Monday, May 8, 2017

ĐƯỜNG PHỐ MANG TÊN THƠ VĂN


Hồ Đình Nghiêm

Hình bìa một số tạp chí Phố Văn

Mình gõ cửa căn nhà số 15 Phố Văn có hơi muộn, tháng 1 năm 2002. Lúc đó mình đã có được ba tập truyện ngắn nằm vùi lấp với bụi bặm trên ngăn kệ các hiệu sách chuẩn bị đóng cửa, nghỉ chơi. Thua thiệt và ế ẩm. Họ sống cầm chừng, lây lất nhờ vào việc bán ra những băng nhạc cassette, đôi ba tập phim bộ của đài truyền hình Hong Kong. Chẳng lạ gì, một tấm thực đơn trong nhà hàng vẫn có đôi ba món quanh năm chả ai gọi ăn thử. Đắt như tôm tươi là thứ đẳng cấp muôn đời thơ văn không tài nào tơ tưởng tới.

Có lẽ các bạn đang trách mình nói về những điều “trần tục”. Mình nhận lỗi và hình như mình đang lạc đề. Dạo ấy Phố Văn là tờ nguyệt san trình bày rất mỹ thuật, khổ báo khá lớn so với Văn Học, Văn hoặc tạp chí Hợp Lưu (là nơi mình góp mặt ngay từ số 1 và bị một số thân hữu trách móc nặng nhẹ, chưa tìm ra cớ để minh oan). Lại hiện ra một tấm “thực đơn” khác: Món hồn nhiên khác với món chọn lấy lối đoạn trường mà đi! Đường nào cũng nhiều nắng mưa và mình vô tình đã đội lấy lắm thứ mũ do người dưng chụp vào. Người Tây Ban Nha có câu ngạn ngữ: “Cho dẫu trong túi anh không có lấy một đồng, cái mũ trên đầu anh phải đội cho ngay ngắn”. Cất bước xuống đường, mình cố gắng không “đội mũ lệch” kể cả khi trong túi leng keng có lắm tơ hào xu đen. 99 xu có khác 1 đô không? Cái đó hạ hồi phân giải bởi tiền bạc là thứ chúa rắc rối, thậm nguy nan! Mình mãi có cảm tình với một ông homeless ngồi làm thơ trong công viên chim đậu trên đầu hơn vạn lần một tay nhà giàu ăn nói bổ bã. May phước, số mình cứ phải làm bạn với những người thường chẳng mấy khá giả. Lại đơm đặt một ý nghĩ quàng xiên: Mấy tay nhà giàu có ai làm thơ viết văn không nhỉ? “Ấy ai ơi, của nặng hơn người!” Tiền nhân đã than van.

Như đã thưa, mình chậm trễ khi đến làm quen với Phố Văn. Bấy giờ mình chưa hay biết tên tuổi người chủ biên: Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, dù rằng danh xưng ấy nghe quen, nhiều người nhắc nhở mà tại mày vô tâm. Có thể nguỵ biện không? Rằng đời sống này đã ít nhiều bị máy móc gây nhiễu loạn? Như các tạp chí in giấy khác, Phố Văn rồi cũng chịu đi theo một định luật khắc nghiệt của thời đại mới: Thông tin điện toán internet computer kỹ thuật số nhậm lẹ thông minh… Mình nhớ, biết bao người “kỹ sư tâm hồn” đã lao đao, đã ngồi yên định thần, thở dốc bởi dị ứng trước con sóng hung hãn kia. Thôi viết, viết thưa đi, hoặc góp mặt với lòng đầy hối tiếc về “con đường xưa em đi”. Họ có lý do của họ và xem chừng rất chính đáng: Cầm một tập thơ trên tay sướng hơn vạn lần chong mắt vào màn hình trân tráo. Trong vài trường hợp, sự lạc hậu vẫn còn đó thứ đáng yêu. Họ thích và quý những con tem đã chết, bị đóng mộc. Mang tới cả triệu con tem đang sống, đang có giá trị lưu hành của bưu cục hòng đánh đổi lấy không chắc được họ thuận lòng.
Cầm trong tay một tờ giấy bạc in hình Lê Văn Duyệt của ngân hàng Việt Nam Cộng Hoà, trời ơi, nó mang lại cho bạn biết bao những hồi tưởng thuộc loại vàng ròng. Đó là cái vé đem bạn về lại những “ngày xưa thân ái”. Nói hồ đồ, nó giữ riêng cho nó một thứ mãi lực thầm kín.

Ngày xưa ở Huế mình học tiểu học Trần Quốc Toản, lên trung học thì thi đậu vào trường Hàm Nghi. Sinh sau đẻ muộn nên chẳng được học với cô Tuý Hồng, nhà văn nổi tiếng. Hai ngôi trường nằm gần nhau sát cửa Thượng Tứ. Chị mình thì học ở Đồng Khánh, bên kia sông Hương có láng giềng là trường Quốc Học nơi mấy ông anh mình “dùi mài kinh sử”. Người anh lớn là bạn học với anh Nguyễn Xuân Thiệp, mới đây nhắc cho mình hay: Ui chà, dạo nớ mới lớp đệ Tam thôi nhưng Nguyễn Xuân Thiệp đã nổi tiếng là văn hay chữ tốt! Mi gửi bài cho anh ấy, không chừng mà ảnh nhận ra mi thuở bé bỏng ngày xưa, anh chị em nhà mình đâu xa lạ gì với anh ấy.

Hơi tò mò, hỏi người anh khác, nghe anh kể những kỷ niệm hao hụt thời gặp gỡ một thi nhân ở trên Đà Lạt khói sương. Mình vào google, có không dưới mười người mang trùng tên Nguyễn Xuân Thiệp, nhưng một và chỉ một mà thôi “Tôi Cùng Gió Mùa”. Đơn thân một cõi dựng ra bảng hiệu Phố Văn. Và ngay cả người anh rể mình, hoạ sĩ Đinh Cường cũng có thời giao tình gắn bó với một cựu học sinh trường Quốc Học nổi tiếng lên làm việc ở cao nguyên. Nói theo cách của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn: Huế, ở một nơi ai cũng quen nhau. Nhưng đến thế hệ mình, bị bứt rời đành đoạn khỏi Huế, muốn quen nhau phải nương nhờ vô chuyện đi lạc vào các con đường dựng tên Thơ. Mình lưu lạc, chính thức gặp anh Nguyễn Xuân Thiệp ở Phố Văn năm 2002. Bồi hồi đọc lấy những lời tình tự đằm thắm, nhẹ nhàng, thơ mộng của một “Nguyễn tôi”. Khác với Nguyễn Tuân, cách biệt với triệu Nguyễn khác (người Việt mang họ Nguyễn nhiều nhất?) bao giờ chữ của anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng dìu dặt chút thơ dẫn lối, dắt qua bao sầu khổ dịu dàng để về tới đích cuối chạm mặt với nụ cười an nhiên. Những dặm trường qua, mình nhìn ra khí hậu của Huế lẫn khuất, khuấy động chút Xuân Hương của Đà Lạt dù anh đang ngồi trên bàn viết lữ thứ (chữ của nhà văn Mai Thảo), dù địa hình kia là Dallas là Houston là San Jose là Virginia dặm ngãi mịt mù.

Mình có chủ quan không, khi bảo là đi qua những avenue, những highway, những street, những boulevard mang tên Thơ Văn ắt hẳn bạn sẽ nhìn ra nỗi thong dong khi song hành với cảnh sắc có trong mộng tưởng. Mình cám ơn những trang mạng mang tên Phạm Cao Hoàng, cám ơn Trần Thị Nguyệt Mai và dĩ nhiên, “người tình cũ” Phố Văn. Tựu trung, tất cả biến thành những quán nước bên đường, ngang qua cuộc lữ mình ghé vào nghỉ chân, uống giải hạn những gì các anh chị xa gần giải bày bằng chữ viết. Này buồn này vui này đông sang xuân lại. Này nọ này kia chằng chéo những buộc ràng và mình tự nguyện được trói vào đó. Hãy đọc của nhau để “của tin còn lại chút này mãi ghi”. Năm canh có dài không khi chúng ta quá lãi với một vài trống canh?

Viết ngang đây, người anh mình từ Florida gửi điện thư sang nhắc nhở: Mi có liên lạc với Nguyễn Xuân Thiệp nhớ cho tao gửi lời thăm sức khoẻ người bạn học cũ từ thế kỷ trước. Một thế kỷ, chao ôi là dài! Qua cả thế kỷ, lẽ nào người ta vẫn còn nhớ tới nhau, nhớ cả những bài tập làm văn thuở nọ đầy vụng dại. Một cánh hoa phượng ép tàn úa trong cuốn lưu bút vẫn giữ chặt sự cảm động cho dù ai kia bảo rằng sến. Cuộc đời không sến thì còn chi là cõi người ta!

Mình viết tạp văn “sến” này để xin thay mặt anh chị mình, gửi tới nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp lời thăm hỏi. Họ nhắc lại những ngày qua và mình cố lòng gìn giữ, để thấy ra, chỉ có thơ văn mới giúp chúng ta ngồi kề bên nhau bất biết một biên cương, một địa lý, một đoạn trường mãi xé rời chúng ta, cách chia. Phố Văn đang nhuộm nắng vàng, xuân bao giờ cũng chứa ở đó, hằng cửu một màu xanh. Chúc anh Nguyễn Xuân Thiệp và các anh chị cộng tác mãi tâm biếc ngọc và đi kèm bốn chữ dở nhất thiên hạ “chân cứng đá mềm”.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
8 tháng 5, 2017

No comments:

Post a Comment