Nguyễn
Quang Chơn
Duyên. NQC vẽ
Lữ Quỳnh, Duyên, Đinh Cường, Tùng, NQChơn
Virginia June 2015
Virginia June 2015
Hình
như trong sách Phật. Đời là duyên. Tình là duyên. Sắc là duyên. Có duyên thì kết
tụ. Vô duyên thì ly tan. Nói đến duyên, tôi lại nhớ chị Duyên, một người con
gái nhỏ nhẹ, nên thơ, mà cái tên đã bị "đóng cứng" trong văn học nước
nhà trước 1975 bởi những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất bấy giờ, đó là Nguyễn Tất
Nhiên, Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang..., chị là Bùi Thị Duyên, mà mới đây, cũng nhờ
duyên của anh Đinh Cường, chị Trần thị Nguyệt Mai mà tôi được quen biết, người
thơ của thi sĩ NTN tôi hằng ngưỡng mộ...
Chị
là người gốc Bắc, dĩ nhiên rồi, vì nào "Cô em bắc kỳ nho nhỏ..",
"Duyên của tình ta cô gái bắc"...ai cũng đã biết, nên chị có muốn là
người Nam thì cũng không được nữa rồi! Nay chị và anh Tùng, một kiến trúc sư
tài hoa, có một gia đình rất êm ấm ở Michigan. Anh chị cũng rất lãng mạn, văn
nghệ, và rất...giang hồ, thường xuyên rong ruổi miền xa mỗi khi có dịp. Năm
2014, tôi nhận email chị TTNMai giới thiệu "có vợ chồng Tùng Duyên về VN,
có ghé ngang ĐN, anh Chơn rảnh gặp cho vui". Tôi thì vốn mê bạn bè. Vậy là
xin email, cho số phone để hẹn. Nào lại "tuỳ duyên". Anh chị về đi
theo tour nên cũng không chủ định được ngày giờ. Và khi anh chị phone thì tôi
đang ở đất Bắc. Vậy là...vô duyên!...
Tháng
6.2015, anh Đinh Cường mổ prostate, tôi và anh Lữ Quỳnh bay từ SJ lên thăm. Máy
bay delayed mãi đến 23:00 mới về đến KS. Vừa check in đã nghe phone tiếng
"cô gái Bắc". Anh Chơn ở đâu Tùng Duyên ghé chơi. Trời. Thật chân
tình. Anh chị sợ chúng tôi đói nên đến đón đi ăn. Thôi khuya rồi. Ghé 7 Eleven
mua cái gì đó nhè nhẹ và ít bia rồi hẹn sáng mai cùng thăm hoạ sĩ ĐC...
Chị
Duyên quả xứng để...làm nàng thơ cho chàng thi sĩ tài hoa NTN. Ở tuổi U60 chị vẫn
còn dáng vẻ trẻ trung, hồn nhiên với đôi mắt sáng như cười, tóc cắt tém gọn
gàng, tươi vui. Chiếc foulard khoác hờ làm dáng, cho chị một nét thanh xuân nhẹ
nhàng mà kiêu sa..., thật đúng vẻ Bắc kỳ. Nhưng nhìn kỹ chị, tôi thấy chị cũng
là người dễ khóc, chẳng biết có đúng không...
Chiều
hôm sau chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn Quán với hoạ sĩ Đinh Cường và anh chị em
văn nghệ vùng Virginia, Maryland. Vui lắm. Trong cuộc hội ngộ này. Lần đầu tiên
chúng tôi gặp những người mà cứ hằng "kiến kỳ thanh" trên email, trên
blog, bây giờ mới..."kiến kỳ hình" như anh Nguyễn Minh Nữu với chiếc
xe màu lá mạ, anh Phùng Nguyễn tạp chí Da Màu, anh Phạm Cao Hoàng "đất còn
thơm mãi mùi hương"....
Đang
vui. Anh Phùng Nguyễn hỏi. Chị tên Duyên. Vậy chị phải biết Nguyễn Tất Nhiên với
người con gái tên Duyên. Rồi anh PCH cũng chêm thêm mấy câu chuyện nhỏ về NTN.
Đặc biệt anh Nguyễn Minh Nữu, người mê và thuộc nhiều thơ NTN, say sưa về chàng
thi sĩ đa tình này. Và, bỗng dưng, chủ đề quay sang nhà thơ tài hoa mệnh bạc...
Té
ra trong bàn tiệc. Ngoài anh ĐC và tôi, và chắc chắn là thêm anh Tùng nữa,
không ai biết Duyên này chính là Duyên nàng thơ đã đi vào văn học sử nước nhà.
Rồi đến đoạn cao trào. Mọi người bình bài "Duyên của tình ta cô gái Bắc" với khen chê dữ dội. Đặc
biệt là mấy câu " nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang, nhớ duyên dáng
ngây thơ mà xảo quyệt...", trời ơi, một chút rượu vang đỏ và một chút hứng
tình, câu nhớ câu quên, các anh sôi nỗi luận bình, tôi nhớ chị Duyên bào chữa,
thật ra bài thơ gốc không phải đúng như vậy, rồi chị đọc, mà có ai nghe đâu.
Anh ĐC vẫn im lặng không nói gì. Tôi lẳng lặng theo dõi chị. Tôi thấy chị cúi đầu.
Khoé mắt ươn ướt lệ ( hay là tôi tự nghĩ thế). Tôi lén chụp chị bức hình. Lát
sau, lúc chia tay tôi nói nhỏ. Chơn thấy rồi đấy nhé. Chị cười buồn...
Chị
Duyên làm thơ ít nhưng thơ chị nhẹ nhàng , lời thơ chị giản dị, chân tình. Chị
cũng vẽ. Chị thích vẽ chì đen. Vẽ những chân dung bè bạn...
Cuối
năm âm lịch vừa rồi chị một mình xuống thăm mẹ ở San Jose. Tôi và Tâm qua ăn tết
với Dũng Như. Lại "tuỳ duyên". Chúng tôi gặp nhau trong cà phê Lovers
với nhà văn Lữ Quỳnh, hoạ sĩ Trương Vũ, vợ chồng nhà thơ Hải Phương. Thật là
vui. Lần này thì mọi người đều đã biết. Duyên này chính là "Khiến người
tên Duyên, đau khổ muôn niên...." (PD)
Nguyễn
Quang Chơn
ĐN, 22.3.17
No comments:
Post a Comment