nguyễn
xuân thiệp
Cây thụ
cầm giữa đại ngàn
Cây với người vốn
thân thiết với nhau. Riêng Nguyễn đã viết nhiều bài về cây: cây bàng ở Vương Phủ,
cây sồi trước sân nhà ở Woodcreek, cây Cô Đơn ở Tenere trên vùng sa mạc Sahara,
cây giày trên xa lộ 50 gần thị trấn Middlegate, cây Sequoia.
…
Bây giờ, tới chuyện Cây Thụ Cầm. Ngày ấy, Nguyễn trên đường lưu đày biệt xứ,
trôi giạt ra tới tận núi rừng đất Bắc. Một buổi trưa, ngồi trên đỉnh núi vùng
Cẩm Khê, dưới bóng một cây đại thụ, giở nắm cơm tù ra ăn, ngước nhìn lên đỉnh
ngọn cao vút. Nắng xôn xao, chim ngàn ríu rít. Trí óc lúc ấy vô cùng lan man.
Nghĩ tới người áo trắng như mê, trong mơ đã hái những chùm hoa phượng đỏ ối cho
mình. Nghĩ tới vị thiền sư bạn tù một hôm phát nguyện ngồi lì trên tảng bàn
thạch ở mãi cùng đá núi cây rừng không về lại chùa xưa giờ đổi chủ. Đang ngồi
nhai miếng cao lương thì chợt nghe gió về trên đỉnh cây đại thụ. Nắng và gió và
chim chóc cùng hòa nhau vang động núi rừng. Nghe như tiếng sóng biển đập vào
ghềnh đá. Nghe có mưa nguồn và sấm sét qua trời. Trận bão cát nào thổi trên sa
mạc Phi châu hay mưa tuyết trên đỉnh Hoa Sơn. Giữa lúc ấy, như một vầng sáng
hiển hiện, nhớ lại câu chuyện về chiếc thụ cầm chép trong Trà Đạo*. Thì ra mình
đã ngồi chính chỗ người xưa ngồi.
Chuyện kể rằng thuở ấy, cách đây đã mấy
ngàn năm, ở thời đại bạch phát, trong sơn hạp tại Long Môn, có một cây Đồng
(kiri) đáng mặt Lâm Vương. Nó vươn đầu cao đến có thể trò chuyện với các vì
sao, rễ đâm sâu xuống đất như rồng cuộn. Sau, có một sơn nhân hạ cây đồng thụ
xuống, đẽo thành một cây đàn cầm kỳ diệu. Trong tay của người hiền giả, nó phát
lên những âm thanh huyền ảo của thiên nhiên bốn mùa, của lòng người khi sum họp lúc ly tan, có khi
nó là tiếng cười trẻ thơ hay tiếng than của người cô phụ… Vị hiền giả gởi đàn lại
một sơn cốc và ra đi. Từ đó không còn người chơi đàn, vì hầu hết khách chơi đều
là phàm tục, không gảy nổi thành tiếng. Cây đàn vẫn ở nơi am vắng. Một hôm, có
người ở viễn phương trên đường lưu xứ đi qua, ghé vào nghỉ chân. Thấy cây thụ
cầm trên vách, bèn đem xuống coi thử. Hành giả lấy tay ve vuốt cây đàn như
người ta vỗ về một con ngựa bất kham, và nhẹ nhàng mơn trớn bộ dây... Rồi cất
tiếng hát lên bài ngợi ca thiên nhiên và quý tiết, cao sơn cùng lưu thủy, thế
là bao nhiêu kỷ niệm trong lòng cây đồng thụ đều bừng dậy. Gió xuân hây hẩy,
cây suối cười reo. Rồi bỗng nghe giọng mơ màng của mùa hạ với muôn ngàn côn
trùng, tới tiếng mưa rơi lất phất, tiếng tu hú kêu bi ai thảm thiết. Nghe
không, tiếng hổ gầm và lũng sâu đáp lại. Này là mùa thu -trong đêm vắng lặng,
trăng sắc như lưỡi liềm, lấp lánh trên ngọn cỏ ẩm lạnh hơi sương. Rồi đông qua,
tuyết phủ -thoáng bóng đàn sếu trắng bay vút qua trời hòa cùng tiếng mưa đá rơi
lộp bộp trên lều cỏ. Có lúc, tiếng đàn của hành giả là lời ca ngợi niềm vui của
nhân gian hay nỗi sầu oán tuyệt vọng. Mây từng đàn bay qua, đổ bóng xuống mặt
đất, ảm đạm như mối tình bất toại. Rồi cảnh chiến trường hiện ra trong tiếng
sắt tiếng vàng chen nhau. Cây đàn nổi lên trận bão tố của Long Môn, con rồng
cưỡi trên lằn chớp, tuyết băng đổ xuống ầm ầm như sấm ran qua ngọn đồi dốc núi.
Rồi tiếng hát của những người kéo thuyền trên sông, những nô lệ vác gỗ qua
rừng, những đoàn người tù rạc... Gió không ngớt thổi qua dặm trường nhân
gian.
... Và gió không ngớt thổi trên tàng cây
đại thụ. Mình vẫn ngồi nhìn lên ngọn cây cao, và vẫn nghe muôn ngàn âm thanh
của cây thụ cầm. Như thể tiếng từ ngàn xưa dội về. Thì ra ngày xưa với bây giờ
là một. Người chơi đàn và người nghe đàn là một. Một trong cõi nhân sinh huyễn
huyễn đời đời kiếp kiếp. Và tiếng đàn kia vốn ở trong lòng người.
NXT
*Từ đoạn này trở đi
là viết theo hứng bút từ Trà Đạo, bản dịch của Trương Bảo Sơn.
No comments:
Post a Comment