Thu
Thuyền
Phạm Chi Lan
Thu Thuyền
Có
lần nói chuyện với chú Đào Vũ Anh Hùng, em văn nghệ của bố. Chú bảo, Cháu nên
tìm đọc truyện của Phạm Chi Lan. Muốn tiến thì học lối viết của tác giả này.
Tôi làm một chuyến võng du trên trời. Kiếm ra "Tâm Hồn Hải Đảo" của
Phạm Chi Lan. Truyện Chi Lan đọc xong lần thứ nhất: Ngẩn ngơ. Đọc lại lần thứ
hai: Thấm buồn. Có cái gì u ám, dằn vặt cứ gặm nhấm lòng mình mãi...
Lời
khuyên của chú Đào Vũ Anh Hùng tiếp tục sôi âm ỉ cho tới lúc tôi cầm lòng không
được, phải kiếm cách gặp Chi Lan. Làm quen thì dễ mà làm quen thế nào cho tự
nhiên mới đáng phục! Tôi suy nghĩ mất mấy ngày mới ra được kế hoạch gồm ba bước.
Nhân lúc báo Việt Nam Weekly News tổ chức thi truyện ngắn, có Chi Lan trong ban
giám khảo, tôi gửi truyện "Chặng Đường Chông Gai Cuối Cùng", viết về
mẹ tôi và chuyến di tản từ Đà lạt về Sàigòn vào tháng Tư 1975. Truyện này, đám
bạn học cũ của tôi (cũng là học trò của mẹ) đọc xong, cho điểm A. Tôi ngờ là
chúng nó thiên vị?!? Cuối cùng bùi tai với những lời xúi dục, tôi gửi truyện
đi. Kết quả: Tôi trúng giải an ủi. Có thư mời đi nhận giải thưởng đàng hoàng.
Bước hai của kế hoạch làm quen bắt đầu!
Hôm
tổ chức phát thưởng, tôi loanh quanh kiếm Chi Lan, thấy cô đang hàn huyên với
nhà báo Trần Lộc (VietNam Weekly News), nhà văn Thu Nga, nhà thơ Nguyễn Xuân
Thiệp của Dallas... Tôi ngắm Chi Lan của Tâm Hồn Hải Đảo: Cô có đôi mắt to
sáng. Tiếng cười nghe như gió thoảng. Giọng nói khoan thai, ấm áp. Cô không nói
nhiều nhưng khi nói, mọi người im lặng lắng nghe. Chi Lan và tôi đúng là hai
thái cực! Sau buổi phát thưởng tôi ra làm quen Chi Lan. Cô nhắc tôi gửi bài viết
cho Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng và đưa tôi vào nhập bầy Ô Thước...
Trong
một buổi họp mặt Ô Thước ở căn nhà nơi Hốc Rừng (Forest Cove), có rất nhiều
"quạ" đến tham dự. Nhớ mài mại có Nguyên Nhi, Dũng, Việt, Đinh Yên Thảo,
Đôn, Phương, Thận Nhiên, Ian, Trăng Bắc Phương, Chinh, Nguyên, vợ chồng Bình, Dạ
Thảo, Diễm Tú... Tôi yên lặng quan sát từng khuôn mặt, thưởng thức từng giọng
hát. Qua ánh nến nhảy múa, khuôn mặt Chi Lan thật đằm thắm, bao dung nhưng
không hiểu sao tôi vẫn thích ngắm cô từ xa hơn là đến gần thủ thỉ tâm tình. Cái
u ám cô đơn trong truyện Chi Lan vẫn tiếp tục ngăn tôi. Tôi biết mình không bao
giờ hiểu được Chi Lan, suốt đời sẽ chỉ là một người đứng ngoài nhìn Chi Lan
quay quắt với cuộc sống.
Sau
lần họp mặt Ô Thước, tôi toàn liên lạc với Chi Lan qua điện thư dù hai nhà cách
nhau 15 phút! Cho đến ngày Chi Lan cùng anh Nguyên Nhi sánh vai trước bàn thờ
Thiên Chúa, tôi mới gặp lại cô. Đây là lần đầu tiên tôi thấy được nét hạnh phúc
ngời trên khuôn mặt Chi Lan. Tôi mừng Chi Lan tìm được tri kỷ và mong đôi uyên
ương Nguyên Nhi-Chi Lan suốt đời có nhau!
Năm
2008, có một đêm tôi chiêm bao thấy Chi Lan. Bạn bảo tôi, Lan đau quá! Tôi nhói
tim, quýnh quáng bóp vai bạn. Đôi mắt Lan đỏ lên vì đau. Lần đầu tiên tôi thấy
mình bước vào vòng trong của cuộc đời Lan. Dù chỉ trong giấc mơ, Lan tìm đến
tôi để chia sẻ cơn đau. Tôi nín thở, xoa bóp vai bạn mãi, hy vọng bàn tay truyền
được sức khoẻ cho bạn! Lan ơi, đau thế này từ bao lâu? Sao không kêu thật to
cho bạn bè được cơ hội đến cùng Lan? Sao cứ muốn làm anh hùng, chịu đựng những
cơn đau một mình?
Sáng
ra, tôi nhắn anh Nguyên Nhi sẽ đến nhà thăm Lan. Tôi bảo, Lan không đồng ý,
cũng kệ! Đến căn nhà nơi Hốc Rừng, tôi đặt chậu Phong Lan trắng nơi vệ cửa. Ngần
ngừ rồi chuẩn bị tháo lui. Tôi mới đến trước nhà đã đánh mất lòng dũng cảm.
Nhưng nhìn nhánh lan trắng, mong manh đong đưa trong gió, tôi không nỡ. Đành gõ
cửa nhè nhẹ. Định bụng, không ai ra thì mình rút lui cũng chả muộn...
Cửa
bật mở. Anh Nguyên Nhi đưa tôi vào phòng khách, có chiếc giường nhỏ kê trong
góc. Thấy Lan gượng ngồi dậy, tôi hoảng hốt cản, Nằm nghỉ cho khỏe Lan ơi! Rồi
tôi xà đến bên Lan, liến láu kể cho Lan nghe giấc mơ đêm trước. Nụ cười của Lan
thoáng trên môi. Khuôn mặt trắng xanh và mái tóc ngắn dưới vành khăn của Chi
Lan cho biết những ca trị liệu đã hành hạ Lan không ít. Tôi kể Lan nghe dăm tin
tức nóng sốt, vài chuyện vui xong, nắm tay Lan từ giã.
Lần
gặp mặt cuối cùng là ngày ra mắt chuyện phiếm "Trèo Lên Cây Bưởi" của
Tầm Xuân do báo Trẻ tổ chức. Tôi nhân tiện, từ giã Lan đi Phi Luật Tân, hẹn một
năm sau trở lại sẽ may cho Lan một chiếc sơ mi.
Ở
Phi Luật Tân, tôi lo hội nhập mãi mới có dịp ghi danh học may tại Jocson
College, Angeles City. Cô giáo hay tới lớp trễ, bữa nào buồn thì nghỉ. Thứ Sáu
có phiên chợ hoa, cô giáo đem theo lũ khũ những chậu lan rừng. Học trò xúm lại
lựa mua. Nhìn hoa nhớ bạn hiền. Chi Lan ở bên này, chắc khuân cả chợ lan về
nhà. Đủ màu, đủ mùi. Vừa đẹp, vừa rẻ!
Đồng
khóa may, có cô bạn Mỹ gốc Lào. Hai đứa thuê một chiếc trike ba bánh, đưa đón
đi học cho giống học sinh địa phương!. Ngoài ra, lớp có "tita" April
cao lớn vạm vỡ, may cắt rất nhuyễn (chị April có tên đàn ông là Abraham, làm
nghề hoá trang kiêm thợ may trong vũ trường Dunk Shot.) Lớp học chúng tôi hướng
ra mặt đường. Nóng và bụi . Mỗi khi vào lớp sớm, tôi rủ cô bạn Lào lấy giẻ lau
bụi bàn ghế, sau đó kiếm chổi lá quét sạch chung quanh rồi mới cắm điện, xỏ
kim, đạp máy .
Trước
tiên, tôi học may đường thẳng trên giấy, tiếp đến đường cong. Ai cũng may nhoày
nhoạy, chỉ có tôi phải thực tập trên giấy mãi mới được nâng cấp lên vải thô. Chậm
phát sốt cả ruột! Cuối cùng được cô giáo cho may váy. Tôi loay hoay với phẹc mơ
tuya. Tháo ra, may vào, đổ mồ hôi ướt lưng mới tạm hài lòng. Lúc chuẩn bị cắt
áo, tôi viết điện thư nhắc Chi Lan tin tưởng vào tài khéo tay, hay làm của tôi.
Nhưng áo chưa may xong thì được tin Lan về với Chúa. Tôi hụt hẫng. Nước mắt khô
nhỏ giọt trong tim. Chi Lan còn quá trẻ. Sao nỡ bỏ bạn bè, người thân sớm thế?
Tôi
cố may cho xong chiếc áo. Chẳng còn hứng thú gì để học tiếp nên tôi trả lại đồng
phục cho trường và xin nghỉ học.
Bây
giờ, mỗi lần mở tủ nhìn thấy áo, sao nhớ bạn chi lạ!
Chi
Lan ơi....
THU
THUYỀN
8/2012
Từ trái: NXT, Đinh Yên Thảo. Ian Bùi, Nguyên Nhi,
Bảo, Phan, Nhật Hoàng, Phan Xuân Sinh, Bảo Huân
Từ trái: Thu, Giang, Thiên Nga, Diễm Tú,
PChi Lan, Nguyên Nhi, Thu Thuyền, Kiêm Anh, Ánh Nguyệt
No comments:
Post a Comment