Tuesday, August 22, 2017

‘… NHƯNG KHÔNG NHIỀU LẮM NHỮNG CHỮ NGHĨA THÀNH THƠ’


Nguyễn Lương Vỵ

Thơ Joseph Huỳnh Văn
(Giấy Vụn, 2011)

Đầu tháng 10.2011, tại Sài Gòn, NXB Giấy Vụn và gia đình, đã ấn hành (lần thứ Nhất) thi tập Thơ Joseph Huỳnh Văn, bao gồm toàn bộ những thi phẩm của thi sĩ Joseph Huỳnh Văn đã đăng tải trên đặc san Nhã Tập và Tập San Văn Chương tại Sài Gòn vào những năm 1972-1974 và một số bài thơ khác, do gia đình của thi sĩ cung cấp. Đặc biệt, một số bài thơ có thủ bút tác giả hiệu đính trước khi từ trần, cũng đã được Giấy Vụn in lại đúng theo bản gốc ấy. Sách dày 112 trang, khổ 13×20,5cm. Chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Chát – Chịu trách nhiệm bản thảo: Nguyễn Tiến Văn – Trình bày bìa: Nghi Thủy.
Nhã Tập (tiền thân của Tập San Văn Chương) và Tập San Văn Chương, do một nhóm thân hữu chủ trương: Nguyễn Tường Giang, Phạm Hoán, Nguyễn Tử Lộc, Phạm Kiều Tùng và Joseph Huỳnh Văn. Cộng tác viên thường xuyên: Nguyễn Đạt, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Quốc Trụ, Đỗ Long Vân. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi (2 năm,) nhưng đã để lại ấn tượng rất đặc biệt trong văn giới Sài Gòn lúc bấy giờ.

Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn (1942-1995,) tên thật là Huỳnh Văn Hiến, quê quán: Thừa Thiên, Huế. Định cư tại Sài Gòn vào giữa thập niên 60, dạy học tại Thủ Đức, Biên Hòa. Sau tháng 4.1975, làm thợ mộc và hầu như không còn làm thơ nữa. (Vào khoảng cuối năm 1993, trong một lần uống rượu tay đôi với ông, thi sĩ, lúc đã ngấm rượu, cao hứng “khoe” và đọc cho tôi nghe một bài thơ ông mới sáng tác về Hà Nội với một giọng rất trầm ấm, khinh khoái. Hôm sau, đến thăm ông tại nhà, tôi xin ông được đọc lại bài thơ ấy, ông bảo, bài thơ vẫn còn nằm ở trong đầu, chưa vừa ý lắm, nên chưa viết ra. Sau nầy, hỏi gia đình ông, cũng cho biết, không tìm thấy bài thơ ấy trong di cảo!) Ông từ trần tại Sài Gòn ngày 28.02.1995 sau một cơn đột quỵ. Joseph Huỳnh Văn làm thơ từ thời còn là học sinh trường Quốc Học – Huế, nhưng, thơ của ông chỉ xuất hiện duy nhất trên Nhã Tập và Tập San Văn Chương. Ngay sau đó, đã tạo được sự quý mến, trân trọng của bằng hữu trong giới văn nghệ Sài Gòn và độc giả yêu chuộng văn chương.

“Có quá nhiều chữ nghĩa làm thơ, nhưng không nhiều lắm những chữ nghĩa thành thơ.” Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn đã viết như vậy trong Lời Bạt cho tập thơ Hòa Âm Cuộc Lữ của Trần Hữu Dũng (ấn hành bằng photocopy năm 1994 – Sài Gòn.) Tôi nghĩ, đó cũng là điều khái quát nhất trong quan niệm sáng tạo thi ca của Joseph Huỳnh Văn. Di sản thơ, cũng là di cảo, thi tập “Thơ Joseph Huỳnh Văn” chỉ có khoảng trên dưới 30 bài thơ, được thể hiện rất cô đọng trong 5 chủ đề: Mỹ Từ Pháp – Viễn Xứ – Hòa Âm Bên Khổ Tu Viện Xitô (gồm: Hòa Âm Trầm Ngữ – Hòa Âm Thu Rừng – Hòa Âm Mùa Cầm Xanh) – Gởi Cho Chiều Hơi Thở Đất Sâu – Lộc Khổ Đau, Thạch Ngữ Khắc Vách Ngục. Ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, cấu trúc trong thi pháp Joseph Huỳnh Văn mang phẩm cách rất riêng, nhất là sức nén rất sâu, sức ngân rất xa của Chữ. Thơ, đối với ông, như một đóa Thạch Hoa. Thi sĩ, đối với ông, như một Thuật Sĩ luyện kim, hứng trọn Lộc Khổ Đau ở chốn trần gian nầy, trầm mình trong hồn cốt của Chữ, âm vang và sắc màu, để thấy, nghe, cảm ứng với cái Đẹp trầm thống, bi thiết và u uẩn của kiếp người. Vì thế, số lượng thơ không nhiều, của đời thơ Joseph Huỳnh Văn, là điều dễ hiểu. Cũng vì thế, thơ Joseph Huỳnh Văn rất kén người đọc do tính cô đọng, hàm súc; tính ẩn dụ, biểu tượng đa tầng đa nghĩa của ngôn ngữ, cấu trúc thi pháp trong thơ ông.

* * *

Khoảng giữa năm 1973, tôi đang là sinh viên năm thứ 3, ban triết học, viện đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Một hôm, tình cờ ghé vào sạp báo ở đường Trương Minh Giảng, thấy có bày bán Tập San Văn Chương, hình bìa trình bày lạ và đẹp. Không cần phải xem trang trong, tôi mua ngay và mang về căn gác trọ, mở ra đọc một hơi mấy trang thơ của Joseph Huỳnh Văn. Đọc xong, tôi buột miệng nhủ thầm: Thơ rất hay và rất lạ! Tên thi sĩ cũng rất lạ, tôi chưa từng thấy xuất hiện trên bất cứ tạp chí văn học nghệ thuật nào ở Sài Gòn lúc đó. Theo địa chỉ tòa soạn có in ở bìa trong tập san, tôi cao hứng, đánh bạo gửi một bài thơ khá dài – có nhan đề “Âm Nhạc” viết năm 1970 để tưởng nhớ Ludwig van Beethoven, nhạc sĩ cổ điển người Đức mà tôi rất yêu thích, có ảnh hưởng rất mạnh trong thơ tôi lúc bấy giờ – đến Tập San Văn Chương. Không ngờ, hơn hai tháng sau, bài thơ của tôi được chọn đăng trong Tập San Văn Chương số tiếp theo. Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn đã đến tìm và gặp tôi tại hành lang viện đại học Vạn Hạnh. Từ đó, tôi có thiện duyên được làm người bạn vong niên của anh. Tôi rất quí trọng anh và anh cũng rất thương tôi như một người em. Lệ thường, mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần, đã có hẹn trước, tôi ngồi đợi anh ở quán cà phê Nắng Mới, cạnh cổng trường viện đại học Vạn Hạnh. Anh dạy học ở Biên Hòa, đi tàu lửa về Sài Gòn khoảng 4, 5 giờ chiều. Hai anh em gặp nhau, ngồi uống cà phê cho đến lúc trời sẩm tối thì chia tay. Thời ấy, tôi vốn rụt rè, sống cô độc, ít nói. Anh cũng rất trầm tĩnh, kiệm lời. Lắm khi, hai anh em khi gặp nhau, chỉ vui vẻ cười chào, hỏi thăm nhau bâng quơ vài câu, rồi im lặng ngồi nhìn vạt nắng chiều đang dần sẫm lại, uống cà phê và đốt thuốc liên tục.
Sau nầy, khi khá thân thiết, tôi được biết anh đam mê cõi văn chương, nhất là thơ, từ khi còn rất trẻ. Giao tình và tri tình với anh ngày càng sâu đậm, tôi càng cảm nhận phẩm cách thi sĩ hiếm thấy nơi anh. Joseph Huỳnh Văn, thơ, người thơ và đời thơ: Nhất quán. Tầm kiến thức, tư duy về thơ của anh khá sâu rộng, lịch lãm. Sức sáng tạo trong thơ anh cuồn cuộn những mạch ngầm của biểu tượng và ẩn dụ với âm sắc rất đẹp rất lạ trong hồn cốt chữ nghĩa. Tôi hiểu một cách thâm thiết rằng: Thơ, với Joseph Huỳnh Văn, chính là Đạo Sống và Chết. Tận Hiến và Tuẫn Đạo.
Thi sĩ, kẻ thọ mệnh điêu linh, cô độc ngút ngàn. Thi sĩ không có bạn. Thi sĩ làm bạn với chính họ – hiểu theo nghĩa rốt ráo nhất. Nhưng, Chữ của thi sĩ thì vẫn có đồng vọng tri âm. Tôi tin một cách rất thơ mộng như thế! Tháng 2 năm 2005, mượn âm sắc, chất giọng thơ Joseph Huỳnh Văn, tôi đã viết bài thơ Hòa Âm Cầm Dương Xanh (đã in trong tập thơ Hòa Âm Âm Âm Âm…, 2007,) tưởng nhớ 10 năm thi sĩ đã về với cõi Tịch Mịch, xem như niềm tri ân đối với Thơ Joseph Huỳnh Văn. Xin được trích lại bài thơ dưới bài viết nầy, để thay lời chúc mừng thi tập Thơ Joseph Huỳnh Văn đã đến với thân hữu và bạn đọc yêu thơ, để thay lời cảm tạ NXB Giấy Vụn và gia đình của thi sĩ, đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện được một ấn bản thơ rất đẹp, rất quý.

Calif., 10.2011
NGUYỄN LƯƠNG VỴ


Hòa âm cầm dương xanh

Em hỡi! Khi tay ngà rỏ máu
Thì mộ lòng tôi cỏ xanh rồi…
             (Thơ Joseph Huỳnh Văn)

I.
Mộ lòng âm âm
Thương máu lá cầm dương biếc nắng
Trôi hết bóng chiều câm
Khóc biệt ly trầm đàn
Trầm lá. Trầm thi
Trầm đá xanh máu nở biệt ly
Trầm thương đau khép mắt
Trầm gót phai chiều đi!
Khi ngón tay rỏ máu đàn
Đàn tan trong huyết hoa
Tình tang thơm huyết hoa

II.
Mộ lòng ta khóc cầm dương
Em không về cùng ta thương máu lá
Đời quá lạnh
Dầm câu thơ buốt nguyệt
Có chút tình sương tan
Hồn cỏ lau
Hoa ngõ hạnh chìm đàn
Chìm nát tan môi nắng quái
Hái vài tiếng ca xang trên mộ cỏ
Nghe hết mùa điêu linh
Tình tang thơm huyết hoa

III.
Ôi máu thắm đẹp vì em
Vì lớp lớp hồn hoa xanh tiếng nói
Gọi điêu linh ngàn năm!
Ta đã phơi hết áo trầm thi
Phơi máu ngực
Nghe oán hờn xao xác
Hồn cầm dương níu tiếng vọng ngàn mây
Âm âm nghe máu nở
Nhớ nhau chiều thu không
Cầm dương xanh đón người về
Tình tang thơm huyết hoa…
 
Calif., 2004 (hiệu đính, 02.2005.)
NLV





No comments:

Post a Comment