Monday, January 16, 2017

VẼ TRÊN XƯƠNG LÁ


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh


Đề thơ trên lá. Tác phẩm của Nguyễn Thị Khánh Minh

“Bởi chữ nghĩa không đủ lớn để tả đời người
Tôi xin một lần vẽ trên xương lá.” Cam Li NTMT

(Thay món quà sinh nhật, kính tặng Nhà Văn Trần Hoài Thư)


**

Cuối năm, trời thật lạnh, chỉ có mấy độ F mà thôi. Miền Đông.
Tôi chợt nhớ những ngày còn bé. Trời lạnh, tôi hay hà hơi lên cửa kính, rồi vẽ chữ trên đó. Chữ sẽ mau tan vì hơi nước sớm bay đi. Lúc tôi quen nàng, cũng hay vẽ chữ kiểu đó. Viết lên kính coi bộ dễ hơn nói. Bản tính nàng vốn rụt rè. Mà con gái ngày xưa ai cũng rụt rè như vậy. Tôi thì hùng hổ hơn, nhưng cũng rất ngại ngùng sợ nàng e thẹn, mất lòng. Đành vẽ chữ vậy! “Anh yêu em.”

Tôi muốn trở lại. Vâng, tôi rất muốn trở lại, khoảng thời gian đẹp như mơ đó. Nàng vẫn ở bên tôi. Tôi rủ rê:
 “Đi, em!”
“Đi đâu?” Nàng hỏi trong khi mở to đôi mắt.
“Về nơi khi xưa mình hẹn nhau lần đầu.”
“Nơi nào?”
Nàng hỏi rồi tự trả lời:
“Nhớ rồi… Không đi được.”
“Tại sao?”
“Chân tôi… đã không thể đi được.”

Tôi như vụt thoát ra khỏi giấc mơ. Trong đôi mắt của nàng, lệ đã cạn từ lúc nào.
“Mình nè, “đi” không có nghĩa là phải dùng đôi chân. Tôi giúp mình, tôi đẩy xe lăn cho mình. Mình vẫn có thể lên xe, lên tàu, lên máy bay, mình hiểu không?”
Nàng lắc đầu, thở dài:
“Không dễ đâu mình à! Mình cũng đau yếu, tôi không nỡ…”
Chúng tôi cùng im lặng. Tôi len lén thở dài, sợ nàng nghe thấy. Mới hồi đêm, tôi trải qua một cơn đau thấu trời. Tôi tưởng mình không đi được nữa. Ban đầu còn ráng vịn tường mà đi, sau thì quỵ xuống, lê lết trên nền nhà. Tôi tưởng mình sẽ nằm luôn trên đất. Nhưng có một tiếng vọng từ đâu thúc giục, nhắc tôi ngày mai đem thức ăn vào cho nàng. Nàng trông ngóng tôi lắm đấy! Tôi lầm bầm nguyền rủa chứng bệnh gout quái ác. Mày không đánh gục được tao đâu! Không bao giờ đâu!

**

“Ngon không?”
“Cái gì ngon?”
“Trời!.. Thì thức ăn có ngon không? Tôi nấu đó!”
“Biết rồi! Mình nấu. Nhưng tôi nấu mới ngon.”

Hôm nay thấy nàng biết trêu đùa, tôi lấy làm mừng. Tôi sợ những lúc nét mặt nàng lạnh tanh không lộ cảm xúc, trông không giống người yêu của tôi khi xưa chút nào. Khi xưa chúng tôi đâu có mấy khi được gần nhau. Và những khi có nhau, nàng vui vẻ, nhiệt thành. Tôi là lính, một thứ lính rất dữ - nói “dữ” là vì chúng tôi chịu quá nhiều nguy hiểm – ở rừng nhiều hơn ở thành phố. Ngay cả ngày đám cưới chúng tôi cũng vội vàng, chú rể mặc bộ quân phục, cô dâu mặc áo dài giản dị, trang điểm đơn sơ. Đám cưới xong, tôi lại đi. Rồi từ đó về sau, nàng cứ phải nói hai chữ “Lại đi!” Như một điệp khúc, không chán.

Tôi lấy chiếc khăn giấy lau cho nàng miếng cơm dính ở phía trên môi. Nàng nhìn tôi, tia mắt lạ lùng. Rồi như chợt hiểu ra – lúc này nàng hiểu khá chậm – nàng lộ vẻ cám ơn. Khi nàng ăn, tôi phải đút. Nếu không thì tôi phải giữ chén cho chắc để nàng múc cơm bằng một tay. Có rất nhiều lúc nàng không muốn ăn. Tôi phải năn nỉ, thậm chí dọa nạt để khiến nàng ăn. Tôi hiểu rằng trong tâm trí của nàng, cuộc sống đã trở nên nặng nề quá đỗi.

Ăn xong tôi đẩy xe cho nàng ra hưởng chút không khí ngoài sân. Có nhiều người đã ở đó. Họ là “hàng xóm” của nàng. Có cả “bà cụ share phòng” với nàng nữa. Khi hơi khỏe trong người, bà cụ tỏ vẻ dễ chịu. Nhưng khi cơn bệnh trở lại, bà cụ sẵn sàng la lối, khóc lóc, nói bậy. Và nàng thì im lặng chịu đựng.
Mọi người chào nhau trong hành lang. Rồi thì hai chúng tôi tìm một chỗ vắng cho mình. Nàng nhìn thấy trời xanh, cây lá, nét mặt sáng lên. Tôi kéo một chiếc ghế, ngồi bên nàng. Nàng nói:
“Mình mệt đó!”
“Sao mình biết?”
“Mình đau chân, mất ngủ, còn lo nấu ăn cho tôi.”
“Thì tại mình chê thức ăn kiểu Mỹ trong này, tôi nấu món Việt cho mình. Cũng đâu có mất công bao nhiêu. Miễn mình vui là được.”
“Tôi chỉ vui khi được ở trong căn nhà của mình.”
Giọng của nàng như chùng xuống. Tôi nói nhỏ:
“Tôi sẽ xin cho mình về.”
“Đừng, mình! Tôi sẽ không về. Chính tôi muốn ở đây. Mình không săn sóc tôi nổi đâu. Trong đây có bác sĩ, có người tập tành.”
“Nhưng…”
“Xin mình đừng nói gì hết. Mình hãy để mọi việc như bây giờ, đừng thay đổi gì nữa.”
Nghe câu “Đừng thay đổi gì nữa” như một lời cam phận. Từ lúc nàng té xuống, chúng tôi đã mong có sự thay đổi, mong ở phép lạ. Mấy năm qua rồi, phép lạ không đến với chúng tôi. Giải thích sao đây? Tôi bây giờ chỉ còn lại hai chữ “khổ nạn.” Nàng đang gánh khổ nạn. Không ai có thể gánh thay nàng.

**

Tôi đi xuống tầng hầm. “Xưởng in” của tôi là đây! Rón rén, rón rén… cứ như là đi hành quân. “Chiến trận” của tôi cũng ngổn ngang tệ! Máy in, máy cắt, toàn là do tôi tự chế, giấy má, bì thư… khắp nơi. Những khi ngủ không được, tôi đều đi xuống giang sơn riêng của mình. Lúc nàng còn khỏe, còn ở nhà, cũng đã là như vậy.
Tôi ngồi vào máy computer. Phải “layout” cho xong số tới. Bạn bè, em út gửi bài, sửa bài xong rồi, công việc này là của mình. Ngày mai, ngày mốt cho báo “lên khuôn”, rồi mình tự tay cắt xén, khâu gáy. Trời ơi, những từ ngữ này nghe sao mà thân thương, sao mà hấp dẫn quá vậy? Tôi thừ người, nhớ ra một điều. Bài của mình đâu? Mình là nhân vật chủ chốt, phải có bài chứ! Ngày xưa băng rừng lội suối mà viết lách cũng dễ dàng làm sao! Bạn bè viết văn, làm thơ, có người bài chưa kịp gửi đăng báo đã ngã xuống mãi mãi. Có bạn gửi bớt thịt da vào trong đất. Chính vì vậy mà tôi đã không mệt mỏi làm cho bạn văn bạn thơ sống lại, trả vinh dự cho những người lính cầm bút, là bởi vì họ xứng đáng được như thế. Và còn nhiều, nhiều nữa, những tạp chí vang bóng một thời mà ngày nay bị quên lãng, tôi đã tìm tòi, làm hồi sinh. Tôi sẽ không làm được chuyện này dễ dàng nếu không có nàng cùng gánh vác. Hai vợ chồng đã đến Thư viện Cornell cách nhà năm, sáu tiếng đồng hồ lái xe, tìm đọc những bài xưa cũ, copy đem về. Sau này thì sắm máy “scan”, công việc nhanh hơn và đỡ tốn tiền hơn một chút. “Khâu vá di sản văn chương miền Nam!” Bạn bè tặng cho chúng tôi câu đó. Nghe mà cảm động.
Bài của mình đâu? Không cần cầm bút, tôi gõ bằng máy computer. “Theo Em.” Ngày xưa theo em trên con đường hoa, nhặt những chiếc lá vàng đẹp mang về ép, ép khô xong chúng tôi vẽ thơ lên đó. Có khoảng đời theo em vào thư viện, là thư viện Cornell. Bây giờ theo em vào nursing home, em ngồi trên xe lăn với nửa thân tê dại. Tự nhiên nước mắt tôi chảy tuôn, dào dạt. Sao tôi thương em, thương thân quá đi!

**

Tôi giật mình thức dậy sau giấc ngủ mê thiếp. Hai chân tôi đau nhừ. Bệnh gout lại hành hạ. Nhưng kìa, chồng sách mình hoàn thành đêm qua! Tôi đã ngủ vùi sau đó, ngay trong tầng hầm này. Tôi nâng niu từng cuốn. “Lão gàn!” Tôi tự mắng yêu mình như vậy. Sách chỉ in tặng, không bán. Mà không phải bạ ai cũng tặng. Ai quý, ai yêu cầu thì mới in, mới tặng. Nghe gàn thật!
Như một quán tính, tôi nghĩ mình sẽ gọi vợ, khoe với nàng là đã xong xuôi, công việc còn lại là của nàng: cho vào bì thư, hoặc gói lại, ghi địa chỉ, đem đi bưu điện, dán tem hay đóng dấu… Nhưng tôi chưng hửng. Nàng không còn làm được cái việc này nữa. Nàng đang nằm trong nursing home, nhớ không? Tôi thở dài, lặng lẽ ôm từng chồng sách ra garage, chất vào thùng xe. Tôi lại phải tự mình làm thôi! Lặng lẽ và chăm chỉ. Như con ong, cái kiến.
Rồi cũng xong việc. Tôi cũng đã quen rồi!
Trong thùng xe chỉ còn lại hộp thức ăn cho nàng. Tôi lái xe chạy vào nursing home. Tôi tự khen mình giỏi, mỉm cười.
Nàng vẫn ngồi trên giường, chờ tôi. Đã quen với hình ảnh này rồi, không còn cách nào hơn. Nàng lên tiếng hỏi trước:
“Mình đã gửi sách đi xong?”
“Sao mình biết?”
“Việc này là của tôi mà! Mình làm tới đâu, tôi cũng đoán ra hết.”
“Mình giỏi lắm! Mình vui là được.”
“Tôi vui lắm chứ!”
“Tôi giúp mình ăn nhé!”
Nàng lắc đầu:
“Tôi chưa muốn ăn. Đêm qua tôi ngủ không được, sáng dậy hơi đau mình.”
“Tôi báo y tá, xin thuốc cho mình nhé!”
“Không cần uống thuốc đâu! Mình ơi, tôi chỉ muốn mình cạo gió cho tôi.”
“Được.”

Xem ra ở đất Mỹ mấy mươi năm mà nàng vẫn còn giữ thói quen của người Việt thời xưa, thích cạo gió, cũng như thích xông nồi lá giải cảm khi ở nhà. Dĩ nhiên tôi phải ra xin phép y tá. Bà ấy bảo không sao. Với một lọ dầu, một đồng tiền xu, tôi cạo gió cho nàng. Chẳng có ai khác trong phòng để mắc cỡ, “bà cụ share phòng” đã có con đến đẩy ra phòng ngoài chơi.
Tôi giúp nàng xắn lưng áo lên, rồi thoa dầu, dùng đồng xu cạo nhè nhẹ lên đường xương sống, từ đó cạo ra hai bên. Nàng tỏ vẻ dễ chịu. Hình ảnh một bộ gân lá dần dần hiện lên, cùng lúc tôi xót xa nhận ra nàng đã ốm đi nhiều quá! Tôi gượng tay, như sợ đồng xu cọ sát làm đau những vùng xương lộ rõ. Tôi không còn như người cạo gió nữa, mà tôi vẽ. Vẽ trên gánh đời. Vẽ trên cây thập giá mỗi người chúng tôi phải mang vác. Mình ơi, hãy cố gắng. Em ơi, hãy cố gắng. Cho dù ngày mai có ra sao, anh vẫn theo em. Theo em! (1)

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Tháng 12, 2016

(1) “Theo Em”: xin mượn tựa đề loạt bài “Theo Em” của Nhà Văn Trần Hoài Thư- Blog Trần Hoài Thư
Nguồn: 
https://tranhoaithux.wordpress.com/2016/12/18/cam-li-nguyen-thi-my-thanh-ve-tren-xuong-la/

No comments:

Post a Comment