Hồ
Đình Nghiêm
Tĩnh vật hoa. Đinh Cường
Tôi
gửi tới anh bài thơ, anh không hiển thị. Tôi chuyển cho chị một truyện, chị nói
lu bu công chuyện… không đăng. Tôi chẳng hiểu vì răng, chắc tại mình là thằng
cha căng chú kiết. Nhưng không vì rứa mà tôi bỏ viết. Cứ mải miết gò lưng, riết
cũng nguôi ngoai.
Đọc
báo ngày xưa nhắc tới thành phần “dân anh chị”. Sợ lắm! Xử chuyện gì sai bầy em
út đi dằn mặt, máu me. Đã nhắn nhe sao nói hổng nghe? Đưa đầu trần biết lấy gì
che? Khôn hồn thì liệu sức mà xéo, tay làm dấu chéo lập thệ đường xưa em tránh
đi. May thay giữa đường đời muôn vạn nẻo có lối châm chước du di, tôi gửi bài
vô tựa về một trang mạng vô danh, đọc thấy đôi ba dòng đồng thanh phản hồi. Ôi,
một thanh gươm phải cần tới vỏ bọc, thì tâm sự này phải được sẻ chia. Hậu vận
tôi bỏ anh, xa chị tìm đến với EM, tôi rót cảm động vào lòng rộng, thưa rằng
chính em là người cứu bồ. Tôi cần học về bao điều khó hiểu để thồ chữ nghĩa,
chừng nào em mỏi mệt thì nhớ dong tay giã từ. Vui thôi mà, em nói, thơ văn việc
chi phải gồng mình đong đếm cân đo toan tính thiệt hơn!
Em
mang tôi do dự vào một quán cà phê, dành trả tiền thắp nụ cười lương thiện:
Mừng khi sum họp, xem như em trả nhuận bút những bài thơ. Cà phê làm mất ngủ
nhưng em bắt tôi mơ. Tôi nói hạnh phúc sẽ khiến người ta chết ngộp, nhưng buồn
bã sẽ sanh được ra văn chương. Và đã là văn chương, từ nay tôi cố quên những tị
hiềm anh chị. Hãy để chiếc thảm họ trải chuyên chở những thứ đình đám, lên máy
bay rồi đừng để họ kéo xuống như một kiện hàng. Ai đó nói “viết cần tri âm, yêu
cần tri kỷ” tôi chẳng để tâm dù lời có đảo ngược nói xuôi. Người ta tự làm dáng
bắt hình dong gọi là selfie, vậy thì viết ra chữ có nên kêu bằng tự sướng, dù
hay hoặc dở. Phải đắp chăn mới biết có rệp hay không, chẳng bị cắn thì hoá ra
mình tài hèn sức mọn. Em cầm tấm bảng ghi đủ danh mục thức giải khát hỏi, anh
uống chi? Nào lạ gì miệng lưỡi con người vốn khác biệt, ưa thứ này mà chẳng mặn
thứ kia. Anh hiểu không? Tôi thích truyện anh và tôi vừa gọi cà phê đen giống
anh, đã là sở thích từng cá nhân thì chớ bàn cãi. Có khi người dưng khác họ mà
thấu hiểu nhau hơn kẻ cùng ruột rà máu mủ. Tôi ngó sâu vào mắt em, thấy khuôn
mặt mất hồn mình đọng chiếu: Chỉ một độc giả trung thành, được chừng ấy tôi nào
mong mỏi gì hơn.
Chúng
tôi ngày càng thân nhau. Thân vừa đủ để nói về số tuổi mình mang. Tôi làm tính
trừ, như vậy em thua tôi hơn một con giáp. Và tôi thua em chừng mười năm về
cách ứng xử, sự thông minh lanh lợi. Thua ngoại ngữ, yếu kém việc giao tiếp với
xã hội bên ngoài. Em như lớn lên ở đất này trong khi tôi rụt rè kiểu của đứa
chân ướt chân ráo vừa sang tới. Em không đồng ý lối so sánh đó bởi người trong
nước giờ này khôn vặt vượt quá mức quy định. Càng ở đây lâu con người mình càng
thật thà, càng lương thiện và khúc ruột ngàn dặm không cách gì bì kịp với cuống
rốn quê nhà. So ra mình hơi bị khờ khạo! Nhà văn Mark Twain từng viết: “The
more i learn about people, the more i like my dog”.
Tôi
chẳng có bạn bè, em ngạc nhiên khi nghe tôi trần tình chỉ riêng em là bằng hữu
vỏn vẹn tôi đang cận kề, chẳng ai khác. Em bảo vậy thì hy vọng nó không sớm tổn
thọ. Muốn kéo dài phải tự hiểu lấy những quy ước bất thành văn, như kiểu mình
tôn trọng cái hàng rào của nhà hàng xóm dựng trồng. Muốn làm giặc xâm lược tôi
chỉ có một phương cách, chăm gửi bài cho em xem. Em đăng lên, không bỏ sót. Em
lập một ngăn hộc tủ để chứa nỗi niềm tôi chất đống, ngổn ngang. Tôi vô đạo, chỉ
biết thờ cúng ông bà cha mẹ. Cổ em có sợi dây chuyền, khi sơ hở lòi ra cái
thánh giá nhỏ nhoi. Chủ nhật em đi nhà thờ, có khi kêu tôi vào giáo đường nhưng
tôi ngại những nơi trang nghiêm, tôi mang laptop vô quán cà phê ngồi đợi em
xong lễ. Những lúc tinh thần xuống thấp gần như tuyệt vọng, miệng tôi chưa bao
giờ biết nói Lạy Chúa hoặc Nam mô A di đà Phật. Tôi không tin vào thần linh,
tôi chỉ biết rằng cuộc đời này ma quỷ đi đầy đường và khi bị ma quỷ chận lối
thì e là mọi thứ đã được an bài, đã chậm trễ không còn cách cứu chữa; đành xuôi
tay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ thôi.
Tôi
không cắc cớ hỏi hàng tuần chuyên cần vào nhà thờ em cầu khẩn nguyện thầm về điều
gì? Cũng như tôi chẳng nêu thắc mắc vì sao khi thành hôn một trong lứa đôi phải
cải đạo? Yêu một người để cam tâm từ bỏ thứ tôn giáo mình đang theo. Chúa có
tha lỗi? Phật có từ tâm mỉm cười? Thành phố chúng tôi cư ngụ mùa đông hoặc giá
rét kéo dài gần nửa năm, tôi dốt tính toán nhưng cũng hay biết là tình bạn hai
đứa chừng thọ ngang ngửa với tháng ngày co quắp ấy. Hơn nửa năm thì có đột
biến, ban đầu là cái email chụp lại một tấm thiệp hồng, thứ đến là dòng chữ em
viết: Quân số đàng gái có hơi neo người so với đàng trai, lại nữa đa số đều là
đàn bà con gái, vì vậy chúng em thỉnh cầu sự hiện diện của anh, má em hoan
nghênh ý kiến rằng anh sẽ đóng vai “quyền huynh thế phụ”, nói giúp má đôi lời
hôm “trọng đại” nhằm xuôi chèo mát mái một thông lệ ắt có và đủ. Chúng em xin
thành thật cám ơn sự trợ giúp của anh. Hãy nhớ cho, chúng ta đã hứa là cố giữ
gìn tình bạn dài lâu…
Em
lên xe hoa. Em cùng một nửa của em vào vườn xanh đầy kỳ hoa dị thảo để chụp
hình lưu niệm trước đêm động phòng. Em sẽ bay về vùng nắng ấm hưởng tuần trăng
mật và vì lu bu cuộc đời mới, chắc em sẽ đóng trang báo mạng từng đăng ký môn
bài “chuyên trị thơ văn”. Tôi bỏ ý định viết tiếp cái truyện ngắn dở dang. Chủ
nhật tôi diện bộ đồ ngó tử tế lò dò bước chân mỏi lên 13 bậc cấp của giáo đường
em thường đi xem lễ. Tôi ngó tượng chúa bị đóng đinh lên thập tự giá để chợt
nghe ra lòng mình như có lưỡi kiếm bén vừa rút khỏi lồng ngực. Tôi không chắc
là tôi đã thầm yêu em, chỉ nhận ra sao thấy mình buồn quá đỗi. Một cô gái nhẹ
bước đến gần, gật đầu chào, giọng nhỏ nhẹ: Hôm đám cưới Hằng Nga, bài phát biểu
của anh rất cảm động, ngắn gọn và súc tích. Tôi nói cám ơn, rồi con chiên lạc
loài âm thầm trốn chạy khỏi giáo đường thâm u.
Tôi
bước vào quán cà phê, tìm tới chiếc bàn cũ và ngồi trên chiếc ghế em vẫn ngồi.
Mùa này gió vẫn luông tuồng xô đuổi nhau dọc con đường một chiều giăng đầy bảng
cấm. Chủ nhật nên sinh hoạt bên ngoài chừng uể oải vắng tiếng động. Uống vơi
nửa ly cà phê, tôi bưng thứ dung dịch đắng chát ấy ra hàng hiên thắp thuốc hút.
Tôi nhớ là chưa hề chúc em được hạnh phúc. Tôi không chúc vì thú thật tôi hoàn
toàn chẳng hiểu thế nào là hạnh phúc. Hai chữ đó là một thứ tân hình thức, đóng
khung một bức tranh siêu thực, dã thú và trừu tượng. Chuông giáo đường thong
thả đổ xuống, ngân vang, trôi ràn rụa và buồn không bút mực nào tả xiết.
HỒ
ĐÌNH NGHIÊM
No comments:
Post a Comment