Phạm
Chu Sa
Thi phẩm Đỗ Hồng Ngọc
Mười
mấy năm qua, sách của Đỗ Hồng Ngọc luôn nằm trong danh mục bán chạy nhất,
được tái bản nhiều lần, được trưng bày trên các kệ trang trọng nhất trong
các nhà sách. Đúng là một hiện tượng.
Sách
của Đỗ Hồng Ngọc không phải là những tiểu thuyết diễm tình, éo le, gay cấn,
cũng chẳng phải là sách nhất thời “ăn theo” một sự kiện nào đó, hay những sách
dạy làm giàu thời thượng… Đó là những tập tản văn về một nếp sống an lạc, về
thiền như Nghĩ từ trái tim, Như thị, Cõi
Phật đâu xa, Cành mai sân trước… Các tập tùy bút về sức khỏe viết cho người
cao tuổi như Gió heo may đã về, Già ơi
chào bạn, Thiền và sức khỏe, Nếp sống an lạc… Và cả những ký sự nhân vật
như Những người trẻ lạ lùng, Nhớ đến một người, Một hôm gặp lại… viết về những
người quen thân với tác giả, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng.
CÕI THƠ CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC
Nhiều
người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ –
nhà văn. Nhưng tôi vẫn thích gọi anh là thi sĩ – bác sĩ bởi Đỗ Hồng Ngọc có cốt
cách thi sĩ trong con người bác sĩ. Anh làm thơ và có thơ in từ thời sinh viên
– tập Tình người (năm 1967), ký bút hiệu Đỗ Nghê. Mấy năm sau
khi ra trường là Thơ Đỗ Nghê (năm 1973). Tập thơ đã gây được
tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Sau này anh trích một số bài trong hai tập
thơ trên rồi in lại trong các tập thơ Giữa hoàng hôn xưa (năm
1993) và Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (năm 2010).
Bài thơ làm tựa chính Thư cho bé sơ sinh… Đỗ Hồng Ngọc viết
năm 1965, khi còn là sinh viên y thực tập tại BV Từ Dũ: Khi em cất tiếng
khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại
sao kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…/ Khi anh cắt rún cho
em/Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải
xa địa đàng lòng mẹ… Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng
chung/ Số phận con người.
Tôi
nhớ hình như khoảng sau ngày ký Hiệp định Paris (năm 1973) ít lâu, anh gửi tặng
tôi tập Thơ Đỗ Nghê mới xuất bản. Tập thơ in ronéo nhưng trình bày khá trang
nhã. Thơ Đỗ Nghê bàng bạc khát vọng hòa bình và cả nỗi ám ảnh của chiến tranh,
đã gây được tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Anh ru con: Ngủ đi con ngủ
đi con/ Rồi ngày mai khôn lớn/ Cầm súng với cầm gươm. Và anh ru vợ
(hay người yêu?): Ngủ đi cưng, ngủ đi cưng/ Kề tai đây anh bảo/ Coi như
mình chẳng có quê hương.
Năm
1997 Đỗ Hồng Ngọc ra mắt tập thơ Vòng quanh, một “bút ký thơ” kèm
những ký họa rất thú vị của chính tác giả vẽ lại những nơi chốn anh đã đi qua:
Huế, Hà Nội, Boston, Montreal, Bắc Kinh… nhưng có lẽ ấn tượng nhất với thi sĩ
là Paris. Một tâm hồn thi sĩ như Đỗ Hồng Ngọc mà lạc lối tới Paris giống như
anh “trở về”. Vòng quanh ra đời sau chuyến đi Paris năm 1997.
Thơ viết về Paris lan man gần phân nửa tập thơ: Paris với anh lạ mà
không lạ/ Có cái gì đó rất thân quen/ Như sáng nay thăm lại tháp Eiffel… (Paris
tháng Sáu). Hoặc: Ở Paris có thể/ Vào một quán cà phê quen/ Từ ba trăm
năm cũ/ Làm một ly đen/ Với Voltaire, Bonaparte/ Hoặc Benjamin Franklin/ Khề
khà cùng Jean Paul Sartre… (Café).
các công ty sách tranh
nhau xin xuất bản sách.
VÀ CÕI NGƯỜI CỦA MỘT BÁC SĨ
Tác
phẩm đầu tay viết về y học Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học
trò anh ký tên thật bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, xuất bản năm 1972. Tôi nhớ lần
đầu gặp Đỗ Hồng Ngọc khi anh mang tặng tôi cuốn sách này, nhờ tôi giới thiệu
trên tuần báo Tuổi Ngọc (bấy giờ tôi là thư ký tòa soạn). Tuổi Ngọc là “tuần
báo của tuổi mới lớn”, độc giả của báo cũng là đối tượng độc giả của cuốn sách.
Tòa soạn là căn gác xép chật chội của nhà in nên anh và tôi ngồi ở quán cà phê
trong con hẻm bên cạnh. Đỗ Hồng Ngọc là một người lịch thiệp, cử chỉ từ tốn,
nói năng nhẹ nhàng, dễ gây cảm tình với người đối thoại. Hai năm sau Đỗ Hồng Ngọc
viết cuốn y học thứ hai Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng. Cả
hai cuốn sách viết về y học thường thức nói trên tái bản không biết bao nhiêu lần
bởi cứ lứa tuổi học trò này lớn lên lại có lứa khác tìm đọc. Những bà mẹ này
sinh con đầu lòng rồi lại có những bà mẹ sinh con đầu lòng khác. Những lời
khuyên nhẹ nhàng cho lứa tuổi học trò hay các bà mẹ trẻ lần đầu sinh con với
văn phong dí dỏm của Đỗ Hồng Ngọc rất hấp dẫn người đọc. Kể cả đến nay, sau 45
năm, hai tập sách y học thường thức ấy vẫn tiếp tục tái bản. Thế mới thấy cái
duyên của BS Đỗ Hồng Ngọc. Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết tựa cho cuốn Những
tật bệnh thông thường… đã viết: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ luôn làm
cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”.
Năm
1997, Đỗ Hồng Ngọc cho ra đời một tập sách y học thường thức nhẹ nhàng Gió
heo may đã về. Tác giả mượn một câu trong ca khúc Nhìn những mùa
thu đi của Trịnh Công Sơn: “Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè/
Rồi mùa thu bay đi…” làm tựa tập tản văn viết cho lứa tuổi chớm già. Chỉ trong
năm 1997 Gió heo may đã về đã tái bản
đến ba lần, đủ thấy sức hút của tác phẩm. Mặc dù đề tài viết về sức khỏe của tuổi
già đã có nhiều bác sĩ tên tuổi viết như BS Nguyễn Ý Đức, một chuyên gia về lão
khoa nổi tiếng ở Mỹ, hoặc GS Ngô Gia Hy đã viết nhiều cuốn về tuổi già. Thế
nhưng Gió heo may đã về được viết dưới dạng tùy bút nhẹ nhàng
như những lời tâm sự, người đọc dù khó tính mấy cũng sẽ mỉm cười thích thú khi
đọc. Tác giả cũng khá bất ngờ khi tập tản văn nhận được sự đón nhận nhiệt tình
của đông đảo bạn đọc – có lẽ hầu hết ở lứa tuổi chớm già như anh.
Các
tập ký sự nhân vật: Những người trẻ lạ lùng, Nhớ đến một người… Đỗ
Hồng Ngọc viết về những cuộc gặp gỡ, những cuộc chia tay, những cuộc hạnh ngộ
diệu kỳ. Anh nhớ những gương mặt, những cá tính, những tài năng không thể nào
quên, như học giả Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn, có ảnh hưởng không
nhỏ trong cuộc đời anh. Hay bác sĩ – họa sĩ Dương Cẩm Chương, một bậc trưởng
thượng cả trong y khoa và hội họa Việt Nam, hoặc nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà văn
Võ Hồng, nhà văn Võ Phiến, bác sĩ – nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện…
“TRÁI TIM CÓ CÁCH NGHĨ
RIÊNG CỦA MÌNH”
Từ
những tập sách viết về y học với một giọng văn nhẹ nhàng, các ký sự nhân vật
như những lời tình tự đến những bài thơ trăn trở một thời tuổi trẻ hay những
câu thơ lãng mạn ở tuổi chớm già, hình như Đỗ Hồng Ngọc không viết từ những
nghĩ suy bình thường mà viết từ trái tim, dù trái tim không phải để suy nghĩ mà
để yêu thương. Như trong tập Nghĩ từ trái tim (viết về Tâm Kinh
Bát Nhã), Đỗ Hồng Ngọc đã viết “trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều
khi khối óc không sao hiểu được”. Đỗ Hồng Ngọc kể lúc anh dưỡng bệnh ở BV An
Bình cuối năm 1997 sau khi mổ sọ não ở BV 115, anh đọc được Trái tim hiểu
biết của thiền sư Nhất Hạnh viết về Bát Nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh do một
người bạn cho mượn. Anh đọc và nghiền ngẫm. Trong lời dẫn nhập sách, Đỗ Hồng Ngọc
viết: “Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để
lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm
ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm
tòi, tham khảo, loay hoay…”. Mãi đến sáu năm sau, cuối năm 2003, tập Nghĩ từ
trái tim mới được ấn hành. Anh giới thiệu và giảng giải Tâm Kinh theo cách của
anh, một bác sĩ, không ẩn dụ mà là những ví dụ, những từ ngữ dễ hiểu, dễ đi vào
tâm thức người đọc.
Đỗ
Hồng Ngọc tâm sự: “Tôi tự nhiên mà khoái Tâm Kinh. Có thể là có duyên sao đó.
Sau cơn mê, mổ xong tôi tỉnh dậy. Cười một mình. Ngu ơi là ngu. Đáng đời ơi là
đáng đời. Rồi tôi lạ lẫm nhìn nắng chiếu qua khung cửa. Lạ lẫm nghe tiếng chim
hót. Lạ lẫm thấy lá thông lắc lư trong gió…”. Đỗ Hồng Ngọc bảo anh viết những cảm
nghĩ trong khi nghiền ngẫm Tâm Kinh cũng là để làm một phương thuốc chữa bệnh
cho chính mình và chia sẻ cùng vài bạn bè thân hữu “đồng bệnh tương lân”. Và kể
từ sau Nghĩ từ trái tim, những tập tản
văn y học, tùy bút thiền, bút ký thơ, ký sự nhân vật của Đỗ Hồng Ngọc với văn
phong thanh thoát, đầy chất thơ, nhẹ nhàng như gió thoảng liên tiếp được ấn
hành rồi tái bản, tái bản…
PHẠM
CHU SA
(21/05/2017)
No comments:
Post a Comment