Thursday, March 23, 2017

LỆ ĐÁ XANH


Bạn Văn

Chân dung Thanh Tâm Tuyền. Đinh Cường vẽ

Thanh Tâm Tuyền ra đi mới đó mà đã hơn mười năm.  Cuộc đời ông nhiều biến động nhưng ý nghĩa.

Theo tiểu sử thì nhà thơ vào Nam khi còn rất trẻ. Vào đất Sài Gòn năm 1954 ông đã chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau đó, cùng nhà văn Mai Thảo (1927–1998) thành lập tạp chí Sáng Tạo năm 1957, lúc đó gồm Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Lữ Hồ, Trần Thanh Hiệp, Thanh Nam... cùng các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Thanh. Năm 1960, tạp chí Sáng Tạo ra bộ mới, có thêm Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Dương Nghiễm Mậu...  

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Bùi Bảo Trúc viết (ôi Bùi Bảo Trúc cũng vừa ra đi!):
“Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống. Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry (tạm dịch “1000 năm thi ca Việt Nam”) không chọn một bài thơ nào của Thanh Tâm Tuyền để dịch và giới thiệu. Võ Phiến trong “Văn Học Miền Nam / Thơ”, chỉ cho Thanh Tâm Tuyền 1/3 trang và chọn của ông chỉ một bài thơ trong khi ngay cạnh đó, Tô Thùy Yên được dành cho hơn ba chục trang, mặc dù trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến có nhắc đến tên Thanh Tâm Tuyền đến 21 lần.
“Con đường ông đi, không đúng như tên tập thơ của ông, tập “Tôi Không Còn Cô Độc” được xuất bản năm 1955, đã có nhiều người đi theo bằng những bài thơ không vần, loại thơ ông đi những bước đầu tiên khai phá, nhưng ông vẫn là người cô độc cho đến lúc chết”.
Cho nên khi Nguyễn Hưng Quốc viết về Thanh Tâm Tuyền, cố giải thích cho rằng người đọc phải động não khôi phục lại mối quan hệ kín đáo giữa các câu thơ (và cả những chữ trong bài thơ) bằng nhưng liên từ và giới từ mà Thanh Tâm Tuyền cố tình bỏ đi, thì mới hiểu hết ý thơ. Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền có âm nhạc, nhưng không có vần. Cũng có thể nói là có vần nhưng vần bị giấu đi:

...Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng mình
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời, như mọi người...

Từ khi sang Mỹ, Thanh Tâm Tuyền không làm thơ nữa. Ông thực hành đúng như một câu ông đã từng nói vào năm 1975 : “tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi”. Nên khi ông không còn ở lại với xứ sở, ông không làm thơ nữa. Một số thơ của Thanh tâm Tuyền đã được hai nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng, như Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh, Nửa hồn thương đau.
Trong đó nguyên tác bài thơ “Lệ đá xanh” được Cung Tiến giữ nguyên tựa thơ khi phổ nhạc, còn Phạm Đình Chương lấy tựa cho nhạc phẩm của mình với tên gọi “Nửa hồn thương đau”. Còn một nhạc sĩ khác là Phạm Quang Tuấn cũng phổ nhạc bài thơ này nhưng không ai biết đến. (theo tài liệu của Nguyễn Việt).

Hôm nay, xin ghi lại ở đây bài Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền như một tưởng niệm gởi đến thi sĩ. Các bạn cũng có thể nghe Lệ Đá Xanh với tiếng hát Thu Vàng trong CD Vọng Ngày Xanh. Điều cần nói ở đây là Cung Tiến đã phổ nguyên văn bài thơ.
PV

Lệ đá xanh

tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
TTT

No comments:

Post a Comment