Tuesday, March 21, 2017

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THỤY VŨ


Ngô Thị Kim Cúc

Nguyễn Thị Thụy Vũ với hai bạn đọc trẻ

Nguyễn Thị Thụy Vũ ký sách.
Chung quanh là các nhà văn, nhà báo, học giả. Ngô Thị Kim Cúc đứng ở bìa phải.

Cuộc “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ” diễn ra vào lúc 17 giờ, chiều chủ nhật 19 tháng 3/2017, ở Bookcafe Phương Nam - Đường Sách Sài Gòn.

       Trời lắc rắc mưa vào lúc sắp bắt đầu nhưng sau đó, không rõ do tốt bụng hay vì cũng ưng hóng chuyện văn chương, mà ông trời bỗng dưng ngưng hột.
       Ngay từ lúc xuất hiện, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã phải đảm đương một trọng trách mà không ai có thể làm thay chị: ký trên các bản sách mà độc giả mua ngay tại bookcafe.

       Điều rất vui là không chỉ có người lớn tuổi, độc giả trung thành của chị từ trước 1975, mà rất nhiều các em tuổi hai mươi cũng có mặt, cũng ôm cả chồng sách xếp hàng xin chữ ký. Tất cả sách đều đã được độc giả “dọn” sạch, và chị Thụy Vũ, trừ thời gian dùng để “đối thoại”, thì tay chị không lúc nào được ngưng nghỉ… Ai cũng muốn có chữ ký tác giả trên những bản sách đáng quý này…

       Sáu đầu sách tái bản đợt này (Cho trận gió kinh thiên, Chiều xuống êm đềm, Ngọn pháo bông, Mèo đêm, Chiều mênh mông, Như thiên đường lạnh) và bốn đầu sách đã tái bản đợt trước (Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Lao vào lửa) đều được độc giả “chiếu cố” nồng nhiệt…

       Có khá đông nhà văn và giảng viên đại học ngồi lẫn vào các hàng ghế. Và trong những bạn đọc bình thường, có những người khá đặc biệt.
       Một phụ nữ gầy, tóc bạc trắng, tự giới thiệu mình chỉ kém chị Thụy Vũ hai tuổi, từ miền bắc vào Sài Gòn sau 1975, nhưng đã đọc rất nhiều tác phẩm các nhà văn Miền Nam mà theo chị, đó là những tác giả cực kỳ tài năng với những cách viết khác nhau, tạo nên một thế giới văn chương đa dạng. Thụy Vũ là một trong những nhà văn mà chị hâm mộ.
        Vào cuối buổi trò chuyện, một người đàn ông trên sáu mươi tuổi tự giới thiệu mình từ Bến Tre lên, do đọc được bài trên báo Tuổi Trẻ về cuộc gặp gỡ này. Ông kể, khi còn là học sinh tú tài, đã đọc truyện của chị Thụy Vũ, và rất yêu những nhân vật của chị. Không chỉ vậy, ông còn yêu luôn tác giả, cho dù tuổi tác rất chênh lệch. Với hy vọng lần đầu được diện kiến “người trong mộng” của mình, ông đã mua vé xe đò đi từ Bến Tre lên Sài Gòn để được thỏa nguyện…
        Một bạn đọc tuổi hai mươi kể rằng, thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi đọc truyện ngắn Lòng Trần của Nguyễn Thị Thụy Vũ (một trong những truyện ngắn hay nhứt của chị), đã nói, nếu ông là tác giả, ông sẽ cho nhân vật ni cô ấy uống muỗng nước mắm rất “bí ẩn” kia… Và bạn trẻ đã đặt câu hỏi cho nhà văn: “Bà nghĩ vì về ý kiến ấy? Giờ đây, sau rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, bà có sẽ cho nhân vật ni cô ấy uống muỗng nước mắm như ý kiến thầy Nhất Hạnh hay không?”… Và câu trả lời của chị Thụy Vũ là: “Không, không có gì thay đổi cả…”.
        Một bạn nữ trẻ, lại đặt câu hỏi: “Nhà văn có ý định đề cao nữ quyền hay không, khi viết về những nhân vật nữ rất đặc biệt như vậy?”. Chị Thụy Vũ đã trả lời: “Tôi không có chủ ý đó. Tôi chỉ viết theo những gì mình nghĩ, một cách tự nhiên”.

        Nhiều bạn tôi, trong giới viết văn viết báo, khi cuộc chuyện trò đã chấm dứt, tới bảo nhỏ với tôi rằng:    “Cảm động quá. Đẹp quá…”.
        Tôi có thể đoán được vì sao…
        Đó là, cuộc hội ngộ giữa một nhà văn đã ở tuổi tám mươi, sau hơn bốn mươi năm buộc phải xa rời văn đàn do những biến động xã hội, trong cuộc trùng phùng với những bạn đọc của mình, đã khiến cho thời gian như ngưng lại, như quay lại.
        Tình yêu thương không thay đổi. Sự quý trọng không thay đổi. Giá trị của văn chương đích thực không thay đổi.
        Tất cả vẫn tồn tại nguyên vẹn, không hề suy suyển…
        Và tôi nghĩ, việc tái bản mười đầu sách trước 1975 của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, có thể xem như một báo hiệu tốt đẹp cho dù muộn màng, về việc cần thiết để văn chương được tự đến với người đọc, và để người đọc được quyền chọn lựa, đánh giá cái hay dở lẫn tình cảm yêu ghét của mình, không qua bất cứ sự chỉ định/gợi ý nào…
        Hãy cứ để văn chương đi thẳng tới độc giả, và để nhà văn được “bầu chọn” từ chính những người đọc của họ.
NTKC
(theo Văn Việt)

No comments:

Post a Comment