Quyên
Di
Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh
Khoảng
5 giờ chiều thứ Sáu ngày 9 tháng Sáu, 2017, nhà văn Nguyễn Quang gọi điện thoại
cho tôi. Rất vô tình, tôi hỏi: “Anh đi Pháp về rồi hay bây giờ mới sắp sửa đi?”
Chả là cách đây ít lâu, Anh cho tôi hay là có thể trong tháng Năm hay tháng
Sáu, Anh sẽ về thăm thân nhân ở bên Pháp. Anh Nguyễn Quang trả lời tôi: “Nào có
đi đâu đâu.” Rồi giọng Anh chùng xuống: “Minh Đức mất rồi Anh ạ.” Sau câu nói ấy,
cả hai bên đều thinh lặng. Lát sau, tôi nghe tiếng sụt sịt ở đầu dây bên kia.
Trời ạ, người đàn ông to lớn, vững chãi và thanh lịch ấy đang khóc. Anh khóc vì
thương người phụ nữ thân hình bé nhỏ mà trong biết bao nhiêu năm nay đã cùng
Anh đầu gối tay ấp. Tôi vụng về nói lời an ủi: “Thôi Anh ạ, phần số Minh Đức
như thế là đã trọn vẹn. Anh bình tâm để lo hậu sự.” Ở đầu dây bên kia, Anh Nguyễn
Quang cố nén cảm xúc, nói: “Minh Đức mất lúc 2 giờ 19 phút. Anh là người đầu
tiên tôi gọi báo tin, vì với vợ chồng tôi, anh là người thân nhất.”
Chị
Minh Đức Hoài Trinh hơn tôi 17 tuổi, nhưng tôi vẫn quen gọi Chị là “Minh Đức”
mà không có tiếng “Chị” đằng trước. Đó là do “lệnh cấm” của Chị. Chị bắt tôi gọi
Chị trống không là “Minh Đức” thôi. Tôi đành phải vâng lời Chị, gọi Chị trống
không như vậy và tự xưng tên mình khi chuyện trò với Anh Chị.
Người
phụ nữ “chọc trời khuấy nước” ấy càng về già càng yếu đuối và càng “nhõng nhẽo”
ông chồng. Ai chứng kiến cảnh Chị “nhõng nhẽo” chồng cũng thấy vừa vui vừa cảm
động. Khó có người đàn ông nào chiều chuộng được vợ như Anh Nguyễn Quang. Biết
Chị quý tôi nên mỗi lần ép Chị ăn uống không được, Anh Nguyễn Quang doạ: “Không
ăn, anh Quyên Di không đến chơi nữa đâu.” Ai ngờ lời doạ ấy lại có hiệu quả.
Tôi
cho cái yếu đuối và tính “nhõng nhẽo” của Chị Minh Đức rất thuận với lẽ Trời.
Càng về già, người ta càng nhìn rõ thân phận mỏng giòn và hữu hạn của con người
khi đối diện với cái “vô cùng”; vô cùng về không gian cũng như vô cùng về thời
gian; càng “vô cùng” khi nói đến bản chất “vô thuỷ vô chung” của Đấng Sáng Tạo.
Chào
tạm biệt nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, nhà văn, nhà thơ, ký giả, phóng viên chiến
trường, học giả, nhạc sĩ, nhà giáo, chủ tịch tiên khởi Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại…
Tôi “chào tạm biệt” mà không “chào vĩnh biệt,” vì cuối cùng tất cả chúng ta đều
sẽ gặp nhau trong “cõi vô cùng.” Tất cả những người yêu quý Chị đều là “vị vong
nhân”: người chưa mất. Chị đã mất rồi, chúng ta rồi ra cũng sẽ mất đi như Chị,
có điều bây giờ thì chưa mất đấy thôi.
Xin
kính viếng Chị hai câu, tạm gọi là câu đối:
MINH ĐỨC ngàn năm hồn
lộng lẫy;
HOÀI TRINH một thuở ý
tròn đầy.
QUYÊN
DI
(từ Internet)
No comments:
Post a Comment