Saturday, May 27, 2017

NGUYẼN XUÂN THIỆP, GIÓ MÙA, DÃ QUỲ, VÀ NHỮNG DẤU CHẤM.


Vũ Hoàng Thư



NXT & tác phẩm

       Ngày tháng tư khởi đầu như thế, trôi ù lì và vô cảm. Bầu trời chì úng nước, lún phún mưa, dự báo dầm dề và kết thúc lơ lửng như mọi bản tin tiên đoán thời tiết. Tháng tư bao giờ cũng chập chùng mây. Những đám mây không hề thay đổi kể từ ngày đó, thế kỷ trước. Thơ T. S. Eliot bất ngờ trở về, giao hưởng trong từng tấu điệu của nhịp bước tháng tư. April is the cruellest month, breeding, Tháng tư tháng nghiệt ngã / Lilacs out of dead land, mixing, Nuôi mầm khóm tử đinh hương trồi dậy / Memory and desire, stirring, Ký ức cùng khao khát  trộn bời / Dull roots with spring rain. Bén rễ vô tri với mưa xuân (The Waste Land).
       Phải chăng sự nghiệt ngã nuôi lớn cho mọi mầm sinh đứng dậy? Chắc chắn phải có sự cố gắng tột cùng trong từng cơn đau nhức của sự trở mình. Trở mình để thay đổi, nếu không ta chỉ sống mãi trong ký ức và mãi mãi là ký ức. Kẻ chiến thắng say mê trong chiến tích của mình và quên hiện tại, dần dà họ sẽ bị thời gian đạp đổ thành kẻ chiến bại. Người thua trận u uất đắm chìm trong quá khứ, cuộc đời sẽ quên lãng họ. Cuối cùng cả hai đều là kẻ chiến bại trong trận chiến của chính mình tự đặt ra. Những cơn mưa xuân không kéo dài mãi và nó sẽ không chờ đợi ai.
      Tháng tư đọc lại thơ Nguyễn Xuân Thiệp để thấy cơn ngiệt ngã là tố chất nuôi dưỡng nhà thơ đứng dậy, càng lúc càng lớn, vượt trội những nhỏ nhoi rừng rú của cái ác ngự trị trên quê hương sau 1975.      Tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” ra đời đã hơn 19 năm, vẽ lại hành trình của kẻ sĩ miền Nam đi vào nơi gió cát. Có dập vùi và thống khổ để cuối cùng hiện ra ở cuối đường hầm như một một kiếm sĩ bất khuất.
Và gió mùa. Gió mùa với quê hương mình như là một. Những ai sinh ra trên dải đất hình chữ S ấy mà không lớn lên với từng cơn gió mùa? Gió mùa như lẽ sống, như định mệnh của nước. Tôi cùng gió mùa hiển nhiên xác định tôi theo cùng với vận nước nổi trôi nếu ta mượn lời của Phạm Duy. Đã bao gió mùa thổi qua quê hương nhỉ. Trong cách thế nào đó, gió mùa trong hồn thơ Nguyễn Xuân Thiệp làm hai nhiệm vụ, một ước vọng bão cuồng để dập tắt ngọn lửa hỗn mang của lịch sử mà đồng thời cũng để hất tung những chật hẹp của lòng. Người sẽ thấy tim mình mênh mông trong cơn lộng. Những cơn gió mùa làm đẹp cõi người ta.

hỡi gió mùa
đã đến trên quê hương ta chiều nay
để thêm một lần gặp lại
xin hẹn cùng ta
xin hẹn cùng người
một mùa đông ấm lửa
(Tôi cùng gió mùa, Tôi cùng gió mùa)

       Rất nhiều gió trong mấy tập thơ của Nguyễn Xuân Thiệp. Gió mơn làn da, đùa giỡn lá bàng nơi Vương Phủ, thổi lộng qua Eo Gió những rừng dã quỳ Pleiku. Dĩ nhiên là gió mùa. Quái phong lật trốc xác thân. Những cơn bấc rét cắt mùa đông, khô khốc nồm hạ cháy. Chưa hết, gió Lào bật lửa Trường sơn. Quê hương như thế, những phút giây vui hòa hay trong giờ bất hạnh qua những trận gió mùa có tự ngàn năm. Bài thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” viết năm 1974 như dự phóng về một thời gian cận kề rất gần trước mặt.

thổi qua

thổi qua những biên thùy. rào cản. những
                ước định của người. những tâm
                hồn mê sảng
những màu da .những dòng nước mắt
gió mùa
gió mùa
thổi qua
thổi qua

trong cơn oan khốc
thổi từ tử hải. tới bờ hiện sinh
(Tôi cùng gió mùa, Tôi cùng gió mùa)

       Thơ Nguyễn Xuân Thiệp mang đầy tính tiên tri. Một tháng trước tháng 4 định mệnh đã thấy phảng phất hồn ma bóng quế đè nặng lên hồn người. Tháng 3 sấm động ở thành phố duyên hải. Tháng 3 của giông, của mưa rào hâm hấp đập dồn hồn ốc, khi những cơn bấc bắt đầu nhẹ đi nhường chỗ cho trận nồm kéo đến.

tháng ba xuống khu rừng. bóng quạ
rung những nhánh cây. màu tàn lửa
tiếng thét hư không. chiều rượt qua ngàn
(NHA TRANG. THÁNG BA 1975, Tôi Cùng Gió Mùa)

       Không êm ả trôi mà đột khởi quét cuồng, chiều rượt qua ngàn, tài tình phản ảnh sự tàn bạo của nhịp thời gian trên tâm linh. Một trong những bài thơ đầu của tập Tôi Cùng Gió Mùa vẽ ra viễn tượng mùa trầm luân đang mon men bước về trong kinh hồn sử lịch, của cái ác đang rình rập chụp vồ. Móng vuốt đó sẽ làm tan cõi người, cho người thành mãnh thú ăn thịt anh em, chữ đồng bào hết còn tình nghĩa trong nguyên ngữ của chung cùng phô thai.

tháng ba. cọp chạy. người xa người

       Một năm sau bài thơ Tôi Cùng Gió Mùa ra đời là khởi điểm của mùa lưu đày. Hằng triệu người miền Nam bị đẩy vào chốn khốn cùng. Gulag được dựng lên khắp nơi tại Việt Nam, oan khốc thành chuyện bình thường của đời sống hàng ngày. Nguyễn Xuân Thiệp khăn gói đi ở tù đến hơn bảy năm. Những bài thơ làm từ trại tù vùng Nghệ Tĩnh như “Mưa ở đây như mưa ở quê nhà”, “Điệu hoài hương xanh”, “Thảo nguyên”, “Chiều bên sông Giăng”, “Ánh trăng” là những bài thơ dài ghi lại đoạn đường khốc liệt đó. Năm bài thơ bằng thể thơ tự do, thơ 6 chữ, thơ 7 chữ, như những bài trường thi, riêng rẽ số phần của thi sĩ mà cũng là phận chung của cả một đất nước trong tăm tối đêm dài.
       Thánh vịnh Psalm 137 nhắc đến đầu bài “Bên Bờ Sông Giăng” gọi hồn Do Thái một thời nổi trôi giữa hai giòng sông Euphrates và Tigris, thuở lưu đày chốn Lưỡng Hà. Nhắc đến tích xưa của người để nhớ phận mình ngày hôm nay.

ta ngồi ta khóc
trông về phương nam
ngọn gió hoan châu. rào rào cát chạy
nghìn dặm. bóng chim bay. nước sóng sánh bờ
           
buổi chiều. vớt sỏi. dưới lòng sông giăng
ta cười trong tiếng sóng
ai kia. đưa ta lên rừng
ai kia. đưa ta ra đầu ngọn suối
tượng đài người đọ được với thời gian
tiếng cười ta
đánh thức. lớp cuội mòn. chiều nay
bia đá nghìn năm. bồi hồi. xao động
nói gì với mai sau
nói gì với các thị trấn bên bờ nước biếc
một tiếng cười dài. vang vọng. hư không
(Bên Bờ Sông Giăng, Tôi Cùng Gió Mùa)

      Một tiếng cười dài vang vọng hư không nghe lạnh gáy và nổi da gà. Phút giây “ngộ” ra tượng đài không đọ được với thời gian, mọi thứ sẽ tiêu tán như lớp cuội mòn trong làn sóng vô thường. Mọi thứ sẽ thành vô nghĩa. Nguyễn cất tiếng cười Không Lộ hàn thái hư bất tử. Không có cô phong đỉnh, chỉ bên giòng sông Giăng và rừng già ác độc Man Lâm nơi xuất phát chiếc nôi Sô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930. Nghệ Tĩnh, quê của cách mạng thiếu vắng trái tim. Nghệ Tĩnh dập vùi thân tù cải tạo cho trái tim khô máu lủng lẳng bên ngoài như trái chuông treo bên hông ngựa. Trái tim thôi thuộc cõi lòng, trái tim thôi là máu mủ. Trái tim đã chết, thành vật vô tri như trái chuông trên thân trâu ngựa, trong ác độc con người.
 
khi ta đi lên miền bắc
nụ cười quên dưới trời xưa
trái tim đeo ngoài ngực áo
như chuông. trước cổ ngựa thồ
(Điệu Hoài Hương Xanh, Tôi Cùng Gió Mùa)

Như một cơn mộng dữ, người nhập vai lắc lư đồng bóng. Ngoại thân dị dạng. Phế phủ nát tan.

uống đi. vị ngái chát đầu môi
uống đi. hoa. và mùi mật đắng
chén trà này. dành để riêng ta
uống cho hết. khe rừng. suối độc
(Trà Oán, Tôi Cùng Gió Mùa)

      Nhưng không vì thế mà lòng nhân hậu của Nguyễn mất đi, bao giờ ông cũng nhớ tưởng một hoàng xưa, thời vàng son không còn nữa nhưng dự phóng vẫn là xây dựng lại trời xưa. Chỉ đơn giản như chưa từng mất. Có bếp lửa. Có ngồi lại. Bên ly trà. Để thấy “hồn ta. chiều nay. là sông hằng”. Cô đọng lại sau trầm luân là sự chứng đắc của một thiền sư! Tâm đó của Nguyễn là chân tâm chưa hề mất, hằng có, uyên nguyên vốn đã nằm trong ta tự bao giờ, chiều nay tìm lại, ta là sông Hằng…

dòng sông nào không là sông hằng
hãy thả những cánh hoa trên nước
hãy rắc tro tàn từ nhục thân
rồi cất tiếng cười trên ngọn sóng

ôi. hồn ta. trôi theo sông hằng
hồn ta. chiều nay. là sông hằng

       Bài “Thảo Nguyên” không dài hơn mấy bài thơ khác làm trong thời 1980 ở Nghệ Tĩnh, nhưng chỉ cần câu cuối thôi để thấy tù đày đằng đẳng như thế nào, lê thê đến làm sao.

ta đi năm năm qua thảo nguyên

        Năm năm là một, hai, ba, bốn, năm năm hay năm năm là hàng hàng năm, có đến 100? Có thể, vì tiếng thơ dài hơn thế kỷ với cách chơi chữ tài tình. Dài hơn hẳn 15 năm đoạn trường của Thúy. Không có người hùng Từ Hải cưu mang. Không có sông Tiền Đường kết thúc cái khổ. Năm năm đi qua thảo nguyên để học chí hướng của cha ông qua “đường bạch dương. chiều. không quán trọ / hành nhân. hành nhân. đêm thu phân”, của mẹ và chị để một lần “như xưa. một lần về quê ngoại / ngày reo vui. vườn chim. bay chim”, của em trong “tìm nhau. trăng đã về động cổ / tìm nhau. tìm nhặt chiếc khăn rơi”. Như thế đấy, bao nhỏ nhoi, hận thù người trút lên đầu không làm nặng bước nhẹ tênh của nhà thơ. Như thế đấy, đầy ấp sự rộng lượng của kẻ sĩ Đông phương. Năm năm thảo nguyên để thoát lòng sông chật hẹp, về với đại dương bao la ngoài kia. Lòng nhà thơ như biển.

mùa hạ, ta qua vùng thảo nguyên
bước nhẹ tênh. quên thời khổ hạnh
chuyện của người là chuyện dòng sông
bình minh đến mở tung cửa biển

ta đi năm năm qua thảo nguyên
(Thảo nguyên, Tôi Cùng Gió Mùa)

      Như lời tiên tri, gió thổi qua rừng dã quỳ, thốc vào định mệnh, báo hiệu mùa tàn. Chinh chiến tàn cho ma quỷ hiển lộng. Nhưng người đứng vững, ma quỷ không làm gì được. Thi sĩ thành Troie không chết, Nguyễn Xuân Thiệp nói thế trong một lần phỏng vấn ở Washington DC. Thành Troie từ truyện thần thoại Hy Lạp, bị vây hãm trong 10 năm và cuối cùng đã rơi vào tay quân Hy Lạp. Cuộc chiến đấu anh dũng của dân thành Troie kết thúc bằng những tên nội tuyến lọt vào được trong thành bằng con ngựa gỗ thành Troie, một âm mưu rất nổi tiếng trong cuộc chiến tranh này. Trong vở kịch La guerre de Troie n’aura pas lieu (1935) của kịch tác gia Pháp Jean Giraudoux, nhân vật Cassandre nói “Thi sĩ thành Troie đã chết rồi… Lời phát biểu bây giờ thuộc về nhà thơ Hy Lạp” (Le poète troyen est mort… La parole est au poète grec). Nhắc lại chuyện thần thoại Hy Lạp như một ẩn dụ về nét tương đồng giữa thành Troie và miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua. Miền Nam đã thua trận phần lớn vì những tên nội tuyến và những trò chính trị đi đêm, những con ngựa thành Troie của thế kỷ thứ 20.  Khi Nguyễn Xuân Thiệp phủ định lời tuyên ngôn của Cassandre, ông muốn nhắn nhủ những “đỉnh cao” của Bắc bộ phủ, thi ca không nhất thiết và sẽ không bao giờ nằm trong tay của kẻ chiến thắng.


      Sau “Tôi Cùng Gió Mùa” của thời điên đảo là hai tập thơ “Thơ Nguyễn Xuân Thiệp” (Phố Văn, 2012) và “Thơ Mạn Đà La” (chưa xuất bản) gồm những bài thơ sáng tác sau khi tác giả định cư ở Mỹ, 1995. Thơ của ông tuy dưới hình thái thơ tự do nhưng mang mang màu cổ thi. Tưởng là biền ngẫu nhưng không, ý tứ mới, lắm khi tài tình, rực lên sự đối chọi của nghịch lữ phù hư, của trùng chùng ước lệ, quanh quẩn đèn cù vòng vo, chẳng hạn,

hỏi tìm đâu người tri kỷ
nắng bên sông. vàng thám hoa
hoa cải tàn rơi. ngày hết
cầu dốc sấm. không người qua
đắp mảnh trăng đơn. hồn rét
nửa đêm mài mực đề thơ
lửa soi. mặt người xiêu xó
thời gian. thời gian. một bóng đèn cù
(Cổ nguyệt, Tôi Cùng Gió Mùa)

      Không cần cầu cứu đến Tràng An, không gọi bến Cô Tô mà vẫn lung linh sương ngàn bóng nguyệt đông phương ở giờ phút thi sĩ đương là. Ở đâu cũng có thể gợi nhớ quê hương, nối liền địa danh trong bao hàm thế giới. Liên hệ nhau chăng chính là tính đại đồng trong hồn thơ của Nguyễn. Bên này hay bên kia, âm chùng đồng vọng Octavio Paz, bước chân tôi dọc phố này / nghe đồng vọng gõ ngân dài phố bên (My steps along this street / resound in another street, Octavio Paz – Aquí). Hương  và mùi gây niềm ngái nhớ, chỉ Nhatrang mới thật biển.

laguna
san juan capistrano
destin
cozumel. mái lá. mùi bia. và âm nhạc. mễ
hay nha trang
(Thì đi về phía biển, Thơ Nguyễn Xuân Thiệp)

      Hoa dã quỳ, đồi thơm nương Đà Lạt. Dã quỳ như một biểu tượng trong thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Khác với dã quỳ của Van Gogh cuồn cuộn bốc lửa điên dại, dã quỳ của Nguyễn êm đềm Đông phương trong giấc mơ Ngọc. Em đến trong biển vàng, loài hoa dã luôn quỳ, sùng bái mặt trời, trung kiên với thần chủ cho đến chết gục thân cây. Dã quỳ đi theo Nguyễn từ những cánh hoa nhuộm máu anh em ở chân ngọn Chu Prong qua đến cánh đồng vàng ngát chân trời Texas, Oklahoma… Thấy hoa nhớ người, nhớ cảnh, những núi đồi đã xa, Komtum, Đà Lạt sương mù ký ức. Dã quỳ trải dài trong ba tập thơ. Ôi, dã quỳ, em vàng mơ, vẽ mặt trời thắp tôi chờ cõi xa. Không là lan, chẳng phải quỳnh, chỉ có quỳ dính dáng kỷ niệm,

hút với nhau điếu thuốc
giữa buổi chiều hoa quỳ
nói dăm câu từ tạ
mây. với người. cùng đi
(Thơ viết trên trực thăng buổi chiều hoa quỳ, Tôi Cùng Gió Mùa)

Quỳ hồng hoang siêu thực, có thể nào nhật nguyệt chung cùng, sinh và tử sánh vai hiện hữu,

hãy đánh thức trong nhau
một mùa dã quỳ. vàng
những mặt trăng. mặt trời
cùng mọc một lúc
và cùng lặn tắt 
(mùa cuối, Thơ Nguyễn Xuân Thiệp)

Và những khi trực diện số phần, cháy lan tiềm thức, à, như vậy đó, cái chênh vênh mở dấu ngoặc của hiện sinh, phải chăng một ánh dương hồng phía đông, nhật xuất lãnh đông hồng (thiền sư Chân Nguyên)?

anh khóc đợi bình minh
bông dã quỳ. đã nói với anh. sự thật
(bài ngợi ca trước bình minh, Thơ Nguyễn Xuân Thiệp)

hay những bông dã quỳ ở oklahoma
như đời anh
đời em
vậy đó
(đêm nay. anh ngồi viết cho em, Thơ Mạn Đà La)

Màu vàng dã quỳ ôm chạm hoàng mơ, rực cam nắng xói ở chiều hay chết treo đầu ngọn,

rồi một ngày
em đứng. giữa rừng hoa quỳ. đỏ
tưởng niệm tôi
xin đừng khóc
(dã quỳ đỏ, Thơ Mạn Đà La)

em có nghe
này em có nghe
vẫn tiếng còi tàu
buổi chiều
âm vang qua khu rừng. natick
những cánh dã quỳ tứa máu. run rẩy
(chiều. vẫn siêu thực. chiều, Thơ Mạn Đà La)

      Nếu hoa quỳ là một biểu tượng của thơ Nguyễn Xuân Thiệp, những dấu chấm trong thơ ông là một ký hiệu rất “đặc thù. nguyễn xuân thiệp”. Dấu chấm nối câu thơ như đường chia của trò chơi puzzle. Hóa không phải cuộc đời là một puzzle sao, của những mảnh vụn cấu ráp và thi ca là nhịp rung phản hồi trên khe cắt?

a. cuộc đời. những mẫu cắt dán
một cơn gió
cuốn đi. như lá khô
(lãng quên. không màu, Thơ Mạn Đà La)

      Dấu chấm ngắt câu thơ làm câu thơ có thêm nhiều ý nghĩa mới và khác biệt khiến người đọc thành kẻ thám hiểm, chọn lựa. Hắn sẽ trở thành một thi sĩ khác ngoài tác giả. Yêu dấu thay dấu chấm, tựa như khi ta đứng giữa ngả ba đường, chọn bên này hay bên kia? Nhớ Robert Frost và The Road Not Taken,

I took the one less traveled by,
And that has made all the difference
(Sao đã chọn đường đơn độc lạ
Và như vậy đời ta lối rẽ)

      Hãy đọc lại vài câu thơ Nguyễn Xuân Thiệp và đôi chút tra vấn trên những dấu chấm, khác với khi đọc lần đầu,

ngồi thu. trong quán nhỏ
(TRONG QUÁN.
NHÌN RA HOA NỞ TRẮNG, Tôi cùng gió mùa)

      Vậy là ta ngồi ở mùa thu, khi mùa thu nán lại không đi, hay ta ngồi thu gọn trong quán nhỏ? Bắt gặp một không gian (ngồi thu gọn) hay níu lấy thời gian (mùa thu) lửng lơ bằng một dấu chấm. Như thế gọi là thi tài. Ta có thể trích bất cứ một câu thơ nào của Nguyễn Xuân Thiệp để thấy cái phất phơ của song trùng nhị lộ này, chẳng hạn,

mưa bay. mù hơi thở
hai người. cũng như không

     Mưa đã bay mù như hơi thở phà hay lượng nước bên ngoài và bên trong làm mù mịt không gian. Sự cảm ứng giữa chủ thể và cảnh vật. Sự giao lưu trong hiệu ứng mù. Hai người vẫn không thể làm gì được khi đời là những áng mây trôi không dám hẹn? Hay hai người đã tan quyện vào nhau, như một, như không, giữa dấu chấm tuyệt vời?
      Dấu chấm dẫn người đọc giao động giữa hai thời hiện tại và quá khứ. Ta thành con thoi của không/thời. À, có một lần mưa rơi nhẹ làm ta nôn nao trở về nơi trú, con đường bỗng nhiên dài hẳn ra. Dấu chấm bây giờ không đặt ra câu hỏi chọn lựa mà thành dấu nối cho sự liên tưởng, không dùng như là sự kết thúc của một ý tưởng. Dấu chấm muôn mặt.

Như nhãn chín. nhớ chim mùa cũ
như đường dài. nhớ những hạt mưa thưa
(Nhãn chín nhớ chim mùa cũ, Tôi Cùng Gió Mùa)

       Những dấu chấm xẻ căn nhà thành gian, ngăn chia bờ lũ khi mảnh hồn ta chưa phôi pha nhớ. Nhớ gì ? Dã quỳ vàng trên cánh đồng vô tận. Ở cuối thiên thu nụ cười tím lộng chờ. Dung. Ước vọng thơ sẽ vỗ cánh gây hiệu ứng của một cánh bướm. Cánh bướm tạo “những chấn động. rền”. Mà nếu không cũng chẳng sao, bởi chưng nói đến cánh bướm là nói đến mộng, cuộc chơi không dứt của con người, hủ hủ nhiên hồ diệp dã, thích mần răng.

thơ anh
và đọc cho gió
bởi gió sẽ mang đi
về phía ngọn đồi sương tím
nơi có em. đang chờ
(THƠ. HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM, Thơ Nguyễn Xuân Thiệp)

      Bên cạnh những dấu chấm một đôi khi ta bắt gặp chữ ôi. Ôi-và-dấu-chấm đứng một mình, không liên hệ với câu phía trước, không bắt tay với lời sau. Không hẳn là lời than, chỉ thuật lại những dã man, khắc nghiệt không còn ngạc nhiên. Như tiếng thở dài trong đêm khuya của O nghèo từ bài hát “Quê Nghèo” của Phạm Duy. Khắc khổ trở thành khắc khoải mênh mông trong lời Ôi chấm viết năm 1976.

ôi. bóng mùa vui. biệt tăm
(Điệu hoài hương xanh, Tôi Cùng Gió Mùa)

      Thơ Nguyễn Xuân Thiệp lắm khi là tiếng kêu của gió, rất khẽ. Thoảng. Thầm thì kể chuyện và nhất là Nhớ. Nhớ từng sát na. Nhớ đóng khung giữa hai dấu chấm. Những niệm. Niệm tình. Như những xung động lượng tử. Hoặc là trạng thái này hay trạng thái kia nhưng không bao giờ là một. Đẹp nhất là những vần thơ về người bạn đời, Dung. Và mất mát. Của kiếp người trước cái chết. Phong linh, vỏ sò những thứ trơ cùng tuế nguyệt bên cạnh những cái đã phôi pha không còn hiện hữu. Cái vắng mặt làm nên những hiện hữu hôm nay, hay sự hiện hữu làm nổi bật cái đã không còn?

dung
dung ơi
tiêng kêu của chiếc phong linh vỏ sò
còn vang
trong chiều. nắng tắt
(tiếng kêu của chiếc phong linh vỏ sò, Thơ Nguyễn Xuân Thiệp)

oOo

      Tôi lui tới mãi ba tập thơ của Nguyễn Xuân Thiệp từ cuối tháng tư qua đến tháng năm vẫn chưa rời. Một cái gì níu lại. Tôi bước trên những dấu chấm làm thành bậc thang. Bậc thang tôi leo về căn gác tối có cửa sổ ngắm đóa phù dung, bậc thang dẫn tôi xuống vườn. À có đủ. Dã quỳ vàng đến tận chân trời, tôi ngập chìm mộng mị. Bậc thang bỗng gãy đứt. Tôi rơi làm dã nhân sống với ác thú bên sông Giăng. Thế mà tôi vẫn chưa muốn rời khu vườn đó. Sức thu hút phù thủy giữ chân tôi.

người trên tàu đưa cho balakirev một cây đàn cổ quái
và bảo
ông sẽ không chết. nếu ông chơi nhạc
(từ tiếng hót chim họa mi. một đêm mùa đông, Thơ Mạn Đà La)

     Tôi bỗng cười một mình, không thể không nảy ra một sự liên tưởng. Ừ, Nguyễn Xuân Thiệp sẽ không chết, nếu ông tiếp tục làm thơ. Thi sĩ thành Troie chưa bao giờ chết…

VŨ HOÀNG THƯ
Tháng 4 – Tháng 5, 2017
(tháng tư. buồn – níu tháng năm
mầm đợi nhú, đeo đẳng nằm. hạt khô)


No comments:

Post a Comment