nguyễn
xuân thiệp
Huệ Liên.
Tranh Võ Đình
Mùa hè qua, đọc lại
vài trang viết của Võ Đình trên bờ biển Destin, Florida (Võ Đình ra đi mới đó
mà đã 5 năm. Ôi, như mây kia…) tôi bắt gặp một đoạn nói Võ Đình thời thiếu niên
ở Huế đã đóng một cuốn vở cặm cụi chép thơ. Chỉ có thế thôi mà lòng cũng bâng
khuâng và rồi nhớ lại…
Tôi
có người chị họ, chị Thân Thị Bích Đào, hồi còn đi học thấy tôi yêu thơ Vũ
Hoàng Chương, chị bèn chép tặng tôi nguyên tập thơ Mây. Cố nhiên tập thơ đó nay cũng chẳng còn, nhưng kỷ niệm thì tôi
chẳng bao giờ quên.
Ngồi
nhớ lại Mây và Vân Muội, những tập thơ chép tay ngày ấy, tôi tự hỏi ngày nay còn
ai chép thơ công phu như thế không? Có ai về lại quê nhà, tôi nhờ níu áo mấy cô
Mực Tím hỏi giùm xem mấy cô còn yêu thơ và cặm cụi thức đêm chép thơ như tiền
bối của các cô không?
Chiều
nay, nhân lật lại chồng báo cũ, đọc những lời vàng ngọc trao đổi giữa hai ông
Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng (ôi, cả hai ông cũng đều đã đi về phía mây xa…)
Hứng chí sao đó một hôm hai
ông lôi nhau ra nói chuyện văn chương- tôi nghe lóm được một câu chuyện cảm
động về vụ chép thơ. Câu chuyện in trong tập Học Trò của nhà văn trẻ Hoàng Ngọc Tuấn (trẻ là vào thập niên
60-70, chứ giờ đây Tuấn không còn nữa …). Chuyện kể rằng có một cô nữ sinh Huế
yêu thơ. Cô tên Bích Câu. Mùa đông năm ấy, Huế cũng mưa dầm, nước sông dâng cao
như những mùa đông khác. Một buổi sáng, nhân vật xưng “tôi” trong truyện đi đò
qua nhà Bích Câu, thấy cô ngồi thả rơi lả tả những tờ giấy màu xanh xuống mặt
nước, mà mắt thì đỏ hoe vì mới khóc. Cậu lo lắng hỏi: “Bộ nhà hết gạo rồi hả?”
Hóa ra không phải. Bích Câu không phải khóc vì hết gạo mà khóc vì mưa làm ướt
tập thơ chép tay, món đồ quý nhất của nàng. Hoàng Ngọc Tuấn kể: “Nàng mua mấy
trăm tờ giấy pelure màu xanh khâu chỉ đóng thành một tập dày, có đóng bìa cẩn
thận. Rồi nàng ra công chép trong hai năm cả mấy trăm bài thơ.”
Nhân vật tôi trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn
bảo: “Bích Câu cứ ngồi âu sầu một chỗ mãi. Tôi nghĩ rằng nàng cứ ngồi lặng yên
như thế, cho đến khi biến thành một hòn sỏi lăn xuống nước, và tôi làm thế nào
tìm được một hòn sỏi nhỏ bé trong sóng nước mịt mù này.”
Võ Phiến kể lại câu chuyện, rồi kết luận:
“Bích Câu là châu báu của một thời đã qua, không bao giờ trở lại.” Và ông lẩn
thẩn ngồi ước mơ được nhìn thấy một lần nữa cảnh mùa đông các nàng tôn nữ ở Huế
ướt thơ, ngồi buồn hóa thành những viên sỏi. “Cảnh đó đẹp ơi là đẹp!” Ông nói.
“Nhưng hết rồi. Các nàng tôn nữ ấy đà tuyệt tích!”
Thi sĩ ơi, hãy mượn chùm phương thảo hú vía
thuyền quyên đi. Bích Câu không còn nữa. Kiếp này đã lỡ cơm lỡ gạo. Kiếp sau
đừng làm thơ mà làm anh thợ tóc. Chắc sẽ có một nàng Bích Câu đem đầu tới cho làm.
Nhớ trong lúc chải tóc gội đầu cho nàng đừng quên ư ử hát ôi tóc em xanh như đêm dài để người quên kiếp mai*, sẽ phê lắm, và có
tiền tip nữa cơ đấy!
Mùa hè 2014
NXT
*Phỏng theo ca từ Dòng Sông Xanh của Phạm Duy.
*Phỏng theo ca từ Dòng Sông Xanh của Phạm Duy.
No comments:
Post a Comment