Thursday, August 31, 2017

MẦU TÍM


nguyễnthịkhánhminh

Tranh Đinh Cường. Trong tím sắc thu

Dường như nghe một mầu hoa hát tím trong mắt nhìn về phía hoàng hôn, trong thao thức những con đường ấu thơ dịu nồng sắc tím, khi tìm về lại tím đến thiết tha.

Ngày hiu buồn của bóng núi cô đơn sẽ không còn bơ vơ thêm nữa trong bóng mây về ngủ gối như mơ, núi nghiêng lòng đón mở, này bình minh sẽ rung động ban mai.

Phía trời xa cũng dường như gần lại theo cánh chim đang soải cánh bay về, vẫn tiếng hót mùa cũ nhưng chiều nay như ấp ủ điều gì, để tím chiều bâng khuâng rất khác trong mầu hoa vừa nở trong mùi hương bất chợt se lòng ai những sợi pha lê.

Từng hạt nhớ kết chuỗi những hạt sương màu tím cánh tương tư… Hoàng hôn ơi hãy hát thầm với nhé chút nồng nàn chia sẻ một bờ vai, chút run run đôi bàn tay nắm lại…

Xin mầu tím là ánh nhìn thương yêu, mỗi mỗi nỗi buồn là nụ hoa kỳ diệu... Xin tím hát tình ca đắm đuối, để niềm vui thao thức không nguôi, hạt thời gian xanh hoài phiến mắt, chút buồn kia sương sớm mong manh.

Xin vẫn có chiều đôi khi mơ mộng buồn long lanh vỗ sóng. Xin mãi tâm hồn dòng sông ban mai những viên cuội là nỗi buồn lắng lại. Xin tóc người mầu hoa tím dại, chiều nay tím biếc trên tay...

NTKM
3.1980

(trích Tản Văn Thi sắp xuất bản)


Wednesday, August 30, 2017

MỘT NGƯỜI ĐÃ VỀ TỚI NHÀ MÌNH


nguyễn xuân thiệp

      
     
Nhà thơ Diễm Châu

Về nhà, đó là mong ước lớn nhất, thiết tha nhất của một đời người ở chặng cuối cuộc hành trình. Về nhà, vâng. Nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều mơ ước đó. Với chúng ta những người biệt xứ -ôi còn nhà đâu nữa mà về. Ở bên kia một con sông, ở bên kia một cánh đồng hay biển rộng, chỗ đó là nhà của ta thuở xưa phải không. Hình như là vậy. Nhưng làm sao về được.

    Nguyễn cũng như bao bạn bè khác cũng đã từng có một mái nhà ở những năm tháng ấy, bên kia biển sóng. Ngôi nhà đó ở Vương Phủ Vỹ Dạ, nơi có những cây bàng, mái ngói, hàng tre, hàng sầu đông, cây bưởi, và bờ ao xanh. Nhưng tất cả đã không còn dấu vết. Trần Vàng Sao hiện ở thôn Vỹ, và cả Đinh Cường lúc còn sống trong một lần về thăm, đều xác nhận điều ấy. Vậy làm sao Nguyễn về tắm lại bến sông sau nhà cô Dạ Khê?
   Về nhà, về nhà… Đó là ngôi nhà ở số 3 Nguyễn Trường Tộ, Đà Lạt chăng. Ngôi nhà  mà mỗi khi nhìn lại đều thấy nhánh thông khô cùng mảnh trăng đong đưa, đong đưa trên mái ngói, bóng thiên thu về. Tôn Nữ Kim Phượng, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Đinh Cường -và hiền nội nữa cũng đã ra đi. Vậy Nguyễn về với ai đây. Còn căn nhà số 328 trên lầu 3 Lô J Cư Xá Thanh Đa nhìn ra mặt sông, nơi hoàng hôn tím màu hoa đồng thảo? Ôi làm sao về được khi bóng chúng còn ngự trị nơi tiền trường sân khấu.
   Như vậy, Nguyễn và Tưởng Năng Tiến cùng nhiều người nữa dứt khoát không thể nào về tìm lại mái nhà xưa, cho dù về với màu gió ngày lang thang ánh trăng hiu hắt lạnh lùng để nghe từ trong ký ức dậy lên tiếng hú hồn mê oan*.
   Nguyễn không về được, và nếu có về cũng chẳng tìm đâu dấu tích của ngôi nhà mình từng lớn lên hay đã sống những tháng năm êm đềm hạnh phúc. Không, sẽ không bao giờ nữa. Nevermore.
   Vậy mà có người thi sĩ chọn kiếp lưu vong là nhà thơ Diễm Châu đã về tới nhà mình. Ấy là theo lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở trong nước. Dẫu rằng ông về chỉ đứng lặng lẽ nhìn và khóc thầm, không dám bước vô nhà. Nhưng trước khi nói về sự trở về của Diễm Châu, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông sinh ở Hải Phòng năm 1937, tên khai sinh Phạm Văn Rao… Di cư  vào Nam, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn – Giáo sư Anh văn. Tu nghiệp Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Bách khoa Sài Gòn. Tổng thư ký tạp chí Trình Bầy ở SG trước 1975. Là trí thức phản chiến, ông từng viết bài đã kích Mỹ và cuộc chiến tranh trên đất nước ta. Thế nhưng khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Sài Gòn và đặt ách thống trị lên toàn cõi, ông mới thấy thân phận trí thức chẳng ra cái gì cả dưới quyền uy của một lũ người vừa độc ác, tàn bạo vừa ngu dốt ti tiện. Cho nên ông cùng gia đình đã bỏ nước ra đi năm 1983, và sống ở Strasbourg cho đến khi từ giã cõi trần gian vào năm 2008.
   Hoàng Ngọc-Tuấn đã nhận định về Diễm Châu như sau: “Như một nhà thơ Việt Nam, Diễm Châu chọn vị thế của một người mãi mãi lưu vong, nhưng ông chưa bao giờ rời vòng tay ôm lấy đất nước. Bởi suốt đời thiết tha với đất nước, thời nào ông cũng phải chọn vị thế bất thoả hiệp, dù ở vị thế ấy ông phải chịu sự cô đơn, và không ít niềm đau đớn… Thật hiển nhiên, cho đến nay, trong việc mở rộng con mắt thơ Việt Nam ra thế giới, không ai có thể sánh với ông về số lượng và tầm tiếp cận. Ông làm việc như một con ong vô địch ở sức chuyển tải và tầm bay xa. Bao nhiêu mật hoa từ châu Á rồi châu Phi, từ châu Âu rồi châu Mỹ, đến tận châu Đại dương, ông đã mang về qua chiếc cầu biên giới.”
   Cô đơn và buồn bã, Diễm Châu muốn tìm về lại mái nhà xưa ở Hải Phòng. Nguyễn Quang Thiều thuật lại trong Tạp Chí Thơ của Hà Nội số tháng 12. 2011: “Mấy năm trước Diễm Châu về nước. Ông chỉ ở Hà Nội hai ngày rồi đi Hải Phòng. Đây là thành phố cố hương ông. Ông trở về đó đầy hồi hộp và hoang mang. Ông nói ông muốn tìm lại ngôi nhà xưa của cha mẹ ông, nơi ông đã sinh ra, lớn lên và rời bỏ.  Ông muốn được bước vào ngôi nhà ấy và ngồi xuống trên một chiếc ghế mây cũ trong một khoảng tối của ngôi nhà để được nghe chính bước chân thời thơ ấu của ông vọng về. Trở về để tìm lại nơi ông thường giấu bố mẹ một cuốn sách văn học bằng tiếng Pháp để đọc. Ông cũng muốn về Hải Phòng để gặp một ngườ bạn thơ. Nhưng chuyến đi ấy, chuyến trở về thành phố cố hương ấy vô tình lại là chuyến trở về cuối cùng khi ông còn sống trên thế gian này. Và ông đã không tìm lại được ngôi nhà đó. Nhà thơ bạn ông cứ nhắc ông hãy cố nhớ chính xác lại xem có đúng ngôi nhà ông đang đứng trước cửa là nhà của ông không? Nhưng ông đã lắc đầu. Ông không tìm lại được ngôi nhà của mình. Ông nói ông đã quên mất rồi. Ông không thể tìm lại một dấu vết quen thuộc nào nữa.” Nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quả quyết: “Ông đã nói dối. Đó chính là ngôi nhà của ông. Ông nhận ra ngay khi nhìn thấy ngôi nhà mặc dù ngôi nhà ấy đã thay đổi và những người chủ mới nhìn ông với vẻ ngạc nhiên. Một nỗi lo ngại và một nỗi tủi thân ùa vào lòng ông. Chính vì thế ông không bước vào ngôi nhà ấy. Ông vội rời bỏ ngôi nhà. Đêm ấy trở về khách sạn ông ngồi co ro như một cậu bé ở nhà trong đêm một mình mà cha mẹ đều đi vắng. Ông đã lặng lẽ khóc.”
   Vâng. Diễm Châu đã khóc. Ông đã về đến nơi, nhưng không tìm được ngôi nhà thuở xưa của mình. Mọi thứ đều đã đổi khác, và không còn nhận ra ông. Vậy làm sao ông có thể bước chân vào ngôi nhà và ngồi xuống bình yên trên một chiếc ghế cũ. Không, không về được nữa rồi. E phải chờ tới khi chết. Vẫn lời của NQT: “… có những người chỉ khi chết và chỉ bằng cái chết mới về được nhà mình một cách thanh thản. Và bây giờ tôi cũng có thể kết thúc những dòng chữ viết về ông. Bởi tôi đã nhìn thấy ông bước được vào ngôi nhà cũ của mình mà trước đó không lâu ông đã phải tự nói dối chính bản thân là không còn nhớ được gì nữa.
   Ông đã về tới nhà mình. Amen.”
   Vậy là phải chờ tới khi lìa bỏ thế gian này thi sĩ Diễm Châu mới về lại được ngôi nhà ngày xưa của mình. Thật là buồn bã. Bạn và tôi, có ai muốn trở về như thế không?
NXT

*Trở Về Mái Nhà xưa. Lời Việt Phạm Duy


THƠ. NHƯ MỌI NGÀY


Vương Ngọc Minh

Tranh Đinh Ý Nhi

Một ngày tôi ngồi
không xác định được
bao lâu- cạnh bên
gã khăng khăng “chúa vẫn còn sống..”

trong khi còn trố mắt
gã chìa business cards cho tay
chỉ vào- nhấn mạnh- không tin
cứ gọi số này..

ngoái qua
nhìn lên tấm card một
hàng chữ và số
in đậm - 1 (800) FIND theTRUTH

nom thấy tôi nhìn
gã bảo
vẻ chắc nịch rằng- bữa gọi  
giả như hên
chúa không bận/ có mặt ở đó
ngài sẽ bốc phone trả lời

lưỡng lự
tính hỏi đấy phải số free
thì chuyến Uber trờ tới
choàng túi vải
không ngoái lui tôi bước lên xe

đằng trước trời đã  
chiều  

tài xế- một cô trẻ xinh đẹp
nhấn ga xe chuyển bánh
vội vã
đi vào thành phố/ tôi đặt tay lên ngực
tự ban phước lành cho mình
đồng thời
lần túi quần sau rút miếng business cards  
thực tình

tò mò muốn tìm
biết
hơn hoài nghi/ tôi lẫm nhẫm- 1 (800) FIND theTRUTH
- vào đúng khoảnh khắc ấy tựa
con sói ranh mãnh
tôi đánh được mùi gái còn trinh vương trên áo
có lạ không chứ?

bấy giờ
nhắm mắt lại nhưng
cấp kì tôi mở to như thể tin là chúa  
ngài
hiện ở trước mặt/ ngoài đường
phố
chả chút gió người thực đông đúc  

tôi cố- thở cực nhẹ
nguyên do mặt
trăng đang dần dần trượt qua đỉnh
đầu
dường mặt trăng có điều nghiêm túc cần
suy nghĩ/ tôi cũng thế

tôi cười chẳng ngụ ý gì
cười
chỉ để cười!
..
VƯƠNG NGỌC MINH

Tuesday, August 29, 2017

VỀ BÀI THƠ ‘BÔNG HỒNG CHO MẸ’

Đỗ Hồng Ngọc


Báo Văn Hóa Phật Giáo

Mùa Vu lan. Thật may mắn cho những ai được cài đóa hồng trên ngực áo. Bởi họ còn Mẹ. Tôi thì cài bông trắng. Nhưng điều tôi tin chắc là mẹ tôi đã gặp… bà Ngoại, và vì thế, mẹ đã có thể gài lên ngực một đóa hồng thật tươi từ đó… 
Bông hồng cho Mẹ
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
Đỗ Hồng Ngọc
(Vu Lan 2012)

Võ Tá Hân, người nhạc sĩ đã có đến hơn 30 CD nhạc Phật giáo và hằng trăm khúc tình ca nổi tiếng, một hôm tình cờ đọc được bài thơ ngắn ngủn này đã cảm xúc viết nên khúc hát Vu Lan thật thiết tha dành cho những người con… không còn Mẹ. 


Và tiếng hát da diết của ca sĩ Thu Vàng thấy trên youtube:
https://www.youtube.com/watch?v=CBk4jUw1IKs

Rồi Bội Hoàng, từ Cần Thơ đã cảm tác :   

Tình yêu còn mãi

Đọc bài thơ mà mắt lệ đoanh tròng
Ai thấu hiểu một tình yêu đã mất
Ai tự hào cài hoa hồng lên ngực
Dù đã qua cái tuổi cổ lai hi!

          Con chỉ muốn luôn được cài hoa đỏ
          Dù tuổi đời Má đã rất mong manh,
          Dù con Má đã con cháu vây quanh,
          Vẫn muốn được mỗi ngày chăm sóc Má.

Được bón cơm, được đút cháo, châm trà
Được tắm rửa, được thay quần áo mới
Được ngồi bên nghe những lời Má nói
Mà dậy lên niềm thương cảm riêng tư

               Má bỏ con năm Má chín mươi tư
               Rời cõi tạm, Má lên đường thanh thản
               Con cài hoa cho màu áo Má đỏ
               Để Má về gặp Ngoại vui đoàn viên

(Bội Hoàng, 2014)

Nguyễn Thị Khánh Minh từ Santa Ana, mùa Vu Lan viết trong bài “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”:
“Lại đến mùa Vu Lan. Những đóa hồng đỏ hạnh phúc bung nở vành môi vẽ một vòng xum vầy thỏ thẻ Mẹ Ơi. Những đóa hồng trắng ngân đọng nước mắt lung linh đôi bờ xa vắng âm vang tiếng gọi Mẹ Ơi. Trong niềm, vừa hân hoan vừa cảm động, tôi nhớ đến bài thơ về Mẹ mà khi đọc nhịp tim tôi như bị nghẹn,

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông

(Bông Hồng Cho Mẹ, Đỗ Hồng Ngọc)

Thử xem. Đọc. Nghe. Rồi hít vào một hơi thở sâu, im vắng, thì mình như nghe được tiếng nước mắt đang vỡ ra… Vỡ bung như ngọn sóng xanh lấp lánh biển pha lê. Vỡ tung như ngọn pháo hoa rơi vô vàn sợi ánh sáng trong đêm. Những cái vỡ, không tan mà thăng hoa, phải chăng đó là tận cùng của Đẹp? Như hạt nước mắt này, nó bung bung. Ánh lên bóng của Ngoại đang đứng bên kia sông, bên kia là bên của miên viễn không còn sinh tử? Và Mẹ, Mẹ đang từ cõi chết đi vào cõi sống ấy để lọt vào vòng ôm ấm áp của Ngoại. Mẹ đi từ nụ hồng đỏ nở duyên trùng phùng Ngoại. Ý thơ mầu nhiệm làm sao.
Tôi thấy không nói nên lời được để tả cho chính xác cảm giác của mình về sự mênh mang “ý tại ngôn ngoại” trong sâu thẳm bài thơ này. Về cái rất không nghĩa của Mất Còn. Đến với tôi là ý niệm con đường sinh tử đang xóa đi dưới cảm xúc của đứa con, -là Đỗ Hồng Ngọc đây-, người chiêm nghiệm sống chết thật là như không, đóa hồng trắng người đang đeo là một thực tại, đóa hồng đỏ đang rưng rưng trên áo Mẹ kia, là áo nghĩa của thực. Tất cả đều ở thì đang, không còn hôm qua ngày mai phút tàn giây tới. Sinh mệnh không khởi đi và chấm hết bằng hai đầu tiếng khóc nữa. Là Đây. Là Đang. Một thực tại sống động xóa hết biên giới không gian và thời gian. Hình dung Mẹ, trong hơi thở hắt ra bỗng trong suốt nhẹ nhàng đứng lên, trong ngày hội tưng bừng của Tình Mẫu Tử, cúi nhìn bàn tay đứa con run run cài lên ngực áo mình một đóa hồng đỏ, và Mẹ phất phới đi trong nôn nao cho kịp giờ hẹn với Ngoại. Ôi ta mất mẹ và ôi Mẹ vừa có Ngoại. Vô biên lâng lâng nỗi Còn Mất… Huyễn ảo vô cùng khiến những giây tơ vi tế nhất trong cảm xúc ta bị đánh động.
Ngoại Chờ Bên Kia Sông, tôi viết hoa vì mỗi mỗi chữ của câu thơ này là khởi đề dẫn đến chiêm nghiệm ảo hóa về sinh tử. Và toàn bài thơ là tấm tình trong vắt ban sơ của người con, rất nhỏ, mà cũng đã rất già. Bởi rất nhỏ thì mới yêu thương Mẹ được hồn nhiên như thế. Và phải chăng, rất già mới có thể biến yêu thương ngây thơ thành một tình yêu vượt qua được đau đớn của chia lìa sinh tử, như thế.
Cảm ơn Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cho tôi biết thêm một nhịp đập thương yêu nữa của Hiếu Tử, cho tôi từ bây giờ đã có thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng khi nghĩ đến một lúc nào đó phải xa Mẹ. Không phải là một cái xa hẳn rồi, mất hẳn rồi như tôi vẫn thường nghĩ nữa. Trong hạt nước mắt rơi lại thấp thoáng nụ cười, nhìn Mẹ của ta lại cài hoa hồng đỏ về bên Ngoại. Ôi! Cái không nói của Ngoại Chờ Bên Kia Sông đã lấp đầy cảm xúc và ý nghĩ của tôi đến thế!
Và lúc này đây, còn được thấy mẹ ra vào thì hãy thỏ thẻ bên vai mẹ rằng,
… mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng… (thơ Đỗ Trung Quân)
Trong hoan hỷ địa mẫu tử, tôi đọc thầm cho riêng mình, gửi đến các con tôi,
… tận cùng hạt lệ mẹ
là nước mắt con rơi
tận cùng tiếng cười mẹ
là nụ cười con vừa mở
và con ơi
tận cùng hư vô mẹ
sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại 
(thơ NTKM)
Thưa có phải cũng có chút gặp gỡ giữa “sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại” và “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”?
NTKM
Santa Ana, Mùa Vu Lan
tháng 8. 2016

mà nhà phê bình Tô Thẩm Huy cảm thán:
“Bài thơ ngắn, vỏn vẹn 20 chữ, mà thâm thúy, ảo diệu vô cùng. Đọc lên điếng cả hồn.
Phải chép lại ra đây.
Con cài bông hoa trắng
Dành cho Mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực,
Ngoại chờ bên kia sông
Rõ ràng Nguyễn Thị Khánh Minh đã cảm bài thơ đến vô cùng, đến “tận cùng của đẹp”, tận cùng của ý nghĩa sinh tử kiếp người, không khởi đầu, không chấm dứt. Thời gian tan biến mất. Thơ tuyệt, mà người cảm thơ cũng quá tuyệt. Thật là may mắn có được người đồng điệu như thế.
Bài phổ nhạc hay, hai giai điệu khác nhau mà hòa hợp, hỗ tương lẫn nhau. Tuy thế, cảm xúc khi đọc bài thơ nó đến ào ạt, như cùng một lúc nó trào dâng, bủa vây tứ phía, làm bàng hoàng, run rẩy khắp cả châu thân. Cảm xúc từ bài nhạc nó đến khoan thai, từ tốn, êm đềm”.
Lê Uyển Văn từ Trà Vinh viêt: Bài viết tuyệt vời được khơi nguồn từ bài thơ đẹp. May mắn cho chúng ta được thưởng thức những tuyệt phẩm này. Xin đa tạ! Còn Trieu Minh (Úc) ghi cảm nhận khi nghe bài hát từ giọng ca Thu Vàng: “ Doc va nghe Nhac, nghe Nghen o nguc, nuoc tu lan tren Ma”. Còn ton  t thì comment: “Nghe nhức xương, thấm tới tủy”; chrslam thì ghi: Đã nghe đi nghe lại cả chục lần bài hát này. "...Mẹ nhớ gài lên ngực. Ngoại chờ bên kia sông..." Một cảm giác khó tả. Cám ơn thi sĩ và nhạc sĩ. Và E-Temple ghi nhận: “ Chỉ có 4 câu ngắn ngủn thôi mà thành lời ca, và hát mãi không muốn dừng.  Con dập đầu lạy Phật, xin Mẹ được vãng sinh ‘ Nam mô Đại Từ Đại Bi A-Di-Đà Phật....’
Nguyễn Thị Tịnh Thy từ Huế viết trong “Yếu tố bất ngờ trong bài thơ bông hồng cho mẹ”:
“Bông hồng cho Mẹ của bác sĩ - thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bài thơ hay về mẹ. Hay đến mức nào? Hay đến mức lặng người, lạnh người... Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt ngũ ngôn, chỉ vẻn vẹn bốn câu, hai mươi chữ nhưng đủ để khiến người đọc có nhiều phức cảm buồn vui, thấu đạt lẽ sinh tử, cảm ngộ điều được mất... để có thể tỉnh thức, an nhiên trước sự nghiệt ngã của quy luật sinh ly tử biệt.

(...)

Viết về cái chết, về nỗi đau tử biệt nhẹ nhàng như thế, nhà thơ đã thấm nhuần triết lý của nhà Phật. “Vô thường”, “sắc không”, “tứ khổ”, “diệt khổ”, “từ ái”... được chất chứa trong từng câu chữ giản dị tưởng chừng như không còn là thơ, không phải là thơ.  Mặc dù bài thơ đậm chất triết lý, nhưng chất triết lý ấy đến một cách đơn giản, không trau chuốt gọt giũa, không cao đàm khoát luận. Mọi cảm xúc, tình cảm trong bài thơ vừa như có, vừa như không; vừa rất nặng, vừa rất nhẹ; vừa hiện thực, vừa kỳ ảo. Tất cả đều tùy thuộc vào cách mà mỗi người cảm nhận về cái chết, về tình mẫu tử, về lẽ tử sinh. Sâu sắc và đa nghĩa như thế, Bông hồng cho Mẹ là cả một chân trời nghệ thuật mà ở đó, mọi đường nét nghệ thuật dường như tan biến trong tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ, để rồi lan tỏa đến người đọc. Khiến cho người đang nằm có thể bước đi, khiến cõi chết trở thành cõi sống, khiến âm dương cách biệt trở nên gần lại, đậm chất nghệ thuật nhưng không thấy dấu hiệu của nghệ thuật...”
(đặc san Liễu Quán, số 12, Vu Lan 2017).

Mùa Vu Lan này, xin gởi bạn đôi dòng về bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ như một lời chúc mừng đến bạn, người đã rất sướng vui, tự hào, khi còn được cài một bông hồng đỏ thắm trên ngực áo của mình! “Rồi một chiều nào đó anh về, nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu... rồi nói nói với Mẹ rằng...Me ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?...” (Phạm Thế Mỹ).
ĐHN
(Văn hóa Phật giáo, số 280, Vu Lan 2017)