Monday, May 8, 2017

DẠY CON TIẾNG VIỆT


Tố Nghi


Lúc thím Râu nói với chồng rằng thím sẽ đi hỏi thăm xin ý kiến về việc nuôi con nên người thì chú Râu chẳng hiểu thím muốn nói chuyện chi - chú vẫn xưa rày được tiếng là dùi đục chấm nước mắm - con mình chẳng lẽ lúc sinh ra hổng phải là người hay sao, còn bằng như người viết hoa theo cái điệu " ... Người tà tà ra bến cảng đặng xuống tàu đi Tây tìm đường cứu nước ..." thì thiệt tình chú hãi quá, hổng ham chút nào ! Vợ chồng chú Râu thường hay có màn đối thoại ấm ớ với nhau như vậy.

Sang đất tạm dung, lập gia đình học hành thi cử an cư lạc nghiệp xong xuôi, thong thả nhìn lại mình thím Râu giật thót, điệu này dám ... lỡ chuyến đò. Chẳng là chú thím tính toán kế hoạch có 10 đứa con, chú Râu muốn thành lập tới hai đội curling lận. Thế là thím Râu gia tăng sản xuất, đạt chỉ tiêu trong thời gian ngắn hạn. Gặp thím lúc nào cũng thấy hoặc sẽ đập bầu, hoặc sắp đập bầu, hoặc vừa đập xong và đang trên đà đập tiếp. Thím là công chức chánh phủ nên cứ ăn cứ ngủ và cứ nghỉ hộ sản dài dài.

Thím làm một hơi năm mùa đông ra sáu đấng nhi đồng thì chú Râu thấm mệt. Chú xin phép vợ nghỉ "giải lao". Tưởng tượng mà coi, chú thím ở một làng quê hẻo lánh xa lơ xa lắc, ánh sáng văn minh chỉ thấy trên ... truyền hình. Mỗi lần ở cữ, để cho ăn chắc, chú Râu gửi vợ về nằm bệnh viện tỉnh. Thím Râu căn me, cứ đúng mùa đông tuyết lạnh lùng là khăn gói "về thành" (phố). Chú Râu ở lại thu xếp công việc làm ăn đặng mỗi 2 tuần đi thăm thím một lần. Cuộc đời chú giai đoạn này quả là hơi ... lao đao. Thế nên nếu chú xin nghỉ xả hơi cũng là có lý do chánh đáng, thím Râu vì thế rất thông cảm.

Đẻ xong thì phải nuôi. "Khâu" nuôi cũng mệt như "khâu" đẻ, có khi còn mệt hơn là khác. Vì đẻ thì ngắn hạn và có kết quả liền tù tì, còn nuôi thì dài hạn và kết quả có khi chỉ là ... ảo mộng. Nuôi đã khó mà nuôi cho nên người thì chắc chắn phải khó nhiều lần hơn, thím Râu nghĩ thế nên rất ưu tư khắc khoải. Chồng thím lại thuộc thành phần " tới đâu hay tới đó " nên mỗi lần được thím vấn ý thì chú Râu cứ y chang tái bản một bài " lo xa làm chi cho hao mòn sức khỏe". Chú ca tới ca lui, ca riết rồi nghe hoài thím cũng đâm chán!

Dù ở nơi khỉ ho cò gáy vắng đồng hương lui tới, được cái chú thím siêng năng, không dám sao lãng nói tiếng việt - và chỉ tiếng việt - với con, nên bọn nhỏ nói cũng khá sõi. Thím Râu rất tự hào về khoản này. Có nhiều khi thừa thắng xông lên, thím lại còn yên chí mình là bà mẹ Việt đảm đang nhất ... quốc ngoại. Rồi dòng đời cứ êm ả xuôi chẩy, cho tới khi chú thím vì việc học hành của lũ trẻ, phải dứt áo bỏ làng về với ánh sáng đô thị văn miêng.

* * *

Thời gian đầu ở thành phố thật ... điên người. Thím Râu luôn luôn lên ruột, vì thế ai có gặp ngoài đường ắt phải thấy mặt mũi thím rất táo bón khẩn trương ! Rồi đâu cũng vào đấy, chú thím từ từ tâm thần bớt hỗn loạn. Chú lại ca tiếp bài ca muôn thuở " tới đâu hay tới đó" và thím lại lâu lâu cứ yên chí mình là bà mẹ Việt "đảm đang nhất quốc ngoại". Mãi cho đến biến cố gần đây ...

Số là tuy về thành phố nhưng vì con cái còn nhỏ nên chú thím bất đắc dĩ lắm mới đi ra ngoài. Lóng trước mỗi lần đi thì có người tới nhà giữ trẻ. Nhưng nay con bé chị, sau kỳ sinh nhật thứ 12 vừa qua, bỗng quyết định thay quyền cha mẹ mà chăm sóc các em mỗi khi chú thím vắng nhà một hai tiếng. Chú Râu vui lòng lắm, chú bảo thế là con lớn chú có tinh thần trách nhiệm. Lo lắng dặn dò trong ngoài xong, rồi sợ rằng con nhỏ lơ đãng chóng quên, thím quyết định phải viết giấy cho ăn chắc. Tới đây một vấn đề lớn bỗng lòi ra: Thôi chết rồi, thím phải viết cho con bằng chữ ngoại quốc vì con thím mù chữ việt ! Ruột thím Râu bỗng thắt lại, và thím ... nghẹn ngào!

Các bạn đọc sẽ bảo: Thì cho con đi học chữ việt. Nói nghe dễ, nhưng làm không dễ gì. Không phải chỗ nào và lúc nào cũng có lớp tiếng Việt để mà gửi con tới. Chú Râu biểu thím mua nhạc karaokê tiếng việt cho con tập hát theo, vừa giải trí vừa học tiếng mẹ đẻ. Karaokê lại cũng có vấn đề riêng của nó. Các ban nhạc ca sĩ mầm non mầm già vừa hát vừa ... hỏng. Họ hát nhạc việt, hay nhạc ngoại quốc lời việt gì thì cũng y chang như người ngoại quốc thứ thiệt, đơn đớt, khó hiểu và ... khó đoán. Phải như thế mới là dân sang, ở ngoại quốc lâu năm mà còn phát âm sõi tiếng Việt thì nhà quê quá! Chừng như chưa đủ, họ còn dựt dựt, bò lê bò càng trên sàn nhà cho đúng điệu! Chú thím Râu xem xong một bài đã hết hồn, sang bài thứ hai, rồi thứ ba, rồi thứ tư thì thấy cứ đều đều một giọng cả như thế, nản lòng chiến sĩ hết sức.
Thím Râu bèn đổi chương trình hành động, thím đi mua băng đĩa karaokê sản xuất từ Việt nam. Nhưng đĩa hát cho nhi đồng thì thấy các cháu son phấn loè loẹt khó coi, ăn nói lại rất gượng gạo ấm a ấm ớ. Đĩa hát của người lớn thì cha mẹ tôi ơi, lại cũng cái màn trơn trớt nhài nhại và cũng giựt giựt bò lê bò càng khó coi, dám còn hơn chứ không kém.

Làm sao được giờ ? Chú thím Râu không muốn mang tiếng là người kém văn hóa, nhưng ... chẳng phật thì đừng, chớ còn văn hóa kiểu karaokê của thị trường ca nhạc hiện hành thì thực tình chú thím ớn ợn! Mà để con mù lòa thì tội lỗi quá không đành lòng! Còn đám trẻ con nhà chú thím ngó bộ cũng chẳng hứng thú gì ráo trong sự nghiệp karaoke. Thế là thím chạy ngược chạy xuôi tìm cách cho con học tiếng Việt.

Con gái đầu lòng của thím Râu lên mười hai, thím quyết định cho nó đi đọc sách thánh trong nhà thờ!
Họ đạo tây, nhưng cha sở lại là người Việt. Ông ưu ái làm riêng một lễ bằng tiếng việt cho giáo dân đâu đó khoảng mười hai mươi người. Hồi đầu ông kiêm nhiệm hết từ A đến Z những chuyện lỉnh kỉnh trong thánh lễ. Sau thì từ từ công việc được phân ra. Phần đọc thánh thư chia cho trẻ nhỏ một cách rất ... sáng tạo. Ông làm phóng ảnh hai bài đọc (1 & 2) và bài Lời nguyện giáo dân của chúa nhật kế tiếp, đưa cho cha mẹ chúng để họ về nhà dạy con, chia phiên đọc cho tuần tới.

Trước hết chú Râu dạy con kiểu học thuộc lòng và đọc thẳng, không có đánh vần ghép vần gì ráo hết. Chú đọc một câu, nó nhìn vào bài đọc theo. Nghĩa nó hổng cần hiểu, mà chú có cắt nghĩa thì nó cũng hổng thể hiểu nổi ! Nhưng được cái nhìn vào mặt chữ nó có thể đoán lờ mờ và nhớ lại âm để đọc cho đúng. Lúc đầu tội nghiệp con nhỏ, nó stress quá nên đầu óc u mê, chữ tác đánh chữ tộ. Nghe nó đọc cả nhà thờ hổng ai hiểu gì ráo, kể cả cha mẹ nó ! Nhưng mãi rồi thì đâu cũng vào đấy, nó đọc trơn tru nhuần nhuyễn những trang sách đầy lời Chúa mà chẳng cần hiểu coi Chúa muốn nói cái gì - Nếu hiểu hết dám giờ này nó đang quì gối xì xụp khấn khứa đâu đó trong một dòng nữ tu hổng chừng, thế nghĩa là nhân loại sẽ mất đi một bà mẹ khả kính - Trẻ con học cái chi cũng lẹ. Sáu tháng sau thì con gái thím Râu đọc sách Việt như cháo. Nhưng đừng hỏi nó nghĩa của sách, nó không thể cắt nghĩa nổi.
(còn tiếp)
TN

No comments:

Post a Comment