Monday, May 1, 2017

LÁ TÂM THƯ


Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng

Nhà thờ Đức Bà. Tháng 7. 1975. Hình Internet

Em thương mến,

Mấy ngày nay trời California trở nên nóng nực lạ thường.  Cái nóng nực của những ngày cuối tháng tư, như một sự gợi nhớ, đưa anh về vùng trời quê hương với những giọt nước mắt buồn tủi, khóc cho quê mẹ, khóc cho thân phận mình, và khóc cho số phận bi thương của cả một dân tộc.  Hai mươi ba năm về trước, những ngày cuối tháng tư là những chuỗi ngày bi thương nhất, trong lịch sử của chúng ta.  Vâng, ngày ấy, những ngày mà hàng triệu người Việt yêu Tự Do ở miền Nam đã phải bật khóc khi nhìn thấy từng thành thị, từng thôn xóm, từng mảnh vườn đã lần lượt rơi vào tay Cộng Quân Bắc Việt.

Những trái đạn đại pháo của chúng đã phóng bừa bãi vào những giòng người dân thường vô tội, lếch thếch mệt mỏi di tản trên quốc lộ 1  trong cái nắng chói chang, tránh xa những đơn vị thù địch bạo tàn, của một cố đô Huế trong Tết Mậu Thân, của một Quảng Trị với “khu phố buồn thiu” của “đại lộ kinh hoàng”, của Bình Long tan hoang, của Kontum ngập máu, và của một Pleiku-Phú Bổn với liên tỉnh lộ số 7 đầy ngập xác người. Những tràng liên thanh xối xả bắn theo đoàn người khốn khổ, tay xách nách mang, những đoàn người không một tấc sắt trong tay, nhưng một lòng son sắt, cương quyết tìm đủ mọi phương tiện xuôi về Nam theo chân đoàn chiến binh cộng hòa.
Từ trên cao nguyên “buồn muôn thuở”, quanh năm mây mù che phủ của một Ban Mê Thuột, đến thành phố hoa mộng Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên, với  những rừng thông ngút ngàn, những người Việt yêu Tự Do cũng đã gạt nước mắt,  bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân thương để chỉ đổi lấy một hơi thở của Tự Do.  Họ đã cương quyết chọn chế độ Miền Nam bằng đôi chân bé nhỏ trong giờ phút nguy nan nhất của lịch sử nước Việt Nam Cộng Hòa.  Những thôn ấp hoang tàn, những khu xóm trơ trọi, những nấm mồ đắp vội còn hăng mùi đất mới.  Những tấm khăn xô vội vã chít lên. Những tiếng khóc ai oán bi thương của một người cha hay người mẹ vừa mất con trong một trận cuồng sát.  Và có những người vợ trẻ khóc chồng, những em bé xụt xùi bên mẹ, khóc cho những người cha vừa nằm xuống, tất cả đã biến thành một suối lệ đầy thống hận và bi thương đổ xuống địa ngục trần gian.
Vinh quang của đảng Cộng Sản Việt Nam đấy. Vinh quang của những người lính Bắc Việt đấy. “Đường vinh quang xây xác quân thù”, lời ca sặc mùi khát máu của những người Cộng Sản Việt Nam. Dù cho có thay lời, đổi tựa, nhưng trước sau vẫn là thế.  Người ta xây vinh quang bằng xương, bằng máu, của chính đồng bào của mình. Người ta xây vinh quang bằng chính nỗi thống khổ của những người cùng chung huyết thống, nhưng không cùng một chí hướng với họ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày kết thúc một cuộc chiến bi thảm nhất trong lịch sử 30 năm chiến tranh tương tàn  Ngày phải đến đã đến. Cả miền Nam tràn ngập dưới dép râu và nón cối của những con người không mời mà đến, những con người “hăm hở đi giải phóng"những con người mà sự hiểu biết về thế giới bên ngoài chưa vượt qua khỏi lũy tre xanh, những con người cuồng tín, những con người được Đảng và Nhà nước Cộng Sản cấy vào người lá bùa sinh tử, lá bùa cuồng tín, làm theo tất cả những cái gì có lợi cho mục tiêu của Đảng Cộng Sản là luân lý, là lý tưởng.
     Ngày ấy, cũng như bao nhiêu người miền Nam khác, lòng anh tan nát, thể xác rã rời, trước những biến cố xẩy đến theo một nhịp độ dồn dập.  Một niềm chua xót dâng lên nghẹn ứ, khi thấy rằng mảnh đất hứa miền Nam, tương lai của một dân tộc hiếu hòa phút chốc đã sụp đổ trước đoàn quân xung kích hiếu chiến của Cộng Sản Quốc Tế. Niềm chua xót cho anh, cho em, cho con, và cho cả một dân tộc, cho bao nhiêu thế hệ rồi đây sẽ mãi mãi chìm ngập trong gông cùm của chủ nghĩa ngoại lai, chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa hận thù.

Saigòn, một ngày cuối tháng tư, một ngày mà tất cả những gì thân thương nhất đã vuột khỏi tầm tay của mình, một ngày mà tang tóc đã trùm phủ lên phần đất cuối cùng của Miền Nam Việt Nam. Những năm dài chiến đấu, những năm dài với những sự hy sinh vô bờ bến của quân dân miền Nam trong nỗ lực bảo vệ phần đất Tự Do trong đó có anh và có em, cuối cùng đã thúc thủ trước một bọn người cuồng tín, dưới sự lãnh đạo của một đảng Cộng Sản Mác xít tàn bạo kiểu Á châu thời trung cổ.

Nền đệ nhị cộng hòa bị bức tử vào sáng ngày 30 tháng tư với lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống ba ngày của chế độ miền Nam đang trong cơn hấp hối.  Uy quyền tối cao của quốc gia được biểu hiệu bằng Dinh Độc Lập đã không còn nữa, khi chiếc xe tăng T54 của bọn Cộng Quân Bắc Việt tiến vào, sau khi đã ủi sập cánh cổng chính đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ tuy còn nhiều khiếm khuyết trong cơ chế dân chủ, nhưng nếu đem so sánh với chế độ Cộng Sản phi nhân hiện nay, thì còn tốt hơn chúng đến cả ngàn lần.
Anh còn nhớ cái buổi sáng hôm ấy, nếu không vì tình đồng đội, nghĩa đơn vị anh đã cao chạy xa bay rồi, đâu còn phải ở lại để chuốc lấy sự ê chề ấy đến cả hàng bao nhiêu năm trời sống trong tù ngục.  Đêm hôm ấy, anh và em đã khóc thật nhiều. Khóc vì mủi lòng, khóc vì xót thương cho chính mình, khóc vì xót thương cho cả một dân tộc bị đọa đầy, và khóc cho những thế hệ trẻ Việt Nam rồi đây sẽ phải sống trong  cảnh tối tăm ngu muội vì sự nhồi nhét của một chủ nghĩa không tưởng, một chủ nghĩa lấy hận thù làm cứu cánh để biện minh cho hành động phi nhân của chúng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà lịch sử Việt Nam đã sang một trang mới, một trang sử nhục nhã, khi mà người bạn đồng minh đã phản bội, tìm đủ mọi cách để trói tay chúng ta, để rồi mảnh đất miền Nam bị rơi vào tay một bọn người ngông cuồng, và tự phụ.  Đã hai mươi ba năm rồi, bọn người ngông cuồng ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam, một đất nước đã xác xơ trong chiến tranh, giờ đây lại xác xơ vì những ông quan cán bộ, tham nhũng, hủ hóa, đủ mọi thói hư tật xấu, những con người xưa nay vẫn vỗ ngực xưng tên là thế này thế nọ, mà thực chất, chỉ là một bọn người vô tích sự, đập phá hơn là xây dựng, áp bức dân chúng còn hơn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đặt quyền lợi của phe nhóm trên quyền lợi của đất nước, lấy sự củng cố quyền lực làm cứu cánh, lấy súng đạn trấn áp làm phương tiện.
Bọn vô tích sự này nhắm mắt làm ngơ trước bao nhiêu cái khổ của của đồng bào cả nước, trong đó có em và có con của chúng ta.  Em và con bây giờ ở đâu.  Ở một thành thị, hay ở một thôn  xóm hẻo lánh nào xa xôi trên cái đất nước khốn khổ ấy? Em còn nhớ hay không?  Những ngày tháng trôi đi trong sự mong chờ mòn mỏi,.  Anh ngậm ngùi nghĩ đến cái buổi chia tay đầy nước mắt, lúc em và con tiễn chân anh đi trình diện “học tập cải tạo mười ngày” không? Mười ngày biến thành mười năm, và bây giờ đã là năm thứ hai mươi ba.

Ngày ấy cũng là ngày em dắt con về nương náu quê ngoại ở cái thị trấn nghèo nàn miền cao nguyên heo hút ấy, còn anh thì “được đi học tập cải tạo” để “được Đảng và cán bộ giáo dục”, để có dịp học được  những cái ngu xuẩn, thô thiển, đớn hèn của một lớp người,  đã lộ rõ cái bản chất tráo trở, láo khoét, và buồn cười thay kẻ đứng ra làm thầy dậy đời lại ngu hơn học viên gấp bao nhiêu lần.
Anh còn nhớ cái ngày em và con, từ miền cao nguyên xa xôi, đã vượt qua cả hàng ngàn cây số đến thăm anh ở một trại lao động khổ sai ở mãi ngoài miền Bắc Việt Nam.  Gặp nhau sau ba năm xa cách, tiếng khóc thay cho tiếng cười, và đôi mắt thơ ngây của đứa con gái sáu tuổi cũng rưng rưng theo mẹ.  Anh đã ôm con vào lòng, tưởng chừng như đứt từng khúc ruột. Định mệnh thật trớ trêu. Lần thăm ấy là lần đầu, và cũng là lần chót.  Em đã gửi cho anh một bức thư  ướp bằng những giọt nước mắt.  Lá thư nhầu nát ấy mang dấu bưu điện của một thị trấn miền cao, tới tay anh một năm sau ngày gửi.

Linh cảm cho anh thấy có lẽ đây là bức thư đầu và cũng là bức thư cuối. Trong thư em đã an ủi anh, khuyên anh hãy giữ gìn sức khỏe, can đảm nhẫn nhục, để chờ một ngày nào đó được đoàn tụ với em và con. Buổi chiều hôm nhận được thư, anh đã co mình trong chiếc chăn đơn, ôm lá thư vào lòng, khóc mùi mẫn.  Nhưng ngày ấy chẳng bao giờ có cả.  Anh đã bặt tin em và con, từ sau ngày nhận được bức thư ấy. Lá thư nhầu nát đã trở thành một di chúc, chấm dứt giấc mơ đoàn viên của chúng mình. Anh đã ấp ủ, trân quý nó như một báu vật, bất khả phân ly, bức di thư của một người vợ trẻ, một người phụ nữ miền Nam, mà hạnh phúc từng ngày từng giờ đã gắn liền với hạnh phúc chung của cả một đơn vị, một tập thể, nhưng mà là một hạnh phúc chẳng bao giờ trọn vẹn, một hạnh phúc xen lẫn những dư vị đắng cay của những năm tháng chất chồng trong ly loạn., lúc hợp lúc tan.

Hai mươi ba năm về trước em đã cho anh những lời an ủi thiết tha của một người vợ trẻ có tình có nghĩa, có thủy có chung., và bây giờ hai mươi ba năm về sau, với mái tóc bạc phong sương, anh thẫn thờ đi trong buổi hoàng hôn của một ngày có nắng, thả hồn mình về quê hương, ôn lại cái dĩ vãng của anh và của em, cái dĩ vãng ắp đầy hoa mộng của một cô thôn nữ hiền hòa, với một chàng quân nhân đa tình, đã đem tình yêu trai gái xây đắp thành một tình yêu cao cả, dâng hiến cho đơn vị, và cho Tổ Quốc, trong cuộc chiến giữ nước, vĩ đại và cao cả.  Em đã cho anh những giây phút ấm lòng, những dư vị ngọt ngào của tình yêu, sự thương yêu nồng nàn của một người vợ trẻ có tấm lòng vị tha và nhân hậu…Lá thư của em còn đây- lá thư với những nét chữ tròn trịa, nhưng nhạt nhòa, chữ được chữ mất. Chắc em đã viết bức thư này trong cơn xúc động nhất.  Cám ơn  em, người vợ thương yêu đã giữ lại cho anh một chút kỷ niệm khó phai, một chút gì an ủi còn lại trong cuộc đời xa xứ của anh, cũng như của bao nhiêu con người khác cùng cảnh ngộ.  Em và con bây giờ ở đâu?

VÂN HẢI NGUYỄN XUÂN HÙNG

Viết tại Nghênh Phong Các thuộc thành phố Santa Ana, California buổi tối của một ngày cuối tháng ba năm 1993.

No comments:

Post a Comment