Friday, August 25, 2017

VÀI SUY NGHĨ VỀ ‘MÂY CHÓ’ CỦA VÕ ĐÌNH


Trương Vũ

Tổ chim trên bờ biển. Tranh Võ Đình

Nhà văn / Họa sĩ Võ Đình

Mây Chó là một tuyển tập gồm mười truyện và mười chuyện của Võ Ðình, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ xuất bản tháng 5 năm 2004.

Tôi thích những nhận xét sau đây của Nguyễn Hưng Quốc và Trần Vũ về một số truyện của Võ Ðình đã xuất bản trước Mây Chó tôi đọc được trong phần phụ lục của tác phẩm này:

[...]khác với các nhà văn hiện thực cổ điển hay hiện đại, ở Võ Ðình, giữa bức tranh hiện thực bỗng dưng, có lúc, xẹt ngang những tia chớp kỳ ảo. Nó xẹt ngang rồi nó biến mất... Cuộc đời, nhờ thế, trở thành một kết cấu phức tạp, trùng trùng điệp điệp, hết lớp này đến lớp khác, đầy bất ngờ và đầy bí ẩn. Câu chuyện, nhờ thế, trở thành thăm thẳm như không có đáy [...](Nguyễn Hưng Quốc)
[...]Bước vào truyện Võ Ðình là bước vào thế giới đầy không khí, tĩnh mịch gần như không có tiếng động nào khác ngoài những tiếng động của tâm linh [...](Trần Vũ)

Nói chung, đọc Võ Ðình từ những tác phẩm đầu tiên như Xứ Sấm Sét (1980), Sao Có Tiếng Sóng (1991), v.v... cho đến Huyệt Tuyết (2002), tôi luôn nhận thấy ba điểm nổi bật trong văn chương của ông. Thứ nhất, ông viết bằng tất cả những rung động, hiểu biết, suy tư, kinh nghiệm của một con người toàn diện với tài năng và vốn sống rất đặc thù của ông. Ông đem tất cả vào tác phẩm một cách tự nhiên, đúng lúc, đúng chỗ, không thừa không thiếu. Qua văn ông, người đọc thấy rõ một cá tính rất mạnh, mạnh trong cả ba tính Việt, Pháp, Mỹ- phát sinh từ hoàn cảnh sống đặc biệt của ông - về cả bề dày của văn hóa cùng những thói quen trong ứng xử. Thứ hai, ông tỏ ra có một ham thích đặc biệt và đã rất thành công khi dựng chuyện hay truyện từ những sự việc hay nhân vật rất bình thường hay tầm thường trong đời sống. Chẳng hạn, chỉ từ một người chạy bộ nhìn một đám mây trên trời, ông dựng nên một truyện rất lạ và đặc sắc. Bên cạnh đó, dĩ nhiên, ông vẫn có những truyện tuyệt hay bằng những chuyện rất có “chuyện”, như “Anne” (Lầu Xép, Văn Nghệ 1997). Sau cùng, dù viết truyện hay chuyện, không khí nghệ thuật, đặc biệt không khí hội họa luôn luôn bao trùm văn chương của Võ Ðình. Ðưa eros vào truyện hay đưa một đề tài để tranh luận vào chuyện, ông đều nhằm dựng nên một tác phẩm nghệ thuật. Eros, nhiều khi rất bạo; nội dung tranh cãi, thường đi tới cùng; nhưng cái cuối cùng người đọc cảm nhận sâu sắc nhất vẫn là một cảm giác bị cuốn hút vào một câu chuyện do một người làm nghệ thuật kể, rất duyên dáng và thông minh. Những yếu tố khác, như tâm lý hay tư tưởng, vẫn có, nhưng luôn luôn là yếu tố phụ. Những điểm nổi bật trên đây đã tạo cho tác phẩm củaVõ Ðình một chỗ đứng riêng biệt trong văn học Việt Nam.

Khi đọc Mây Chó, trước tiên, tôi cũng bắt gặp lại những nét đặc sắc này. Cũng có những truyện rất hay, rất hấp dẫn người đọc, dựng nên từ những vật, những chuyện rất tầm thường trong đời sống hằng ngày mà người đọc không để ý đến, cho đến khi đọc Mây Chó bỗng giật mình thấy tác giả đã biến chúng thành văn chương. Những cây nho biển “...mọc như trường thành, chen chúc rậm rạp trên bờ biển, luôn luôn xao xác vì gió thổi ngày đêm. Thân cây mảnh nhưng u nần, quằn quại từ gốc lên đọt. Lá to bản, tròn trịa, cứng và dày, màu lục xám, gân lá đỏ rực, những đường son sắc nét”. Rồi một người chạy bộ, lần này không ngước mặt lên trời nhìn mây bay, nhưng cúi nhìn xuống đất xem mình chạy tới đâu và nhìn “những thứ rau cỏ dại hèn mọn... tưng bừng nở hoa, những nhánh li ti nhỏ xíu mà màu sắc tươi rói, sáng ngời!”. Rồi một con nhái bén “nằm thu lu trong mấy cái lá vả... Có lẽ hắn biết là tôi không ham câu cá, cho nên hắn cũng chẳng cần biết đến câu ca dao nọ, nghe thật rầu: Chiều chiều bắt nhái cắm câu / Nhái kêu cái ẹo, thảm sầu nhái ơi.” Hay, những lá rau tập tàng mà “canh tập tàng, không nên ăn bữa trưa mà phải ăn vào lúc “trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn”. Bởi miếng canh tập tàng dịu ngọt như một chiều êm ả. Bảng lảng tập tàng!”. Rồi một người láng giềng, bệnh tật và bí ẩn, trong một khu chung cư nghèo, trong truyện “Ông 30”. Hay một người láng giềng khác, trong truyện “Láng Giềng”, một hưu trí viên 65 tuổi nhưng mê... chơi xe lửa, và “chơi” thiệt. Quăng một chiếc xe cũ của con cũng thành một truyện hấp dẫn và thâm thúy, như trong truyện “Rác”. Trong Mây Chó, những vấn đề liên quan đến hội họa và cách dấn thân của một họa sĩ vẫn tràn ngập trong khá nhiều chuyện, và mỗi vấn đề đều mới, đều khích động sự suy tư của người đọc (“Gô Ganh và Noa Noa”, “Nét Bút Của Ông Nguyễn”, “Artigras”, “Xa Xỉ”, “Nghiệp”, “Ði và Ðến”, v.v...).

Tuy Mây Chó được xây dựng với những nét đặc sắc rất “Võ Ðình” đó, tôi vẫn thấy được nhiều biến đổi từ những sáng tác trước của ông đến tác phẩm này. Dĩ nhiên, mỗi chuyện hay truyện của ông bao giờ cũng mang một nội dung mới. Sự biến đổi tôi muốn nói đến ở đây là về văn phong, về cách chọn đề tài, không khí của truyện, nhân sinh quan, và cả cách kể chuyện của ông. Nói chung, những sáng tác trong Mây Chó được viết ngắn hơn, thâm trầm hơn, và nếu như Trần Vũ đã nhận xét là truyện của ông ít tiếng động thì Mây Chó càng ít tiếng động hơn. Ðề tài cho các truyện trong Mây Chó cũng dựa vào những sự việc bình thường hơn. Nói cách khác, ông chọn đi con đường khó hơn cho sáng tác, nhưng ông vẫn đi một cách đĩnh đạc, có vẻ như chậm hơn trong cách kể chuyện nhưng thật ra không phải, mà là tỉnh thức hơn. Thái độ tỉnh thức đó, ông biểu lộ một cách nhẹ nhàng, trong “Người Chạy Bộ II”, và nó bàng bạc trong suốt hầu hết những truyện của Mây Chó. Nghệ thuật và con người vẫn luôn là những ám ảnh chính trong tác phẩm của Võ Ðình, tuy nhiên, ở đây tỏa rộng hơn. Chẳng hạn, trong chuyện “Hắn”, khi đang giữa câu chuyện, ông nghĩ đến chuyện nàng Mỵ Ê và đã trách người viết sử. “Vua Lý Thái-tông “phạt Chiêm”, giết vua Xạ Ðẩu, bắt được vương phi Mị Ê. Trên đường về nước, vua truyền cho Mị Ê qua hầu thuyền ngự. Vương phi không chịu, “quấn chiên, lăn xuống sông mà tự tử”, trong Việt Nam Sử Lược, ông Trần Trọng Kim bảo vậy. Khen bà hoàng hậu Chiêm biết giữ tiết. Không thấy chê ông vua Việt đã thắng trận, giết vua người, lại còn rắp tâm chiếm vợ vua người”. Cách nhìn về con người trong Mây Chó cũng hài hòa và lắng đọng hơn. Chuyện đất nước vẫn có thể là một đề tài để viết, như truyện “Cơn Sốt 21 Ngày”, ẩn dụ cho cơn sốt 21 năm của đất nước, từ 1954 đến 1975. Nhưng ở đây, hình ảnh nổi bật nhất là của các cô gái quê và một thằng bé mà cái eros được kể ra một cách tài tình, dí dỏm, rất con người, rất có nghệ thuật, nghĩa là, rất đẹp. Tính eros được kể trong truyện “Giấc Mơ” cũng vậy, mặc dầu hai truyện này được dựng trên hai bối cảnh khác nhau và trong hai không khí khác nhau.

Nhà văn và người làm nghệ thuật chắc sẽ cảm thấy thấm thía khi đọc các chuyện “Nghiệp” và “Xa Xỉ?”. Qua các chuyện này, ông muốn đặt lại cái nhìn có thể rất sai lạc hay chủ quan của giới nghệ sĩ, văn sĩ. Ông nhắc lại một mục tiêu mà ông tin rằng đó mới chính là điểm nhắm tối hậu của nhà văn. “Phẩm chất của sự sáng tạo mới là mục tiêu tối hậu. Nói đến nghệ thuật là nói đến phẩm chất... nói đến phẩm chất là đã xem người nghệ sĩ như kẻ có bổn phận đầu tiên, và trách nhiệm cuối cùng. Bổn phận đối với bản thân, và trách nhiệm đối với tha nhân”. Ông cũng đưa ra những câu hỏi khá nhức nhối cho người thưởng ngoạn, thường rất khó tính khi cần phải dễ nhưng lại rất dễ tính khi cần phải khó. “Người ta có thể bỏ ra hàng chục ngàn đô-la mua một bộ bàn ghế sang trọng và giàn âm thanh tân kỳ cho phòng khách, nhưng trên bức tường chính chỉ treo một tấm tranh vào hạng tầm thường nhất, tầm thường hơn cả cái khung của nó. Người ta có thể mua một tủ kính bằng gỗ đẹp, thật đắt tiền, để chưng dăm ba thứ bá láp, nhưng trong nhà tuyệt nhiên vắng bóng những cuốn sách có giá trị”. Những câu hỏi này đáng ra phải là những câu hỏi thường trực của chúng ta ở hải ngoại, nơi mà những vấn đề như bảo vệ và phát huy một nền văn hóa đặc thù của người Việt xa quê hương luôn được nhắc tới. Chẳng hạn như, cộng đồng chúng ta thường hãnh diện về sự thành công vượt bực về kinh tế và nghề nghiệp, nhưng sự thành công đó có đi đôi với mức độ hiểu biết và thưởng ngoạn về văn học, nghệ thuật không?

Tác phẩm của Võ Ðình thường là tác phẩm khó đọc... với người dễ tính, và dễ đọc... với người khó tính. Mây Chó hài hòa hơn. Tuy vậy, vẫn có đôi lúc, người đọc dù không dễ tính vẫn có đôi chút vấn đề với cái khó tính của tác giả. Chẳng hạn, trong “Nghiệp”, ông có nhắc lại sự lựa chọn để sống hoàn toàn cho nghệ thuật của một nhà vật lý chuyên nghiệp kiêm họa sĩ nghiệp dư. Ông ngăn cản quyết định đó của nhà vật lý với rất nhiều lý lẽ. Tôi vẫn chưa hiểu làm sao chúng ta có thể xác định được sự tận cùng của một dấn thân và làm sao chúng ta có tiêu chuẩn chung cho một chọn lựa. Theo ông, đây là một họa sĩ nghiệp dư có tài và có đam mê, vậy thì làm sao biết được ông ta sẽ hạnh phúc hay không với quyết định đó và làm sao biết được có hay không có một ngày nào đó, do quyết định này, ông ta cống hiến cho nghệ thuật nhiều hơn? Tuy nhiên, dù có khó tính mấy đi nữa, câu chuyện Võ Ðình viết ra vẫn rất hấp dẫn và nêu lên những luận đề rất nghiêm túc, rất nên được tiếp tục để thảo luận.

Chuyện “Mây Chó” là một chiêm nghiệm của tự thân, và cũng là một chiêm nghiệm chung cho những người làm văn học nghệ thuật, hay bất cứ ai đã phấn đấu, đã đam mê, đã sôi nổi trong một khoảng đời dài. Cùng với thời gian, cuộc đời luôn luôn là một trộn lẫn của tình yêu quê hương với tình yêu những vùng đất, những con người từng sống từng gặp. Nhìn cái ngày hôm nay nghĩ đến cái hôm qua, vui với cái đã làm, ám ảnh với cái lẽ ra không làm, ám ảnh với thực tại, với tương lai. Nhưng không dằn vặt. Và nhìn thật hơn về cái khổ của mình, của dân tộc mình, và... trầm ngâm hơn. “Chúng ta thường nghĩ (và nói, với chút gì nghe như kiêu hãnh) rằng người Việt Nam chúng ta khổ vô cùng. Khổ lớn, khổ nhỏ, khổ tinh thần, khổ vật chất. Chúng ta có vẻ như quên đi cái khổ triền miên của người dân Do Thái, Palestine, Da Ðỏ, Da Ðen...”

Trong tuyển tập Mây Chó, tôi thích nhất truyện “Hoặc”. Truyện kể về một người đàn ông Việt Nam có một gia đình êm ấm, có địa vị nghề nghiệp hết sức vững vàng, và có một ngôi nhà bề thế. Nói chung, anh có đủ cả, chỉ thiếu cái phòng trống. Và, “anh quyết tâm có cho được cái phòng trống ấy”. “Ngồi trong căn phòng trống không, anh nhẹ nhõm hẳn ra”. Cuối cùng, trong căn phòng trống đó, vứt bỏ hết mọi thứ lỉnh kỉnh trong cuộc đời, anh thấy gì? Anh đã thấy hiện ra hình ảnh một người đàn bà anh chợt bắt gặp trong một giây phút rất ngắn ngủi khi dừng xe lại nơi một ngã tư đường lúc đèn đỏ. Một cái đẹp? Hay một ám ảnh đầy đam mê? Có phải tác giả muốn nói đến một vứt bỏ cần thiết cho một nhà văn hay một người làm nghệ thuật, muốn đạt được tận cùng cái đẹp, tuyệt vời, ma quái, nhưng mong manh như sương khói? Hay một người, nói chung, muốn sống thật với mình? Ở đây, chắc chắn tác giả phải có chút lấn cấn với quan điểm vứt bỏ của những nhà tu hành thứ thiệt. Với những vị này, nói đến vứt bỏ, là phải vứt bỏ... tất cả. Ðây chính là điểm khác nhau giửa một nhà tu với một người làm nghệ thuật. Dĩ nhiên, vì không phải nhà tu, tôi thích lối vứt bỏ này hơn.

Nói chung, tuyển tập Mây Chó, vẫn có đủ những nét đặc sắc của Võ Ðình, nhưng theo tôi, được viết cô đọng và thâm trầm hơn. Nó có một chỗ đứng đặc biệt trong toàn bộ những sáng tác của Võ Ðình mà cho đến nay, không thấy những tác phẩm khác của văn học Việt Nam có cùng lúc nội dung, không khí và phẩm chất tương tự. Cảm giác sau cùng, khi gấp sách lại, là muốn hình dung ra chính mình của hai mươi, ba mươi năm sau. Lúc đó, nếu nghĩ lại cái ngày hôm nay, nghĩ lại cuốn sách đã đọc, nghĩ lại những nơi đã ở, những việc đã làm, những người đã gặp, những người đã đi, chắc sẽ không làm gì khác hơn là ngâm hai câu thơ của Nguyễn Gia Thiều được ghi lại trên bìa sách:

Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương

TRƯƠNG VŨ
Maryland, tháng 5 / 2004

No comments:

Post a Comment