Friday, May 5, 2017

SỰ TRỖI LÊN CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC OÁN HẬN. JUSTIN E.H. SMITH


Nguyễn Ước chuyển ngữ



Lời người dịch:
Cuối thập niên 1980, Chiến tranh Lạnh kết thúc, lớp lớp bàn chân con người đang phơi phới đi vào cuộc toàn cầu hoá khởi đầu một thiên niên kỷ mới bỗng chững lại với biến cố 9.11.2001 tại Mỹ. Liền đó, cuộc đụng độ giữa các nền văn minh thổi bùng lửa chiến tranh. Rồi cơn hưng phấn vào cái gọi là Mùa xuân A Rập 2011 chợt lụi tàn. Và tới cuối 2016, Brexit tại Anh cùng kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ nổ ra như hai trận đại địa chấn, làm rúng động không chỉ Châu Âu và Hoa Kỳ mà còn khắp thế giới, dội tới Việt Nam. Khắp nơi không bao trùm khói lửa bom đạn thì ngùn ngụt hận thù hoặc chán chường, oán ghét; lợi ích giữa các tập đoàn đa quốc gia câu kết với với tầng lớp ưu tú thân tộc bản địa ngày càng mâu thuẫn kịch liệt với dân chúng, khiến vực sâu giàu nghèo thêm mênh mông; cả vạn thây người tị nạn trôi dập dềnh, v.v. Cái gì quả thật đang xảy ra vậy? Tại sao lại như thế? Nó sẽ tác động ra sao và rốt cuộc, đưa loài người tới đâu? Trong khi giới truyền thông vất và phản ánh hiện thực, quần chúng ngơ ngác nhìn nhau thì giới hàn lâm vắt óc tìm đáp án.          
Bài dưới đây được dịch từ bản văn The rise of vindictive nationalism của Justin E.H. Smith, đăng trong Harper's Magazine, số February, 2017, tt. 84-87, mục Blood and Soil (Máu và đất). Tác giả, theo lối xuôi dòng nghĩ tưởng, điểm cuốn sách Age of Anger: A History of the Present (Thời đại thịnh nộ: Một lịch sử thời hiện tại) của Pankaj Mishra, Nxb Farrar, Straus and Gioux, 2017, 416 trang.           
Pankaj Mishra sinh năm 1969 tại Uttar Pradesh, Ấn Độ, tốt nghiệp Thạc sĩ Văn chương Anh của Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi. Ông là nhà văn viết tiểu thuyết và tiểu luận lịch sử cho nhiều tạp chí uy tín ở Mỹ, Anh và Ấn Độ. Với 9 cuốn sách đã xuất bản, năm 2014, ông nhận hai giải thưởng lớn là Leipzig Book Prize for European Understanding với cuốn From the Ruins of Empire, và sau đó, giải Windham Campbell Literature Prize về thể loại phi hư cấu, do Đại học Yale thiết lập. (en.wikipedia.org). Cuốn sách được điểm này là tác phẩm mới nhất của ông, trong đó, ông nỗ lực lý thuyết hóa những biến cố chính trị và văn hóa chấn động trong khoảng hai chục năm qua
Người điểm sách, Justin E.H. Smith, sinh năm 1972 tại Nevada, Mỹ, Tiến sĩ Triết Đại học Columbia (Mỹ) năm 2000. Trước đó, năm 1997-98, ông làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Münster (Đức); hiện là giáo sư lịch sử và triết học khoa học tại Đại học Paris 7 - Denis Diderot. Cộng tác với các tạp chí nổi tiếng ở Mỹ và làm chủ bút bao quát Cabinet Magazine. Ông là tác giả nhiều sách nghiên cứu; mới nhất là cuốn The Philosopher: A History in Six Types (Princeton, 288 trang), đoạt giải 2017 PROSE Award in Philosophy, Association of American Publishers. (en.wikipedia.org).
Có thể nói, đây là tiếng nói của hai học giả thuộc hai thế hệ, ở hai phương trời Á và Âu. Những nhận định có hệ thống của J.E.H. Smith cùng các trích văn đâu đó của P. Mishra cho thấy nguồn gốc xa và nguyên nhân gần của chủ nghĩa dân tộc oán hận ở Tây phương và thấp thoáng ở Đông phương, qua hình ảnh Ấn Độ. Quá trình lịch sử đi suốt từ phong trào Khai phóng trong thời hiện đại qua thời buổi hậu hiện đại, với những sức mạnh và tác động có nội hàm trọng đại hơn, luồn sâu hơn vào tâm thức cùng phủ bóng lớn lao lên các diễn viên chính trị thời đại, cho dẫu họ là nguyên thủ quốc gia. Hậu quả khôn lường của nó không chỉ là hỗn loạn chính trường, mà còn hoang loạn đời sống mỗi người trên hí trường mỗi dân tộc và giữa các dân tộc…
N Ư.

Tôi đang viết từ nước Đức, thành lũy lớn lao sau cùng của thể chế dân chủ tự do. Tháng Sáu năm ngoái, nước Anh đột ngột rơi vào cuộc Brexit [ra khỏi Liên hiệp Châu Âu – ND]; tới tháng Mười một, nước Mỹ đột ngột sa xuống với việc bầu lên Donald Trump [1946–  ND]. Chừng nào loài người còn tồn tại, chừng đó chúng ta còn thảo luận sôi nổi với nhau đủ thứ về đề tài “Tây phương là gì”, nhưng với sự sụp đổ của nó vào ngày Thứ Ba 8.11.2016, dường như nó đang ở quá bên kia vấn đề. Có lẽ Angela Markel [1954– ], thủ tướng Đức, là trái tim còn đập yếu ớt trong một thân thể liệt não, nhưng đang có lời tiên đoán rằng, chẳng bao lâu nữa, phích cắm sẽ bị rút.
Thật xác đáng việc có thể truy tầm được bao nhiêu dấu vết của trật tự toàn cầu hiện nay nơi bản sắc của các con người đã được tôi luyện ở Đông Bá Linh và Dresden trong thập niên 1980. Markel trải qua những năm hình thành của mình trong các nhóm thanh niên Tin Lành, nhưng tới năm 1989, bà xuất hiện như một loại mật mã hậu ý thức hệ (postideological cipher), một chính trị gia có thiên tư quản trị đầy ấn tượng, lại ít bị cản trở bởi những xác tín của mình. Trái lại, Vladimir Putin [1952– ], từng làm phái viên KGB tại một thành phố loại nhì của Cộng hoà Dân chủ Đức khi Bức tường Bá Linh sụp đổ. Trung thành với đế chế mình phục vụ, Putin về sau mô tả sự sụp đổ của Liên Sô là một thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20, và từ đó, ông hiến cuộc sống mình nhằm tái dựng nó, chầm chậm và kiên định.
Putin, kẻ được Trump nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ, cũng là một mật mã. Con người này có khả năng ve vãn Chính thống giáo Nga và chủ nghĩa liên-Slave, tuy thế người ta có thể nghe được những chiều sâu mà ông có, hoặc thiếu, một cách rất chính xác bằng cách quan sát lần ông trình diễn nổi tiếng bài hát “Blueberry Hill” trong cuộc dạ hội từ thiện năm 2010; tính chất u ám của nó làm người ta hãi hùng. Trong tiếng nhạc gò ép nhạt nhẽo, nó khiến cho bạn có thể mường tượng một đêm hát karaoke của các điệp viên không bao giờ uống rượu và đang làm nhiệm vụ, diễn ra như thế nào. Bản thân Trump không là kẻ bám chặt hệ tư tưởng dân tộc sắc tộc chủ nghĩa; ông là một “trùm” bất động sản có phẩm cách rất thấp ở New York, kẻ bị những vặn vẹo, bóp méo của truyền thông đại chúng ấn vào vai trò mà ông cực kỳ không xứng hợp. Điều này không ngăn nổi những người sắc tộc chủ nghĩa mộc mạc, như Steve Bannon [1953- ], nhà điều hành truyền thông cực hữu trở thành chiến lược gia trưởng của Trump, rê chiếc áo đuôi tôm của mình lên chiếc ghế quyền lực.
Putin, Markel và Trump là những chiếc bình rỗng cho sức mạnh của lịch sử tuôn vào. Trong ba nhà lãnh đạo ấy, không người nào chọn lựa các sức mạnh được họ ngày càng thể hiện; ngay cả Trump cũng không hiểu rõ những dòng chảy mà ông đang vận hành thành luồng. Có vẻ như ông vẫn tin rằng mình chỉ đơn giản là đang giao dịch cho nước Mỹ. Sự hiểu biết ít ỏi của Trump về địa chính trị khiến ông không thể nắm bắt được cái quả thật mình đang làm, đó là đầu hàng hệ tư tưởng của chủ nghĩa Âu-á (Eurasianism) – một sự sắp xếp thành hình thể toàn cầu đặc biệt, trong đó nước Nga, bá quyền duy nhất còn lại trên hành tinh này chịu đựng sự hiện hữu tiếp tục của Mỹ, như một thuộc quốc dân tộc chủ nghĩa da trắng. Thật đáng kinh ngạc khi thấy mức độ ý nghĩa lịch sử thế giới mà các nhân vật đó sở đắc, tuy không có vẻ như những cao thăng địa vị đã và đang trở thành dấu xác nhận tiêu chuẩn của khoảnh khắc hiện thời.
oOo
Tôi luẩn quẩn ở Berlin từ thập niên 1990 – đủ để nhớ lại thời gian những cuộc hòa tấu nhạc rock tại phần phía đông thành phố được tổ chức dưới tầng hầm các giáo đường, khi địa điểm của đức tin cũng là địa điểm kháng cự, nơi thanh niên nam nữ tụ tập ngoài tầm mắt của nhà nước để tha hồ nhún nhảy chống Cộng sản. Chúng tôi có khuynh hướng xem nhún nhảy là một hành động chống lại sự phục tùng nhà cầm quyền, nhưng trong Age of Anger, cuốn sách mới mẻ, chính xác và sắc sảo của Panhaj Mishra, đưa ra cái nhìn phức tạp hơn. Tuy những người nhún nhảy ấy không cúi đầu trước ban nhạc ở ngay trước mặt mình nhưng động thái của họ hoàn toàn không khác với cái diễn ra trong buổi phụng vụ ở nhà thờ hay trong các cuộc tụ họp tập thể. Việc am hiểu hiện tượng này chuyển dạng chính xác như thế nào thành hiện tượng kia – cách cá nhân chuyển động từ sự diễn đạt sôi động công khai tính chất cá nhân của mình thành tính chất siêu việt của bản ngã trong một tập thể bị tăng nạp – mà theo biện luận của Mishra, thì quan trọng, để giải thích sự vừa mới trỗi lên của chủ nghĩa dân tộc oán hận trên khắp thế giới.
Chúng ta đã biết rằng nhiều người trẻ vui thích nhảy múa dưới ảnh hưởng của ma túy và âm nhạc trong trạng thái phiêu diêu lâng lâng, sẽ sớm sa vào ảnh hưởng của các thủ lĩnh giáo phái rối loạn tâm thần. Chúng ta giờ đây cũng biết rằng những trại chủ tại mạn Tây mênh mông của nước Mỹ, những kẻ tự nhận dạng mình là người theo chủ nghĩa tự do, đã bỏ phiếu cho một kẻ độc đoán lên nắm chính quyền. Cuốn Age of Anger được viết xong sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit và trước cuộc chiến thắng của Trump, nhắc cho chúng ta nhớ rằng chuyển động biện chứng giữa hai thái cực – giữa khát vọng được là chính mình và khát vọng được thuộc về cái gì đó lớn lao hơn bản thân mình – là đặc điểm của đời sống chính trị Tây phương kể từ thời Khai sáng. Mishra nhìn thí dụ điển hình cho động lực ấy tại Đức vào cuối thế kỷ 18, nơi cuộc nổi loại do triết gia Johann Gottfried Herder [1744–1803] dẫn đầu, và Goethe [1749–1832] cùng Schiller [1759–1805] đại chúng hóa, chống cái bị nhận thức là “chủ nghĩa trí thức hẹp hòi” của phong trào Khai sáng ở Pháp
“chuyển thành phong trào có tên là Sturn und Drang, căng thẳng và thúc bách, tiền thân cốt tủy của cuộc Cách mạng Lãng mạn, cái đã làm chuyển biến thế giới bằng tính chất chủ quan năng động của nó. Ủng hộ viên của nó là các sinh viên với lối ăn mặc xộc xệch, tóc dài, đam mê tính dục và ma túy. Họ là nguyên mẫu của các nhân vật theo phong trào phản văn hóa trong thời đại chúng ta. Những thanh niên nam nữ đó lưu giữ cảm giác và sự nhạy cảm chống lại cái tao nhã Pháp, cùng lòng kiên quyết tìm cho ra và cất giữ thiêng liêng tinh thần Đức độc đáo.”
Như Herder van nài trong bài thơ Gửi người Đức của ông:
      Hãy nôn chất nhờn gớm ghiếc của sông Seine ra
      Hãy nói tiếng Đức
      Người Đức ơi!
Ở thời điểm đó, lời khẩn khoản ấy không là lời tuyên bố về tính ưu việt của người Pháp hơn người Đức; Herder chỉ đơn thuần nhấn mạnh phẩm giá, sự bình đẳng thật sự của một quốc gia không chấp nhận thuật ngữ bị giả định là có tính phổ quát, được du nhập từ Pháp: bình đẳng (égalité).
Chào đời tại Ấn Độ vào cuối thập niên 1960, Mishra nói rằng cái rất lôi cuốn ông tới các nhà văn và nhà tư tưởng Đức là thiên hướng
“liên quan rất nhiều tới việc giáo dưỡng tôi trong một xứ sở giống với nước Đức từng có thời…là kẻ đến sau cái hiện đại, và trong một thời gian rất dài, những người dân tộc chủ nghĩa của nó bị cáo giác là kẻ yếu đuối và nhận thức chậm chạp, giờ đây [Ấn Độ] đang phấn đấu để chế tạo một Tân Ấn Độ kiêu hãnh. Đối với tôi, không thể xem là trùng hợp ngẫu nhiên việc một số nhân chứng sắc bén nhất của kỷ nguyên hiện đại là người Đức, những kẻ được mạ kẽm bằng những nỗ lực bức bối của xứ sở họ để ứng xử với Pháp và Anh, đã cho tư tưởng hiện đại những thành ngữ và chủ đề nổi bật nhất của nó.”
Trong kỷ nguyên những phân biệt chủng tộc hóa phi lịch sử (our era of ahistorical radicalizations) của chúng ta hiện nay, thật lạ lùng biết bao khi nghĩ rằng Đức, một mẫu mực “nhân chứng” mới đây, từng có thời bị xem là thuộc tùy và ngoại biên, kẻ đến sau cái hiện đại.
Nhưng chắc chắn không thể nói y như thế về Mỹ đương đại. Theo Mishra, “Trump dẫn đầu sự bột phát của người dân tộc chủ nghĩa da trắng thịnh nộ vì bị lừa bịp bởi những người tự do chủ nghĩa bị  toàn cầu hóa,” những kẻ mà họ cảm thấy rằng về cơ bản, có những lợi ích riêng và có chung bản sắc với các thành viên của giai cấp ưu tú (elite class). Phải chăng điều ấy cho thấy rằng những vận động chính trị chống ưu tú, thí dụ phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ tại quê hương của Mishra, không bị hạn chế bởi cái gọi là tính chất ngoại biên toàn cầu? Hoặc phải chăng thay vì thế, nó cho thấy rằng nước Mỹ ít có tính trung tâm hơn chúng ta nghĩ? Người ta có thể biện luận rằng Mỹ, theo cách của nó, là kẻ tới sau, một chỗ nước đọng. Tuy thuộc phần Bắc Đại tây dương nhưng Mỹ cũng gồm cả một lục địa trải rộng tới Thái bình dương; nó đã phải xâm chiến mới có, tẩy rửa chủng tộc, tái định cư người nghèo khó và dựng lên trên lưng người nô lệ. Thật không ngạc nhiên việc những hậu duệ của cuộc bạo động lịch sử không kể xiết ấy lúc này có vẻ khá choáng váng trong nỗ lực diễn đạt cái gì tốt nhất cho mình về mặt chính trị. Còn người Anh thì sao?  Nếu có một quốc gia không nằm ở ngoại biên thì chắc chắn đó là nước Anh dù sự bành trướng đế quốc của nó xác định sự phân biệt rất rõ giữa tâm điểm và đường biên, từng được lưu giữ trong nhiều thế kỷ. Nhưng chính dân Anh đã bỏ phiếu để ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, và dường như đang bắt đầu cuộc tháo gỡ vĩ đại ấy.
Đối với Mishra, cuộc trưng cầu dân ý Brexit và sự trỗi lên của Trump thuộc phần “cuộc khủng hoảng tính chính đáng” (crisis of legitimacy) rộng lớn hơn mà thể chế dân chủ tự do đang đối mặt. Ông biện luận rằng tình trạng sa sút của các nghiệp đoàn lao động cùng những bảo hộ của chính phủ đã biến công nhân trong thế giới phát triển thành “giai cấp bấp bênh” (precariat) bị vong thân, và biến các nền văn hóa của Mỹ và của Châu Âu thành sức mạnh nổi dậy, đang trỗi lên và đang tháo gỡ sợi xích kiềm chế sự tàn phá. Trong ressentiment (oán hận) của mình – một từ ngữ [Pháp] được Nietzsche [1844–1900] dùng để định nghĩa “một cảnh giới run lẩy bẩy toàn bộ, mang tính trả hận ngấm ngầm, bất tận và không thể nào thỏa mãn trong những bùng nổ của nó – các cử tri Mỹ đã bầu một kẻ có phong cách phản chính trị gia, công khai bày tỏ lòng khinh miệt các định chế cùng truyền thống chính trị Mỹ. Tháng Mười hai [năm 2016] ông ta làm một cuộc du hành chiến thắng quanh nước Mỹ. Người ủng hộ ông – những cá nhân xơ xác te tưa giờ đây sẵn sàng cúi đầu trước Trump như một Thiên Vương (God Emperor) – cảm thấy rằng mình cũng là người chiến thắng. Chiến thắng, khải hoàn và sự đánh bại đối phương là tất cả những gì còn lại.
Toàn cảnh bao quát là, nếu chủ nghĩa cá nhân cùng chủ nghĩa tập thể tại các cực điểm của nó chỉ là một trục của mặt phẳng Descartes vốn cũng bao gồm sự đối lập của những cái mà từ cuộc Cách mạng Pháp, chúng ta gọi là tả và hữu. Dĩ nhiên trong thực tế, có chuyển động quả lắc đầy ý nghĩa giữa hai cái đó. Trong trạng thái cực kỳ kích động mang tính sùng bái thần bí, người nông dân nổi loạn theo chủ nghĩa Mao lao mình vào chỗ chết có thể cảm thấy giống y như người phi công Nhật Bản đọc Goethe trong lúc chuẩn bị phi vụ thần phong cảm tử của mình. Gần đây hơn, Steve Bannon thú nhận rằng các sách lược của ông là để thúc đẩy những trận quyết đấu của phía cực tả. Năm 2013, Bannon nói với một ký giả rằng: “Lê-nin muốn hủy diệt nhà nước. Mục đích của tôi cũng vậy. Tôi muốn làm cho mọi sự tan tành sụp đổ, và hủy diệt toàn bộ thiết chế hôm nay.”
Mishra được hòa hợp sắc nét sự thụ phấn chéo ý thức hệ ấy. Ông vạch rõ ra rằng các phong trào bạo động tập thể, dù khác nhau tới mấy đi nữa, cũng thường chung chia lòng căm thù mang tính tự mãn trưởng giả tự do chủ nghĩa. Nhiều nhà tư tưởng chính trị và nhiều kẻ sách động được ông luận bàn, dịch chuyển sự thành tín của họ từ cực này sang cực kia, một chuyển động thường chỉ cần một bước nhỏ chứ không đòi hỏi phải kiểm tra toàn bộ quan điểm điều chỉnh. Như trong trường hợp Gabriele D’Annuzio [1863–1938], nhà phiêu lưu và tác giả quí tộc, kẻ buông bỏ chủ nghĩa xã hội để theo chủ nghĩa phát-xít và lãnh đạo Nhiếp chính Carnaro, một nhà nước đoản mệnh trong một nhà nước, Mishra thấy một kiểu mẫu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bạo động mà về sau sẽ hấp dẫn các không tặc 9/11 [ở New York, 2001] và những kẻ đánh bom tự sát của Nhà nước Islam.
D’Annuzio và Osama bin Laden [1957–2011] là những linh hồn có quan hệ thân tộc: những kẻ cuồng tín vượt-ra-ngoài-hiện-hữu, có khả năng chọn lựa nếu họ muốn, sống hết đời mình như những tay chơi phi chính trị. Tới lượt những kẻ được họ ra sức tuyển mộ mà một cách điển hình, không là những kẻ “nghèo nhất trong những người nghèo, hoặc thành viên trong giới dân quê hay giai cấp dưới chốn thành thị”, mà là “thanh niên có học, thường thất nghiệp, di dân sống ở thị trấn, hoặc những kẻ xuất thân giai cấp trung lưu bậc thấp”. Người cực kỳ nghèo thì bị vong thân khiến họ chỉ nhận biết lờ mờ việc mình bị gạt ra khỏi cái gì đó. Người phát-xít Ý, người thánh chiến Saudi Arabia, và các cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Trump, đều bị dẫn đạo bởi khát vọng tăng tiến địa vị dù nó kết đôi với xung động tự hủy diệt, vốn không tương hợp với sự theo đuổi một cuộc sống tốt hơn.
Dĩ nhiên có các kiểu đa dạng trong những kẻ ghi tên đi theo chủ nghĩa phát xít, từ người lao động đang vật lộn, chán chường với đồng lương sụt giảm, tới người trí thức đang choáng váng, hi vọng có sự chuyển đổi mọi giá trị. Có thể xếp những kẻ ủng hộ Trump theo chuỗi hàng dọc bao quát y như vậy, từ người cảm thấy bị phản bội do sự đánh mất giấc mộng Mỹ tới người nghĩ rằng giấc mộng Mỹ dành cho các chuẩn mực khờ khạo, và muốn triệu một thế giới mới thành hiện thực bằng pháp thuật, y hệt Pepe the Frog, nhân vật hóa thân trong truyện hoạt hình của phái cực hữu dân tộc chủ nghĩa da trắng. Đối với loại người thứ hai vừa kể, cũng như đối với những kẻ xuất bản tạp chí tuyên truyền Dabig của Nhà nước Islam, thì hoạt động chính trị là mục tiêu hàng đầu. Thậm chí khi nó có vẻ đang tiến hành theo phương thế nghị trường bình thường thì nó vẫn chỉ là trò chơi của sức mạnh, và trong sự ổn định nhất của mọi thời đại, luật pháp chỉ có ý nghĩa chừng nào chúng được tôn trọng, hoặc khi không được tôn trọng thì cưỡng bách thi hành. Khi nào và ở đâu luật pháp được thi hành, với lợi thế và bất lợi của nó, là một phần của vở tuồng hát, rất giống với cuộc tấn công khủng bố chiếm trang nhất tờ báo. Như thế, chúng ta có thể nghĩ rằng kẻ khủng bố cũng như các diễn viên chính trị phản chính trị kia đều làm ra tấn tuống ăn khách, táo bạo và có thị kiến.
Loại táo bạo này khó kéo dài vì nó có khuynh hướng bộc phát vào các khoảnh khắc riêng rẽ: cuộc Cách mạng Islam tại Iran năm 1979, cuộc cách mạng Trump tại Mỹ năm 2016. Những biến cố ấy cung cấp khán giả, những kẻ rất muốn có vẻ táo bạo với cơ hội tỏ dấu từ khước một Tây phương tự mãn tự do chủ nghĩa, bằng cách đưa ra sự ủng hộ một thay đổi cực đoan và đột ngột tiến hành. Khoảnh khắc Michel Foucault [1926–84] xem là táo bạo, đến với cuộc Cách mạng Iran [1979] mà ông gọi là “cuộc khởi nghĩa đầu tiên và vĩ đại chống hệ thống toàn cầu, một dạng nổi loạn hiện đại nhất và cuồng điên nhất.” Sau đó một thế hệ và trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm ngoái [2016], Slavoj Žižek [1949-  ], nhà tư tưởng Slovania, kẻ xây dựng sự nghiệp từ sự thể hiện một loại du ca, đã mang chủ nghĩa khuynh tả Trump ra công khai khi ông nói với một nhà báo rằng ông sợ Hillary hơn đối thủ của bà ấy.
oOo
Mishra thiết lập một trường hợp hấp dẫn rằng nhà tư tưởng hiện đại đầu tiên của Tây phương đã xây dựng căn cước trí thức của mình trên sự từ khước lòng mộ đạo bình thường Tây phương, không ai khác hơn Jean Jacques Rousseau [1712–78]. Ngày nay, dĩ nhiên lý thuyết gia khế ước xã hội người Geneva ấy đã hoàn toàn bị bình thường hóa và qui điễn hóa khiến cho truyền thống cách mạng trung khuynh được ông tấn phong giờ đây chỉ vỏn vẹn là hồi ức. Tuy nhiên, vẫn còn có thể thấy rằng việc từ bỏ toàn cầu những hy vọng và hứa hẹn của thể chế dân chủ tự do đã bắt đầu, cho dù chúng ta sẽ tiếp tục xem bạo lực bùng nổ, mà chúng ta cho tới gần đây, do bản chất đặc biệt của các chiến binh thánh chiến Islam như cái gì đó ngoại lai với bản chất của chúng ta ở đây, tại Châu Âu và Bắc Mỹ.
Những nỗ lực của chúng ta nhằm sở đắc mọi cái trong trật tự, trục xuất chủ nghĩa cực đoan đồng thời dẫn đạo cuộc sống an nhàn bên trong một xã hội được cấu trúc trên những nguyên tắc của lý trí, ngay từ lúc mới khởi sự, đã có khả năng sụp đổ. Dường như mọi nỗ lực sốt sắng xây dựng xã hội một cách lý trí, ở một điểm nào đó, chúng đã đi quá, và như thể theo định luật tự nhiên, trở thành bạo động phi lý trí. Lúc này, có thể chúng ta đang chứng kiến cái bắt đầu của một sự kiệt sức không thể đảo ngược của thể chế dân chủ tự do. Trong quá trình thay thế cái hệ thống cũ và khó thắng ấy, đang hiện hữu một hình thức mị dân toàn trị. Nó xuất hiện như một biểu lộ ý chí đại chúng của nhân dân, những kẻ không cho rằng mình là kẻ thù của truyền thống chính trị Mỹ, mà trái lại, còn ao ước phục hồi sự vĩ đại của Mỹ. Nó là một phong trào từ khước một cách hân hoan những sự kiện cùng những luận cứ, để thiên về cảm xúc, sự đồng dạng bầy đoàn đầy đam mê và khía cạnh kích dục của bạo động.
Người ta ngần ngại không dám công nhận có sự chân thật nhất định nơi thị kiến của những kẻ đang tìm thấy tính đáng mong ước trong tự thân những bùng nổ chính trị táo bạo, một sự chân thật đang vuột mất nơi những kẻ rất thích sử dụng bạo lực làm công cụ để khiến cho xảy đến – dù không thể nào – một tương lai thái bình và an nhàn được xây dựng trên những nguyên lý của lý trí. Mishra cho thấy điều ấy được minh họa rõ nét nhất trong sự bất đồng ý kiến đầy cay đắng vào thập niên 1760 giữa Rousseau và Voltaire [1694–1778] về cách tiến hành tốt nhất, dành cho các dân tộc ở Đông Âu.
Voltaire đã làm cho mình giàu có hơn khi ông như một triều thần được nữ hoàng Catherine Vĩ đại [1729–96] ưu ái. Với sự tiếp tay của ông, nước Nga trở thành một cực đầy uy tín của phong trào Khai sáng, một trung tâm học hỏi và văn hóa. Nhưng nước Nga làm điều đó theo cung cách như nhất từ trên xuống dưới với sự che chở của đấng quốc chủ. Có thể Rousseau xem cái được nữ hoàng Catherine thành tựu là cái về sau bị nhà văn hóa và sử gia René Girard [1923–2015] gọi là “sự bắt chước đúng và chính xác”. Phong trào Khai sáng của Nga phần lớn là hình thức, một kiểu cách nhập cảng, và toàn bộ là sự thịnh nộ trong giới quí tộc của xứ sở đó, những kẻ đặt căn bản kinh tế của họ trên chế độ nông nô.
Điều đó chẳng chút nào kềm hãm thiện cảm của Voltaire dành cho các nỗ lực của Catherine. Quả thật ông tin rằng bà cần phải làm cho phong trào Khai sáng lan rộng hơn nữa, bằng sức mạnh, và ông cổ vũ nữ hoàng ấy “dạy cho phong trào Khai sáng Châu Âu trong khi chĩa mũi súng vào người Ba Lan và người Thổ Nhĩ Kỳ.” Đối với Rousseau, tiếp cận ấy sai lầm và vô ích. Trong The Social Contract (Khế ước xã hội – 1762) ông qui trách nhiệm cho một trong những người tiền nhiệm của Catherine, đó là Peter Đại đế [1672–1725], kẻ đã
“ao ước sản xuất ngay lập tức người Đức hoặc thời Khai sáng khi ông nên bắt đầu bằng việc làm ra người Nga; ông đã cản trở thần dân không bao giờ trở thành cái mà họ có thể là, bằng cách thuyết phục rằng họ là cái mà họ phải là.”
Mishra gọi điều đó là “sự tự phân chia đầy đau đớn” của sa hoàng ấy; nó đủ tệ khi bị đấng quốc chủ áp đặt lên chính đất nước của ông; còn khi nó bị áp đặt bởi kẻ bên ngoài, thông qua chủ nghĩa đế quốc, thì phản ứng thích hợp duy nhất là sự kháng cự. Như Rousseau đã viết, nếu người Ba Lan “thấy rằng không bao giờ có người Ba Lan trở thành người Nga, tôi bảo đảm rằng Nga sẽ không bao giờ chinh phục Ba Lan.” Bản sắc văn hóa riêng biệt luôn luôn là một rào cản chống lại sự khống chế ngoại lai, và không bao giờ có thể bị bẻ gảy.
Bất đồng của Voltaire và Rouuseau “về ý nghĩa của cái hiện đại dành cho các dân tộc chậm tiến ở Đông [Châu Âu]” theo Mishra, “có các hàm ý sâu xa nhất.” Voltaire đã viết văn bản nguyên gốc (urtext) cho người tân bảo thủ, những kẻ âm mưu xâm lăng Iraq năm 2003 và cố sức xuất cảng thể chế dân chủ tự do Tây phương; Rousseau thấy trước các chiến binh thánh chiến Islam, những kẻ giành quyền kiểm soát giữa sự hỗn độn do cuộc xâm lăng thất bại ấy để lại. Ai đúng? Mishra với phạm vi nghiên cứu rộng rãi, đã làm rõ ra rằng thật vô lý tới nực cười khi chọn ra ai đúng ai sai ở đây. Hễ khi nào chủ nghĩa phổ quát của Voltaire được áp dụng, thì nó là một sức mạnh mù lòa và hủy diệt. Sự kháng cự của Rousseau từ bên dưới, một cách tối hậu, sẽ luôn luôn tối tăm thêm lên, nếu nó không bắt đầu diễn ra theo cách đó.
oOo
Điều này có sẵn chứng cứ ngay trong giai đoạn đầu của thời Khai sáng ở Đức. Khi Herder kêu gọi đồng bào mình hãy nôn chất nhờn của sông Seine ra, thì các bộ ngực Đức phồng lên kiêu hãnh. Trong thơ của người kế tục Herder, thi sĩ Ernst Moritz Arndt [1769–1860], sự từ khước chủ nghĩa phổ quát Pháp bắt đầu với âm thanh nghe như tiếng trống trận: “Hãy để sự oán hận (mang tính Pháp: resentiment) này cháy âm ỉ như tôn giáo của công dân Đức, như thần chú thiêng liêng trong mọi con tim, và hãy để nó bảo tồn chúng ta trong sự trung tín, chân thật và dũng cảm của chúng ta.” Trong Heinrich von Treitschke [1834–96], viết thời Đệ nhị Đế chế Đức của Bismarch vào thập niên 1870, chúng ta nhìn thấy rõ ràng một yếu tố sâu xa hơn, trong giai điệu tiếng tiêu dẫn nhập và vượt lên trên tiếng trống trận. Treitschke phàn nàn rằng Heinrich Heine [1797–1856], thi sĩ vĩ đại Đức gốc Do Thái “không bao giờ viết tiêu ca”. Ông nói, “Heine có “linh hồn/tinh thần – esprit”, cái mà lúc này không cách gì là Geist (linh hồn/tinh thần – spirit) trong ý nghĩa Đức.” Bản thân Heine hiểu rõ sự nối kết giữa tinh thần đang trỗi lên của chủ nghĩa đặc thù dân tộc Đức (German national particularism) ở mặt này, và sự oán ghét người Do Thái ở mặt kia. Ông viết: “Những kẻ tận hiến mang tính Pháp (the French-devourers) thích sau đó nuốt người Do Thái để làm món tráng miệng ngon lành.” Mishra diễn đạt điều đó một cách bộc trực hơn: “Mặt bên kia của chứng sợ Pháp là bài Do Thái.” Chủ nghĩa dân tộc mềm (soft nationalism), sự phòng vệ của đặc thù chống lại sự xâm lấn của phổ quát, luôn luôn có nguy cơ đi quá, trở thành chủ nghĩa dân tộc cứng (hard nationalism), tẩy rửa chủng tộc, bách hại (sách nhiễu) và diệt chủng.
Tại Đức, nó đã đi quá. Chúng ta biết điều đó. Heine cũng biết điều đó. Ông viết năm 1834 rằng “Một vở kịch được trình diễn tại Đức sẽ khiến cho cuộc Cách mạng Pháp trông giống cảnh điền viên hồn nhiên.” Lời tiên trí ấy thành sự thật với sự bùng nổ Thế chiến Thứ nhất, cái mà nhà trí thức hiếu chiến Ernst Jünger [1895–1998] gọi là “lò rèn trong đó thế giới sẽ được gò thành những cộng đồng mới cùng những giới hạn mới.” Nietzsche đưa lời tiên tri tương tự dù ông nói với số nhiều: “Sẽ có những cuộc chiến tranh như thể chưa bao giờ thấy trước đây trên trần thế.”
Kể từ khi thế giới bị tái rèn gò bởi trận thế chiến nhằm chấm dứt mọi cuộc chiến tranh ấy cho tới nay đã một trăm năm. Nhưng rồi vẫn xảy ra một trận thế chiến khác, lớn lao hơn gấp bội, và thế giới lại được tái rèn gò thêm lần nữa. Những giới hạn mới và những cộng đồng mới đã gắn kết với nhau trong một thời gian, nhưng giờ đây, có vẻ lời tiên tri của Nietzsche lại khả thi hơn bao giờ. Lúc này, tôi đang nhìn ra ngoài, qua cửa sổ của mình ở Leipzig tới đài tưởng niệm sức mạnh của công nhân, đang rạn nứt. Tôi chẳng có cảm giác gì ngoài nỗi khiếp hãi, khi tính phi lý trí, sự oán hận (resentiment) cùng cơn thịnh nộ đang bao phủ toàn bộ trần thế bị nguyền rủa này.


No comments:

Post a Comment