Saturday, August 19, 2017

SAO ANH KHÔNG VỀ CHƠI THÔN VỸ


Nguyễn Xuân Thiệp

Nắng hang cau. Thôn Vỹ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên  
(Đây Thôn Vỹ Dạ)…

Bài thơ của Hàn Mặc Tử qua hơn nửa thế kỷ biển dâu vẫn còn sống trong lòng người Vỹ Dạ xưa và có thể cả trong lòng người yêu văn học Việt Nam nói chung. Nguyễn cũng là người của Thôn Vỹ, thời của nhà thơ siêu thực Võ Ngọc Trác, nên càng yêu càng cảm bài thơ có nắng hàng cau, có thuyền đậu bến sông trăng, có hoa bắp lay trong chiều…

Vừa qua có lời tha thiết kêu gọi họp mặt đăng trên báo chí Cali: “Ai đồng hương Vỹ Dạ?

Ai dâu, ai rể Vỹ Dạ?
Ai con ai cháu Vỹ Dạ?
Ai có dây mơ rễ má đến Vỹ Dạ?
Ai còn tưởng thầy nhớ bạn trường Thế Dạ?

Nhớ về họp mặt đồng hương, đồng môn tại 1452 S Hacienda St Anaheim, CA 92804 lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Bảy 10 tháng 5 năm 2014.”

Lời kêu gọi trên gợi ta nghĩ tới ca từ của bài Auld Lang Syne: “Này bạn ơi, liệu ta có thể nào quên đi những thân tình cũ, và không bao giờ hồi tưởng lại nữa? Không đâu, bạn nhỉ, thời gian trôi qua (và dẫu cho giữa chúng ta là biển lãng quên sóng gào), nhưng chúng ta hãy cùng nâng ly cho tình thân ái ngày xưa.”  

Sao anh không về chơi thôn Vỹ. Nguyễn có đọc lời kêu gọi và được bạn Trần Hữu Duận gọi phone bảo qua chơi gặp gỡ anh em bạn cũ người xưa. Ôi, Nguyễn tôi muốn lắm nhưng đã mua vé máy bay đi thăm cháu và tiện thể bay qua thăm bạn đau nặng ở DC, khi về thì không kịp nữa rồi. Thật là đáng tiếc.

Vâng. Nguyễn tôi đã sống những ngày thơ trẻ ở Vỹ Dạ. Học tư với cô Lan trong xóm, rồi tiểu học ở trường Thế Dạ, rồi qua hết những năm trung học cũng ở thành phố Huế, cho đến năm 1957 mới lên tàu lửa đi vào Nam. Bạn bè thời nhỏ ở đó nhiều lắm, phần lớn là con trai nô đùa, nghịch ngợm, phá phách như quỷ sứ. Một số là cousins của Nguyễn hiện ở Virginia lâu lâu lại gặp nhau: Huyền, Bằng, Bài…  Ngoài ra trong đám bạn cùng trang lứa thời bấy giờ có Trần Hữu Duận ở xóm trong, Vĩnh Tiền, Nguyễn Khoa Khiêm và nhiều người nữa tới giờ quên tên. Đó là chưa kể nhóm anh chị em ở gia đình Phật Tử Chơn Tuệ thường họp ở chùa Ba La Mật. Bạn gái, thật sự là bạn, chỉ có Tôn Nữ Dạ Khê, thỉnh thoảng nói chuyện văn chương với nhau. Sau này Nguyễn thường gọi Dạ Khê là trang tú nữ của một thời. Một hôm, nói chuyện qua điện thoại mình hỏi Dạ Khê “Răng hồi nớ mình với Dạ Khê không yêu nhau hè?” Dạ Khê trả lời: “Mi bận quần xà lỏn tau đâu dám nhìn mà yêu!”

Nhà Dạ Khê có bến tắm với cây cao bóng mát, nước trong xanh. Quả thật thời đó Nguyễn còn khờ dại lắm, đầu húi cua, mặc quần xà lỏn, chạy chơi cùng xóm. Bắn chim, hái trộm trái cây vườn nhà người ta, lội qua Cồn Hến bẻ bắp. Nguyễn và mấy anh em thích xuống tắm bến nhà Dạ Khê, leo lên cây cừa (sung) phóng đầu (plonger) xuống nước. Ôi, một thời chơi đùa nghịch ngợm, vui thiệt là vui. Có hôm bạn bè rủ nhau đi chơi, khuya lang thang trên đường về, mấy thằng trời đánh bị dân vệ bắt về đồn ngủ một đêm. Nhưng chơi đùa, nghịch ngợm phải có lúc ngừng lại, để lo học hành và… mơ mộng. Đúng vậy, trí óc các chàng trai bắt đầu nổi lên những hình ảnh lạ thay vì chỉ có dòng sông và bến nước, hàng cau khóm dừa, cây bàng mái ngói Vương Phủ, những trái đào trái mít trong các khu vườn. Bây giờ là tiếng đàn mandolin, những bản nhạc, những tờ quảng cáo xinê, những cuốn Truyền Bá, Hoa Mai, Sách Hồng, Sách Lá Mạ, tiểu thuyết trinh thám Đoan Hùng, Người Nhạn Trắng, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Và người ta bắt đầu làm thơ viết văn đăng báo trở thành nổi tiếng nữa, trời ạ. Còn nữa, chưa hết. Còn mái tóc ai dưới ánh đèn, đôi mắt đẹp như mắt Đức Mẹ của người xưa, rồi cô hàng xóm làn da thơm mùi ánh trăng… Còn Dao Ca (Nguyễn Xuân Thâm), Tạ Ký và thơ Vũ Hoàng Chương…

một đứa em lên rừng. sốt xanh da mặt
một người chị đi lấy chồng. còn để hương lưu trong áo
cô gái vương phủ tắm truồng dưới ánh trăng
(thơ Dao Ca)     

Ôi. Biết bao hồi ức, bao xúc cảm tràn về khi nhắc tới cái tên Vỹ Dạ hay Vương Phủ. Tôi không quên ánh nắng trên những tán lá bàng, hàng sầu đông tím trong chiều, màu sương buổi sáng mai, tiếng mưa đêm đầm đầm trên mái ngói, chim bìm bịp kêu mùa nước lớn, mùi bắp nướng và khoai lang, hột mít lùi tro trong bếp mẹ… Rồi lá thư tình đầu tiên viết dưới ánh đèn, trang tùy bút đầu tiên viết gởi Đời Mới, bài thơ đầu tiên Nhịp Bước Mùa Thu đăng trên Thẩm Mỹ… Và bạn bè bắt đầu gọi ta bằng cái tên Châu Liêm. Sướng ơi là sướng.

Nguyễn tự hào là người Vỹ Dạ. Nguyễn cũng như anh Trúc Chi hãnh diện đã học Trường Đại Học Thế Dạ. Không tự hào và hãnh diện sao được khi “Thôn Vỹ Dạ thuộc thành phố Huế là một vùng đất quy tụ ba dòng họ lớn trong triều đình nhà Nguyễn xưa. Đó là dòng Nguyễn Phước, dòng Nguyễn Khoa và dòng Tôn Thất. Đây cũng là quê hương bản quán của con cháu các dòng họ này nên người dân thôn Vỹ có những nét rất đặc thù, có chút phong kiến xưa, có chút văn minh Âu hóa pha trộn hài hòa với nền nếp phong hóa Việt Nam. Nên người dân Vỹ Dạ dù giàu hay nghèo cũng đều là những người Việt Nam “giấy rách phải giữ lấy lề.” Điều này đã làm nên phong cách của Vỹ Dạ trong hàng thế kỷ, nhưng cho đến nay thì như lời kết luận của Dạ Khê: “Còn chăng là trong tâm tưởng của chúng tôi trong những lần hội ngộ như lần này.”

    Thật ra, đến với Ngày Vỹ Dạ là để gặp bè bạn ngày xưa, cùng nhau thưởng thức lại hương vị những món ăn thời nhỏ ở Vỹ Dạ, nhắc lại câu chuyện của hơn năm chục năm về trước. Ôi, sắc hương đã nhạt phai, nhiều người không còn nữa hay lưu lạc ở phương trời khác. Về đâu Chị Quyên, chị Thương, chị Hồng, Từ Diệm, Từ Khuê, Từ Uyển, Diệu Uyển, Hỷ Khương, Phùng Khánh, Phùng Thăng, Bích Khê, Tỷ Muội… Thôn Vỹ Dạ chỉ còn trong tâm tưởng mỗi người. Cây bàng Vương Phủ không còn. Những hàng cau bị đốn hạ, những khu vườn xanh như ngọc đã bị phá để mở những tụ điểm cà phê ca nhạc ồn ào. Đinh Cường cách đây vài năm về Vỹ Dạ có ghé lại Vương Phủ, chụp hình gởi cho xem, nhưng mọi sự giờ đã khác. Thôi thì trong khi chờ tới hai năm nữa mới gặp lại nhau xin mời các bạn cùng Nguyễn sống lại một thời của Vỹ Dạ trong thơ khi người bỏ Huế ra đi.

NHỊP BƯỚC MÙA THU

sáng nay. tôi lắng bước mùa xưa
chim nhỏ. năm nao. rộn khóm dừa
sông chớm đôi bờ thu quạnh quẽ
đường dài. son đỏ. quán lau thưa

nhà ai. phơi áo. ngoài hiên. gió
nắng tắt trưa qua. lạnh bến chờ
cây ố. sắc tường. vương phủ ấy
trẻ nghèo. nhặt lá. ngói rơi. Hư

nghìn mùa. sương khói. dậy âm vang
lộp bộp. hiên sau. trái rụng vàng
bóng sậu. kêu qua bờ mía dại
xa nhau. mùa thu. mưa trong trăng

em đi. nhịp bước dạo đôi mùa
áo biếc. chìm trong dáng núi xa
trống lẻ. trường bên. hờ hững điểm
hoàng thành vừa chợp giấc mơ trưa

thời đại xây trên lòng quá khứ
tiếng mùa. hốt gió. rắc ly tan
này em. nhìn lại  nương cày cũ
mặt đất. âm u. bặt tiếng đàn
NXT

No comments:

Post a Comment