nguyễn
xuân thiệp
Nhà thơ Diễm Châu
Về nhà, đó là mong ước
lớn nhất, thiết tha nhất của một đời người ở chặng cuối cuộc hành trình. Về
nhà, vâng. Nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều mơ ước đó. Với chúng ta
những người biệt xứ -ôi còn nhà đâu nữa mà về. Ở bên kia một con sông, ở bên
kia một cánh đồng hay biển rộng, chỗ đó là nhà của ta thuở xưa phải không. Hình
như là vậy. Nhưng làm sao về được.
Nguyễn cũng như bao bạn bè khác cũng đã từng
có một mái nhà ở những năm tháng ấy, bên kia biển sóng. Ngôi nhà đó ở Vương Phủ
Vỹ Dạ, nơi có những cây bàng, mái ngói, hàng tre, hàng sầu đông, cây bưởi, và bờ
ao xanh. Nhưng tất cả đã không còn dấu vết. Trần Vàng Sao hiện ở thôn Vỹ, và cả
Đinh Cường lúc còn sống trong một lần về thăm, đều xác nhận điều ấy. Vậy làm
sao Nguyễn về tắm lại bến sông sau nhà cô Dạ Khê?
Về nhà, về nhà… Đó là ngôi nhà ở số 3 Nguyễn
Trường Tộ, Đà Lạt chăng. Ngôi nhà mà mỗi
khi nhìn lại đều thấy nhánh thông khô cùng mảnh trăng đong đưa, đong đưa trên
mái ngói, bóng thiên thu về. Tôn Nữ Kim Phượng, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương,
Đinh Cường -và hiền nội nữa cũng đã ra đi. Vậy Nguyễn về với ai đây. Còn căn
nhà số 328 trên lầu 3 Lô J Cư Xá Thanh Đa nhìn ra mặt sông, nơi hoàng hôn tím
màu hoa đồng thảo? Ôi làm sao về được khi bóng chúng còn ngự trị nơi tiền trường
sân khấu.
Như vậy, Nguyễn và Tưởng Năng Tiến cùng nhiều
người nữa dứt khoát không thể nào về tìm lại mái nhà xưa, cho dù về với màu gió
ngày lang thang và ánh trăng hiu hắt lạnh lùng để nghe từ trong ký ức dậy lên
tiếng hú hồn mê oan*.
Nguyễn không về được, và nếu có về cũng chẳng
tìm đâu dấu tích của ngôi nhà mình từng lớn lên hay đã sống những tháng năm êm
đềm hạnh phúc. Không, sẽ không bao giờ nữa. Nevermore.
Vậy mà có người thi sĩ chọn kiếp lưu vong là
nhà thơ Diễm Châu đã về tới nhà mình. Ấy là theo lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
ở trong nước. Dẫu rằng ông về chỉ đứng lặng lẽ nhìn và khóc thầm, không dám bước
vô nhà. Nhưng trước khi nói về sự trở về của Diễm Châu, chúng ta hãy tìm hiểu
sơ qua về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông sinh ở Hải Phòng năm 1937, tên
khai sinh Phạm Văn Rao… Di cư vào Nam, tốt
nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn – Giáo sư Anh văn. Tu nghiệp Đại học Indiana,
Hoa Kỳ. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Bách khoa Sài Gòn. Tổng
thư ký tạp chí Trình Bầy ở SG trước 1975. Là trí thức phản chiến, ông từng viết
bài đã kích Mỹ và cuộc chiến tranh trên đất nước ta. Thế nhưng khi Cộng Sản Bắc
Việt chiếm được Sài Gòn và đặt ách thống trị lên toàn cõi, ông mới thấy thân phận
trí thức chẳng ra cái gì cả dưới quyền uy của một lũ người vừa độc ác, tàn bạo
vừa ngu dốt ti tiện. Cho nên ông cùng gia đình đã bỏ nước ra đi năm 1983, và sống
ở Strasbourg cho đến khi từ giã cõi trần gian vào năm 2008.
Hoàng Ngọc-Tuấn đã nhận định về Diễm Châu như
sau: “Như một nhà thơ Việt Nam, Diễm Châu chọn vị thế của một người mãi mãi lưu
vong, nhưng ông chưa bao giờ rời vòng tay ôm lấy đất nước. Bởi suốt đời thiết
tha với đất nước, thời nào ông cũng phải chọn vị thế bất thoả hiệp, dù ở vị thế
ấy ông phải chịu sự cô đơn, và không ít niềm đau đớn… Thật hiển nhiên, cho đến
nay, trong việc mở rộng con mắt thơ Việt Nam ra thế giới, không ai có thể sánh
với ông về số lượng và tầm tiếp cận. Ông làm việc như một con ong vô địch ở sức
chuyển tải và tầm bay xa. Bao nhiêu mật hoa từ châu Á rồi châu Phi, từ châu Âu
rồi châu Mỹ, đến tận châu Đại dương, ông đã mang về qua chiếc cầu biên giới.”
Cô đơn và buồn bã, Diễm Châu muốn tìm về lại
mái nhà xưa ở Hải Phòng. Nguyễn Quang Thiều thuật lại trong Tạp Chí Thơ của Hà
Nội số tháng 12. 2011: “Mấy năm trước Diễm Châu về nước. Ông chỉ ở Hà Nội hai
ngày rồi đi Hải Phòng. Đây là thành phố cố hương ông. Ông trở về đó đầy hồi hộp
và hoang mang. Ông nói ông muốn tìm lại ngôi nhà xưa của cha mẹ ông, nơi ông đã
sinh ra, lớn lên và rời bỏ. Ông muốn được
bước vào ngôi nhà ấy và ngồi xuống trên một chiếc ghế mây cũ trong một khoảng tối
của ngôi nhà để được nghe chính bước chân thời thơ ấu của ông vọng về. Trở về để
tìm lại nơi ông thường giấu bố mẹ một cuốn sách văn học bằng tiếng Pháp để đọc.
Ông cũng muốn về Hải Phòng để gặp một ngườ bạn thơ. Nhưng chuyến đi ấy, chuyến
trở về thành phố cố hương ấy vô tình lại là chuyến trở về cuối cùng khi ông còn
sống trên thế gian này. Và ông đã không tìm lại được ngôi nhà đó. Nhà thơ bạn
ông cứ nhắc ông hãy cố nhớ chính xác lại xem có đúng ngôi nhà ông đang đứng trước
cửa là nhà của ông không? Nhưng ông đã lắc đầu. Ông không tìm lại được ngôi nhà
của mình. Ông nói ông đã quên mất rồi. Ông không thể tìm lại một dấu vết quen
thuộc nào nữa.” Nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quả quyết: “Ông đã nói dối. Đó
chính là ngôi nhà của ông. Ông nhận ra ngay khi nhìn thấy ngôi nhà mặc dù ngôi
nhà ấy đã thay đổi và những người chủ mới nhìn ông với vẻ ngạc nhiên. Một nỗi
lo ngại và một nỗi tủi thân ùa vào lòng ông. Chính vì thế ông không bước vào
ngôi nhà ấy. Ông vội rời bỏ ngôi nhà. Đêm ấy trở về khách sạn ông ngồi co ro
như một cậu bé ở nhà trong đêm một mình mà cha mẹ đều đi vắng. Ông đã lặng lẽ
khóc.”
Vâng. Diễm Châu đã khóc. Ông đã về đến nơi,
nhưng không tìm được ngôi nhà thuở xưa của mình. Mọi thứ đều đã đổi khác, và
không còn nhận ra ông. Vậy làm sao ông có thể bước chân vào ngôi nhà và ngồi xuống
bình yên trên một chiếc ghế cũ. Không, không về được nữa rồi. E phải chờ tới
khi chết. Vẫn lời của NQT: “… có những người chỉ khi chết và chỉ bằng cái chết
mới về được nhà mình một cách thanh thản. Và bây giờ tôi cũng có thể kết thúc
những dòng chữ viết về ông. Bởi tôi đã nhìn thấy ông bước được vào ngôi nhà cũ
của mình mà trước đó không lâu ông đã phải tự nói dối chính bản thân là không
còn nhớ được gì nữa.
Ông đã về tới nhà mình. Amen.”
Vậy là phải chờ tới khi lìa bỏ thế gian này
thi sĩ Diễm Châu mới về lại được ngôi nhà ngày xưa của mình. Thật là buồn bã. Bạn
và tôi, có ai muốn trở về như thế không?
NXT
*Trở Về Mái Nhà xưa. Lời Việt Phạm Duy
*Trở Về Mái Nhà xưa. Lời Việt Phạm Duy
No comments:
Post a Comment