Friday, June 2, 2017

ĐIỂM PHIM ‘PELLE THE CONQUEROR’ II


Tố Nghi

Poster phim

Mở đầu, như các bạn đã xem, hồi đó xứ Thụy Điển bị suy thoái, mất mùa liên miên, dân nghèo bỏ xứ tràn qua các nước lân cận kiếm sống. Các di dân tứ xứ tới Đan Mạch sanh nhai khi ấy được đối xử như nô lệ. Trong số này có cha con ông Lassee. Ông trên dưới 60 còn Pelle mới 8 tuổi. Cha con tìm được việc làm ở nông trại Stone Farm. Công việc nặng nhọc, lại bị tên cai hành hạ, đời sống thiếu thốn. May nhờ có cô Anna, Karna, Rud và Eric tử tế nên cũng được an ủi. Pelle cũng có cơ hội cắp sách tới trường cùng với Rud nhưng bữa có bữa không. Đời sống ở nông trại đảo lộn khi có ông chủ mới dân chơi Kongstrup. Nhiều bi hài kịch xảy ra giữa ông và bà chủ, và đám nhân công trong trại. Được Eric gieo vào đầu từ trước, một hôm Pelle rũ áo ra đi dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy hứa hẹn. Xin mời xem tiếp theo lời kể của Tố Nghi.

Hồi ..6..7..8.  9 

(Chạy lớp vì nhà đèn sắp cúp điện !)

Lúc bố con Pelle vào Stone Farm thì chú Erik đang nuôi giấc mộng hải hồ, hai mùa xuân nữa, khi tuyết tan, giao kèo mãn hạn, chú lãnh lương rồi mua vé tàu đi Mỹ, đi China, đi Spain, đi tùm lum thế giới. Và… chú sẽ dẫn Pelle theo.

Erik trạc 30 ngoài, khoẻ mạnh lực lưỡng, chơi accordion rất hay, đại diện cho giai tầng bị áp bức bóc lột, luôn muốn vùng lên đòi hỏi công bằng xã hội. Mà đòi hỏi đồng nghĩa với cứng đầu chống đối, thế nên Erik bị ông cai đì rất bạo, thành đã xảy ra những cọ sát rất thường giữa Erik và hai thày trò cai, đại diện địa chủ Kongstrup.

Nhưng giấc mộng chinh phục thế giới sụp đổ, số phận khắc nghiệt an bài một tai nạn không may:  ông cai bắt Erik phải tiếp tục làm việc trong giờ nghỉ … đừng hỏi láo lếu tại sao, vì tao nói mày làm là mày phải làm, mày hổng làm tao cho ở tù mọt gông…. Erik nổi hung cầm cái bồ cào phát lúa tấn công liền. (trời trời… lãnh cái bồ cào nớ vào đầu bảo đảm hổng lủng sọ cũng tét mặt). Con ngựa kéo xe gần nớ thinh không hí vang rồi nhảy chồm lên làm cái gàu nước đang cột chặt ở thành giếng bị văng ra  Vật đối trọng 50 kí lô ở đầu bên kia lật xuống, quật ngay vào ót sau của Erik.
Chú ngã xấp (bể sàn sọ là cái cẳng), tai mũi họng trào máu. Erik không được đưa đi nhà thương mà khiêng vào ‘cellar’, chết sống hạ hồi phân giải - mạng nhơn công Stone Farm dĩ nhiên phải rẻ hơn trâu bò súc vật trong nông trại - Erik ngáp ngáp rồi sống lại, trở thành hiền lành ngẩn ngơ và sợ ông Cai một phép. Cellar của chú cũng nằm cạnh chuồng bò y chang chuồng của bố con Pelle, nhưng ở đầu bên kia. Ru rú trong cellar không chịu ra ngoài, thỉnh thoảng Erik được cai dẫn ra sân, sai làm những công việc nặng nhọc.

Số phần của Rud thế mà may hơn. Một bữa vị mục sư dzô trường khảo kinh thánh (à.. khúc này vui đáo để, bà con chờ coi trong phim) Dĩ nhiên là Pelle đậu và Rud rớt. Rồi quê quá xá Rud mần màn đi xa bụi đời, Pelle chạy theo níu kéo giữ lợi, tới độ còn rút cả con dao ra dụ, vậy mà hổng xong. (theo tui khúc này dính dáng tới khúc Pelle uýnh Rud 100 roi thì phải, cho ta biết cái tình bạn thắm thiết giữa hai đứa trẻ, Pelle qúi con dao gấp lưỡi canif lắm lận vì đây là quà sanh nhựt bố tặng cho)
Sau Rud thành hề gánh hát dạo như mong ước, rồi theo gánh hát trở về đảo trình diễn trong lễ hội midsummer và mừng tủi gặp lại Pelle. 

*

Riêng giấc mơ bé nhỏ của ông góa Lasse thì ngày một xa vời. Hồi bị Karna từ chối tấm tình chơn (you are too old, not dangerous anymore) Lasse ngậm ngùi than vãn với Pelle ‘bố chỉ hy vọng có người đỡ đần, lo lắng cho bố con mình miếng ăn miếng uống thôi, nhưng con ơi, già và nghèo như vầy thì mong chi được !..’
Cuộc đời Lasse đang xìu rìu bỗng bà Olsen xuất hiện.. ông Olsen chồng bà, nguyên là xếp tàu đánh cá, một năm trước ra khơi rồi không trở về nữa. Bà Olsen sống cô đơn trong căn nhà cũ sát bờ biển (trên đường tới trường của Pelle). Vì không vớt được xác chồng nên bà vợ không được coi là goá phụ… hợp pháp. Pelle quen bà Olsen trước. Pelle tan trường về thì trời trở gió, phải chạy vào đầu hè căn nhà tránh giông, rồi được bà Olsen kêu vô cho ly nước nóng uống ấm bụng.
Nghe Pelle về kể chuyện lại, Lasse mới lục hoa li kiếm chiếc khăn lụa, di vật duy nhứt của người vợ quá cố, sai Pelle mang sang tặng cho bà Olsen đặng cám ơn (dù sao thì mẹ con cũng không còn nữa, chắc cô ấy cũng chẳng buồn bố đâu). Khăn đi trước, người đi sau. Lasse được bà Olsen nồng nhiệt tiếp đón (trong phim, đối thoại khúc này của ‘đôi trẻ’ tếu hết biết).
Sao ái tình của Lasse dịp này bỗng rực sáng... chút đỉnh, nên ngay cô Karna y hình cũng có… ý đồ, cô đeo theo Lasse như sam. Trong ngày lễ hội midsummer, phải vất vả lắm Lasse mới dứt được cô ra để đi kiếm tình nhơn Olsen.

Nhưng rồi số phận hẩm hiu… chồng bà Olsen bỗng lù lù trở dzìa. Giấc mộng bể tan sanh não nề thất vọng, Lasse rượu chè be bét và còn tính treo cổ tự dzận, nhưng Pelle trông thấy kịp, nó ôm tía khóc hu hu 
Khúc này tội nghiệp quá xá... Pelle khóc một hồi thì thiếp đi, chừng nhìn sang bên kia, thấy Erik đang đứng ngó ra ngoài cửa sổ. Pelle mới nói vọng sang với Erik  (nghe nhưng bảo đảm hổng hiểu gì) ‘chú Erik ơi, mùa xuân tới là chú tha hồ tự do để hoàn thành mơ ước, cố lên nha chú '. 
Sầu khổ say sưa một mách thì Lasse dốc lòng thống hối, xin lỗi thằng con 'bố sẽ bỏ rượu nếu con đi học trở lại' (Đan Mạch khi ấy đã có giáo dục cưỡng bách, cu Pelle nghỉ học trước sau chi cảnh sát địa phương cũng tới hỏi thăm)
*
Địa chủ Kongstrup dân chơi thứ thiệt, bỏ bê ruồng rẫy vợ nhà - nay đã thành vợ già – mần màn bướm ong bay lượn - trong phim Bà Kongstrup thấy cũng hổng dữ dằn, trừ cái khoản uống như hũ chìm rồi tối tối râm ran than khóc - Một bữa bà Kongstrup đón cô cháu gái tên Signe từ Copenhague về Stone Fam hủ hỉ bầu bạn.
Miss Signe là kẻ thị thiềng, lẻ loi giữa đám dân quê chơn lấm tay bùn y chang con thiên nga lạc trong bày ngan vịt… và cô được ông dượng lo lắng thương yêu chiều chuộng rất mực y chang con đẻ. Hai ông bà Kongstrup còn dự tính sau này để ruộng vườn gia sản lại hết cho cô.
Trong ngày lễ hội midsummer, dượng Kongstrup cùng cháu gái Signe cũng tham dự. Mỡ mà dâng tới miệng mèo, con mèo ngu chi làm lơ hổng đớp gọn miếng mỡ! Chuyện ăn nhậu của hai dượng cháu xảy ra trong lùm lau sậy cạnh bờ rạch. Xui cái lúc miss Signe mang chiếc váy dính máu - dấu vết ngàn lượng dzàng - xuống nước gột rửa thì bà Pilh trông thấy (bà nội ni ở đâu mà đúng nơi đúng chỗ quá xá dzầy nè trời !).
Rồi cô Signe bất ngờ thu dọn hoa li, buồn bả mần màn giã biệt bà Kongstrup. “cháu không ở nữa vì nhớ nhà nhớ bạn, dượng sẽ đưa cháu đi, vé tàu dượng mua rồi”. Nhưng ngay lúc hai dượng cháu lên đường … teng teng teng tèng,.. bà Pihl xuất hiện la làng, rằng dòng máu địa chủ đang thành hình trong bụng cô Signe y chang bà dạo trước. Ôi trời !
Tối đó, một mình trong dinh thự, bà Kongstrup gào thét như thú vật bị cắt tiết, vậy mà sáng sau đó, người làm công thấy bà tóc tai áo quần tề chỉnh, chắp tay sau đít mần màn thăm dân cho biết sự tình. Ai cũng ngạc nhiên vì sao bà đã "khỏi bịnh" quá nhanh quá lẹ.
Địa chủ Kongstrup tiễn cô cháu vợ trở về, có vợ tươi tỉnh ra tận thêm nhà đón rước.  Khuya đó, từ trong dinh phát ra những tiếng gào thét dữ dội nhiều lần hơn - nhưng lần này hổng phải của bà vợ mà là của ông chồng - đánh thức tất cả kẻ ăn người làm dậy. Chúng túa vào dinh coi sự thể, thấy ông Kongstrup lăn lộn trên vũng máu, miệng la tay... bụm. Té ra ông bị vợ chặt ngọt và chặt đẹp của qúi, mần màn thu dọn dứt điểm chiến trường… 
Mất vũ khí dzồi - cái chết "rưỡi" nói ở trên heng - địa chủ Kongstrup hổng đánh đấm chi đặng nữa đành chịu phép nằm nhà, tối ngày đọc sách và đớp hít. Công ăn việc làm trong nông trại được bà Kongstrup để mắt tới. Stone Farm bình thường trở lợi.
*
Kết :
Pelle được bà Kongsrtup cất nhắc lên làm tà loọt, học nghề quản lý, tương lai hứa hẹn sáng sủa nhiều lần hơn.
Lúc đang đứng cho ông thợ may đo cắt áo quần riêng, Pelle chứng kiến cảnh Erik được trả tự do tréo cẳng ngỗng : Chú trì kéo, nhứt định không rời Stone Farm, nhưng cứ bị khiêng ra xe buộc phải đón nhận tự do. Không rõ trong hoàn cảnh khật khùng như vậy, chú sẽ sống bên ngoài bằng cách nào nữa lận?
Thấy cảnh này rồi, Pelle quyết định phải rời Stone Farm càng sớm càng tốt. Tối đó hai bố con thu xếp hoa li – có cô Karna phụ một tay –  bỗng dưng Lasse đổi ý muốn ở lại… ông xoay lưng về phía thằng con, giọng đứt quãng nghẹn ngào... “Thế mình không ở lại được à.. Con còn tuổi trẻ và sức khoẻ, bố thì chẳng còn gì. Thôi con đi một mình… nhớ cẩn thận… con có hai cái áo, lấy thêm hai cái của bố nữa là bốn… con nhớ siêng thay đồ, đừng lè phè quá mang tai mắc tiếng…
Đưa con ra tới ngoài bờ biển vắng, tuyết nơi đó vẫn chưa kịp tan, trời đất trắng xoá một màu. Lasse bắt tay con như hai người lớn... Thì nó cũng lớn bộn dzồi... Thế giới bao la ngoài kia đang chờ gót chơn nó tới chinh phục…

THE END.


TB :

Chào tái ngộ cả rạp.                                                                                                                                    
Dà... tui đọc hết volume 3 rồi đó nha. Đặc biệt là tui đọc kỹ lại volume 1 Thời thơ ấu, tức phần đầu. Đọc xong 3 quyển sách dày cộm thì tui hoa mắt thành chưa ngó tới quyển 4 tức phần kết thúc.
- Quyển  1 Thời thơ ấu..
- Y hình muốn giàu có thi phải bóc lột, thành ông bà tía má dòng họ cô Koller, trang chủ gia trang Stone Farm làm giàu trên mồ hôi nước mắt các tá điền. Đứa thì lộ liễu, đứa thì tinh vi... đại khái địa chủ hổng thể nào tốt đặng. 
- Truyền nhơn cuối cùng dòng họ Koller đụng ngay tên Kongstrup, một tên playboy có thóc lúa vương vãi tùm lum. Kongstrup trong truyện hơi tốc tốc với kẻ ăn người làm. Miss Sine (hay Signe) là cousin cùng họ Koller với bà chủ Kongstrup (chớ hổng phải cháu như trong phim)
- Erik trong phim là mẫu người anh hùng, trong truyện Erik hoang đàng chi địa, con rơi con rớt tùm lum. Suốt cho hết tome 3, vẫn không thấy Erik tái xuất hiện. 
- Quyển 2 apprentice :  kể chuyện Pelle bỏ làng lên thành phố ở đảo Bornhorlm học nghể đóng giày. Tại đây Pelle quen biết và trở thành thân thiết với Martin, con 1 người thợ đập đá tại đảo. Johanne Pihl bỏ làng mang Rud lên thành phố, làm điếm sinh nhai (không có vụ Rud vào làm hề trong gánh hát rong và gặp lại Pelle trong hội lễ midsummer)
- Quyển 3 "đấu tranh" :  Sau khi Pelle rời đảo Bornhorlm tới Copenhague lập nghiệp. Lasse lấy Karna mua đất làm ăn, nhưng rồi cũng không xong, Karna bị bịnh qua đời, Lasse lên Copenhague thăm  con rồi  ở lại, thuê nhà gần đó. Cuối quyển 3 thì Lasse mất.
- Thôn nữ Anna người yêu của Nils Koller (cũng Koller, nhưng hổng bà con dính líu chi với Koller Kongstrup cả) hoàn toàn mất tăm mất tích 
- Trong quyển 3 còn lòi ra 2 cô Anna khác nữa, một cô là cousin của Pelle, cô kia là bạn bè lối  xóm. (nghe Anna nọ tưởng Anna kia,  điên cả  người. Đại khái Anna là một tên có vẻ thông dụng trong cuối thế kỷ 19 thì phải.) Anna lối xóm con nhà nghèo nhưng rất sang rất đẹp. Pelle và Anna này có thể họp thành 1 cặp xứng hợp... má cô Anna cũng hy vọng vậy. Nhưng... Anna là người sống trên mây, lúc mô cũng mơ màng có chàng hoàng tử đẹp trai tới rước dzìa lâu đài tình ái. Cô thích Pelle nhưng chê Pelle nghèo... Y chang Anna kia, số phần Anna này hổng may, cũng có con vô thừa nhận, rồi chẳng ra làm sao cả.
 *
Trong quyển 3, khuynh hưởng xã hội (và khuynh hướng cộng sản) của tác giả MAN rõ nét dần... Pelle trở nên thành viên của phong trào lao động, gặp lại Martin và cả hai hoạt động tranh đấu, cả linh hồn lẫn trí khôn, nhằm cải tạo mức sống của công nhơn cùng khổ (nên nhớ rằng... Martin là tên của chính tác giả). Pelle lập gia đình với Ellen, con gái của lãnh tụ phong trào nghiệp đoàn, và có hai con, 1 trai 1 gái.
(Trong quyển 3 có đoạn cảm động : lúc Lasse lên Copenhague ở với Pelle, đang đêm ngủ Pelle có cảm giác bị sờ vào mặt, tỉnh giấc thấy Lasse đang rờ trán con, Lasse hỏi Pelle : Con ơi con thấy trong người thế nào, y hình con đang sốt thì phải ? Wow.... !)
Khuynh hướng cải tạo xã hội giải phóng con người của MAN bàng bạc khắp truyện. Nhưng... có lẽ trong tiến trình xã hội chủ nghĩa hóa và xã hội công sản hóa của bánh xe lịch sử loài người - rất tất yếu và rất khoa học - các nước bắc âu chỉ đi nửa đoạn đường rồi ngưng hổng thèm đi tiếp .
Sự việc này hẳn có làm day dứt trăn trở Martin Andersen Naxo không ít. MAN bất mãn, rời Đan Mạch sang sống tại Dresden Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Đông Đức và mất tại đây. Thi thể sau được dời và cải táng tại quê nhà.
Vào thời điểm viết xong tập truyện này, cách mạng tháng 10 tại liên bang Sô Viết đang nở hoa.  Trên toàn thế giới, chánh thể quân chủ vương quyền dần dà lui bước để nhường quyền làm chủ tập thể lại cho quần chúng nhơn dân. Xã hội dần dà đi vào trật tự mới... .
Điều không ai có thể phủ nhận được, rằng tại các nước bắc âu may mắn này, qua các nhà lãnh đạo tài năng, việc cải cách dựa trên nền tảng chủ nghĩa xã hội "vì dân và cho dân", quyền lợi dân chúng đã được đặt lên hàng đầu... Chỉ trong vòng trên dưới 1 thế kỷ, các quốc gia Bắc ău đã tiến những bước rất dài và trở thành vùng đất có đời sống cao và ổn định nhứt thế giới. Nhưng... đó là chuyện nếu muốn sẽ bàn tiếp sau này.
Đọc truyện rồi tui sanh suy nghĩ... An sinh xã hội ở Đ.M (tiền già trợ cấp mỗi tháng là 20 krones) đã có trước khi MAN viết bộ truyện. Khi ấy cách mạng tháng 10 ở Nga (1907) chưa thành hình. Việc này cho thấy mô hình xã hội của các nước Bắc âu đã có từ lâu, từ trước khi đám đỉnh cao vòi vọi nớ bước lên ngai dzàng, cai trị con dân trăm họ.
Vì MAN sang định cư tại Dresden Đông Đức, xứ cộng hoà xã hội nhơn dân này bèn dựng bộ phim PTC cho màn ảnh nhỏ (trình chiếu hàng tuần trên TV - hổng biết hay dở thế nào).
Man mất năm 1954, hổng kịp thấy Hồng quân Nga kéo xe tăng sang nước bạn anh em, mần màn cán xẹp đám cộng hoà xã hội nhơn dân láng giềng Hung gia lợi và Ba Lan (... tiên sư cái đám phản động, nhứt định cản trở bánh xe tiến hóa của "xã hội loài người" !...).
Giả sử ông sống lâu thêm chút nữa để thấy những việc này, rồi ông sống lâu thêm chút nữa để chứng kiến bức tường Bá Linh sụp đổ, kéo theo tất cả sự nghiệp xây dựng của "quần chúng nhơn dân" thế giới, thì hẳn là ông sẽ thất vọng biết bao !
Giả sử thêm cái nữa... là một nhà văn với cảm nhận bất công xã hội rất sâu sắc (term sâu sắc lóng ni nghe miết nhập tâm luôn) biết đâu MAN lại chẳng chấm dứt kiếp lưu vong, rời Dresden về lại Copenhague. Và văn học Đan Mạch dám sẽ có thêm một bộ trường thiên tiểu thuyết khác với đề tựa ... teng teng teng tèng... "Sự dãy chết của. chủ nghĩa cộng sản".
  Xin chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lợi.

TỐ NGHI


Mời các bạn vào xem phim ở đây :




No comments:

Post a Comment