Tố Nghi
Đinh Cường minh họa thơ NXT
Một đứa mù thơ như tui nè nha, nếu nổi hứng tán về thơ
thì chỉ có thể là chuyện thơ... thẩn. Đọc một bài thơ rồi hỏi thích hay không
thì tui trả lời đặng, mà hỏi tại sao thì tui bí lù liền. Kẹt quá xá kẹt ! Thi
nhơn đông đảo xứ Việt, tui có ái mộ mấy vị - nhưng xin phép hổng nêu tên, chỉ
kín đáo âm thầm giữ trong tim. Tình nín
thinh thường là tình... dễ thọ.
Làm thơ khó lắm cà, hổng ngon ơ như viết văn nha. Vì thơ
phải làm nên phải tốn sức lao động, văn chỉ viết thôi, nên (y hình...) dễ hơn
chút nẹo. Dà, cái này suy ra từ một nữ dzăng hào, khi nào gặp tui bà cũng dụ
"viết đi, mạnh bạo viết đi, cứ trải lòng ra trang giấy, viết riết thì sẽ
thành… nhà văn". Kết luận chủ quan của tui : làm văn sĩ có vẻ… dễ.
Hổng như viết văn, mần thơ trần ai khoai củ lắm lận, phải
lao động hộc xì dầu, hết lòng hết sức hết trí khôn. Thơ là một bài văn xuôi với
hình ảnh cô đọng tới nỗi hết còn có thể cô đọng nổi. Thơ lại còn phải có âm điệu
tiết tấu trầm bổng nhịp nhàng, sao cho bài thơ khi đọc lên nghe như một bản
concerto thứ thiệt (ai có so sánh nào vĩ mô hơn, làm ơn gà dùm cái, tui mang
ơn).
Mần thơ cực khổ lắm, bởi vậy vì thế cho nên, (y hình) các
thi sĩ lúc nào cũng đăm chiêu sầu thảm táo bón kinh niên. Các nhà thơ (lớn lẫn
nhỏ) thường cau có quạu cọ, dễ mích lòng, dễ giận dỗi với chúng sanh - ôi, đám chúng
sanh trình độ thẩm thơ thiếu thốn (thì tui chớ ai nữa) -
Dà... bản concerto với phối âm phối khí thứ thiệt ấy đã
làm mê mẩn hồn người. Rồi nó theo ta tùm lum bất kể... đi mần, đi chơi, đi ăn,
đi ngủ... lúc nào cơ thể ta (bao gồm não tim gan phèo phổi thận đồ lòng…) cũng
lùng bùng ý tứ hình ảnh ngôn từ bài thơ. Rồi rất thường khi, trong những lúc
cao trào (dà, cao trào nghĩa là cùng cực hén) ta và bài thơ bỗng thân thiết như
anh em. Trào mà cao hơn cái nữa thì ta hóa thành thơ, rồi ta rỉ rả và rị mọ thổn
thức...
Độc giả của một áng văn có thổn thức vì văn cảm động quá
xá, thì cũng chỉ ngắn hạn, vì độc giả (y hình) hổng thể biến thành văn. Văn chình
ình ra, uýnh gõ rầm rầm, nên độc giả của văn hay tỉnh thức, và tỉnh như sáo sậu.
Trong khi ấy thơ mơ màng ẩn hiện, du dương êm ái nhẹ nhàng (nhứt là thơ tình)
thơ ru người ta vào mộng (tay anh em hãy
tựa đầu... cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…), lắm khi ngủ rất say, người
hóa thân thành thơ trong nỗi ấy (tình
rung chuông thánh thót, tình hát khúc ban đầu, anh và em thề thốt, ta đời đời
bên nhau).
Nhưng... ôi những cái nhưng rối rắm cuộc đời thơ... có hoa nào không tàn, có mùa nào không thay,
có tình nào không phai... Ta thiu thiu ngủ rồi tỉnh dậy vì một bài thơ
khác, rồi ngủ lại với một giấc mộng khác... Trong bất kỳ một cuộc đời cha căng
chú kiết nào đó, hẳn đã phải có biết bao bài thơ dài ngắn đi ngang, tam bợ dừng
bước giang hồ, rồi lại khăn gói ra đi (đi ra và… đi luôn) Lòng nó vì vậy vẫn
thường xuyên trống vắng, mần màn đợi chờ người tri kỷ (... hổng biết bao giờ mới
tới)
*
Tạp chí Phố Văn (PV) ra từ hồi nào thì tui thiệt hổng rõ,
hồi có tên tui thêm dzô danh sách độc giả dài hạn thì PV đã ra (y hình) mấy chục
số rồi lận. Đây là một nguyệt san văn hóa nghệ thuật xuất bản giữa tháng. Bìa
in offset màu sắc trang nhã, nội dung nhẹ nhàng nhưng phong phú, đậm hình ảnh
cuộc sống thường nhựt tĩnh lặng.
Cầm số báo PV trong tay người ta an tâm hổng thắc thỏm lo
âu, rằng sẽ phải đọc loại tin… tức mình - xe cán người cán chó, người hổng sao,
chó chạy mất và xe bị hư - hay các cuộc tranh cãi mổ bò về những vấn đề thời sự
nóng bỏng. Chưa kể là phần quảng cáo của PV, cách nào đó, ngó nhẹ bâng chớ hổng
nặng nề như các tạp chí có cùng khổ giấy khác - tui ngờ rằng, có thể do mực
dùng ở các phần quảng cáo này đã được chọn tông màu lạt cốt để tạo càm giác
"nhẹ và thoáng" chăng ? -
Cách mần ăn của báo rất theo hứng theo thời. Tháng nào
siêng (hay rảnh), báo ra đúng ngày, tháng nào lười (hay bận), báo ngâm lại 1-2
tuần. Chuyện trễ báo, ban biên tập tài tử - thứ thiệt - hổng thèm ưu tư thắc mắc. Độc giải cũng tài tử
- thứ giả - nên cũng chẳng thắc mắc ưu tư luôn. Thì văn hóa nghệ thuật mờ, đâu
có hấp ha hấp hối cho đặng.
Mần ăn kiểu vậy nên báo đóng cửa, hổng chỉ một bận mà y
hình hơn một bận lận. Thinh khổng thinh không báo mất tăm mất tích không có câu
vọng cổ giã từ... Rồi thinh khổng thinh không báo âm thầm tái bản. Tóm lại… một
bữa đẹp trời, ông bưu điện thảy tờ báo dzô thùng thơ nghe cái độp, dở báo ra đọc
lời mở đầu của ngài chủ bút, độc giả mới biết là hổm nay báo... tạm đình bản! Ngộ
quá xá ngộ!
Tạp chí PV có mục ‘viết ở PV’ do Châu Liêm (CL) phụ
trách. CL là ai tui hổng biết, nhưng đọc ông riết tui đâm nghiền. Đây là những
tạp văn ngắn về đủ mọi đề tài. CL cà kê dê ngỗng chuyện dưới đất trên trời,
trong nhà ngoài ngõ, chuyện xưa chuyện nay, người già con trẻ, đờn ông đờn bà, những
chuyện thường nhựt xảy ra hoài mà vì hổng để ý nên ta hổng thấy - Ủa… cái ni nghe
quen lắm mà sao hổng biết dzậy cà – và ông kể chuyện rất có duyên.
Trong các tâm tình của CL với độc giả, thường khi thấp
thoáng những kỷ niệm, kỷ niệm thời mới lớn yêu và mơ, thời sồn sồn viết văn mần
thơ, thời có gia đình vợ con, thời giam cầm tù đầy cộng sản, thời lưu vong HO
trên đất mỹ... Những chuyện chẳng đâu vào đâu ấy được viết với một bút pháp nhẹ
nhàng, hình ảnh âm điệu, đọc lên nghe như thơ, bài thơ đầy ắp tình người và ngập
tràn nỗi hy vọng chờ mong từ cuộc sống chung quanh... và chúng làm độc giả ngẩn
ngơ - tui chớ ai nữa - Nhưng tui thích nhứt là quảng đời thơ ấu, hồi ông còn là
cậu bé tên Cu.
Cu lúc đó mấy tuổi hổng rõ, ở vương phủ với tiá má trong
thành nội (đất Huế tui mù tịt thành hổng tưởng tượng ra được vương phủ nó ra
sao nữa lận). Cu biểu Cu nhà nghèo, mỗi bữa chơn trần cuốc bộ đi học và phải đi
xa lắm lận - ở vương phủ nhưng nhà nghèo, kỳ cục hết biết, rồi thiếu dép vậy
thì hổng rõ lơ đãng làm mất hay là... nghèo thiệt - tui tò mò quá xá. Mà tò mò
dzậy thì theo sâu theo sát chớ chi. Dà, theo Cu hoài rồi tình cờ lượm ra được
cái tên Thân Trọng, chiếu liền kiếng lúp ngõ kỹ... tui đoán Cu dòng dõi đức
Thành Thái, vậy có lẽ hổng Bảo Này thì cũng Vĩnh Nọ, bằng không cũng Tôn thất
Tôn gia, nghĩa là hoàng phái thứ thiệt...
Đại khái... tui chăm chỉ đọc bác CL, báo dzìa cái mở Viết
ở PV ra đọc liền, đọc tới đọc lui cho thấm kỹ vào máu, cho tới khi ông bưu điện
thảy dzô thùng thư số báo kế tiếp. Một lần số tháng 5 vào dịp lễ từ mẫu, CL nhớ
mẹ nay hổng còn – bác chỉ biết mẹ mất khi ra khỏi tù - rồi bác trích mấy câu thơ về mẹ, viết hồi nào
hổng rõ...
… mai mốt mẹ qua vùng
thảo nguyên
lặng soi bên mặt nước
hồ gương
đi lang thang qua hàng
bia mộ
khi cúi nhìn một cụm
hoa lan
thương ôi. mắt nhung
xưa còn mở….
Dùi đục chấm xì dầu như tui, khi nhớ về mẹ, cùng lắm cũng
chỉ có thể đọc liền hai câu ca dao lõm bõm...
miếng ngon dành để phần chồng, miếng xương mẹ gặm, miếng lòng con nhai… Mẹ
đẹp xấu sang hèn tui thiệt sự hổng biết. Thì dòm mẹ mỗi bữa, dòm miết nên hổng
để ý mẹ ra sao nữa lận, nhưng trong lòng tui hình ảnh mẹ cao trọng lắm cà. Mà hổng
dám nhắc tới mẹ mình thì tui hay cảm động vẩn vơ mỗi khi nghe người khác nhắc tới
mẹ họ, tới những hy sinh mẫu tử phụ tử - thiêng liêng hơn tất cả mọi thứ tình
khác, vì nước mắt đã chỉ chảy xuôi - Sáu
câu thơ mang hình ảnh diễm lệ, ngôn từ cổ kính, ý tứ mới lạ, nhạc điệu du
dương... chúng tuồn tuột chạy thẳng vào hồn, hổng thèm chớp đèn nhấp thắng....
Chờ thêm một hồi nữa thì tui vỡ lẽ CL chỉ là bút hiệu nhỏ
của một nhà thơ lớn (dà, nhà thơ lớn), thi sĩ N.X.T chủ bút báo PV. Việc ông hổng
Bảo Này Vĩnh Nọ, hổng Tôn Thất Tôn gia, được giải thích rõ ràng chắc ăn như bắp,
rằng máu hoàng phái nớ phát xuất từ mẹ, một cô tiểu thơ lá ngọc cành vàng Công
Tằng Công Tôn chi đó - phải rất thật gần hoàng gia để còn được ở trong vương phủ
- Tui tưởng tượng bà đẹp như ánh trăng vàng, mặc áo dài gấm, cổ đeo kiềng trạm,
tóc bới lơi sau gáy, vai choàng khăn san. Mắt bà to và sâu (mắt nhung mờ), vành
môi đỏ (đỏ tự nhiên ha, trời ạ tui sẽ thất vọng biết bao nếu môi bà đỏ vì trầu
- hay hổng đỏ vì... thuốc lá cẩm lệ, huhu…) Rồi cái ánh trăng vàng đó đi thơ thẩn,
lặng lẽ ngó xuống hồ sen (nghe nói Huế có nhiều hồ sen lắm lận) cúi mặt vào
khóm lan - lan đất hở, vì chỉ lan đất mới mọc thành khóm thành cụm - wow...wow… nghe mê mẩn hông trời !
*
Mày mò miết rồi tui cũng có bài thơ về... "mẹ".
Thì cứ yên trí đây là thơ viết riêng cho mẹ, nào có ngờ...
Thì cứ yên trí đây là thơ viết riêng cho mẹ, nào có ngờ...
Dà, bài
thơ lớn quá xá lớn, cả về phẩm lẫn lượng... lớn tới nỗi trái tim chật hẹp của
tui hổng thể nào chứa nổi. Trăm lần thì đã đủ trăm, ngàn lần rồi sẽ đủ ngàn, hễ
cứ đọc bài thơ là y phép tim tui lơ tơ mơ hết thấy đường... Rồi sao ha ? Thì
ngó lơ và mang thơ cất hộc tủ chớ chi nữa... Thơ ngủ trong hộc tủ, còn người lại
ngủ với thơ... Kỳ trước đang huyên thuyên tán phim Pelle The Conqueror thì bài thơ
bất chợt trào ra…
Thảo nguyên
mùa hạ. ta qua vùng
thảo nguyên
gió thổi. chiều xanh
trôi với nắng
khoảnh khắc. vầng
trăng bạc nhú lên
cánh chim theo trăng
vào trời rộng
nhà ai. đèn lồng soi
trước hiên
nhủ thầm. nhà ta sau
hàng phượng
ta đi năm năm qua thảo
nguyên
cảm ơn phút giây đời
giao hưởng
. . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . .
em gom về trao lại
cho con
mai sau sông nối xa đời
suối
chuyện của người là
chuyện dòng sông
bình minh đến mở tung
cửa biển
ta đi năm năm qua thảo
nguyên
Nguyễn Xuân Thiệp
Nghệ Tĩnh, 1980
*
Thưởng thức thơ là chuyện cảm tánh, mà hiểu thơ lại là
cái duyên giữa nhà thơ và độc giả. Bài thơ tui hiểu ron rót, hiểu từng chữ từng
câu - hay tưởng là hiểu (theo ý mình), và... dám hiểu sai hổng chừng. Nhưng có
hề chi, hiểu nên thích hay thích nên tưởng là hiểu, thì cũng vậy thôi hổng khác
- Thi sĩ Cu hổng có duyên với tui thây kệ ổng, còn tui, tui cứ nhứt định có
duyên với thi sĩ, ông hổng ưng cứ việc đi cớ bót. Rồi tui đường hoàng cho mình
tỉnh bơ ngắn gọn một câu : Hiểu bài thơ Thảo Nguyên tới nơi tới chốn là TN (tui
heng) và Ph.Vy, thích bài thơ tới chốn
tới nơi cũng là TN và Ph.Vy luôn. Xin đừng ai nhảy dzô lấn đất dành sân mất
công... máu nhuộm bãi Thượng Hải !
Rồi Ph.Vy là ai hở ? Thưa Ph.Vy là một bạn gái quen trong
nét chớ chưa gập ngoài đời bao giờ. Cô nghe những câu thơ trích dẫn trong bài
điểm phim thì... sốt ruột quá, xin liền bài thơ đọc cho rốt ráo. Qua bài thơ,
hai đứa tui thành tri âm kiểu Bá Nha Tử Kỳ rồi dần dà thành luôn tri kỷ. Ph.Vy làm công chức giữ kho bạc chánh phủ
liên bang. Tui ăn nói vòng vo thiếu cơ sở bao nhiêu thì cô ngắn gọn chánh xác bấy
nhiêu (tiền bạc mờ, đâu có mà vòng vo cho đặng) Lời của Ph.Vy là lời nặng ký về
phẩm vì xúc tích, nhưng nhẹ nhõm về lượng nên dễ cất giữ mà không sợ bất tử rớt
rơi. Đọc ý kiến của Ph.Vy xong, người ta
(là tui heng) bỗng thơ thới hân hoan rồi yên tâm trùm mền đi ngủ với đầy mộng đẹp.
Tri kỷ tri âm là vậy chớ bộ !
Cảm ơn TN cho nghe
khúc vĩ cầm. Thảo nguyên quả là bài
thơ hay nhất mà Ph.Vy đã từng đọc. PV thích những dấu chấm của Nguyễn Xuân Thiệp,
cả những chỗ bỏ lửng không cần dấu chấm. Bài thơ không có một dấu phẩy nào
Hôm trước, khi TN đem
từng đoạn vào đệm cho câu chuyện của Pelle, PV đã thấy xao xuyến. Hôm nay được
đọc trọn bài thơ, mới thấy trời rộng bỗng rộng hơn, sao cao bỗng cao hơn, trên
cõi đời này sao lại có một con người an nhiên và giàu có của kho là vô tận như
vậy. Rồi đọc trộm được bài bình thơ của Đặng Tiến sáng sớm hôm nay, hiểu thêm
Thảo Nguyên là bài thơ của một người làm ở trong tù, PV phục hết đường
nói.
Đọc lại biết bao lần,
người giàu có này thông minh, khôn ngoan, hồn nhiên, hạnh phúc, thần thánh, thần
thoại, tha thiết yêu cuộc đời, còn chữ nào nữa không, cho mượn chút. Người đã
thu hết thiên nhiên về biến cỏ gai thành một vùng thảo nguyên, đi hết từ nghìn
xưa mà vẫn còn dư gia tài để lại đến ngàn sau.
Bài thơ có nước mắt nhưng không ủ dột, có mất mát nhưng không đòi đoạn,
có bia mộ nhưng không thấy tang thương, có xót xa nhưng không tuyệt vọng. Bài thơ có buồn buồn nhưng không làm hồn trĩu
nặng, lại phơi phới bay bay như cánh diều giật gió. Bài thơ với những âm trắc
mà nghe rất ngọt, rất bằng.
Bài thơ đẹp quá, đọc
đến câu cuối thấy còn tiếc, nhưng đọc lại thấy thơ vẫn mới tinh nguyên. Không
biết nên cảm ơn ai. Cảm ơn bà mẹ năm năm
trước khi con đi xa, mắt vẫn còn nhung, hay cảm ơn người cha đã trao cho ta chiếc
gậy tìm đường, hay cảm ơn cậu bé áo vắt vai, đi qua rừng sim, hay cảm ơn người
chị cùng sen với nhãn, hay cảm ơn em vào ngàn thăm hỏi lão tiều phu, hay cảm ơn
đời phút giao hưởng…
Mỗi khi muốn lòng nhẹ
nhàng và thanh tịnh, PV mở bài thơ ra đọc, chỉ cần đọc lại thêm một lần nữa…
TN
No comments:
Post a Comment