Ngô Thế Vinh
Gửi
Nhóm Bạn Cửu Long
If
Tibet dries, Asia dies
Nếu
Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết
[www.tibetanwomen.org]
Hình 1: Đức
Dalai Lama và Cực Thứ Ba của Trái Đất
[nguồn: http://www.activeremedy.org]
CỰC THỨ
BA CỦA TRÁI ĐẤT
Khoảng ba trăm triệu năm trước,
Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao
trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền
lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối
đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng.
Với lịch sử địa chất ấy, Tây
Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000 m – được mệnh danh là "xứ tuyết", “nóc của trái đất”, hay "Cực Thứ Ba / Third Pole" -- hai
cực kia là Bắc Cực và Nam Cực. Tây Tạng với diện tích hơn một triệu km2 gần bằng
Tây Âu nhưng cô lập với thế giới bên ngoài bởi ba bề núi non hiểm trở: phía nam
là dãy Hy Mã Lạp Sơn, phía tây là rặng Karakoram, phía bắc là các rặng Kunlun
và Tangla; riêng phía đông cũng bị cắt khoảng bởi các dãy núi không cao và lũng
sâu và thoải dần xuống tới biên giới Trung Hoa, ráp gianh với hai tỉnh Tứ Xuyên
và Vân Nam.
Phía tây bắc, Tây Tạng là một
vùng đất hoang đông giá, gần như không người no-man’s-land trải dài hơn 1200 km từ tây sang đông. Phía nam là
vùng núi non với thảo nguyên, nơi sống của dân du mục với các đàn cừu dê và những
con bò Yaks. Phía đông là tỉnh Kham và
đông bắc là tỉnh Amdo (quê hương của Đức Dalai Lama thứ 14) là vùng trù phú và đông
dân nhất. Thứ đến là vùng đất phía nam khí hậu bớt khắc nghiệt, nơi có con Sông
Yarlung Tsangpo với những phụ lưu như một mạch sống.
Người nông dân Tây Tạng chủ
yếu trồng lúa mạch và khoai tây là hoa màu phụ. Khí hậu thay đổi thất thường
như mưa đá, đông giá nên mùa màng luôn luôn bị hư hại. Nguồn thực phẩm ổn định
hơn là nuôi gia súc ngoài đàn bò Yaks còn có trừu, dê và gà để lấy trứng.
Tsampa làm từ bột lúa mạch sấy là món ăn thường nhật của người Tây Tạng. Quốc
gia Tây Tạng là hình ảnh mênh mông của những thảo nguyên với núi cao và lũng
sâu, bầu trời thường thì trong xanh như ngọc. Cho tới cuối thế kỷ 19, nếp sống
của họ vẫn vậy như từ hàng ngàn năm trước.
XỨ SỞ CỦA ĐẠO
PHẬT
Đạo Phật du nhập vào Tây Tạng
12 thế kỷ sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công
nguyên. Khí Tông Cương Tán (Songtsen Gampo) là một tù trưởng tài ba đã thống nhất
được các bộ lạc trên cả một vùng băng tuyết tới chân Hy Mã Lạp Sơn; ông cưới
công chúa Nepal làm hoàng hậu và chính nàng công chúa này đã du nhập đạo Phật
vào Tây Tạng. Tây Tạng thời kỳ ấy là một quốc gia hùng mạnh khiến vua Trung Hoa
đời Nhà Đường cũng phải xin cầu hòa và gả công chúa cho Khí Công Cương Tán,
nàng công chúa gốc Hán này cũng đem đạo Phật vào Tây Tạng. Đạo Phật từ đó đã
phát triển rất mạnh trên vùng đất mới, hòa nhập với tín ngưỡng Bon đa thần để
biến thể thành một thứ đạo Phật cao siêu và thần bí.
Tới thế kỷ 14 một vị chân tu
tên Tống Cáp Ba – Tsongkhapa đã sáng lập nên phái Hoàng Mão Hoàng Y của Phật
giáo chính thống Tây Tạng. Sau khi ông mất, người kế thừa cũng là một vị chân
tu tên Gendun Drup được toàn thể giới tăng lữ suy tôn làm Dalai Lama (Lama là một từ Tây Tạng có nghĩa là bậc
thầy), ông có công phát huy đạo Phật đồng thời cũng xây dựng được một nền hành
chánh kết hợp với giáo quyền trị vì quốc gia Tây Tạng. Vị đại sư mưu trí này đã
đặt ra quy luật tái sanh của Dalai Lama theo
đó khi chết linh hồn vị Dalai Lama sẽ nhập
vào một trẻ sơ sinh như hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm – Bodhisatva Avalokitesara.
Tới thế kỷ 16, do các giáo
phái lại chống đối nhau dẫn tới sự can thiệp của quân Mông Cổ, sau đó thì chính
Đại Hãn Mông Cổ là Altan Khan do cảm phục kiến thức cao sâu của vị đại sư nên
cũng xin quy y, đồng thời phong tước cho vị Lama là Dalai
Lama – Dalai là từ Mông Cổ có nghĩa biển cả, bao hàm kiến thức mênh
mông.
Đây là thời kỳ cực thịnh của
Phật giáo Tây Tạng ghi dấu bằng công trình xây cất Lâu Đài Mùa Đông – Cung Điện
Potala 1000 phòng của các vị Dalai Lama, được
coi như một kỳ quan kiến trúc của thế giới.
Nhưng về phương diện lịch sử
thì ngôi Chùa Jokhang mới là di tích cổ kính nhất, được xây dưới triều vua Khí
Tông Cương Tán, nơi chứa tượng Phật do công chúa Nepal thỉnh về. Kỳ quan của
Jokhang không phải chỉ là các tượng Phật mà là tấm bia đá dựng trước chùa như
di tích lịch sử về một quá khứ hùng mạnh của quốc gia Tây Tạng, đã từng gây khốn
đốn cho các vua Trung Hoa đời nhà Đường. Trên tấm bia là bản hiệp ước được phê
chuẩn bởi Đại Hoàng đế Tây Tạng và Hoàng đế Trung Hoa vào năm 821- 822 khắc bằng
hai thứ tiếng Tây Tạng và Trung Hoa với nội dung [Hình 2]:
“Thỏa
thuận cùng nhau về sự liên minh giữa hai quốc gia... tìm cách ngăn ngừa những
nguyên nhân gây tàn hại cho hai xứ sở bây giờ và mai sau, để mang lại hòa bình
lâu dài cho thần dân hai nước. Thỏa ước được khắc trên bia này để cho các thế hệ
tương lai được biết tới.” (1)
Hình 2: Jokhang, ngôi
chùa có lịch sử hơn 1,300 năm ghi dấu một thời kỳ hưng thịnh của quốc gia Tây Tạng.
Tấm bia ghi bản hiệp ước giữa Đại Hoàng đế Tây Tạng và Hoàng đế Trung Hoa vào
năm 821- 822 đã bị phá huỷ. Jokhang, cùng với lâu đài Potala được UNESCO đưa
vào danh sách Di sản Thế giới. [nguồn: internet]
Giữa thời kỳ hưng thịnh của
quốc gia Tây Tạng [618-907] nơi đầu nguồn Sông Mekong thì lúc ấy Việt Nam lại
đang phải sống trong tối tăm nhục nhã dưới ách thống trị của người Tàu với cái
tên An Nam Đô Hộ Phủ. Việt Nam đã bị nô lệ Tàu tổng cộng 1050 năm trước khi lấy
lại được nền tự chủ với các triều đại Ngô, Lê, Lý, Trần.
Nhưng rồi cũng không tránh
được lẽ thịnh suy, những thế kỷ sau đó Tây Tạng lại bị Trung Hoa xâm lấn, thủ
đô Lhasa thường xuyên bị chiếm đóng. Đến đầu thế kỷ 20, nhân lúc triều đình Mãn
Thanh bị cuộc Cách Mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên lật đổ, nhân dân Tây Tạng đã lại
vùng lên và tuyên bố độc lập nhưng bị đàn áp và đã gặp phải sự thờ ơ đến tàn nhẫn
của thế giới. Trung Hoa cho dù dưới thể chế chánh trị nào vẫn xem Tây Tạng như phần
lãnh thổ của họ.
MỘT TÂY TẠNG
ĐAU THƯƠNG
Năm 1933 khi vị Dalai Lama 13 viên tịch, tương truyền rằng người
ta thấy mặt ngài ngoảnh về hướng đông bắc, phía tỉnh Amdo. Kết hợp với một số
điềm báo triệu khác, các vị trong hội đồng giáo phẩm tới được ngôi làng Takster
tỉnh Amdo và họ đã tìm ra đứa trẻ hai tuổi là đứa con thứ tư trong một gia đình
nông dân nghèo khó, và sau một chuỗi những trắc nghiệm thử thách, cậu bé Tenzin
Gyatso sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935, được công nhận là hiện thân của Đức Dalai Lama thứ 14.
Amdo lúc đó đang thuộc quyền
kiểm soát của quân Trung Quốc nên phải trải qua hai năm thương thuyết khó khăn,
cậu bé Tenzin Gyatso mới được rời Amdo lên thủ đô Lhasa và được đưa vào Cung Điện
Mùa Hè Norbulingka rồi Cung Điện Mùa Đông Potala để được nuôi dưỡng và giáo dục
đúng theo giáo lý bởi những vị cao tăng uyên bác. Trong thời gian đó, một quan
nhiếp chính được chỉ định để lo việc nước.
Tình hình càng trở nên tệ hại
khi Tưởng Giới Thạch bị thua phải chạy ra đảo Đài Loan (1949), Hồng Quân chiếm
trọn Hoa Lục đồng thời cũng xua quân vào cưỡng chiếm Tây Tạng với chiêu bài “giải phóng nhân dân Tây Tạng đang bị giai cấp
phong kiến áp bức.”
Và đã có ngay từng đợt hàng trăm
ngàn binh lính Trung Cộng tiến vào Tây Tạng, kéo theo sau là gia đình của họ.
Khác xa với hứa hẹn ban đầu bảo đảm tự do tín ngưỡng và phong tục tập quán của
dân Tây Tạng, họ mở ngay chiến dịch chống tôn giáo, đồng thời thi hành “chánh sách tàm thực/ tầm ăn dâu” không
ngừng di dân gốc Hán vào đất nước Tây Tạng.
Năm 1950, do nhu cầu cấp
bách của thời cuộc, ở cái tuổi mới 16, Tenzin Gyatso đã phải rất sớm đứng ra đảm
đương mọi trách nhiệm chánh trị điều hành quốc gia Tây Tạng. Năm 1954, Gyatso bị đưa sang Trung Quốc gặp
Mao Trạch Đông trong ý muốn thuyết phục vị Dalai
Lama trẻ tuổi ấy chấp nhận một xứ sở Tây Tạng sát nhập vào trật tự nước
Trung Hoa.
Trước nguy cơ diệt vong, năm
1959 nhân dân Tây Tạng lại nhất loạt nổi dậy, nhưng đã bị Hồng Quân trấn áp và
tàn sát không thương tiếc. Trong cuốn tự truyện Tự Do Trong Lưu Đầy – Freedom in
Exile, Tenzin Gyatso viết:
“Trong
gần một thập niên, ở cương vị người lãnh đạo chánh trị và tôn giáo cho dân tộc Tây
Tạng, tôi đã cố gắng tái tạo mối liên hệ hòa bình giữa hai quốc gia Tây Tạng và
Trung Hoa, nhưng trách vụ ấy không thể hoàn thành. Tôi đi tới kết luận là tôi sẽ
phục vụ dân tộc tôi được nhiều hơn nếu tôi sống ở nước ngoài.” (1)
Đức Dalai Lama thứ
14 đã dẫn hơn một trăm ngàn dân Tây Tạng vượt biên giới thoát sang Ấn Độ. Bất
chấp sự chống đối và cả hăm dọa của Bắc Kinh, chánh phủ Ấn vẫn giúp định cư số
người Tây Tạng lưu vong này nơi thị trấn Dharmasala dưới chân rặng Hy Mã Lạp
Sơn. Một chánh phủ lưu vong Kashag được hình thành như niềm hy vọng sống còn đối
với người dân Tây Tạng trong nước.
Phía Trung Quốc bất kể nguyện
vọng dân Tây Tạng ra sao, họ vẫn sát nhập quốc gia này vào “Nước mẹ vĩ đại Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa.” Tháng 9 năm 1965, Bắc Kinh tuyên bố lập “Vùng tự trị Tây Tạng – Tibetan Autonomous
Region” trực thuộc nước Trung Hoa. Điều ấy có nghĩa là quốc gia Tây Tạng bị
Bắc Kinh xoá tên trên bản đồ thế giới.
Và rồi các giai đoạn thảm khốc
nhất đã diễn ra trong suốt thập niên sau đó khi có cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Cả một
di sản văn hóa của dân tộc Tây Tạng bị tận diệt một cách công khai và có hệ thống
bởi những đoàn Vệ Binh Đỏ. Các đền đài tu viện bị phá trụi, các tranh tượng tôn
giáo bị hủy hoại. Hàng chục ngàn người Tây Tạng bị kết tội “phản động” vì không
chịu lên án Đức Dalai Lama và từ bỏ đức tin
của họ.
Theo thống kê của Trung Cộng
(1982) có 3.87 triệu người Tây Tạng, nếp sống đơn sơ và hiếu khách nhưng họ là
một dân tộc đang phải sống trong nô lệ và chịu nỗi khổ đau vô hạn "trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Hình 3: Uống nước nhớ nguồn. Ngay sau cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng
1959 bị Bắc Kinh đàn áp đẫm máu khiến Đức Dalai
Lama và hơn 100,000 người Tây Tạng phải tỵ nạn sang Ấn Độ. Việt Nam Cộng
Hoà lúc ấy đã tức thời gửi lúa gạo sang cứu trợ. Lúa gạo ấy đã được gieo trồng
từ nguồn nước con Sông Mekong. Đức Dalai Lama
đã tiếp Phái đoàn Việt Nam tại Darjeeling, Ấn Độ. Từ trái: Gs Lê Xuân Khoa Tổng
thư ký Hội Văn hoá Á Châu, Thượng toạ Thích Trí Dũng, Đức
Dalai Lama, và Phó Chủ tịch Quốc Hội VNCH Cổ Văn Hai. (4)
Tháng 10 năm 1987, không còn
kiên nhẫn hơn được nữa, dân Tây Tạng lại vùng dậy và cũng lại bị quân chiếm
đóng Trung Cộng đàn áp tàn bạo. Đã có khoảng 1.2 triệu người Tây Tạng bị giết,
một con số thật khủng khiếp nếu so với tổng số dân Tây Tạng chưa tới 4 triệu.
Để phối hợp với các cuộc đấu
tranh ở trong nước, Đức Dalai Lama đã rời
Dharmasala và du hành qua nhiều quốc gia trên thế giới để nói lên nguyện vọng
được sống trong độc lập và tự do của nhân dân Tây Tạng.
Tenzin Gyatso chỉ nhận mình
là một nhà sư giản dị, không bao giờ tự huyền thoại hóa mình là Phật Sống. Bất
cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, vẫn luôn luôn là một con người nhu hòa không định kiến,
vượt lên trên mọi khen chê. Ông là một con người giàu lòng từ bi, hơn thế nữa
là con người của tự do. Với tinh thần bất bạo động linh hoạt – active non-violence, ông luôn luôn cố gắng
tái tạo mối liên hệ tin cậy và hòa bình với phía thù nghịch cho dù Bắc Kinh
không từ một thủ đoạn nào để gây tai tiếng và bôi nhọ ông.
Hình 4: Jampa Yeshi,
tên người thanh niên Tây Tạng đang chạy như một ngọn đuốc trên một đường phố
New Dehi 26.3.2012 đòi tự do cho nhân dân Tây Tạng. Từ 2009 tới 2016, đã có 153
nhà sư và thường dân Tây Tạng tự thiêu phản kháng sự chiếm đóng của Trung Quốc.
[nguồn: AP, photo by
Manish Swarup]
Cho dù gần đây
Trung Cộng cho xây dựng lại một số chùa chiền ở Tây Tạng bề ngoài như một “sửa
sai sau Cách Mạng Văn Hóa” nhưng chỉ là để phát triển kỹ nghệ du lịch; cùng một
lúc họ cho gài công an chìm vào khắp các tu viện, đi xa hơn nữa Bắc Kinh còn cấm
người trẻ đi tu và đồng thời cưỡng bách các vị sư già ngoài 60 tuổi phải về hưu
trong khi vẫn không ngừng rêu rao “Tự do
tôn giáo là điều được ghi trong hiến pháp”.
Nếu chỉ viếng thăm Tây Tạng “như một khách du lịch” và đi
theo đoàn du khách với cô hướng dẫn người gốc Hán thì mọi sự đều rất êm thấm,
cũng như một số khách Tây Phương – kể cả chánh trị gia lão thành Edward Heath cựu
thủ tướng Anh, được Bắc Kinh tổ chức cho đi thăm Tây Tạng, khi trở về nói mọi
chuyện ở đó đều tốt đẹp. Họ nói thật qua những điều dàn dựng và được phép cho
thấy. Và bao giờ cũng vậy, những điều cho thấy ấy là một sự dối trá trắng trợn.
TÂY TẠNG VÀ BÀI
HỌC AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ
Trong khoảng hơn 20 năm từ 1995,
kể từ khi có mối quan tâm về con Sông Mekong dài hơn 4,800 km ấy, về phương diện
địa dư chính trị/ geopolitics, người
viết luôn luôn xem Tây Tạng như một quốc gia, và con Sông Mekong chảy qua 7 quốc
gia - thay vì 6. Nếu không kể Tây Tạng như một quốc gia đầu nguồn, một cách vô
thức, cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên hợp thức hoá dã tâm của Bắc Kinh muốn xoá
Tây Tạng trên bản đồ thế giới.
Trong buổi lễ trao Giải thưởng
Nhân quyền Robert F. Kennedy ngày 9 tháng 11 năm 1998 tại Đại Học Georgetown, Đức Dalai Lama tỏ ý ao ước được viếng thăm Việt
Nam năm 2000. Điều đặc biệt hơn nữa là Đức Dalai
Lama còn có đề nghị với các học giả Việt Nam hãy cung cấp cho các nhà sử
học Tây Tạng những sử liệu liên quan tới mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Hoa
và Việt Nam - Tây Tạng.
Và ai cũng hiểu rằng Đức Dalai Lama muốn nhân dân Tây Tạng tìm đến "Bài học Việt Nam", làm thế
nào dân tộc Việt vẫn lấy lại được nền tự chủ sau cả ngàn năm đã bị người Tàu đô
hộ và quyết tâm đồng hóa. Đó như một "thông
điệp hy vọng" của những người dân Tây Tạng đang bị Trung Quốc áp bức
như hiện nay. (4)
Nhưng cũng để thấy ngay một
khác biệt sâu xa giữa hai quốc gia Việt Nam và Tây Tạng. Trong hơn một ngàn năm
bị đô hộ ấy, Trung Hoa chưa có nạn nhân mãn, Việt Nam vẫn là xứ xa xôi còn bị
coi là man di chưa xuống xa tới Đồng Bằng Sông Cửu Long, chưa phải đối đầu với "chính sách tàm thực di dân Hán hóa”
như thảm trạng hiện nay của Tây Tạng, khiến dân Tây Tạng đang mau chóng trở
thành thiểu số trong biển người Hán ngay trên chính quê hương của họ. Với chiêu
bài dân chủ nhân danh quyền tự quyết, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra
trên đất nước Tây Tạng do Bắc Kinh chủ xướng, thì đó là một "cuộc tự
sát" mà không một người dân Tây Tạng nào có thể ngây thơ chấp nhận.
Đã 16 năm kể từ năm 2000, Đức Dalai Lama năm nay cũng đã hơn 81 tuổi, và không
có cuộc viếng thăm nào của Đức Dalai Lama tới
Việt Nam. Chấp nhận hay không cuộc viếng thăm ấy là một thử thách can đảm đối với
nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội. Đó cũng là thước đo mức tự chủ của Việt Nam đối
với Trung Quốc.
TÂY TẠNG MẠCH SỐNG
CỦA CHÂU Á
Các con sông lớn như mạch sống
cho toàn vùng Châu Á đều bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng. (2)
Phía tây, gần rặng núi Kailash là hai con Sông
Indus và Sutlej chảy về hướng tây nam và giao thoa với ba con sông khác để hình
thành vùng châu thổ Punjab giữa hai nước Ấn và Hồi.
Phía nam là con Sông Yarlung
Tsangpo hay “nguồn tinh khiết” còn được mệnh danh là “con sông cao nhất thế giới”,
với các ghềnh thác xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn, rồi chảy qua Ấn độ, Bhutan
và Bangladesh, con sông mang tên Brahmaputra trước khi đổ vào Vịnh Bengal, thuộc
Ấn Độ Dương.
Phía đông là khởi nguồn của các
con sông lớn khác: Sông Dương Tử 6,500 km dài nhất Châu Á chảy về hướng đông
theo suốt chiều ngang lãnh thổ Trung Hoa tới Thượng Hải, còn Hoàng Hà thì chảy
về hướng bắc rồi sang đông tới Thiên Tân – Tianjin, và cả hai cùng đổ ra biển
Trung Hoa.
Phía nam là hai con Sông
Irrawaddy và Salween chảy xuống Miến Điện theo hướng bắc nam trước khi đổ vào
Biển Andaman, những con đập thuỷ điện Made-in China nay đang bắt đầu xiềng xích
và huỷ hoại hệ sinh thái của hai con sông Miến Điện này. [Hình 5]
Hình 5: Quốc gia Tây Tạng, nơi phát xuất
những con sông lớn của Châu Á
[nguồn: Meltdown in Tibet, Michael
Buckley, Palgrave MacMillan 2014]
Riêng con Sông Mekong dài
hơn 4,800 km, mang nhiều tên khác nhau, bắt nguồn từ Tây Tạng: có tên Dza-Chu
có nghĩa “nguồn nước của đá,” tiếp tục
chảy về hướng nam băng qua những hẻm núi sâu của tỉnh Vân Nam với tên Trung Hoa
là Lancang Jiang “con sông xanh cuộn sóng,”
qua đến biên giới Lào Thái mang một tên khác Mae Nam Khong “con sông mẹ,” xuống Cam Bốt lại mang một tên khác nữa Tonle Thom “con sông lớn” cuối cùng chảy qua Việt
Nam mang tên Cửu Long “chín con rồng”
với hai nhánh chính là Sông Tiền và Sông Hậu đổ ra Biển Đông bằng chín cửa sông,
và nay chỉ còn bảy.
Cũng để thấy một con Sông
Mekong hoang dã không còn nữa khi 6 con đập dòng chính khổng lồ Vân Nam đã hoàn
tất, và 12 con đập hạ lưu Lào và Cam Bốt đang lần lượt được triển khai, cùng với
những kế hoạch thuỷ lợi nguy hiểm là chuyển dòng lấy nước trên suốt chiều dài
con Sông Mekong. Hậu quả là sự suy thoái của toàn thể hệ sinh thái lưu vực Sông
Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long thì khô hạn, nhiễm mặn và đang chết dần.
TIẾNG NÓI BẢO VỆ
MÔI SINH
Đức Dalai Lama không
chỉ là vị lãnh đạo tinh thần của dân Tây Tạng, ông còn là tiếng nói của "từ
tâm" luôn luôn đấu tranh cho nhân quyền và bảo vệ môi sinh cho toàn hành
tinh này.
Với quốc gia Tây Tạng, Đức Dalai Lama đã giành ưu tiên cho bảo vệ môi
sinh thay vì thay vì những vấn đề chính trị nóng bỏng.
"Lịch
trình chính trị có thể hoãn lại 5 - 10 năm nhưng cộng đồng quốc tế cần tập
trung quan tâm tới biến đổi khí hậu trên Cao nguyên Tây Tạng: khối băng tuyết
đang tan rã, nạn phá rừng, và ô nhiễm nguồn nước do những dự án khai thác hầm mỏ,
là những vấn đề cấp thiết, không thể chờ đợi."
Đức Dalai Lama đã
nói với Đại sứ Hoa Kỳ Timothy Roemer như vậy trong một gặp gỡ ở New Delhi, thủ
đô Ấn Độ vào tháng 8, 2009. [nguồn: Wikileaks Cables, the Guardian 10 Aug.
2009]
Từ trên đầu nguồn, những con sông lớn Châu Á
đang bị Trung Quốc phá huỷ một cách toàn diện và có hệ thống: với khí thải từ
các nhà máy gây hiệu ứng nhà kính khiến khối băng tuyết đang tan rã, rồi nạn
phá rừng tự sát / suicidal deforestation, tới các kế hoạch khai thác hầm mỏ đại
quy mô, tàn phá sinh cảnh, gây ô nhiễm các nguồn nước; những con sông trên Cao
nguyên Tây Tạng cũng đang bị Trung Quốc xiềng xích bởi những con đập thuỷ điện
và người dân Tây Tạng thì bị đuổi ra khỏi vùng đất đang sinh sống của họ.
Hình 6: Hâm Nóng Toàn Cầu trên Tây Tạng;
Nếu Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết [nguồn: Meltdown in Tibet, Michael Buckley,
MacMillan 2014]
Hoa Lục xác nhận là sẽ xây các con
đập lớn trên thượng nguồn Sông Yarlung Tsangpo –
Brahmaputra, trước khi con sông ấy chảy sang Ấn Độ, Bhutan và Bangladesh. Brahmaputra
là dòng sông huyết mạch của bao nhiêu triệu cư dân của 3 quốc gia này.
Giới chức Hoa Lục cho biết họ sẽ
còn xây thêm những con đập khác giữa các quận hạt Sangro và Jiacha. Khi hoàn tất,
tổng số công suất của những con đập thủy điện này sẽ “nhiều lần lớn hơn” công
suất con đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử.
Nguồn năng lượng mới này tương đương với 100 triệu tấn than đá, hoặc bằng toàn
trữ lượng dầu khí trên Biển Đông. Yan Zhiyong, tổng giám đốc Nhóm Tham vấn Thủy
điện Trung Quốc (China Hydropower Engineering Consulting Group) nhận định: “Tây
Tạng là nguồn dự trữ thủy điện lớn nhất so với các tỉnh khác của Trung Quốc.
Chuyển điện từ Tây Tạng sang các tỉnh miền Đông sẽ giải quyết vấn đề thiếu năng
lượng của Trung Quốc”.
Anant Krishnan, nhà ngoại giao
cao cấp của Ấn Độ cho rằng kế hoạch xây đập tràn lan của Bắc Kinh, cho dù đó là
trong lãnh thổ Trung Quốc -- thực ra là trong lãnh thổ quốc gia Tây Tạng, chắc
chắn sẽ ảnh hưởng tác hại tới mối quan hệ đối với các quốc gia hạ nguồn. Rồi
ông ta cũng không quên so sánh:
“Ấn Độ bị
báo động vì những con đập trên sông Yarlung Tsangpo- Brahmaputra, cũng giống
như với các quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam đối với những con đập
Vân Nam trên thượng nguồn Sông Lancang – Mekong”.
Hình 7: Cứu Tây Tạng là cứu mạch sống
Châu Á
[nguồn: International Campaign for
Tibet]
Cho dù đang có những mối lo
âu về sự tồn vong của quê hương nhưng Đức Dalai
Lama cũng rất quan tâm tới những vấn đề chung của nhân loại. Ông đề cập
tới vấn đề môi sinh với một tầm nhìn xa và trong mối tương quan toàn cầu và
luôn luôn muốn "giữ xanh"
hành tinh này, qua thông điệp nhân Ngày Môi Sinh Thế Giới / World Environment
Day [06.05.1986]:
“Hòa
bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người
thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài
nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham lam và thiếu tôn kính đối với sự
sống trên hành tinh này... Chúng ta dễ dàng tha thứ cho những gì đã xảy ra
trong quá khứ do bởi u minh. Nhưng ngày nay do hiểu biết hơn, chúng ta phải duyệt
xét lại với tiêu chuẩn đạo đức là phần gia tài nào mà chúng ta thừa hưởng, phần
nào chúng ta có trách nhiệm sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau."
NGÔ THẾ VINH
Tham khảo:
1/ Freedom
in Exile; The Autobiography of The Dalai Lama. Tenzin Gyatso, Hodder &
Stoughton Ltd, London, 1990.
2/
Meltdown in Tibet: China's Reckless Destruction of Ecosystems from the
Highlands of Tibet to the Deltas of Asia. Michael Buckley. Palgrave MacMillan,
New York, 2014
3/ Global
Ecology and the Made in China Dams; Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation 2010;
http://vietecology.org/Article.aspx/Article/62
4/ The
Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in Turmoil. Ngô Thế Vinh,
Viet
Ecology Press, Người Việt Books, Nxb Giấy Vụn 2016
No comments:
Post a Comment