Saturday, August 5, 2017

MỘT THỜI HIPPIE


nguyễn xuân thiệp

Hippies. By Peter Max

Cầm bút -à quên, gõ bàn phiếm còm-pu-tờ, viết những dòng này, mình không khỏi tự hỏi: Tại sao hôm nay lại nổi hứng với phong trào hippie nhỉ? Thật ra, Nguyễn đã viết về hippie đây đó vài ba lần, kể cả làm thơ tặng những cô nàng hippie nữa, thế mới ghê.

Này nhé, ngồi trong Caffe Trieste, nghĩ tới mưa rơi trên Woodstocks ngày nào

ngồi ở quán cà phê
phố cảng
tưởng tượng. mưa cuối tuần. rơi. trên woodstock
đã bốn mươi năm ngoài
ôi. jimi hendrix
joan baez. the byrds, melanie safka,
và janis joplin
những nhạc sĩ ôm đàn. như thuyền. đi trên biển
người. mưa. và tiếng hát
bùn lầy. hippie
ma túy. và tự do
chiều. hửng nắng. bay. từng đàn bướm dại


Hippies trên phố Haight-Ashbury

Lại viết về hippies bởi lẽ bây giờ là mùa hè gợi nhớ Mùa Hè Tình Yêu Summer of Love một hiện tượng xã hội diễn ra vào năm 1967, khi khoảng 100.000 dân hippie tụ hội tại Haight-Ashbury, một khu phố thuộc San Francisco. Đã 50 năm rồi đó. Hôm nay ngồi đây mà còn như thấy lại thời trang hippies trên phố. Mai Oanh từng viết trên Báo Mới: Vâng đã có một phong cách từng làm dậy sóng thế giới thời trang thập niên 1960 và vẫn tiếp tục có ảnh hưởng cho đến bây giờ, đó là phong cách Hippie. Họa tiết hoa hòe, quần ống loe, nhẫn to, giải băng đeo trên đầu, ống quần viền tua, hạt bẹt nhiều màu sắc bằng nhựa, tóc dài, chuông lục lạc đeo ở cổ chân, lông chim, và các kiểu mũ rộng vành… tất cả đều là một phần của dáng vẻ Hippie…

Trở lại với Hippies. Cũng do một hình ảnh gợi lên từ bài viết của Đỗ Trung Quân khi anh chàng đến San Francisco hai thập niên trước.

trên góc phố
người thi sĩ thiền sư họ đỗ. với tay nải bụi. đứng chờ
chuyến xe buýt cuối ngày
và cô gái hippie. tóc rối. mắt sâu
cài bông trăng. trên rốn
hơi thở. của mùi cỏ say
trong chiều
gợi nhớ một không gian siêu thực

Trở lại với Hippies. Gần đây chàng họ Đỗ lại viết. Họ (những hippies) là những người trẻ phản kháng và có tinh thần giải phóng bản thân ra khỏi những ràng buộc vật chất, những món hàng công nghiệp, những giá trị khô cứng, họ chất vấn chủ nghĩa máy móc, họ từ chối chiến tranh, họ quay về những giá trị của tự nhiên, họ có ý thức gần gũi thiên nhiên và hầu hết là người ăn chay. Từ phong trào này về nghệ thuật nhiều nhà thơ lỗi lạc đã ra đời mà Allen Ginsberg như một chủ soái của dòng thơ “beatnik” họ gồm nhiều nhà thơ cùng khuynh hướng thường tụ tập đọc thơ và trình diễn cho công chúng nghe và xem. Họa sĩ danh tiếng Peter Max tác giả của những đồ họa sặc sỡ với bông hoa, chim bồ câu, cầu vồng, đàn ghi ta…

Ngày hội ở Woodstock
giữa tháng 8.1969

Vâng, một lần nữa trở lại với Hippie và cuộc thịnh diễn ngày nào ở Woodstock trong cơn mưa và bùn lầy. Đã 48 năm rồi đấy, ta như thấy lại ngày nào:
…. Cuộc trình diễn âm nhạc kéo dài sang sáng Chủ Nhật khi Grace Slick gào lên “Good morning, people” và rừng người dậy lên đáp lại. Buổi chiều, những cơn mưa lại đổ ập xuống. Tôi trú dưới những chiếc ponchos và ban nhạc tiếp tục chơi, trong mưa. Giờ đây, bùn đã ngập khắp nơi.
      Và mưa vẫn rơi. Có một câu chuyện được kể lại: Melanie Safka lúc ấy đang trú dưới một mái lều chờ tới lượt lên trình diễn. Trong đêm mưa lạnh, Joan Baez đem đến cho cô một ly trà nóng khiến cô rất cảm động và nhớ mãi. Trước khi cô hát, một người nào đó trong đám đông hét lớn “Hãy thắp lên những ngọn nến để mưa ngừng rơi”.   Trong nguồn cảm xúc ấy, Melanie sáng tác ca khúc “The Candles in the Rain” (Những ngọn nến trong mưa) và cô trình diễn bài hát trên sân khấu trước biển người reo hò điệp khúc phụ họa.
Chúng tôi quá gần nhau, không còn khoảng cách / Máu chúng tôi cùng hòa chung trong một vết thương / Chúng tôi cùng đau chung một nỗi đau / Và chúng tôi cất tiếng hát hòa bình thân ái
Điệp khúc: Vậy xin người hãy cùng nhau đưa cao ngọn nến. trong mưa / Bởi vì nếu không. bóng tối sẽ dâng đầy lòng đêm. Ôi, xin hãy đưa cao những ngọn nến sáng / cho mưa ngừng rơi trên vai áo chúng ta dần khô…
Chúng tôi quá gần nhau. không còn khoảng cách / Người thì đến đây ca hát. người đến để nguyện cầu xua tan bóng đêm.  

Nhà văn Đinh Yên Thảo của Báo Trẻ cũng từng viết:
      Họ sống hồn nhiên, vui vẻ và muốn lan truyền niềm vui ấy nên âm nhạc là linh hồn của phong trào Hippie. Chỉ một lời hiệu triệu trong bản nhạc San Francisco “top hit” thế giới của nhạc sĩ John Phillip “Nếu có đến San Francisco, hãy cài hoa lên tóc” (If you’re going to San Francisco, be sure to wear some flowers in your hair) đã thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên cài hoa lên tóc đổ về SF và phát hoa cho những người qua đường để cùng cài hoa lên tóc. Cái tên “Những đứa con của hoa” (Flower Children) gắn liền với giới trẻ Hippie từ đó. [….] Có thể nói rằng phong trào nhạc trẻ Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều từ phong trào Hippie và phong trào nhạc trẻ thế giới này. Nhưng từ năm 1970, phong trào Hippie đã bắt đầu xuống dốc sau hàng loạt cái chết của những nhạc sĩ chết trẻ vì sử dụng ma túy quá liều, vì những cuộc biểu tình đã chuyển sang bạo động cùng những án mạng tại các đại nhạc hội. Những thanh niên Hippie bắt đầu bị những nhóm đầu trọc, những nhóm du thủ đường phố tấn công. Phong trào Hippie tại Mỹ xuống dốc nhưng cũng vài năm sau, phong trào này mới ngừng lại tại nhiều quốc gia khác…

      Trở lại với Hippie… Vẫn anh chàng nhà thơ họ Đỗ. Những năm 60 gã cũng mê những bông hoa hippie màu vàng cam, có cả chiếc áo hippie và đôi giày mọi, thỉnh thoảng mới đem ra chưng diện. Nguyễn hồi ấy cũng mê hippie, mê thời trang, những bông hippie và lối sống của họ. Mê nhưng không tham dự (đã quá tuổi rồi còn dự cái gì nữa!) Hồi đó Nguyễn yêu một cô tên Thi. Thi mê hippie, thường cài trên tóc một bông hoa vàng, mỗi sáng đi bộ lững thững từ bờ Hồ Xuân Hương lên, hướng về Nhà Thờ Con Gà, vòng qua đường Nhà Chung về ngôi nhà trong thung lũng có nhiều bông dã quỳ. Làm cùng tờ báo Đất Sống của Nguyễn Duy Diệm, một hôm Thi mặc quần áo điểm chút Hippie đến kể cho tôi nghe vừa đi dự Ngày Hội Hippie ở Sài Gòn về, đông và vui lắm, có cả bà Tuyết Mai dự nữa.

Hippies ở Hà Nội tháng 3.2017

      Nửa Thế Kỷ đã trôi qua. Tháng 3 vừa rồi không gian Hippie sống lại ở Hà Nội như lời ghi trong brochure: không gian văn hóa Hippie lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, với tên gọi Hippie Land - như một góc nhỏ tái hiện đầy đủ lối sống, sự phóng khoáng, yêu hòa bình, yêu sáng tạo và nâng niu cuộc sống một cách trọn vẹn.

      Thời gian trôi qua, đã nửa thế kỷ rồi, hình ảnh hippie vẫn sống. Nó nằm trên mũ nón, trên tóc, trên mắt trên môi, trên quần áo của những giới trẻ khao khát tự do, thiên nhiên và nghệ thuật phóng khoáng. Không rầm rộ như ngày nào nhưng bất chợt lóe sáng trên vỉa hè, góc phố, quán nước. Và trong hồn này.
(Tổng hợp)

NXT
Tháng 8.2017

No comments:

Post a Comment