Hồ
Đình Nghiêm
Ga tàu
điện ngầm Place-Des-Arts, Canada.
Hình Internet
Mỗi
sáng, tôi vẫn có mặt dưới đường hầm khoảng 7.30. Tứ thời bát tiết đều vậy, nếu
có sai biệt năm bảy phút là lỗi của chuyến buýt mang tôi tới đó, chứ người ngợm
tôi đã như con robot chạy đúng lập trình. Battery chưa hỏng hóc yếu kém và hình
như vi trùng chưa đến hồi thâm nhập làm rối loạn những mạch điện trở.
Trạm
đợi trong đường hầm metro khá dài, có thể muốn làm vui mắt, người ta đã kiếm
cách treo dọc những tấm poster quảng cáo đủ mọi thứ có thắp đèn đằng sau và tôi
luôn đứng chôn chân đối diện với một cô gái mặc áo tắm hai mảnh. Da dẻ rám nắng,
cơ thể săn chắc với hậu cảnh là một bãi biển xanh tiệp màu trời. Cuba hay
Mexico thì chẳng rõ nhưng chắc hẳn chốn ấy không có tuyết rơi như chốn này.
Nóng toát mồ hôi chứ chẳng cảm mạo ho hen run từ trong xương run ra. Năm bảy lớp
áo xống đùm đụp mà ngó qua một kẻ điện nước đầy đủ thiếu đường lột truồng đang
trửng giỡn với biển mặn nhằm quảng cáo cho công ty du lịch đường hàng không thì
ngẫm cũng oái ăm, nhỉ!
Cũng
chỗ này đứng trông sang, cảnh quang bên nọ non tháng là đổi thay. Trước, tôi
dòm ra một dãy condo đường bệ tân kỳ, bán hoặc cho thuê. Thoáng cái, tấm bích
chương quảng cáo phim “Ngày Tận Thế” 3D rùng rợn trám chỗ. Nhàm con mắt tình
này huống nọ mãi thao diễn thì giờ đây là đóng khung một kẻ da thịt phì nhiêu bẹo
hình bẹo dạng. Mỗi sáng sớm tôi được rửa mắt và tai tôi chừng như đang nghe có
tiếng sóng vỗ rì rào từ bên đó tràn qua. Tôi nhớ biển, nhớ da diết một địa danh
và tôi đã bần thần vì chốn đó mang trùng với tên em: Thuận An.
Tới
bảy giờ bốn mươi a.m thì em xuất hiện. Mỗi ngày chúng tôi hẹn hò nhau ở trạm
này để cùng lên tàu điện chạy đến chỗ làm. Với tôi, đó là thứ điểm tâm cung cấp
nhiều năng lượng trước khi lao động. Tàu lao đi, băng qua sáu trạm thì đến chỗ
buộc phải không còn đứng bên nhau, Thuận An biết nơi tôi cày bừa xa ngái phải lắc
lư thêm bốn trạm nữa mới tới và em nói, như vậy thiệt cho anh quá, phải 9 giờ mới
bắt đầu, đi sớm thế anh biết cách gì để đốt thời gian? Anh sẽ vào quán gọi một
cốc cà phê, nếu trời ấm anh sẽ bảo “mang đi” rồi cầm ly giấy ra ngoài hàng hiên
đứng hút thuốc. Nóng hay lạnh thì quanh quán cà phê ấy luôn có đàn chim không
rõ lai lịch vẫn tụ bầy trên giây điện lảnh lót hợp xướng một bài, anh nghĩ là
tình ca, nghe sướng đôi tai. Đôi tai mà trước đó nó hứng đọng lời em nhắn gửi:
Hút thuốc có hại cho sức khoẻ, chừng nào thì anh nghe lời em để từ bỏ thuốc.
Tây đầm chúng thường hôn nhau, chúc nhau một ngày lành trước khi tạm biệt. Anh
đứng yên và em quay bước khi cửa tàu mở, chỉ ngần ấy thôi, đôi ta chưa thể làm
khác hơn. Qua sông, nếu chẳng có cây cầu bắc ngang thì người muốn quá giang phải
luỵ đò. Sức người quá hạn, anh không biết bơi và con sông chắn giữa đôi ta tuyệt
chẳng hiện hữu một con đò hoặc hình ảnh cây cầu cho dù là cầu tre lắc lẻo gập
ghềnh khó đi. Chúng ta chui xuống đường hầm, thứ hai tới thứ sáu mỗi sáng, đứng
bên nhau khoảng mười lăm phút, nói dăm câu vô thưởng vô phạt về chuyện nắng mưa
và tàu dừng, và tàu chạy, và đường ai nấy đi. Và tôi chưa nói trắng cái nguyên
cớ vì sao siêng dậy sớm trong lúc phải 9 giờ chuông mới reo trong hãng xưởng,
áo mão chỉnh tề để đứng lẻ loi chưa lại thần hồn trong đường hầm u u tiếng gió.
Rằng tôi rất muốn nhìn thấy em mỗi ngày, nghe giọng em bâng quơ thường là phê
bình hoặc trách cứ tôi. Rằng ít ra thì tôi lỡ phải mang ơn nhà thơ Vũ Hữu Định:
“May mà có em đời còn dễ thương”. Sẽ buồn cho tôi khi hôm đó em “nhác chơi”
không nhìn thấy tăm dạng, tôi đến chỗ làm và năng suất lao động hao hụt thấy
rõ. Khi đồng minh tháo chạy, em nên hiểu là nó gây thương tổn biết dường nào
cho đứa nhẹ dạ cả tin. Tan hoang, đổ nát và bể dâu hiện hình. Có một chuyện tôi
từng tâm sự với em, tôi nói: Anh mang ơn Thuận An, vì Thuận An đã giúp anh xuôi
chèo mát mái. Trước, anh nhờ Nha Trang, anh nhờ Thanh Bình Đà Nẵng thảy đều thất
bại đổ bể. Anh bị tù với tội danh phản bội tổ quốc. Anh lì lợm tiếp tục phản bội
mà may phước cho anh, Thuận An với sóng bạc đầu gầm thét xua đuổi anh ra hải phận
quốc tế để một đêm tối trời anh mang lý lịch mới: Vô tổ quốc. Thuận An ơi, còn
gì tủi hổ hơn khi thằng người mãi say sóng ấy chịu thêm nỗi dật dờ: Vô gia
đình.
Sáng
ấy trời rét hơn thường nhật, tháng hai vẫn có những cơn gió bê nguyên khối giá
băng từ Bắc cực tràn về. Cái lạnh nhắc tôi về hình ảnh những nụ mai vàng hé nở
chào Xuân, năm hết tết tới phía bên kia bán cầu. Cô gái mặc áo tắm đùa nghịch
cùng biển cả đã trốn mất, thế chân là bích chương quảng cáo cuộc triễn lãm
tranh sơn dầu của các danh hoạ phái ấn tượng được sự hợp tác quý báu từ viện bảo
tàng của Paris giúp sức. Những sắc màu những đường nét sáng tạo ở vào đôi ba thế
kỷ xa xưa kia như biết làm cho khoảng đường hầm này vơi hẳn sự nhiệt náo. Hoặc
ít ra nó khiến thời gian phải đình trệ trong khoảnh khắc để khi chờ em tới tôi
không nghe ra sự bồn chồn. Dẫu sao tôi linh cảm là Thuận An sẽ nghỉ làm bữa
nay, những chuyến tàu đã vụt qua và tôi đang ở cuối lằn ranh đợi trông, tôi cần
một rời đi trước khi chuông đồng hồ thong thả đổ xuống 9 tiếng. Tôi vẫn biết có
nhiều người tự cho phép mình thong dong trong ngày đầu năm nhưng em không thuộc
hạng người đó. Giống tôi, đã ngập đầy tháng năm mụ mị, Thuận An chẳng còn biết
đến Tết. Chữ ấy được ai đó nhắc tới, thoáng qua tai và nó không gửi lại một
thông điệp gì quan trọng. Dần dà nó sẽ chìm quên, sẽ biến mất trong cuốn tự điển
của bộ nhớ. Vậy thì Thuận An ở nhà, không đi làm do bởi một lực cản trở bất ngờ,
hơn là cái nguyên cớ xằng bậy mồng Một mồng Hai tinh khôi năm mới đón đường.
Thứ
Tư thứ Năm và thứ Sáu tôi vẫn đi đúng giờ, vẫn đợi trong lẻ loi và vẫn chui đầu
lên mặt đường ngập tuyết ghé mua một ly cà phê mang đi. Tôi chung tình, là
khách quen của hàng quán ấy, đánh đổi bằng bộ mặt thân thiện của thằng đứng
bán, hắn luôn thay đổi cách xưng hô, khi thì “Chào ngài Đại uý”. Khi thì “Ông sếp
có khoẻ không?”. Khi thì “Người bạn lớn”… Điều này không làm sứt mẻ 3 đô, số tiền
tôi phải trả cho ly cà phê size trung bình. Cà phê là thứ dung dịch đen đúa
mang nhiều chất bổ dưỡng cho cơ thể, mỗi ngày có khoảng tám phần mười dân số
trên hành tinh này uống lấy nó. Khi vui cũng ực khi buồn cũng xơi. Hôm nay đặc
biệt đàn chim thôi tập trung trên dây điện hót líu lo, tôi đứng với sự câm lặng
của tuyết khi chuyên cần rơi xuống mênh mông một khoảng trống vắng. Tôi co thân
dưới mái hiên, cà phê và thuốc lá dần dà giúp đầu óc tôi chút minh mẫn: Rằng
nhà ngươi phải nên cất công dọ hỏi cho ra lẽ. Điều gì đã xảy đến với Thuận An?
Hôm
chủ nhật, khác với ngày trong tuần, tôi mặc bộ áo quần nghĩ là tử tế nhất, chỉ
tuyền sắc đen. Tôi nghe tiếng chuông giáo đường đổ từng hồi ở chốn xa, hồi
chuông như làm cho bông tuyết thêm vỡ vụn bay quàng xiên giữa khoảng không trắng
ngần. Nhà thờ không là nơi tôi ghé tới, tôi sẽ dùng metro đi gấp đôi lộ trình
hàng ngày để xuống đúng trạm cuối, nơi mà tôi băng qua hai ngã tư thì đụng mặt
với nhà quàng được chưng bày thứ cảnh quang lạnh lẽo từ cổng cho tới tuốt đằng
sau những bức tường xám xịt màu béton. Tôi sẽ nhìn thấy Thuận An và con tim tôi
như đang thắt lại. Mọi thứ dường như chìm trong câm lặng hoặc đặt để đôi chân
vào hành lang trải thảm màu huyết bầm này người ta cố gắng thực thi lời “cảnh
buồn người có vui đâu bao giờ”. Vui mới mồm năm miệng mười. Buồn thì anh nên ngậm
miệng hến. Anh rón rén, anh ngại ngần và nếu cần anh làm ra vẻ nhăn nhó chực
khóc. Có năm bảy người đứng sắp hàng trước cái bục gỗ, cuốn vở lớn đã từng lật
giở những tờ giấy trắng đang chận giữ họ để khiến họ nghịch tay vào cây bút,
bôi bẩn thứ gì đó, cào xé vào lòng giấy. Tôi nhớ lại một câu chữ đọc trong cuốn
sách ngày đầu tôi được định cư chốn này: “Chỉ năm phút sau khi chào đời, người
ta khai sinh ra tên bạn, quốc tịch, tôn giáo, màu da… và rồi suốt cả cuộc đời,
bạn phải chống chọi với những thứ mà bạn không hề có được sự chọn lựa”. Tôi
quen Thuận An và tôi hằng tin đó là sự chọn lựa đúng đắn.
Đứng
như loài hoa khiêm nhượng trong góc vườn, Thuận An nhìn thấy tôi và cả hai cứng
thây bước chậm thu ngắn dần khoảng cách. Một vòng băng trắng quấn trên đầu và
mùi khói nhang, chừng ấy thứ đã làm cho gương mặt em xanh gầy tuồng đã mất sinh
khí. Chỉ còn đôi mắt ướt là linh hoạt, nó đang lưu trữ hình dáng một thằng người
suốt tuần đã chẳng trông thấy nhau. Mặt đất như chết tiệt sức hút, em xiêu thân
và tôi vội ôm lấy em, thổn thức. Sẽ chẳng có ngôn từ nào thích hợp cả, trong
lúc này nếu bạn nói ra. Tôi chỉ biết dùng tay vỗ về ở lưng ở vai em. Bình thường
chúng tôi chưa từng ôm lấy nhau và đến khi nghe rõ tiếng nhịp đập của trái tim
vọng dội qua bao vách ngăn, nước mắt đổ ra và nhắc nhớ tới một niềm đau chẳng
gì bù đắp được. Lý do của sự kề cận không gì khác hơn là cái chết. Tôi nhìn tấm
ảnh đen trắng đặt trên bàn thờ nằm trước quan tài người vừa xuôi tay. Ba của
Thuận An từng là cựu sĩ quan của quân lực miền Nam và ông từng không biểu lộ sự
thiện cảm khi tôi đến nhà. Tôi phép tắc chào ông và “kỷ niệm” giữa hai người chỉ
xảy ra có đôi lần. Tôi đủ khôn để hiểu một đứa cày sâu cuốc bẩm trên cánh đồng
nhiều gió chướng như mình sẽ muôn đời chẳng đủ tư thế để gọi ông là bố. Ông là
hình ảnh rập khuôn của ba tôi ngày cũ. Thương con gái mình, không gì khác hơn
là mong cho con quen được một thằng người ngó tử tế, cái tử tế tính luôn tới
công ăn việc làm.
Thuận
An nói, có lẽ là hai đứa tạm vắng xa một thời gian. Đang chịu đại tang, đồng ý,
nhưng điều luật nào bắt chúng ta phải tuân thủ cảnh đôi đàng cách chia? Khoan,
em chưa nói hết. Ba em muốn rải tro cốt xuống dòng sông Hương và do vậy em phải
về Huế để thực thi ước nguyện ấy. Rất tốn kém, rất nhọc sức, rất mệt mỏi nhưng
bù lại em sẽ vui vẻ đảm nhận công việc đó. Em đã lấy vé… và như thế…
Và
như thế tôi vẫn chuyên cần đi làm từ thứ hai đến thứ sáu mà không màng tới ba
ngày Tết bạn nên xuất hành vào giờ nào, đi hướng nào để cả năm được thông suốt.
Không còn gặp em, tôi dậy trễ hơn đi làm muộn hơn và vẫn đón nghe thằng bán cà
phê xởi lởi: Chào Đại Uý buổi sáng. Tôi phải trả 3 đô 95 xu vì lấy cái ly to khủng.
Hết nhìn ra em lóng rày tôi uống nhiều cà phê cũng như siêng đốt khói cho ấm bờ
môi. Tôi vẫn đứng bên hiên quán, dưới bầu trời tuyết đổ. Tôi nghĩ tới chuyến
tàu cuối cùng sẽ mang tôi đi trong thinh lặng. Có nên nằng nặc đòi hỏi phải
mang đống tro tàn nhọc xác về trút xuống cố quận. Tôi đã thành thằng người
Gia-nã-đại, nếu được, xin vui lòng cho tôi nằm xuống trên dòng St-Laurent. Và
Thuận An ơi, liệu khi ấy em còn giọt nước mắt nào đổ xuống bề mặt một con sông
đang đóng băng? Em đi về quê mạnh giỏi, đề phòng cướp giật, coi chừng xe cộ và
cẩn tắc chuyện ăn uống. Có như vậy đôi ta mới còn nhìn thấy lại nhau. Ừ, thì hẹn
gặp mặt sau đôi ba tháng đằng đẳng, dài bằng cách hoá thân của mùa màng đông
xuân thu hạ. Cuộc đời đã không cho ta một chọn lựa nào khác, phải rứa không Thuận
An? Muốn an lành phải nên thuận thảo?
HỒ
ĐÌNH NGHIEM
No comments:
Post a Comment