Đỗ hồng Ngọc
Sông nước Miền Tây
ĐHNgọc thăm chợ
quê
Thư gởi bạn xa xôi,
Lúc đầu mình không định đi. Xa xôi
quá. Chân cũng vừa bớt Gút. Thế rồi Nguyễn Tường Bách, rồi Trần Trọng Thức và cả
Ngô Tiến Nhân “rủ rê” mấy lần, đành xách túi theo bạn cho vui vậy. Vả lại Lửa
Việt tours của Mỹ cũng không phải ai xa lạ. Bèn rủ thêm Thân Trọng Minh. Cả
nhóm 25 người thì đã có 9 người từ Đức về, 2 người từ Mỹ, nên có “yếu tố nước
ngoài” chắc thú vị. Cũng là một dịp giao lưu học hỏi. Đặc biệt có Phan Chánh Dưỡng,
dân Cà Mau thứ thiệt, mời mọi người ghé thăm nhà và hứa chiêu đãi đặc sản tôm
cua Cà Mau nên ai cũng “háo hức”. Nhớ
PCD không? Ông là người có nhiều trải nghiệm trong thời kỳ đổi mới, và đã góp
phần trong giai đoạn hình thành khu Phú Mỹ Hưng ngày nay đó.
4 giờ sáng đã phải có mặt để xuất
phát vì đường dài lắm, xa lắm, để sao về kịp nhà PCD dự bữa cơm trưa, mọi người
đang chờ. Đến thành phố Cà Mau rồi còn phải đổi xe nhỏ để đi đoạn đường dài vất
vả mới đến huyện Trần Văn Thời, sông ông Đốc, phía vịnh Thái Lan, mới tới nhà
PCD. Bạn biết không, mình là người già nhất trong nhóm, rồi mới đến Thức,
TTMinh đó nhé… Các bạn khác đều còn rất trẻ, mới mấp mé 70. Trẻ và đẹp trai nhất
có lẽ là Lê Trọng Nhi và Trần Sĩ Chương, trên dưới 60 gì đó thôi.
Hai má con
Bà má PCD năm nay 97 tuổi, còn sáng
suốt, tai thính, mắt sáng, cứ hỏi con tôi đâu rồi con tôi đâu rồi làm mình nhớ
bà má mình quá. Bà lớn hơn bà má PCD ba tuổi và đã mất ở tuổi 94. Bữa cơm… nhà
quê quá thịnh soạn, ê hề, tôm cua, gà, vịt, lươn, ốc… các thứ. Thấy mình ăn có
vẻ hơi kiêng vì sợ Gút, mọi người khuyên… ăn đại đi rồi uống thuốc! OK. Chỉ
không uống rượu, bia. Cơm xong xe chạy lòng vòng cho đi thăm Cảng cá sông ông Đốc.
Nghe nói đây là một cảng cá rất lớn, ghe tàu các nước lân cận thường xuyên ghé
về, có khả năng thành một thương cảng quốc tế. Từ đó về Mũi Cà Mau còn cả trăm
cây số. Phải mau về kịp trước khi mặt trời lặn. Từ Năm Căn có thể đi Cano về Ngọc
Hiển, tận Đất Mũi, nhưng lúc này quốc lộ 1 đã hoàn tất, xe chạy tốt, trừ đoạn gần
đến Cột mốc quốc gia GPS 0001 thì đường đang làm, đi vất vả. Cà Mau nghĩa là nước đen, phù sa, hình thành
một tam giác có mũi nhọn nên gọi là Mũi Cà mau, phía Đông giáp với biển Đông,
phía Tây và Nam giáp vịnh Thái Lan, ở đó nhìn cả mặt trời mọc và lặn. Cột mốc tọa
độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0). Được xây dựng vào năm 1995.
Cảng Cá sông
Ông Đốc
Cà Mau với mình không xa lạ nhưng lần
này thì lạ và xa. Ba mươi năm trước, Cà Mau còn gắn với Bạc Liêu thành tỉnh
Minh Hải, mình cũng đã từng đi vỏ lãi đến tận Năm Căn thăm một cơ sở Y tế. Cách
đây 3 năm lại có dịp về Cà Mau có lớp huấn luyện Y đức cho tỉnh, thế nhưng chưa
lần nào về tận Ngọc Hiển, nơi có cột mốc số 0 của đất nước ta như lần này.
Nơi cột mốc số 0
Một vùng sông nước chằng chịt, mênh
mông, hoang vắng. Rừng ngập mặn, mắm, đước, tràm… mọc đầy bên những chòi lá quạnh
hiu. Nhưng Cà Mau bây giờ đang phát triển, không còn đỉa lội như bánh canh, cá
sấu, cọp hùm đe dọa như thời Hương rừng
Cà Mau của Sơn Nam hay Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc…
Rừng đước Cà
Mau
Bạn biết không, mình đọc Rừng Mắm của
Bình Nguyên Lộc từ đời thuở nào rồi mà bây giớ mới biết rừng mắm là gì bạn ạ.
Thương lắm. Nó hiền hòa, nó giản dị, nó lặng lẽ âm thầm bồi đắp. Nó tiên phong,
luôn đi trước một bước, mọc lên từ mảnh đất phù sa mới bồi đắp mềm nhũn, nên rễ
nó phải ngóc lên để thở, nở hoa từ rễ, trái trên cành lá li ti (ăn được), trái
rụng thì chui vào bùn đen, mọc thành cây,
chen chúc nhau, dựa dẫm vào nhau mà… thành rừng, vo đất, đúc khuôn lại
cho cây đước cây tràm lấn tới, nối đuôi nhau trong một vùng rừng ngập mặn đặc
trưng này. Đước thì rễ xúm xít chụm lại như cùng nâng cây lên, hít lấy khi trời.
Cây đước làm than làm cũi thì hết sảy, dùng cất nhà thì không bị mối mọt bao giờ…
Hãy đọc lại một đoạn trong Rừng Mắm
của Bình Nguyên Lộc:
“- Cây gì mà lạ vậy ông nội ? Trổ
bông ngay dưới gốc?
– Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn
lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm. Đây là rừng mắm đây.
– Cây mắm ? Sao tui không nghe nói
đến cây mắm bao giờ?
– Con không nghe nói vì cây mắm
không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.
– Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi
mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy ?
– Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi
thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ
thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất.
Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời
tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa
hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
– Ông với lại tía của con là cây mắm,
chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất
đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.
Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không
uổng”.
(Bình Nguyên Lộc)
Đến Cà Mau làm sao không nhớ Sơn
Nam! Trong Hương rừng Cà Mau, mình thích nhất truyện Tình nghĩa giáo khoa thư bạn
ạ. Lần nào đọc cũng muốn khóc. Lạ thiệt.
Nhớ Sơn Nam, mình nhớ lần ghé thăm
ông bệnh nằm Chợ Quán, rồi nhớ lần gởi tặng ông cuốn Già ơi… chào bạn của
mình. Lúc đó ông cũng đã 75 tuổi rồi.
Ông đọc xong nói: hay thì hay nhưng em viết cái này cho mấy ông già thành thị,
còn mấy ông già nhà quê thì sao?
Thân Trọng
Minh và Đỗ Hồng Ngọc
ĐHN
Mũi Cà Mau 14.3.2017
No comments:
Post a Comment