bờ dậu mục
đốt ngọn lửa hồng. trong căn nhà gỗ. bên đồi
đọc lại cổ thi. và cựu ước
hát khúc kinh vui
gởi loài người khắp nơi trong cõi gió
mai về
tắm mát. dưới trận mưa quê nhà
ăn bát canh hoa lý
nghe bình yên. trong giọt nước sa
nhắm mắt. thấy sông hằng. trải lụa
thủy triều lên. lồng lộng. tiếng ca (...)”- Nghệ Tĩnh 1980 (TCGM, tr. 49-62).
Sau mưa là gió, là gió mùa, như trong bài Tôi Cùng Gió Mùa sáng-tác năm 1974 mà chúng tôi
đã từng đề cập trong biên-khảo Văn-Học Miền Nam 1954-1975 (2016). Gió
mùa như hiện-tượng, dấu vết làm nên thổ-ngơi quê-nhà, đã ở mãi với nhà thơ và
đã làm nên tính cách riêng của nhà thơ, như qua “tôi về. đợi gió Santa Ana”:
“lại thấy
nắng bên hiên nhà
những bông hoa loa kèn. đỏ
người đứng. trông theo người
và những đám mây. trôi
để tôi. về
khuya nay
cô độc
ngồi bên bếp lửa
đợi gió mùa santa ana
thổi về từ bên kia rặng núi
bến sông xưa
vâng. tôi về
khuya nay
cô độc
ngồi bên đống lửa gỗ sồi
tưởng tượng
gió mùa santa ana. đang thổi lộng qua sông hồ. những khu
rừng. những con đường rồng rắn. dậy nắng vàng hồ. những hàng cọ dưới trời
và khói
và lửa. âm u
những cái chum bằng đất kêu vang
ai cười
ai khóc
những người thân yêu của tôi
bây giờ còn những ai
và đất nước tôi. ở bên kia bờ sóng
ai khổ
ai đói
ai giàu sang
cán bộ. đại gia
ôi. gió mùa santa ana
gợi trong tôi. trí nhớ mù
và những giọt lệ
em. hỡi em. còn đứng chờ tôi
bên hiên nhà
những bông loa kèn
thổi khúc quỷ thi
trong gió”.
Phố núi, mùa Đông và cả một không-gian thảo nguyên, chim
chóc, hoa dã quỳ,... trong “thi. mùa đông”:
“tôi đã xa rồi mùa đông ấy
không gặp lại em đi giữa phố người
hay trong giấc mơ
mưa đã xóa mờ con đường. lá thông vàng phủ
những chân trời
chim bay. chớp xé
rướm máu hoàng hôn sau khung cửa kính
thi. em ở trong mùa đông
căn nhà ấy. bên sườn thung lũng
lẫn với loài dã quỳ
một bình minh ẩn hiện
em đi lại. nói cười. với bình trà. ly tách. ghế bàn quen
thuộc
mùa đông. nắng mới lên. khoảnh khắc
vàng những bờ rào. mái nhà
màu nắng mới. thoảng mùi nhựa thông
hắt vào song cửa
rực bức tranh trên tường. như điềm báo
khoảnh khắc. đời người trôi qua. ngày vui trôi qua
trời chợt tối
những bông hoa. trong bình. màu tím sẫm
màu của bùn. đất
của ký ức. lãng quên
những chân trời
sân ga. phố núi
tiếng còi tàu. kêu. trên đường ray. một sớm mai
bóng người. đốm lửa bay. và khói
em mặc áo nhung xưa
tóc sương mù. mùa đông trên vai gầy
phố núi
lúc xa nhau. em khóc
môi trái chín muồi
giọt lệ đắng của chùm bông sứ rụng
thi. em ở trong mùa đông” (Mùa
đông 1995)
Mùa Thu, nhà thơ “đi trong nắng ấm mùa thu”:
“buổi sáng
như ấu thời. vương phủ
anh đi trong nắng
mùa thu
với chiếc nón của gã vagabond
và áo khoác vai
một mình. cô độc
nhưng lòng vui. ấm áp
bởi anh biết mình
là thi sỹ
mang hồn homeless
gần gũi những trẻ em
không mẹ. không cha
đến xứ này. một mình
với chiếc túi xách. da bò. đã cũ. sờn
dòng sông. trôi trong bóng tối (...)
anh đi trong nắng ấm mùa thu
biết mình không lẻ loi. trong thế giới này
mùa thu cho anh
niềm tin
của lá chết
thi sỹ
anh là người. của giấc mộng hư
đi tìm một vầng trăng khác”.
Buổi chiều trở nên xa tầm tay hữu hạn của con người
thế gian, khi những yếu tố, sự kiện đã từng gần gũi, cảm được, nhận thức được
như quanh quẩn đâu đây, như trong “chiều. vẫn siêu thực. chiều” -
thời-gian quyện lẫn với không-gian trong một phức-thể đang rời xa:
“em có nghe
này em có nghe
này em có nghe
vẫn tiếng còi tàu
buổi chiều
buổi chiều
âm vang qua khu rừng. natick
những cánh dã quỳ tứa máu. run rẩy
không ai về lại quán cà phê xưa
nơi khung cửa
con bướm monarch. nhìn thấy trong giấc mơ nào
đang vỗ cánh
gây ra những chấn động. màu hổ hoàng
trên phế tích. mùa qua
anh thấy mình ngồi
đốt lại đống lửa
lá thông khô
những khuôn mặt bạn bè. chợt hiện
đinh cường. lê uyên phương. phùng văn hưởng
thanh sâm
và tiếng ai
gọi mình trong gió
thiệp ơi. thiệp ơi
về đi
chiều. vẫn siêu thực. chiều”
Siêu thực chiều và siêu
thực dã quỳ ở Oklahoma cũng như ở Đà-Lạt xưa!
Nhiều thiên niên kỷ trước đã có những con người ngồi bên
bờ sông Balylon khóc thương thân phận lưu đày, thì sau cơn giông bão tháng
4-1975, nhà thơ cùng với hàng triệu đồng bào miền Nam của ông bị đày ra Bắc;
nỗi tang thương đó được ghi lại trong “chiều bên sông Giăng” “ta ngồi ta khóc / trông về
phương nam (...) nỗi oan khiên một thời không bóng vang”:
“... buổi chiều. vớt sỏi. dưới lòng sông Giăng
ta cười trong tiếng sóng
ai kia. đưa ta lên rừng
ai kia. đưa ta ra đầu ngọn suối
tượng đài người đọ được với thời gian
tiếng cười ta
đánh thức. lớp cuội mòn. chiều nay
bia đá nghìn năm. bồi hồi. xao động
nói gì với mai sau (...)
đêm nay áo mỏng thân gầy
nằm nghe chớp bể mưa nguồn về tự sông Giăng
dưa muối quê người lòng ta càng xót...” - Nghệ
Tĩnh 1980 (TCGM, tr. 73, 82)
Và sự sống nhức nhối, cái chết và trầm luân
Thảo Nguyên sáng-tác năm 1980 lúc đang bị đày ra vùng núi
non nhiều chướng khí miền Nghệ Tĩnh, đồng cỏ cây gợi nhớ đồi nương miền cao
hoặc một nơi nào khác trên đất nước, nhà thơ đi qua đồng cỏ như bước vào miền
ký-ức:
“... mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên
bước nhẹ tênh quên thời khổ hạnh
mê con chuồn chuồn đỏ bay ngang
thương bầy dê con trên đồi vắng (...)
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn
vang thiên thu chớp bể mưa nguồn
nước vượt bờ trùng khơi nước rộng
đám lưu dân qua vùng châu thổ
chẳng tìm đâu thấy một xóm làng...”
Rồi mẹ, chị cùng nhà thơ đi qua vùng đồi nương, đi qua
khói lữa, chiến tranh “kẻ sống người chết đều trơ xương / ... muôn oan hồn
không chốn nương thân” khiến “ngày gầy xơ lất phất mưa phùn”,... Và
nay bản thân bị đọa đày trên con đường biệt xứ, nơi những đồng cao:
“ta đi năm năm qua thảo nguyên
gậy trúc mòn khua kêu đá sỏi
(...) ta con chim hạc trong thời-gian
(...) từ đó chung quanh đời bặt tin
kinh chùa tây phương không vọng lại...” (tr. 63,
66, 67, 68)
“Đốt lửa. ghe sư
đàn” là một bản thơ dài như một cổ-tích buồn
của một thời nhiễu nhương, với vài “mật mã”, “nhắn nhủ”:
“đốt lửa. chừng như người qua khe
mùa đông. tím. những nương mưa
(…) đầm sấu hoang. lau thắp. bến chờ
lửa đã cháy. cháy trên củi ướt
tù ngồi hơ tay. nghe cổ tích
chuyện đường huyền trang đi thỉnh kinh
bỗng trong đêm. rộ tiếng ai đàn
lửa củi soi. nhà sư mặt ốm
kể từ sư rũ áo đi đày
cái tâm mây nổi. trăng thiền đạo
cuộn cuộn trường giang. sóng lục đầu
đầm cỏ. nước in. thân cò vạc
bắt cua. vồ nhái. ngày qua ngày
đêm đêm. ôm đàn trong xó tối
năm ngón tay gầy. tiếng thổ cầm
sư ngồi đàn. như cây trăm năm
lửa cháy. xèo xèo. mùi nhựa ngái
khói tỏa. mù khe. màu cỏ rối
dạo đàn. mưa thu rơi trong trăng
tiếng mau. chim bay qua mùa đông
đàn ánh thép xanh. gươm phạt trúc
gỗ nổi. đá lăn. trâu bứt gốc
hồn u. mả tối. đây là đây
rạng tiếng ngư dương. thơ quỷ đọc
lán sâu. bếp ảo. lửa đào lay
cây đàn gỗ xưa. như mặt trăng
năm ngón tay gầy. như chim ưng
bật dây. rỏ máu. hoàng hôn rừng
gọi những mùa đi không trở lại
đàn qua. tiếng buồn trong lau sậy
gió thu. đưa võng. ai chờ ai
đêm cẩm khê. đàn trong u độc
người nghe đàn. khơi lửa đỏ khuya
tóc râu tiền kiếp. đầm hơi mưa
bỗng thấy sân nhà. cây sứ gãy
năm cửa ô quan. ngấn lệ mờ
những nẻo chiều sương. người rách rưới
những mái nhà. mưa xoi. nắng dọi
lọ rơi. sành vỡ. lục cục âm
khuya rồi ai đẽo gỗ huỳnh đàn
ửng sắc hoa gầy. trên áo quan
sư bỗng ngừng đàn. nhìn đống lửa
gốc cây. cháy như đầu thiên cổ
huyễn huyễn. củi tàn. màu kinh xưa
mặt đất chừng qua cơn mộng dữ
nên ngón tay gầy. như ngó sen
hơi đàn trôi trong hương lá xanh
đàn ngân. cánh chim soi
trên đầm
màu hoa mơ nở. trắng non ngàn
từ trong độ ấy. giờ trăng mọc
ánh trăng. chảy vàng trăm cửa song
bếp rụi. lửa riu. âm đàn dứt
trăng lên rồi. hổ xuống cẩm
khê” - 1977-1988 (TCGM, tr. 108-112).
Bài thơ Ánh Trăng dài 248 câu, dài như một bài Hành:
“... hỡi ơi giữa
cánh rừng săn bắt
ta chỉ nghe rền giọng sói tru
giữa cuộc bạo hành. cơn sốt dữ
nổi đau này cháy vỡ thịt da
thử ngẩng nhìn trăng đêm phán xét
ai công. ai tội. dưới trời khuya
ai xô trăm họ vào gai gốc
ai hái dâng đời một đoá hoa
hãy xét trong cơn đau lịch sử
nỗi đau nào đau của riêng ta...”
(...) trăng khuya vằng vặc soi tâm thức
đêm tịnh. trời trong. gió lắng sâu
(…) trăng khuya như một loài chim quý
bay suốt nghìn năm hót một lần.
dưới mái chùa tây văng tiếng kệ
vị sư già đã thức, chuông ngân.
âm thanh như một làn hương sữa
chảy xuống hồn ta đã lặng dần
hạt lệ muối rơi. giờ đọng lại
trăng nguyệt cầm ơi. ngọc mới đông (...)
giữa cuộc vui này ta có mặt
sao tâm xao xuyến những trời xưa
đếm sao, nào biết sao mờ tắt
trận bão mùa qua đã dứt chưa...” - 1980 (TCGM, tr. 90-91; 98-99)
Đêm về, “nguyệt thực & vầng trăng đỏ” và những
mảnh vỡ của cuộc-đời:
“nguyệt thực
ôi. vầng trăng đỏ. đêm qua
giấc mơ. của một người
gục đầu bên cửa sổ
thi sỹ
của nước mắt. lá khô
đi ra sân ga
gặp cô bé. ôm bó hoa. chờ đợi
chuyến tàu. vừa chuyển bánh
nguyệt thực
và vâng trăng đỏ
con bướm. ngày nào. không về
khung kính. của quán cà phê. bụi
tiếng cười. lãng quên
lãng quên
như giấc mộng hư
chỉ còn
căn nhà. của gió
và tiếng đàn. câm. trong ký ức. lãng quên
lãng quên. những nụ cười
và tiếng gọi tên nhau
ôi. cành hoa lys. rũ tàn
vầng trăng nguyệt thực
thơ tôi
màu đỏ. đêm qua” - Đêm cuối tháng 9.
2015
“mùa thu. con dế. và vầng trăng” dễ là những dòng chập
chờn ký ức:
“mùa thu
với gió. những chiếc lá vàng trong cây
tôi đi tìm con dế
tôi đi tìm con dế
và vầng trăng
ôi. vầng trăng. từng nghe tôi đọc thơ. những ngày đói
rách vừa ra khỏi trại tù. lang thang kiếm ăn trên đường phố sài gòn
và đã cùng tôi. chia nhau. củ khoai lang. với niềm tuyệt vọng
và đã cùng tôi. chia nhau. củ khoai lang. với niềm tuyệt vọng
tôi tìm con dế
đã cùng tôi hát khúc ca chiều
bây giờ. mùa thu xứ người
bây giờ. mùa thu xứ người
cũng cô đơn và rét lạnh
tôi đi tìm lại vầng trăng
tôi đi tìm lại vầng trăng
và cả con dế. ca nhân
này em
này em
bên hiên nhà em. đêm nay. dường như cũng có vầng trăng
và tiếng con dế gáy
và tiếng con dế gáy
như trong thơ tôi
tôi đang đi tìm. như tìm lại hồn mình
tôi đang đi tìm. như tìm lại hồn mình
đốm lửa
mù sương
mù sương. linh hồn
chiều
sombre dimanche
tôi đi tìm
một cây bang
một góc phố
một góc phố
và căn nhà của quả bóng bay
để treo lên khung cửa sổ
một ý thơ”.
Vẫn là trăng, bây giờ đã sang mùa Đông:
“trăng
nguyệt cầm
màu của đá .và đất. xưa
màu của đá .và đất. xưa
về
từ trang sách. bụi
từ một quán cà phê. của lá bay
như tôi
từ một quán cà phê. của lá bay
như tôi
nụ cười trên môi đã tắt. trong chiều tan
trăng mùa đông. xanh
sao bầu trời rỉ máu. hoàng hôn
không một cánh chim
chim đã chết trên những đường dây. của trí nhớ. điên
trăng
trăng mùa đông. xanh
sao bầu trời rỉ máu. hoàng hôn
không một cánh chim
chim đã chết trên những đường dây. của trí nhớ. điên
trăng
mùa đông
nghe như có tiếng dương cầm
không phải bản serenade. của schubert. và khung cửa sổ
sáng đèn
tiếng dương cầm
của phim the pianist
phát ra từ thành warsawa
nơi người đói
chết
cây khô
ôi. mặt trăng mùa đông. như đá.
tiếng khóc. chiều nay
blog qua trời mạn đà la
sương tím” (“trăng. mùa đông”)
Trăng đối với nhà thơ nếu không là những khoảnh khắc
thời-gian thì cũng là cớ để nhớ bạn hữu văn-nghệ như Đinh Cường, Lê Uyên Phương, Thanh Tâm Tuyền,... trong “trăng & thơ”,... hay
Nguyễn Thị Khánh Minh trong “thơ cho những đóa hướng dương”, “giấc mơ hoa hướng
dương”,... Thật vậy, tình bạn biểu tỏ khá rõ nét trong thơ Nguyễn
Xuân Thiệp, bạn chiến đấu chung một màu cờ và bạn đồng hành thi ca, làm như đối
với thế hệ ông, đa số cùng hoàn cảnh nhập ngũ, cùng sinh hoạt văn-nghệ tự do,
nhân bản và cùng bị đọa đày nơi cưỡng gọi là trại “cải tạo”, “học tập”, cùng có
những đoạn đời hùng tráng cũng như bi thảm như ở đáy địa ngục, như trong “lời
gởi tô mặc giang” cũng để nhớ những người bạn khác:
“tô mặc giang ơi
dường như sông sài gòn vẫn chảy
chiều nay. tôi nhìn thấy bạn. đi cùng với đinh cường
trên phố bonard
tóc bờm xờm. lộng gió
và tôi cũng nhìn thấy bạn
ở pleiku
cùng với người nữ làm thơ tên chi
trong cà phê dinh điền
có cả kim tuấn. ngồi cười
mới đó mà mấy chục năm trôi qua
người xa người. người bỏ người đi
những quán khuya. nơi chúng mình họp mặt. không còn ánh
lửa
mới đây. hải phương nói với tôi
sẽ làm một bài thơ. nhớ pleiku
hồi tôi. và dạ lan. qua làm đài địch vận
và chúng mình mê cô ca sỹ trong hội quán phượng hoàng
những cây thông còn đó
bài thơ chắc vẫn còn trong trí óc hải phương
còn bạn đã cho in. gió cũng nói lời từ biệt
thôi hãy gởi cho nhau xem
để nhớ lại pleiku
và kim tuấn
và dạ lan
lời này xin thả bay trong nắng
ơi. tô mặc giang”
Nghĩ đến bạn, cả người mới ngày nào còn sinh hoạt đấu
tranh và văn-nghệ, chợt nhớ Nguyễn Xuân Phước khi “mưa
phùn ngày chủ nhật”, “mưa xám”, hoặc “đêm. mơ thấy ngồi đọc thơ với đinh
cường “:
“đêm
cánh bướm. màu hổ hoàng
trong ngôi nhà của gió
thấy mình. ngồi bên đinh cường
đọc thơ
ôi. con đường
mùa qua
phủ dưới lá khô
cành bang
cổng cũ
bao năm. thức đợi người
chợt quên. chợt nhớ
một góc phố. đèn khuya
và tiếng hát. camille huyền
mùa xưa. và em
men vườn ổi. thơm
hoa ngâu. ai còn hong tóc. chờ ai*
giấc mơ
cánh bướm
những chiếc lá bang
cánh cổng. màu cổ thi
mãi bay trong trí nhớ tôi
trong thơ tôi
và trong tranh. người họa sĩ
của khu rừng chiều tà. gió. tiếng còi tàu(...)”.
Viết về bạn, như nhắc nhở kỷ-niệm, như tưởng nhớ,
thương tiếc và có khi chỉ là cơ hội nhớ nghĩ về chính cuộc đời mình, những
kỷ-niệm, những hồi tưởng còn sót lại, là bạn hữu trong “những ý nghĩ lá vàng
trong mùa giáng sinh”, hoặc một người “em” đã từng đến trong “bây giờ là
tháng giêng. 2013”:
“cám ơn em đã
đến và đã chia tay
mùa này chim én còn bay dưới mái lầu hotel du parc
ở một góc phòng, chiếc piano cũ vẫn còn
cô ca sỹ đứng. xõa tóc. hát
và bóng người nhạc sĩ. gầy. lướt tay trên phím đàn
bản dạ khúc. của lê uyên phương
đã chết
tôi bỗng thấy mình ngồi trên chiếc xe ngựa. cùng
balakirev
băng băng. trên những phiến đá lót đường. thời nga hoàng
trong tiếng quạ kêu
với chiếc đồng hồ chỉ năm
và cánh đồng. có chiếc cày ai bỏ quên. như con chim gãy
cánh
xa xa. con tàu rỉ sét. trong eo biển khô
những tiếng động thời gian. bỗng ngừng im
người trên tàu đưa cho balakirev một cây đàn cổ quái
và bảo
ông sẽ không chết. nếu ông chơi nhạc” - (Jan 20.
2013)
Dung, người bạn đời của nhà thơ đã ra đi một sớm mùa
Đông, nhà thơ ghi lại tình ý trong “những ý nghĩ lá vàng trong mùa giáng sinh”:
“giáng sinh
mưa và tuyết
trắng. miền trung tây
tôi. như chiêc lá
rụng
bên vệ đường
khi mùa đông tới
một mình. trong bệnh viện
nằm nghe gió
từ cõi mạn đà la nào
thổi qua trang kinh cổ
nghĩ tới chúa. sinh trong hang bê lem
giữa rơm. cỏ khô. và lũ trẻ chăn cừu
lạnh. đá xưa
nghĩ tới dung
ra đi theo chuyến gió
mùa đông
mưa rơi. mưa vẫn rơi
trên mái nhà
nghĩ tới đống lửa lá bàng. thơ em. sưởi ấm người về
(...)” -
27-12-2015
Ở một thời điểm cuộc đời, “em” sẽ và đã rời bỏ tôi,
rời sự sống, và em vẫn sống mãi qua bốn mùa và hiện hữu ở khắp chốn không-gian.
Nhà thơ nói với người, như độc thoại mà biết có kẻ đón nghe, “hãy
nghiêng tai dưới gió. và lắng nghe. hãy nhìn rồi sẽ hiểu”:
“Bởi không còn em trên đời này nữa
nên tôi tập yêu hết thảy mọi người
hãy nghiêng tai dưới gió. và lắng nghe
hãy nhìn rồi sẽ hiểu
buổi chiều. đi trên đường. có khi tôi gặp một
chiếc lá. khô
và sớm mai ra vườn, thấy cây hồng vừa
nở những bông màu vàng
mùa đông. tuyết rơi. nhặt xác một con chim bên gốc sồi
già
và trên cao. đàn ngỗng trời. xoải cánh bay đi
tôi chợt hiểu. như lời bài hát
có sớm mai. tất phải có chiều tà
có gặp nhau dưới mái trường phượng đỏ ngày xưa.
tất có ngày chia tay. mùa đông. em đi
theo
chuyến xe của gió
và tôi đi. dưới trời mưa new orleans
nhìn quanh không thấy bóng dù
như ta cùng đi trên con đường hàm nghi ngày nọ
em ơi. nụ cười của em. vẫn theo anh
cho dù nhiều thứ đã mất đi. nhiều điều không còn nữa
cho nên anh tập yêu thương cả loài người
và chim muông. cây cỏ
dưới bầu trời này
như thuở ấu thơ. tới trường. với cái chong chóng.
trên tay
vậy đó em
và hãy chờ anh trên ngọn đồi cỏ tía”
“Em” hiện diện như đã từng, ở đây, “trong căn phòng ký
ức”:
“trong căn phòng. ký ức
của anh
một ngọn đèn
soi. chiếc ghế trống
cây đàn. câm
và những cuốn sách. bụi
một tấm gương
ngày nào anh đã vẽ
hình đôi mắt
bây giờ biến thành hai cánh bướm. màu nâu
em
em hãy bước thật nhẹ
kẻo tiếng động
của những đổ vỡ
một lần đi qua đời anh
sẽ thức dậy
anh muốn
mọi vật cứ lặng yên
lặng yên
như trong những bức tranh
dưới căn hầm
của người họa sĩ
ở đường natick. bên rừng mây. xưa”.
Bài “hồi ức thơ” như một nhìn lại mình và tha nhân, ở nơi
này hay đâu đó xa xôi:
“bây giờ
tôi chỉ còn lại
thơ
những hồi ức về em được làm bằng bóng nắng. chim và mây.
màu của tranh chagall
sâu. trong mắt em. xưa. rực cháy cơn mơ chiều tà
lá khô. lá khô. bản serenade. ngày đưa em
mình tôi
với chiếc mũ màu xám. và áo khoác sờn vai. vài tiếng ho
khan
đi trong chiều nhạt nắng
nhớ và quên
mùa vui
đâu rồi. mùa vui
của tôi
không còn những chiếc lá trên cây
một thời vắng bóng
không còn thấy cổng trường. xưa
không nghe tiếng ve
những bông phượng đã ố. tàn
bức tường rêu. câm
tôi đi tìm tờ báo ướt. có in bài thơ viết năm mười lăm
tuổi / của tôi
không ai còn nhớ
âm. tiếng đàn vĩ cầm của người nhạc sĩ. bệnh ung thư
âm. mùi trà. những cánh tường vi. trong trí tưởng
âm. căn gác của sách báo. cây đàn gỗ chùng dây
và mùi tóc. mùi da. của những sớm mai
tôi muốn khóc
những con chim sẻ. mùa hè. đã chết
về đâu
về đâu”
Bài “tuyết xuống, nghe dương cầm lạnh. đi về phía bình
minh trong chiêm bao” đầy ấn-tượng:
“tuyết xuống
nghe cầm dương. lạnh
hồn siêu thực
trăng
mái phố
như chim
ca nhân
và nến cháy. bập bùng
lặng nghe
chờ em
đường cầm dương. mưa
những giọt lá. sầu
dạ khúc*
tìm đời nhau. đâu
tuyết xuống đầy trời
những cây sage. và bụi hồng. cây lựu trong vườn
đầu đội những chiếc mũ tuyết
và
đóa quỳnh điên. đêm nào
giờ đã tàn phai. rũ rượi
anh không trở về những năm tháng đã xa
để gặp lại cơn mưa
và bùn lầy
trong trăng
thôi. hãy lãng quên
lãng quên
bản dạ khúc
và Teresa
teresa. của cầm dương. và những đám lá vàng. khuya
trong thơ joseph huỳnh văn
ngày ấy
còn gì đâu. em
vâng. giờ đây. anh đi về phía chân trời. nơi bình minh
còn
ẩn. trong chiêm bao
để gặp người
ngôi nhà. bên đồi quạ
và bình trà. của sói
tuyết rơi
tuyết đang rơi
nơi anh ở. và đâu xa
tuyết rơi như trong dr. zhivago
vâng. anh đi về phía đồi twelve oaks
để nghe
một tấu khúc khác
của cầm dương. trong cây
đóa hồng. lệ biếc xanh. và ngọn lửa (...)” - (Dallas, ngày của tuyết tháng 2. 2010)
Đúng vậy, ở Nguyễn Xuân Thiệp, tuyết là hình-ảnh mới
nhưng thường trực và tuyết siêu thực của nhà thơ không hẳn là tuyết của thiên
nhiên vô tri, vô cảm...
“tuyết rơi
một người ngồi vẽ. những chiếc lá bàng
từ ký ức. ấu thời
chờ ngày nắng ửng
tuyết đổ
trên những bờ tường
người đi tìm những ngọn nến. của mùa thu đông cũ
đốt lên
trong căn nhà.hư
bóng ai về. đứng khóc
tuyết phủ
người lầm lũi đi
gọi thầm
camille. camille
chiều quạnh
xám. đường trơn. không ánh lửa
tuyết trắng
một con quạ đứng kêu
trên đỉnh ngọn sồi già
sao mùa xuân chưa trở lại
sao mùa xuân chưa trở lại
những bông daffodils. vàng. của tôi
giờ ở đâu
tình tôi
thơ tôi
giờ ở đâu”
Tâm linh con người bị khuấy động, cho nên
“tôi đi tìm. trời mạn đà la hoa. như trong kinh phật.
nhưng không tìm
thấy. chỉ thấy em.
đứng dưới bầu trời nhiều mây xám. tay cầm
nhánh iris rũ tàn. ngày cây xuống tóc tà huy. và em khóc
mùa xuân ả rập và cách mạng hoa nhài. chưa kịp nở trên
môi cười. thì động đất và sóng thần ở nhật bản
nước mắt thay nụ cười (...)” (“mây bay. mây bay qua. trên đỉnh
ngọn phù vân”).
Tâm muốn tĩnh,
“đọc thơ haiku”, tìm an nhiên chăng?
“đôi khi
đọc câu thơ haiku
nghe trong buổi chiều
tiếng ve kêu
mùa hạ
cũng có khi
nghe mưa đá
lộp bộp
rơi
trên lều cỏ
một người ngồi thiền
tĩnh lặng
mùa thu
ơi mùa thu
dường như khe cửa
có tiếng gió
hay tiếng dế kêu
anh và em
xa nhau
ánh trăng. không soi tới”
Đọc người xưa như tìm thông cảm xưa sau, khi nhìn lại
thân phận mình, trong “chiều ức trai” - nhà thơ cho
biết “Cảm
xúc khi đọc Vãn Hứng của Nguyễn Trãi được Nguyễn Lương Vỵ chú nghĩa và dịch ra
thơ”:
“ông ở trong ngõ cùng. một mình. hiu quạnh
tôi nào khác chi ông
một căn nhà thuê. trong khu chung cư
không trẻ con. không mùi khói cơm chiều
chỉ dăm ba cuốn sách
đêm nằm nghe gió qua mái ngói. tiếng mùa đi. thu rơi
thỉnh thoảng chuyện trò với người xa qua điện thoại. để
thấy còn chút niềm vui sót
ông buổi chiều khăn đen. gậy trúc. dạo chơi
tôi đầu trần. áo mỏng. đi dưới trời lộng gió. hoàng hôn.
lá rụng
buổi chiều nơi ông. có ráng về phủ chòm cây
tôi nhìn ra hồ nước. những con vịt trời kêu khan. thỉnh
thoảng bay lên trong chiều. tím
với ông. thời gian như sông. mờ mịt chảy
đời tôi như trang sách bụi đầy
ông là anh hùng. ôm mối cô trung
tôi người bại trận
cả hai cùng nghe tiếng gió. u u. như tiếng sáo. trong vòm
lá
chiều xuống. tôi cũng như ông. về dưới cửa. nhìn trăng
một mảnh trăng. gầy. lạnh. đá xưa
ôi ức trai”
Hay tìm “lãng quên. không màu”?
“tôi bây giờ
sống như lá rụng
như chim về. hoàng hôn. đồi cỏ tía
có khi nhìn mây trôi. nghĩ tới ngày phiêu bạt
đêm nằm mơ. thấy bạn xưa. khóc cười trên những nhánh phố
đời sống. mùi cỏ khô
người xa người
người bỏ người đi
soi tìm những địa chỉ cũ. không còn dấu vết
trong tưởng tượng. chỉ muốn được tìm về. bức tường. với
những tranh graffiti. trẻ con vẽ
và lòng chợt vui. cất tiếng cười. như mê
a. cuộc đời. những mẫu cắt dán
một cơn gió
cuốn đi. như lá khô
bầu trời
chợt khép lại
một ngày
những bông hướng dương. rũ tàn
những khuôn mặt thân yêu nhòa dần. mưa rơi trên khung cửa
kính
màn đã hạ. vở kịch không có hồi vĩ thanh
còn ai nhớ ai
những mẩu chuyện cũ không người kể lại
đôi khi. tiếng cười. bất chợt rơi
trong chiều
những cánh chim của rừng maya bay vào chiêm bao
mang theo thơ tôi
lãng quên
lãng quên. không màu”.
Chỉ còn hồi ức, cả những
đóa hoa, cánh đồng, dù dáng dấp vẫn hiện tồn đây đó, đâu đây,... Buồn hơn khi
phải đối đầu với “cái chết của những mùi hương” - trong thơ Nguyễn Xuân Thiệp mùi
hương không chỉ chết một lần:
“mùi dạ lý hương
khuya nào
trên căn gác
đã chết
treo cổ
theo mùa hè xa
và
cùng chết. rực tim
mùi hương cà phê
chiếc bàn gỗ
bức tường. bông sứ. rụng
vang hưởng. tiếng đàn thùng
năm nao. guitar ballad
con hẻm. khúc h dạ lan. không về lại
chiều nay
trên ngọn đồi. quán đá. xưa
một bóng. âm. đi tìm. mùa cũ
chăn chiếu. không hồn
mùi mồ hôi. quạ
tiếng cười. đã tắt. trên con dốc. hoàng hôn
đã chết thật rồi
mùa qua
mái tóc. lá thông
mùi nhựa ngái
rượu. và
môi. trái cấm eva. lãng quên lãng quên. như
cây
những ngọn đèn vàng. mở mắt
bên hiên
chỉ còn thơ
và tôi
mùa đông
xám”.
Mùi hương đã chết, có thể đã rời xa, nhưng cũng có thể
quy hồi, trong tâm tưởng, trong nhung nhớ, với tha nhân,... Cùng tuổi đời, độc
giả sẽ dễ đồng cảm với tác-giả, nhưng phải sống cùng môi trường xã-hội,
cộng-đồng thì sự đồng cảm này mới thật sự thấm thía, hiệu lực – nghĩa là thêm
đau, buồn, tiếc,... như không thể khác!
Thơ Tự do là hình-thức dư giả ở Nguyễn Xuân Thiệp nhưng
nội-dung hình như không hẳn vậy, vẫn có những khuôn rõ nét hoặc chằng chịt
thời-gian, không-gian, tâm thức. Cái vị thơ ở đây nếu không lãng đãng theo
thi-ý thì cũng sà xuống nhân thế đượm ít chua cay tình người, tình đời, dĩ
nhiên, nếu đã sống cùng hoặc đã đi cùng đường, khác hướng. Khởi nghiệp thơ với những vần đậm
chất quê-hương, Nguyễn Xuân Thiệp đã tiếp tục đi xa với những sáng-tác tân kỳ về
hình-thức lẫn nội-dung, và những bài như Thảo Nguyên, Tôi Cùng Gió Mùa, “nguyệt
thực & vầng trăng đỏ”, “chiều
bên sông Giăng”, “ánh trăng”,... đã làm nên tên tuổi nhà thơ. Viết về âm nhạc, với ông, thơ
như cũng là nhạc:
“dạ khúc. dạ khúc
mộc lan. nở tím đầu cành
đóa trăng. chim. nghiêng cánh qua trời
serenata
vĩ cầm
treo trên định mệnh
một người
một đời
mùi hương ophelia. trôi trong khuya. tàn
thôi. không về. lối cũ. mưa sa
ở cuối đường kia. môi chờ môi
vòng tay. thiên thu. nụ cười trên gối
chờ ta nhé
dạ khúc
mộc lan
tím
chiều. không phai” (dạ khúc. mộc lan).
Nguyễn Xuân Thiệp thật
sự sáng-tác không nhiều cho một sự nghiệp; ở ông là sự cẩn trọng với con chữ,
chất liệu, âm điệu, hình ảnh, màu sắc cũng như đề tài, nội-dung. Câu thơ, cấu
trúc mỗi câu và toàn bài mang hình-ảnh hậu-hiện-đại, gây bất ngờ và hơn một lần
gây ấn tượng nơi người thưởng lãm – như một “tân hình-thức” ngoại lệ! Những
“khúc h” trong “cái chết của những mùi hương”, hay những âm thanh thảng thốt trong vài bài khác.
Mặt khác, nếu không để ý
đến dấu vết thời-gian sáng-tác, người thưởng ngoạn sẽ thấy thơ Nguyễn Xuân
Thiệp như một liên-văn-bản: nhìn hoa, cỏ, cây, thiên nhiên, mưa gió, mùa,
trăng,... liền thấy thơ và nhìn câu thơ dễ cảm nhận như đang thấy rừng, cánh
đồng, và hoa cỏ đua chen; con người trở nên thứ yếu ở một số bài thơ! Hình-ảnh
hoa cỏ, đồi nương như sinh-động – dĩ nhiên với nhà thơ và ông đã tài tình đưa
người thưởng thức nhập vào không-gian, cảnh vật đó; và theo thời-gian sáng-tác
chúng hé nở, khởi nhãn rồi tàn phai mất đi như chỉ còn lại dư-vang! Cấu-trúc
cho thiên nhiên, cảnh vật,... xuất hiện như đã tồn tại, hữu hình, thành chuyện
kể rồi biến hóa trở nên những cấu trúc khác sẽ xảy ra hoặc và-rồi-đã-xảy-ra –
những cấu-trúc tâm linh, tình tự, ký ức, v.v. Không viết hoa, xuống hàng theo
thông-lệ, cũng có thể dễ ấn-tượng liên-văn-bản, vì như liên thuyên, không cùng,
khiến độc giả như bị/phải ngụp lặn trong thế-giới (và ký ức) của tác-giả. Cũng
như với nội-dung, tình ý, cảnh vật, nhân-vật xuất hiện bất ngờ trong thơ hoặc trở lại thêm một lần, nhiều lần – những nối
kết, liên tưởng, hợp tình cũng như hỗn mang đến lạ lẫm!
Không là nhà thơ nhưng mỗi khi có dịp ngắm hoa lạ lần
đầu cũng như đã quen, chúng tôi thường nghĩ đến những dòng thi ca của Nguyễn
Xuân Thiệp về loài hoa cỏ, đồi nương ấy; và nếu đó là một cánh đồng hoặc cánh
rừng đầy hoa cỏ muôn vẻ thì thơ ông trở lại mãnh liệt hơn nữa. Thơ Nguyễn Xuân
Thiệp đã là tiếng hát đa âm và lạ lẫm của dòng văn-chương Việt-Nam!
[Tôn trọng cách đề tựa tác-phẩm viết thường, chúng tôi
ghi trong ngoặc kép].
NGUYỄN VY KHANH
Toronto, 5-2017
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete