Friday, March 31, 2017

NẰM TRONG ERMERGENCY. NHỚ CÁNH BƯỚM NHỮNG BÀI THƠ VÀ BẠN BÈ


Nguyễn xuân thiệp

Cánh bướm monarch

những ý nghĩ lá vàng trong mùa giáng sinh

giáng sinh
mưa và tuyết
trắng. miền trung tây
tôi. như chiêc lá
rụng
bên vệ đường
khi mùa đông tới
một mình. trong bệnh viện
nằm nghe gió
từ cõi mạn đà la nào
thổi qua trang kinh cổ
nghĩ tới chúa. sinh trong hang bê lem 
giữa rơm. cỏ khô. và lũ trẻ chăn cừu
lạnh. đá xưa
nghĩ tới dung                                                                                                      i
ra đi theo chuyến gió
mùa đông
mưa rơi. mưa vẫn rơi
trên mái nhà
nghĩ tới đống lửa lá bàng. thơ em. sưởi ấm người về                                                 
rồi nghĩ tới bạn bè                                                                                                         
từ cali. thành phố gió chicago.ohio.seattle. texas. atlanta. canada. đức. việt nam
gởi lời thăm hỏi
và chúc mùa đông an lành
mừng vui khi thấy đinh cường viết đoạn thơ sau ngày giáng sinh

thơ này tôi viết vội. trong cơn bệnh mùa đông. đầu óc còn như chiếc lá khô. bay.đảo
viết và gởi tới bạn bè                                                                 
như một lời tạ ơn. thăm hỏi

ôi. mùa đông xám. lạnh
vẫn còn trên tóc. trên vai
nhưng tôi vẫn tin
tuyết rồi sẽ tan. gió ngừng thổi lộng qua những con đường
và nắng sẽ lên
người gặp lại người. trong bàn tay ấm

NXT
Dec 27. 2015


Trưa nằm nhìn lên kệ sách

             gởi Nguyễn Xuân Thiệp

Tôi nằm đối diện Modigliani
Sách dày cộm
những dessins Paul Alexander sưu tầm
qua bảy mươi năm. tưởng chừng
không còn ai thấy, lấm lem bụi mờ.
cà phê đổ. ố. loang lổ. nhưng sao quá đẹp
một hồn xanh xao. khiến lòng
tôi thấy nôn nao. xin cho tôi vẽ
dâng trào. nhựa xưa.

Thiệp ơi, nhớ bạn. về chưa
nằm nhà thương. nhìn mưa tuyết
trắng. nhớ Dung vợ hiền
dáng gầy Jeanne. dáng gầy buồn
xám tro ánh mắt. xám luồn cổ cao

Tôi nằm. nhẹ thở. âm hao
Modigliani như nhìn tôi nói
thầm thì. Thiệp ơi
chúng ta hãy dậy
Bếp lửa xưa. mẹ hiền ...

Virginia, December 28, 2015
Đinh Cường


Chiều. vẫn siêu thực. chiều

em có nghe
này em có nghe
vẫn tiếng còi tàu
buổi chiều
âm vang qua khu rừng. natick
những cánh dã quỳ tứa máu. run rẩy
không ai về lại quán cà phê xưa
nơi khung cửa
con bướm monarch. nhìn thấy trong giấc mơ nào
đang vỗ cánh
gây ra những chấn động. màu hổ hoàng
trên phế tích. mùa qua
anh thấy mình ngồi
đốt lại đống lửa
lá thông khô
những khuôn mặt bạn bè. chợt hiện
đinh cường. lê uyên phương. phùng văn hưởng
thanh sâm
và tiếng ai
gọi mình trong gió
thiệp ơi. thiệp ơi
về đi

chiều. vẫn siêu thực. chiều

NXT


Khi xa ngôi nhà woodcreek

gió đã ngủ. trong vòm lá
vầng trăng. xưa. không về
ngày tắt
buổi chiều.
không bóng trẻ con
hồ nước vắng lũ vịt trời
không còn thấy con chim bói cá bên bờ lau. tím
trong căn phòng. đóng cửa
không ai hát bản dạ khúc. schubert
cây đàn mùa thu
tiếng dương cầm. đã chết

tạm biệt. tạm biệt
ngôi nhà của gió
nơi trò chuyện với basho. nghe dế gáy. trăng tàn
với ức trai. khi ráng trời phủ xuống chòm cây
và pablo neruda. trong ngày đầy tin bão
ôi. tiếng còi tàu. của thơ đinh cường
ánh đèn trên trang sách
mưa tuyết rơi
mùa đông. con chim chết. treo ngoài cửa sổ

tạm biệt
đi về phía ngọn đồi. bàn tay chỉ
mặt trăng

NXT


Nằm trong emergency chiều nay. lại nhớ bạn bè

nằm trong emergency chiều nay
không có mảnh trăng thượng huyền trên tuyết
chỉ có cánh bướm màu hổ hoàng. trong mê sảng. và thơ
khuôn mặt bạn bè. những con đường đã đi
từ vương phủ
qua thanh xuân. nụ cười. và nước mắt
qua chiến tranh. tù đày. rồi tới đây
trên xứ dồng cỏ. hoa crape myrtle. redbud
và những con bò kêu bò bò

nằm trong emergency. chiều. nhớ như cây
ôi. hai lần vào emergency
lần trước noel 2015
đinh cường nằm nhìn lên kệ sách. nhớ nhau
rồi người bỏ người đi
phải xa ngôi nhà với hình bóng quạ
đi qua những chiều siêu thực
bây giờ cuối tháng ba. vẫn trong emergency
nằm nhớ. như cây
thiệp này như cây. nhớ chim. nhớ gió. mặt trăng và mặt trời
cùng những khuôn mặt bè bạn ở khắp nơi trên trái đất
nhớ răng. nhớ mắt. và môi
câu cười. tiếng khóc. và lời mắng mỏ
vậy chớ bạn từ xa hỏi thăm và chúc lành
lữ quỳnh. hải phương. queen. duyên. khánh. mai. và vỵ
và thái kim lan. thu vàng. và dũng. và bao nhiêu thân yêu khác nữa
mới đây lại có ông thầy thuốc nhà thơ tên ngọc. thăm hỏi dặn dò
có chơn quang. và khánh nữa. và lữ kiều. trương vũ
xin cho thiệp này làm con chim trên cây đứng hót
lời cảm tạ. biết ơn bạn bè
xin gặp lại nhau trong thơ
trên cõi đời này. trước khi về với đất
thiệp tôi chiều nay. làm cánh bướm màu hổ hoàng. cùng thơ bay đi. bay đi

NXT
March 2017



Tuesday, March 28, 2017

THI KỆ 'BỐN NÚI' CỦA TRẦN THÁI TÔNG


Nguyễn Lương Vỵ giới thiệu và dịch

                                                                              Trúc lâm thiền tự

Trần Thái Tông (09.07.1218 - 05.05.1277), là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ngài làm vua từ năm 1225 đến năm 1258, sau đó lên làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.

Năm 1258, vua Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo và đánh thắng quân xâm lược nhà Nguyên lần thứ I. Ngài còn là một thiền sư lỗi lạc, đã để lại cho đời sau những tác phẩm rất giá trị: Khóa Hư Lục, Thiền Tông Chỉ Nam, Chú Giải Kinh Kim Cương Tam MuộiLục Thời Sám Hối Khoa Nghi.

Ngài còn được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm sau nầy, do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (cháu nội của vua Trần Thái Tông) là vị tổ thứ Nhất vào cuối thế kỷ 13.

Trong sách Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông có viết 5 bài thi kệ, gọi chung là "Kệ Bốn Núi", gồm 1 bài thi kệ mở đầu, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt và 4 bài thi kệ thất ngôn bát cú, nói về 4 chủ đề Sinh, Lão, Bệnh, Tử, có ý nghĩa và tư tưởng rất thâm diệu về Phật pháp.

"Kệ Bốn Núi" là y cứ trong kinh Tạp A Hàm (Hán tạng, bài 1147) và kinh Tương Ưng Bộ (Pali tạng, Samyutta Nikāya, bài 136  - Hòa thượng Thích Minh Châu dịch). Nội dung trong 2 bản kinh nầy đều có nói về "Bốn Núi" (Sinh, Lão, Bệnh, Tử). Ngài Trần Thái Tông có ý viết những bài thi kệ này nhằm diễn giải ý nghĩa cho tăng chúng và Phật tử dễ hiểu.

Sự tích về "Bốn Núi" trong kinh có ghi, đại ý: "Một hôm vua Ba-tư-nặc đi chinh phạt loạn quân ngoài biên giới. Khi đánh thắng xong quân giặc, Vua kéo quân về đến gần tịnh xá của đức Phật, dừng quân lại và đích thân đến đảnh lễ Phật. Đức Phật hỏi: Đại vương đi đâu về mà xem có vẻ nhọc nhằn? Vua bạch rằng: Con đi chinh phạt bọn ngoại xâm, vừa chiến thắng trở về. Khi trả lời với đức Phật, nét mặt vua Ba-tư-nặc hiện ra kiêu khí của người thắng trận. Đức Phật hỏi: Này Đại vương, nếu có người ở phương Đông đến thưa thế này: Tôi thấy một ngọn núi từ phương Đông lăn về đây, lăn đến đâu nghiền nát cỏ cây người vật ở đó. Lại có một người phương Nam tới cũng tâu: Đại vương có một ngọn núi ở phương Nam đang lăn về đây, lăn đến đâu nó đều nghiền nát cây cỏ người vật. Cũng như vậy, phương Tây, phương Bắc, mỗi phương cũng có một ngọn núi đang lăn về, lăn đến đâu cây cỏ người vật đều bị nghiền nát. Nếu có người báo bốn ngọn núi đang lăn về, tàn sát cây cỏ, người và vật thì Đại vương sẽ cử đội quân nào để đi chinh phạt chúng? Vua Ba-tư-nặc thưa với đức Phật: Dầu đội quân có tài trăm trận trăm thắng đi nữa cũng không thể nào chinh phục được bốn núi đó. Đức Phật bảo: Bốn núi đó là Sanh, Già, Bệnh, Chết. Dầu cho ai tài giỏi đến đâu, dũng mãnh đến đâu cũng không thắng được, không chinh phục được Sanh, Già, Bệnh, Chết mà đều bị chúng nghiền nát. Nghe như thế, kiêu khí của nhà vua không còn nữa."

Sách Khóa Hư Lục Giảng Giải của Hòa thượng Thích Thanh Từ (NXB Thường Chiếu, Phật lịch 2540, Dương lịch 1996) cũng có phần dịch và bình giảng "Kệ Bốn Núi" của ngài rất sâu sắc. Kính mời bạn đọc tham khảo thêm trên trang mạng thuvienhoasen.org.
1. 四山偈

四山峭壁萬青叢
悟了都無萬物空
喜得驢兒三腳在
驀騎打趁上高峰

Phiên âm:

TỨ SƠN KỆ

Tứ sơn tiễu bích vạn thanh tòng
Ngộ liễu đô vô vạn vật không
Hỉ đắc lư nhi tam cước tại
Mạch kị đả sấn thướng cao phong.

Dịch thơ:

BÀI KỆ BỐN NÚI

Bốn núi cao, xanh ngắt vạn tùng
Tuệ giác soi, tất thảy đều Không
Nếu vui, hãy cưỡi lừa ba cẳng
Lên đỉnh núi cao cho thỏa lòng?

2. 一山 ()
真宰薰陶萬象成
本來非兆又非萌
只差有念忘無念
卻背無生受有生
鼻著諸香舌貪味
眼肓眾色耳聞聲
永為浪蕩風塵客
日遠家鄉萬里

Phiên âm:

Chân tể huân đào vạn tượng thành
Bản lai phi triệu hựu phi manh
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm
Khước bội vô sinh thọ hữu sinh
Tị trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lí trình

Dịch thơ:

BÀI NÚI SỐ 1 (Sinh)

Đất trời kết tập, pháp sinh thành
Trước nay không mối cũng không manh
Sai lầm hữu niệm quên vô niệm
Chối bỏ vô sanh nhận hữu sanh
Mũi lưỡi
mê tham hương với vị
Mắt tai
ái dục sắcthanh
Lãng đãng phong trần thân đất khách
Xa quê ngày tháng mãi lênh đênh.

3. 二山 ()
人生在世若浮漚
壽夭因天莫妄求
景逼桑榆將向晚
身如蒲柳暫經秋
青雕昔日潘郎鬢
白遍當年呂望頭
世事滔滔渾不顧
夕陽西去水東流

Phiên âm:

NHỊ SƠN (Lão)

Nhân sinh tại thế nhược phù âu
Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu
Cảnh bức tang du tương hướng vãn
Thân như bồ liễu tạm kinh thu
Thanh điêu tích nhật Phan Lang mấn
Bạch biến đương niên Lã Vọng đầu
Thế sự thao thao hồn bất cố
Tịch dương Tây khứ thủy Đông lưu

Dịch thơ:

BÀI NÚI THỨ HAI (Già)

Kiếp người như bọt nước phù du
Thọ yểu đừng mong ở vọng cầu
Cành dâu im bóng chiều phai nhạt
Nhánh liễu đìu hiu thu úa màu
Phan Lang thuở ấy còn trai trẻ
Lã Vọng giờ đây đã bạc đầu
Chuyện đời thôi nhắc, trời Tây đã
Ác lặn, triều Đông nước chảy mau.

4. 三山 ()
陰陽愆德本相因
變作災屯及世人
大抵有身方有病
若還無病亦無身
靈丹謾詫長生術
良藥難令不死春
早願遠離魔境界
回心向道養天真

Phiên âm:

TAM SƠN (Bệnh)

Âm dương khiên đức bản tương nhân
Biến tác tai truân cập thế nhân
Đại để hữu thân phương hữu bệnh
Nhược hoàn vô bệnh diệc vô thân
Linh đan mạn sá trường sinh thuật
Lương dược nan linh bất tử xuân
Tảo nguyện viễn li ma cảnh giới
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên chân

Dịch thơ:

BÀI NÚI THỨ BA (Bệnh)

Âm dương không hợp lẽ với người
Tai họa gây ra phải vậy thôi
Có thân có bệnh, đương nhiên thế
Không thân không bệnh, tất nhiên rồi
Sống lâu sống mãi, u mê hết
Thuốc tiên thuốc thánh, phỉnh lừa chơi
Hãy sớm lìa xa ma cảnh đó
Quay về chánh đạo thoát luân hồi.

5. 四山 ()
擺蕩狂風括地生
魚翁醉裡釣舟橫
四垂雲合陰霾色
一派波翻鼓動聲
腳陣催飄歷歷
雷車輪轉怒轟轟
暫時塵斂天邊淨
月落長江夜幾更

Phiên âm:

TỨ SƠN (Tử)

Bãi đãng cuồng phong quát địa sinh
Ngư ông túy lí điếu chu hoành
Tứ thùy vân hiệp âm mai sắc
Nhất phái ba phiên cổ động thanh
Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch
Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh
Tạm thời trần liễm thiên biên tịnh
Nguyệt lạc trường giang dạ kỉ canh

Dịch thơ:

BÀI NÚI THỨ TƯ (Chết)

Một trận cuồng phong quét đó đây
Ngư ông say khước mặc thuyền xoay
Bốn phương u ám, mây vần vũ
Một cõi xô bồ, sóng bủa vây
Giăng giăng mưa trút từng cơn giục
Ầm ầm sấm nổ nhịp xe quay
Phút giây quang tạnh, trời tan bụi
Sông dài đêm lặng, ánh trăng đầy.
NLV



K H Ú C [L Ý] Đ Ợ I


Hoàng Xuân Sơn


Bóng núi

choáng váng đồi cao sử ngọc
nắng đốn tâm chuyền ngất ngây
chiếc gai nằm trong bụi sóc
bỗng thất thần hóa chim bay

kêu tên một ngày như thế
thấy ta phê giữa núi rừng
có phải mùa thiêng đường bệ
cho đời chạm mặt hồng ân

với lượng triều thơm nguyệt quế
đội gai thi cảm lên đường
hát thơ không cần biệt lệ
đắm nhân quần giữa thênh thang

vũ hiến khúc bình dương đợi
cỏ ôm miền ngực phù sa
con nước đi lâu ngoài biển
có khi sông trở lại nhà

cũ kỷ then cửa tò vò
chớp mắt bung ra ngoài thế
giới nghiêm chẳng tại thuyền đò
mà chi li từng khúc kể

như có một ngày len.  thở
men dài thêm cuộc trăm năm
nghe bềnh bồng trôi kiếp lạ
du di một chỗ ăn nằm

HOÀNGXUÂNSƠN
13/6/11