Wednesday, March 22, 2017

CHUYẾN VỀ CÀ MAU VÀ ĐỒNG THÁP (2)


Đỗ Hồng Ngọc

Sông nước mênh mông

Sen Đồng Tháp

Thư gởi bạn xa xôi,

Trên đường về Đồng Tháp thăm Tràm Chim ở Tam Nông, đoàn ghé Sóc Trăng ăn trưa, mua mấy thứ bánh pía, bánh hạnh nhân, còn ăn thêm chè đậu trắng sầu riêng nước cốt dừa đặc sản! Đúng là “hảo ngọt”!
Đường từ Cao Lãnh đi Tam Nông còn gặp những căn nhà cũ kỹ bên bờ đê còn sót lại những cây cầu dịu dàng dễ thương lắm. Nhưng cầu khỉ thì không còn thấy đâu nữa! Có lẽ sau này chỉ cón thấy cầu khi ở nhà Bảo tàng (mua vé vào coi) hoặc vài khu du lịch Đất phương nam. Nhớ anh Hai Trầu quá.
Đến Tam Nông đã quá chiều, không kịp đi Tràm Chim. Thôi để sáng mai. Mấy năm trước,  Tràm Chim xơ xác lắm mà nay đã sắp xếp lại rất khang trang, lịch sự, từ khu hướng dẫn đến khu vệ sinh!

                                                                Đồng tháp mười. trạm canh

Nhiều căn nhà nổi trên một vùng nước mênh mông, bát ngát. Tiếng đàn ca tài tử, tiếng nhạc bolero…  Tối quây quần nghe NTB “thuyết pháp’’ một lúc về Nhơn quả, về Duyên sanh, sau đó là buổi trình diễn văn nghệ bỏ túi. Trần Cung ôm đàn hát, Cường và mọi người hát theo…

Đàn hát

Người ơi mau về đây
Về bên bếp hồng tay cầm tay
Cười lên chan chứa tươi làn môi
Nhớ phút vui đêm này

(…) Ơi, bếp hồng sưởi ấm, bếp hồng tươi
Tiếng ca xa vời hát mừng, mừng lửa hồng tươi ...

Sáng thật sớm, lên đường vào Tràm Chim. Một chuyến đi bằng tắc ráng (vỏ lãi) dài 21km trên dòng kênh xanh xanh. Mênh mông tràm là tràm. Mênh mông sen là sen. Và chim. Đủ thứ chim,  chim còng cọc, chim cóc, chim cổ rắn… Có con còn giăng cánh ra phơi ngon lành. Khu cò như dành riêng. Ôi đủ thứ cò… Và cỏ. Và súng. Cỏ năng ống, cỏ lác, cỏ ma… Súng cơm, súng ma, súng cò bợt… Mình thực sự cảm động khi nghe cô hướng dẫn viên gọi tên các con chim là “bạn chim”…
Tràm chim

Năm nay nước nổi về muộn, mà ít. Độ sâu ở đây chưa tới 2m. Lại nhớ người bạn đồng nghiệp Ngô Thế Vinh báo động từ lâu: Mekong, dòng sông nghẽn mạch…

Mùa nước nổi

Gọi là mùa nước nổi nhưng năm nay nước chẳng về bao nhiêu. Sông nước cạn dần. Nhớ Ngô Thế Vinh. Anh vừa mới được giải thưởng đặc biệt rất xứng đáng cho 2 cuốn sách Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng và Cửu Long dòng sông nghẽn mạch… Có lần, anh kêu mình viết đôi dòng giới thiệu cho cuốn sách:

“Cứu lấy một dòng sông!

Khi một mạch máu nhỏ bị nghẽn sẽ đưa đến những tai biến đáng tiếc cho con người. Y học đã có thể can thiệp làm tan cục máu đông, đặt stent nong mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu by-pass để khơi thông dòng chảy. Không có máu đưa dưỡng khí đến, các tế bào không sản sinh được năng lượng cho sự sống. Cho nên, khi một dòng sông lớn như Cửu Long giang mà bị nghẽn mạch, ấy là cả một vùng đất mênh mông sẽ tắt đi nguồn năng lượng sống!

  Bạn tôi, người thầy thuốc đặt vội ống nghe lên lòng đất để kịp nghe nhịp đập thoi thóp của dòng sông. Anh lặn suối trèo non lên tận đầu nguồn, lắng nghe dòng sông thở, dòng sông rên… Anh kêu to cho mọi người nghe: Dòng sông đang nghẽn mạch. Dòng sông đang nghẽn mạch! Hãy cứu lấy dòng sông! Đừng để nó qua đời. Đừng để nó biến chứng thành một biển Đông dậy sóng!

Căn nguyên thì đã rõ. Chỉ vì lòng “tham sân si” của con người. Không gì khác. Lời kêu cứu của anh cũng đã được lắng nghe. Nhưng có muộn quá không khi can thiệp chỉ là những biện pháp chắp vá sơ cứu tạm thời mà không tìm thấy căn nguyên từ lòng tham không đáy của con người với nào muôn năm trường trị, nào nhất thống giang hồ, trường sinh bất tử…!

Người thầy thuốc đó là bác sĩ Ngô Thế Vinh, bạn tôi. Anh học cùng tôi dưới mái trường Y khoa đại học đường Saigon hơn nửa thế kỷ trước. Lúc còn là sinh viên, anh đã là một nhà văn, nhà báo, đã có những tiểu thuyết nặng lòng với đất nước quê hương. Tôi không chút ngạc nhiên khi thấy bạn tôi vất đi chiếc áo blouse trắng, cầm lấy cây viết, ngược dòng nước Cửu Long để tìm xem dòng sông thương yêu kia đã nghẽn mạch ở đâu, tại sao, lúc nào, bởi ai?

  Tôi mừng thấy nay tiếng kêu cứu của anh đã có vẻ được lắng nghe từ nhiều phía. Người thầy thuốc của dòng sông kia đã làm được phần phải làm của mình để cứu lấy dòng sông, cũng có nghĩa là cứu lấy những mầm xanh cho trái đất.

Hy vọng rằng dòng sông sẽ hồi sinh kịp lúc. Và dĩ nhiên, đến lúc người ta đã phải “phục hồi chức năng” cho nó phải không Vinh?”
Đỗ Hồng Ngọc (7.2013)

Sáng sớm hôm sau, đoàn từ giã Tràm Chim, trở về lại chợ Cao Lãnh, mua ít trái cây đặc sản cam xoàn, xoài cát hòa lộc, nhãn, vú sữa, đu đủ… không thiếu thứ gì!

Giác Lâm cổ tự

Ghé thăm đền thờ Ông bà chủ chợ Cao Lãnh Đỗ Công Tường ( hình như đây là nơi duy nhất người dân lập đền thờ Chủ chợ và thờ cả ông lẫn bà) nghe nói rất linh thiêng (*)! Rồi ghé chùa cổ Giác Lâm 300 năm ăn bữa cơm chay trước khi rời Đồng Tháp về lại Tp.HCM kết thúc một chuyến hành hương thú vị về đất Phương Nam.

(14-16/3/2017)
Đỗ Hồng Ngọc.

………………………………………………………………………………………………………………………

(*) Cụ Đỗ Công Tường (? – 1820) tục danh là Lãnh, là người có công lập chợ và có công cứu giúp dân lúc bệnh tả hoành hành đầu thế kỷ 19. Sau khi mất, ông được người dân lập đền thờ, được vua nhà Nguyễn phong là Thành hoàng, và tên ông từ lâu cũng đã trở thành địa danh, đó là Cao Lãnh, hiện trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam (theo Internet).

No comments:

Post a Comment