Wednesday, January 18, 2017

NGUYÊN MINH, TRANG VIẾT VÀ ĐỜI VĂN



Trương Văn Dân

Nguyên Minh. NQChơn vẽ

           
“ Có một số nhà văn nhà thơ qua một giai đoạn lịch sử nào đó lại chối bỏ những sáng tác cũ của mình. Họ phủ nhận hoặc ngượng ngùng nếu ai nhắc lại.Tôi nghĩ những tác phẩm đó họ không viết từ con tim, từ những suy nghĩ thật lòng, nên nó không tồn tại.”
Nguyên Minh
1.

Một cành hoa dại.

         Nếu nhà thơ/nhà biên kịch Lưu Quang Vũ  đã từng nói “đôi khi ta chán cả bạn bè, ba năm không nói được gì mới” thì với Nguyên Minh hãy nghe anh giãi bày:  “ Trong những lần họp mặt bạn bè tôi rất bực mình nghe Phan kể những thông tin chẳng ăn nhập vào không khí văn nghệ…/… Đời sống khắc nghiệt đã làm tôi vắng đi những nụ cười. Tìm đến bạn bè, một chút men say trong không khí thần tình êm ái, cùng nhớ lại một thời đã qua, thì nói làm gì những chuyện  vô vị của cuộc sống”  (TN “Hình như trời đang mưa”)
        Với một con người yêu văn chương hơn mọi thứ trên đời thì lời tâm sự đầy xót xa sau đây không làm cho ai phải ngạc nhiên: “Sau biến cố 75, lịch sử đã cuốn chúng tôi chìm dập như cơn bão dữ, làm tan nát cả một thời vang bóng. Trong những năm đầu chúng tôi điêu đứng vì nghèo đói, cùn mòn về tâm hồn, không có thì giờ để nghĩ đến nhau, bạn bè tan nát đâu cả. Muốn biết tin nhau không phải là dễ, nói gì đi tìm đến nhau, để ngồi nói chuyện văn chương chữ nghĩa.” (tn Chạnh lòng)
         Thế nhưng trong thời điểm ‘75 mà nhiều bạn bè chạy ra nước ngoài thì dù đã mất mát rất nhiều, xưởng in, tòa soạn,  không còn Ý Thức, không còn cơ sở phát hành, bè bạn văn chương anh vẫn bình thản ở lại quê nhà, chấp nhận cuộc đổi đời như đi qua một khúc quanh của đời mình. Anh đón nhận mọi thứ nhẹ nhàng, không oán than hờn giận. Những trang viết nhắc lại quãng thời gian này người đọc anh tinh ý sẽ nhận thấy lòng anh rất bình yên, xem sự đời như nước chảy hoa trôi. Mọi chuyện, kể cả lịch sử rồi cũng sẽ trôi qua:
         “Trong buổi tiệc sum hop tại nhà từ đường. Lũ cháu nội của anh họ tôi nói thẳng thừng với chúng tôi :
         - Thế hệ chiến tranh đã qua. Hận thù là của chế độ đó. Còn bây giờ, thời bình là của chúng con. Biết yêu thương. Và, tha thứ
         Tôi lặng lẽ bước ra vườn ngắt vội một nhánh hoa dại cắm lên bàn thờ tổ tiên.”

2.

Con đường độc đạo với hai tình yêu lớn.

         Nếu suốt đời nhiều người cứ mãi loay hoay đi tìm lẽ sống, không bao giờ bằng lòng với chính mình thì hình như đối với Nguyên Minh chỉ có một con đường để phải đi. Con đường ấy chính là viết văn và in báo.
         Khi nghe tôi nói thế bạn Vũ Thế Thành không đồng ý. Anh cho rằng “Lão già NM không phải sinh ra để làm văn chương đâu. Lão đó sinh ra để làm báo, báo tuần, báo tháng, báo năm,... miễn là làm báo. Viết văn còn có thể bỏ được, chứ làm báo là bị nghiệp chướng ma ám,..” Anh Đặng Châu Long cũng phụ họa: “Anh nói đúng quá. Cái chuồng cu của anh đang bị mấy cái máy in xâm lấn chỉ do tội ghiền làm báo..” Nhưng tôi vẫn cho rằng  Nguyên Minh yêu cả hai thứ. Tôi biết ông này "ghiền" viết đến đâu. Thèm lắm… nhưng làm báo chọn bài, biên tập, in ấn, phát hành… chiếm rất nhiều thời gian nên viết không nhiều. Anh như lơ lửng giữa vợ và người tình, như trong cuộc đời mình, yêu mỗi người một cách và không muốn ai phải phiền lòng.
         Hãy nghe cuộc đối thoại giữa Nguyên Minh và Thân Trọng Minh gần sáu mươi năm trước để hiểu tâm tình anh:
         “Ông là bác sĩ tim mạch, ông có cần giải phẫu xem quả tim tôi như thế nào không?”, Trọng cười: “Quả tim có bốn ngăn. Ngăn thứ nhất ông dành cho cha mẹ. Ngăn thứ hai ông dành cho vợ con. Ngăn thứ ba cho tình yêu mà T. đã chiếm hết chỗ. Ngăn thứ tư là của bạn bè”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Còn văn chương?”- “Cái bọc bao quanh bốn ngăn của quả tim chính là niềm đam mê của ông về văn chương” (NM, Tưởng chừng đã quên)
            Nhà văn Đặng Châu Long còn kể lại chuyện Nguyên Minh nhờ văn chương mà vượt qua một trận đau sinh tử trong cơn giải phẫu túi mật. “Lúc  đó anh rất ốm yếu. Các bạn học cũ thân thiết của anh, hai bác sĩ là Đỗ Hồng Ngọc và Thân Trọng Minh đều biết là vô vọng. Các anh gọi điện thoại cho những người thân xa để báo trước tin xấu và chuẩn bị hậu sự. Thời may, chị Kim Qui, vợ nhà văn họa sĩ Lê Ký Thương, chạy vô thăm và mang đến cho anh liều thuốc hồi sinh. Đang thoi thóp mê mệt giữa làn ranh sinh tử, anh Nguyên Minh thấy chị Kim Qui photocopy lại được quyển Ý Thức 21 năm xưa (mà Huỳnh Như Phương vừa cho mượn) để tặng anh. Anh chợt hồi sinh, hơi thở và khí sắc hồng hào trở lại, cầm quyển Ý Thức lâu nay anh trở trăn tìm kiếm, giờ cầm nó trên tay anh thấy mình sống lại. Sống lại với cả hai ý nghĩa đen và trắng!”

Trương Văn Dân- Elena và Nguyên Minh

3.

Ngọn Gió (Mai) định mệnh. 

            Nhắc lại những điều trên để thấy là suốt cuộc đời Nguyên Minh gắn liền với viết văn và in báo. Ngày chàng học sinh ấy viết lên truyện ngắn đầu tiên rồi cùng vài người bạn đem quay Roneo trong tập Gió Mai có thể gọi là định mệnh. Định mệnh ấy giống như hai thanh sắt của đường ray, cứng ngắt, kềm, không cho anh lối rẽ, để anh đi trọn cuộc đời mang trên vai hai niềm đam mê ăn sâu trong máu thịt: In báo và viết văn. In báo  có thể gọi là nghề, còn viết văn là nghiệp. Cái này, cái kia tương tác, bổ trợ cho nhau. Anh say mê cả hai công việc và rất vui khi thấy những trang viết của mình hay của bạn bè in lên trang giấy.
            Suốt một đời Nguyên Minh là một người điều hành toàn tâm toàn ý cho các tờ báo văn chương. Từ Gió Mai- Ý Thức đến Quán Văn. Anh luôn luôn bận rộn. Chủ báo, NM, chủ bút, NM, thợ in, thư ký tòa soạn, người phát hành, NM... nhà văn.  NM như Tề thiên nhổ nhúm lông, hô biến, và phân thân. Có lẽ mất khá nhiều thời gian cho việc làm báo nên anh viết không nhiều vì không có thời gian lo cho mình. Chắc cũng có khi tiếc nuối, nhưng chỉ một thoáng. Anh lại trở về với việc in ấn, làm báo. Theo tôi thì đó là một hy sinh lớn của anh. Chấp nhận thua thiệt để tạo cho bằng hữu một mái nhà chung, dẹp bỏ mọi thành kiến cá nhân để cùng đi tìm cái đẹp. Nhiều lần tôi nói anh phải giao bớt việc, để dành thời gian viết, vì “những điều muốn viết” trong anh còn nhiều. Nội lực phong phú. Thế nhưng…
           Không viết nhiều, có thể vì bận nhưng cũng có thể vì muốn công bố những gì mà anh tin là  đọc “được” chứ không ôm đồm, viết hay in những truyện chưa ưng ý để làm thấp giá trị trang viết của mình.
 Đó là tính cách của NM người luôn thao thức với việc viết lách và in ấn, sách báo: “Cả một khoảng đời dài, một phần tư thế kỷ, chúng tôi đã ngừng bút. Trong những buổi họp mặt đó, tôi chỉ ngồi lặng câm, không nở nổi một nụ cười. Những mộng ước văn chương còn dang dở. Sao không ai nhắc đến món nợ phải trả. Cuộc chơi cay nghiệt của thời tuổi trẻ đã từng làm tôi đam mê đến nỗi đã đánh mất đoạn kết tốt của một mối tình” (Tưởng Chừng Đã Quên, trg 15).
          Ngưng bút, nhưng chỉ là tạm. Vì đam mê trong anh thời đó tuy không bùng lên như ngọn lửa, nhưng nó cháy âm ỉ không bao giờ tắt. Chẳng những thế anh còn thắp lửa cho bạn bè. Dòng máu chảy trong người anh luôn đi theo những mạch máu có hình con chữ. Nó luôn viết…trong 30 năm lặng lẽ đó, về sau, khi bắt gặp những người tha thiết với văn chương, tờ Quán Văn xuất hiện thì mới biến thành nét mực rồi in ấn, khâu chỉ, dán keo… đóng bìa thành những trang sách.
          Tình yêu văn/sách của anh chung thủy trọn đời. Biết thế nên nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã viết về anh:  “Cả cuộc đời Nguyên Minh không thể thiếu mùi mực in, mùi giấy và kim chỉ. Vắng chúng chừng như anh không thể nào sống nổi thêm giây phút nào nữa, như một Trần Hoài Thư ở New Jersey vừa khâu sách trên bàn ăn tối vừa tiếp bạn xa! ”
          Hãy nghe NM kể lại ngày anh tìm kim chỉ để khâu sách: “Ba may cái gì vậy?/ Tôi trả lời nhát gừng/Sách/ Hồi giờ con không thấy ba may. Bộ ba biết đóng sách hả?/Đừng hỏi, để ba yên/ Một vài lần mũi kim châm vào đầu ngón tay tôi, đau nhói. Ba mươi năm tôi không sử dụng tới. Công việc tôi làm đâm ra vụng về. Nước mắt cay cay. Ừ. Mình đã già. Tôi lục đục tìm mãi hộp hồ mới đây thợ dùng còn bỏ dở.    Vợ tôi moi nó ra từ một góc kệ. Nàng cũng ngạc nhiên hỏi: Sao anh không đưa xuống bảo thợ dán gáy cho?/ Tôi cầm lấy hộp hồ, trả lời vội rồi bỏ vào phòng/ Anh thích tự làm lấy…/ Ba đưa thợ làm vừa nhanh vừa đẹp mà ba đỡ mệt/ Tôi bực dọc/ Mày biết gì, tao thích vậy!”. (Tưởng chừng đã quên, trg 10-11). Khi đọc đoạn văn này tôi đã xúc động đến ứa nước mắt. Elena tưởng có chuyện gì buồn, hỏi, tôi buông tập sách: Thương NM quá!
          Tuy hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng khi làm tờ báo nào anh cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đến bạn bè. Thời Ý Thức có những cộng tác viên theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau… nhưng chẳng ai gây được sức ép lên chủ trương mang tính nhân văn, mà anh đã vạch ra. Anh cũng kiên quyết tránh tranh luận  những vấn đề vớ vẩn như viết cho ai, viết để làm gì... Có lúc bực mình anh nói: Viết để Chơi, thế thôi. Nói “chơi” nhưng anh viết rất nghiêm túc dù bản chất là người gan góc, dám làm dám chịu và luôn đứng mũi chịu sào, che chở cho anh em. Một lần họp mặt ở tòa soạn “chuồng cu” của Quán Văn có người đưa ra nhận xét : Nguyên Minh chỉ cân nặng 45 ký, nhưng lá gan nặng ít nhất 10!

4

Nước mắt và những trang văn.

         Trong các bạn văn của Nguyên Minh tôi có gặp hai người rất “lạ”. Một Kiệt Tấn vô cùng nhạy cảm mà bất cứ lúc nào cũng khóc được. Còn người khác là Trần Hoài Thư, có lẽ là nhà (mê) văn và yêu sách nhất hiện đang sống ở New Jersey. Tên anh là Trần Quý Sách và cái tên đó đã vận vào người. Đã đã ấn hành trên 20 tác phẩm thơ, văn, một người trước đây chỉ biết viết, chưa hề biết in ấn thế mà sau khi sinh sống ở New Jersey, Hoa Kỳ anh cùng các bạn chủ trương tạp chí Thư Ấn Quán, thực hiện các chuyên đề sưu tầm, giới thiệu văn chương miền Nam. Đặc biệt, tạp chí nầy chỉ dành để tặng theo yêu cầu, không bán, không nhận quảng cáo. Tính đến tháng 08.2016, tạp chí Thư Ấn Quán đã ấn hành được 71 số!

         Vì công việc này nên nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã gọi anh là “Người ngồi khâu di sản văn chương” (1)
…sống chết như trò đùa số mệnh
nhưng văn chương ngấm hết ân tình
                              
…người ngồi khâu bao nhiêu kỷ niệm
không oán than chỉ biết ân cần
sợi chỉ luồn kim khâu chầm chậm
như thời gian rưng rưng tháng năm..
         Trong truyện ngắn “Chạnh lòng” NM đã viết về người bạn thân thiết của mình: “… hiện tại hắn còn có một nhà in nhỏ, kể cả máy xén, máy đóng sách. Hắn lục đục suốt thời gian rỗi rảnh để in một tạp chí văn học, tụ hội lại những bạn văn còn sống ở hải ngoại cũng như còn lại ở trong nước. Hắn say mê công việc in ấn mà từ trước tôi không bao giờ nghĩ tới hắn có thể làm được. Ngày xưa, mỗi lần ghé thăm tòa soạn, nhìn anh em cặm cụi làm việc trong nhà in, hắn chỉ đứng nhìn mà cười rồi nói: - “Mình chịu thua. Mình chỉ viết văn, làm thơ. Còn cậu lại thêm đam mê nghề in này, để in ra những tác phẩm của anh em ngày mỗi đẹp và trang trọng lên. Mình chịu.” Thế mà giờ đây trên đất Mỹ hắn có được cái mà ở quê nhà tôi đã mất…”

5.

Đôi mắt màu xanh dương

           Nếu đôi mắt đẹp là đôi mắt  chỉ nhìn thấy phần tốt  trong đời sống thì đôi mắt màu xanh dương của Nguyên Minh là một trong số đó. Bằng tâm hồn nghệ sĩ tràn đầy mộng mơ, cái nhìn của anh trong trẻo hồn nhiên đến kỳ lạ. Anh nhìn cái gì cũng thấy tươi, thậm chí nhìn cái cũ cũng vẫn thấy mới. Và cảm xúc của anh tuôn trào, tất nhiên qua ngòi bút, nhưng nhiều khi cũng theo dòng nước từ đôi mắt xanh ứa xuống, khóc tự nhiên như đó là một chuyện rất bình thường.
            Trong đời tôi,  có lẽ đã gặp được hai người cầm bút sống bằng cảm xúc mạnh mẽ, mỗi khi “cần”, tiếng ồ ồ của họ bất ngờ vang lên giữa yên lặng và hoảng hốt của bạn bè. Người đó là Kiệt Tấn (2 ) . Bỗng dưng khóc. Tự nhiên cười. Lần gặp ở Paris, sau tiếng khóc của bạn, Nguyên Minh đã rót một ly Bordeau đưa cho KT:
        - Nè anh bạn, khóc được là sướng lắm. Uống cạn ly rượu này là sẽ quên hết. Tôi biết mà!
KT chẳng nói gì nhưng ngửa cổ uống một hơi rồi nín khóc. Đôi khi Nguyên Minh cũng nói là mình… thèm khóc như vậy… nhưng có lúc không làm được.
         Cái khác của KT là nhà văn độc lập, tự do viết về cái “tôi” và can đảm chịu trách nhiệm bài viết của cá nhân mình, còn NM phải đại diện cho một tờ báo văn chương. Và có lẽ chính ở sự khác biệt này mới làm nổi bật tính cách của anh: biết lắng nghe và dung hợp mọi tiếng nói, khéo léo tách riêng phần tử số đặc thù của mỗi cá nhân, chỉ chú tâm đến mẫu số chung là tình yêu văn chương để xây dựng một mái nhà chung. Nhờ không cố chấp nên anh kết hợp được những người cầm bút có cá tính khác nhau để cùng nhau đi trên một chặng đường. Con đường ấy là con đường dùng chữ nghĩa để làm đẹp cuộc đời và những tờ báo của anh điều hành càng ngày càng phát triển. Trong  một lần hội ngộ ở Sài Gòn, Gs Trương Đăng Dung (Viện Văn Học) tuy gặp lần đầu mà đã trao đổi với NM thật say sưa. Đúng là những tâm hồn đồng điệu gặp nhau... Quyến luyến chia tay, anh nói với tôi và Hoàng Kim Oanh: “anh ấy đúng là một trí thức có tâm hồn nghệ sĩ...”
         Trong truyện ngắn “Ước mơ vẫn là ước mơ” có viết một ý mà khi nào đọc lên cũng làm tôi bần thần suy nghĩ:   “ Có một số nhà văn nhà thơ qua một giai đoạn lịch sử nào đó lại chối bỏ những sáng tác cũ của mình. Họ phủ nhận hoặc ngượng ngùng nếu ai nhắc lại.Tôi nghĩ những tác phẩm đó họ không viết từ con tim, từ những suy nghĩ thật lòng, nên nó không tồn tại.” Bần thần vì tôi nghĩ đến những nhà văn,  sau nhiều năm thẹn thùng nhìn lại những trang viết cũ rồi tìm cách che giấu chúng…

         Còn NM, anh viết bằng tấm lòng chân thật nên vững vàng và không có điều gì để hổ thẹn với lương tâm : “Phải, viết như một ăn năn. Viết như một thú tội. Nhưng viết cũng như đi tìm hạnh phúc. Sau 25 cầm bút trở lại tôi mới nhận ra điều này. Ngoài ra với tôi,viết như trả nợ. Món nợ mà tôi đã mang trong lòng về những người đã đi vào đời tôi.”

6.

Ký ức chìm sâu

            Sau 25 năm vắng bóng trên văn đàn, anh buông bút, trú thân vào vai trò nông dân, cuốc đất, trồng rau, làm thợ may, buôn bán thuốc tây…việc nào cũng ê chề thất bại, vì anh không sinh ra để làm những công việc đời thường. Tôi không hiểu rõ đời sống của anh lúc đó cơ cực như thế nào nhưng tin chắc là mỗi lần dừng tay lau giọt mồ hôi… đôi mắt xanh lặng buồn của anh không ngớt kiếm tìm những người đồng cảm, những người biết lắng nghe  và nói chuyện  văn chương. Mất gì anh cũng chịu được, vật chất phù du nên anh rất dửng dưng, nhưng thiếu bạn  văn… thì khoảng trống trong lòng anh chắc là mênh mông lắm..
            Rồi còn những trang văn? Một người sống bằng xúc cảm và có một nội tâm như ngọn núi lửa như anh, có thể nào buông bút? Và câu hỏi này cứ xoáy vào đầu tôi, từ lúc quen biết anh, tôi đã hỏi đi và hỏi lại rất nhiều lần. Vì câu  trả lời của anh cũng sẽ là cho tôi, dù hoàn cảnh có khác vì tôi phải sống ở nước ngoài, nhưng khoảng thời gian hơn 25 năm dăng dẳng của những người “nghiện” viết, thì kéo dài như bất tận.
           Và cát bụi thời gian bất ngờ bị thổi bay, những con chữ âm thầm  giấu kín dưới đáy vực âm u bật dậy. Chúng tung tăng chạy trên trang giấy  sau một cuộc gặp gỡ người xưa, cảm xúc dâng lên như thác lũ…và món nợ một đời giục anh phải trả:
          “Tôi tập sử dụng vi tính. Như ngày nào gõ lọc cọc trên bàn máy chữ, giờ thì gõ mấy ngón tay lên bàn phím, tiếng lạch cạch êm ái chỉ phát ra trong sự tĩnh lặng buổi sáng sớm. Từng ý nghĩ tuôn trào trên trang chữ.  Bao nhiêu năm tôi không viết được dù một đôi lần tôi cố sức cầm bút viết lên trang giấy trắng, chỉ đôi ba hàng thì tịt ngòi. Con suối văn chương của tôi như bị lấp cạn, chôn vùi trong ghềnh đá lớn. Tôi đau khổ, sống như một kẻ vô hồn. Bỗng một hôm nằm nghe con suối róc rách chảy trong hồn, luồn khắp cơ thể làm hồi sinh. Người đến khơi cát bụi của thời gian, bật đi sự chai lỳ của cuộc sống, vực tôi dậy tiếp tục bước, không ai khác ngoài T. Tôi như người trong mộng, gặp lại người yêu xưa, sau ba mươi năm xa cách. Những ngày nàng trở về thăm quê hương, đi bên cạnh nàng, qua những hàng cây me trên những con đường tỏa đầy bóng mát mà hồn  mình thì lênh đênh, như lạc vào cõi thiên thai. Con suối trong tôi bắt đầu reo vui tuôn chảy vượt qua bao nhiêu ghềnh đá, trở thành những thác nước lớn.” (TN Chạnh lòng).
         Vì cảm xúc yêu thương sống lại nên không gian khi cầm bút cũng rất nên thơ và lãng mạn: … “Mặt trời lặn dần sau chân đồi. Rừng thông trước mặt tôi cũng đã đổi màu. Xám lại. Một màu lãng đãng không còn phân biệt, đâu là cành lá… thân cây, đâu là màu tia nắng vàng óng ánh… Đâu đó còn một vài điểm chấm nhỏ li ti đỏ bầm của những mái nhà ngói đỏ bên kia đồi… Màu khói lam chiều ai đốt lửa xa xa dưới thung lũng… Tất cả những màu sắc đó đã hòa lẫn với nhau thành một màu duy nhất. Màu của bóng đêm. Cảnh vật đã chìm mất. (TCĐQ, tr.28).
Một cơn gió thoảng, giọng nói phụ nữ… ba mươi năm tôi mới nghe lại được…. Như một nhắc nhở. ….Vâng, văn chương là cái nghiệp mà khoảng đời còn lại tôi phải trả. Thời gian trôi đi. Tuổi già kề cận. Nhận dạng lại những người thân yêu đã đi qua đời tôi. Tưởng chừng như đã quên. (TCĐQ, tr.28)


7.

Món nợ trọn đời.

            Trong ca khúc “Anh còn nợ em” nhạc sĩ  Anh Bằng đã dẫn dắt người nghe đi tìm lại cuộc tình đánh mất còn lẩn khuất nơi nào đó trong trái tim mình…Tình yêu mất nhưng lòng người trong cuộc vẫn còn vương vấn, suốt đời đau đáu ngóng trông về phương ấy với một câu hỏi chạnh lòng… “em có hạnh phúc ?”…
             Không dưới một lần,  mỗi lần nghe  ai hát bài anh còn nợ em là mắt NM rơm rớm! Nhìn khuôn mặt anh lúc ấy lòng tôi cũng cảm thấy bùi ngùi. Biết là anh có tâm sự riêng nên thường tự hỏi là anh còn nợ ai? Nợ cái gì? Anh nợ tình hay nợ nghĩa? Trong cuộc sống rõ ràng là chúng ta nợ nần quá nhiều người. Không chỉ nợ công ơn sinh và dưỡng của cha mẹ mà ta còn nợ nần những người làm cho cuộc sống ta tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Đó là ý nghĩ thường thoáng qua đầu tôi, sau mỗi  lần họp mặt với bè bạn và sau mỗi chuyến đi với bằng hữu Quán Văn. Tuổi đời càng chồng chất, món nợ ân tình bè bạn, chia sẻ với nhau từng cảm nhận, từng vẻ đẹp văn chương và tình người lại càng sâu đậm.
            Còn Nguyên Minh, anh mắc nợ ai? Nợ cô T. về mối tình đầu không thành? Về lần hẹn
đi ăn trưa với nàng rồi thay vì chở nàng đến nhà hàng, anh như ma ám, tạt ngang qua nhà in, sẵn tay sửa lại bản in,  có báo rồi anh quên hết trời đất, bỏ nàng chông chênh giữa vệ đường với chiếc xe chết máy, trời đang mưa : “… tôi đã bỏ T. bên lề đường, núp dưới mái hiên gần cột đèn, cùng chiếc xe gắn máy hết xăng, còn tôi thì ôm trong lòng mấy tập báo Ý Thức đầu tiên, đón taxi đến nhà Ngân, nơi bạn bè văn nghệ đang chờ… ”(TCĐQ, tr.12), Và khi người bạn hỏi nàng ở đâu để đón về, thì câu trả lời: – Khúc nào đó trên đường Phan Thanh Giản/…- tóc thề hay tóc uốn, mặc áo màu gì?/ – hình như tóc thề, áo dài màu vàng…
           Hình như? Hai người yêu nhau đã hơn 5 năm… nhưng anh đang ngập trong mùi mực và tờ Ý Thức mới ra lò. Khi một người bạn hỏi, –chữ Ý Thức của tờ báo số 1 màu gì?- Thì không đầy một giây anh đáp ngay màu đỏ bầm! Bó tay thật! Hôm ấy nàng mặc áo tím mà anh không nhớ!
          Những chuyện kiểu này với T. nghe đâu không phải một lần… thế thì ai mà chịu nổi một người tình như vậy?Anh  mất T. là phải, là …“đáng đời” nên phải mang nợ, ăn năn như một cách tự trừng phạt suốt đời để lương tâm nhẹ nhõm.
          Ngày biết T. lấy chồng, anh buồn. Uống thuốc ngủ để quên đi mỗi buồn, nhưng quá liều, ngủ li bì một ngày một đêm, suýt chết. “ Giấc ngủ đầy mộng mị, vừa đẹp vừa buồn, vừa hạnh phúc(?) vừa đau khổ”. Bạn bè đều tưởng anh tự tử ( tn Người viết kịch)
          Mãi 30 năm sau họ mới gặp lại. Lúc này chồng của T. chết nhiều năm, ¼ thế kỷ, nhưng nàng không đi bước nữa. (Loanh quanh lòng phố cũ). Gặp nhau có lẽ vì muốn biết anh có còn mê viết văn làm báo nữa không? Hay ngày bỏ rơi, quên hẹn với mình chỉ là một đam mê nhất thời…và chính tác động này làm NM cầm bút trở lại.
          Thời gian trôi đi…50 năm sau gặp lại nhau trái tim NM thình thịch còn chân tay còn run như thanh niên 18. Đó là ý nghĩ khi tôi ăn cơm ở nhà nhà văn Lữ Quỳnh, quan sát anh và T. ngồi quanh bàn ăn, họ nhìn nhau, e thẹn. Trước bữa đó còn có cả những giận hờn vu vơ. Là người nhạy cảm, trái tim mệt mỏi sau 50 năm vẫn còn rung động, tuy nhịp đập có chậm đi, nhưng cảm xúc dường như chưa hề thay đổi. Vẫn là mối tình trinh nguyên như thuở mới yêu. Vật đổi sao dời là chuyện của đời, còn tình cảm mà họ dành cho nhau như bất biến với thời gian.
         Ngoài T., nước mắt anh còn chảy xuống cho ai? Mẹ, cha? Anh em bạn bè? Những con người kỳ lạ đã đi qua đời anh, từ anh thủ môn đến hậu vệ trong đội bóng của ba mình? Đâu đó, trong tất cả chúng ta còn bao nhiêu món nợ vì ước vọng không thành. Tuổi trẻ đi qua trong đau thương. …Hay anh nợ chị Lan, người vợ cả đời chăm sóc anh như con trai. Lo lắng mọi chuyện…cái nghĩa nặng…nhưng chỉ là ân nghĩa. Vì dù sao, cuộc hôn nhân bình an, không hề xáo trộn ấy cũng có nhiều mất mát, vì cái “Tình” duy nhất đã bay theo cái cô T. ngàn trùng xa cách…
        Nhưng nói chung nợ  gì cũng chỉ là nợ tình, nợ nghĩa nợ văn chương chứ không phải nợ áo cơm dù sau 75 anh mất mát nhà cửa, xưởng in, tờ báo… vì vật chất với anh, tuy  cần thiết nhưng thực ra chỉ là thứ yếu trong đời. Tinh thần, cảm xúc với anh mới là quan trọng.
      Trong phần cuối truyện Tưởng chừng đã quên, anh viết: “ Văn chương là một cái nghiệp mà khoảng đời còn lại tôi phải trả. Thời gian trôi đi. Tuổi già kề cận. Nhận dạng lại những người thân yêu đã đi qua đời tôi”
       “Những nhân vật của tôi sau này đều là những người thân yêu. Người yêu cũ. Người vợ hiền. Cô bạn láng giềng ngây thơ thời thơ ấu. Người mẹ bao dung.Người cha khắc nghiệt. Những người bạn cùng say mê văn chương… Tất cả những người thân yêu đó bấy lâu tưởng đã hóa đá trong tâm hồn tôi. Sau bao nhiêu năm tháng, một hôm bỗng rủ nhau trở lại thành người, đánh thức tôi, gợi lại những xúc cảm mới… họ đã cho tôi biết bao điều muốn nói.Tất cả những người thân yêu đó đã quyện vào tôi như nhập thành một.Tại sao tôi phải im lặng”   (TN Sợi tóc mong manh) .
        Có thể nói NM  là một người can đảm. Dám sống. Dám viết về những gì mà nhiều người chỉ muốn chôn sâu, cất kỹ. Tất cả được kể lại bằng giọng kể chân thành. Chỉ cần đọc những gì anh viết là hình dung được cuộc đời anh: “Tôi phải tìm lại dấu vết ngày xưa như nhà khảo cổ đào bới dưới mấy tầng đất cát đã chôn vùi một thành phố cũ…” ( Ngôi nhà số 11)
        Chính vì anh nghĩ viết về người cũng là viết về mình. Khó thể tách rời. Dù có thêm phần hư cấu, chất liệu không thể thiếu của một người cầm bút.
         Nhưng theo thiển nghĩ của tôi thì anh thích  “tận dụng” tối đa nhân vật, chi tiết có thật ngoài đời, các chuyện phần lớn được xây dựng từ những nguyên mẫu có thực và đầy ắp những buồn vui, đau đớn của thời đại, của kiếp nhân sinh. Anh viết tự nhiên, không quá câu nệ trau chuốt chữ nghĩa, và trong cốt truyện thường có dụng ý cho người đọc thấy những cảnh ngộ của con người trong cuộc sống.
        Tưởng chừng đã quên có thể chưa phải là  tập TN hay nhất của NM, nhưng với tôi, nó là  tập  truyện tiêu biểu nhất  khi anh cầm bút trở lại sau 25 vắng bóng do năm biến động thời cuộc. Nó phảng phất tư tưởng, hoài niệm và chiêm nghiệm sau những vật đổi sao dời.
        Và cũng thật tình cờ  “Trong buổi ra mắt  tập truyện "Tưởng chừng đã quên" có T. từ Mỹ về, vợ tôi ngồi bên cạnh, còn tôi sau cơn đau bao tử hành hạ, mà cảm thấy chưa bao giờ mình hạnh phúc như thế.”


8.

Một vài trang viết

        Nguyên Minh nói viết cho vui. Nhưng những câu chuyện của anh viết đều buồn. nhưng tuy buồn mà không hề thất vọng. Có lẽ cũng như tôi, anh “ vẫn” còn tin ở cuộc đời, mặc dù…
Tôi không phải, và cũng không muốn làm nhà phê bình, nhưng trong bài viết này về anh nên cũng muốn đọc lại vài truyện ngắn tiêu biểu và đưa ra vài nhận xét. Có thể đây chỉ là những nhận định chủ quan, nhưng dù sao cũng đem lại chút ánh sáng cho những trang viết ấy.
        NM viết văn với bút pháp đơn giản nhưng khi kể chuyện anh sắp xếp bố cục giầu kịch tính từ mở đầu  dẫn đến kết thúc bất ngờ nên tạo cảm xúc và buộc người đọc phải suy nghĩ. Có thể nói trong những câu văn hiền hòa nhưng đậm chất cuộc đời nên chuyện anh kể khá sinh động. Đọc anh ta không chỉ thấy những mặt phải, mà ta còn thấy được cả mặt trái của xã hội của một thời đã qua trên từng trang viết. Cái tính hiện thực đó làm cho văn của anh giá trị và chân thật .
         Trong Ngôi Nhà Số 11 anh kể về người anh ruột tên Thương, sau khi đi tập kết trở về, do bị tẩy não, nên đã phủ nhận những kỷ niệm thời xa xưa mà mẹ đã chắt chiu gìn giữ. “Mà mẹ giữ nó lại làm gì? Sao không hủy đi những thứ nhạc vớ vẩn này?...  Anh Thương vất tập vở chép nhạc đó xuống đất. Tôi, hình như nghe tiếng kêu, từ một cõi xa xôi nào đó, vọng vào tim mình. Thảng thốt. Rên rỉ. Đau đớn. Khuôn mặt buồn phiền, thất vọng. Đôi mắt ngẩn ngơ. Rớm lệ. Từng giọt nước mắt rơi xuống. Của mẹ tôi. Theo từng trang giấy lật tung lên” (Ngôi Nhà Số 11, trg 111). Tập nhạc ấy chính là của anh thời trẻ đã cẩn thận ghi chép các bản nhạc yêu thích mà giờ không nhớ. Nhưng, qua thời gian và trên giường bệnh, cuối đời anh Thương cũng nhận ra những sai lầm của mình ngày trước về những kỷ niệm: “Một giọt nước nóng hổi của anh rơi xuống vai tôi. Rồi tiếng nấc nghẹn ngào từng hồi tuông ra/ Cuối cùng anh mới mấp máy: tập vở chép nhạc…” (Ngôi Nhà Số 11, trg 116).//
          Nhưng  truyện ngắn có một thời (3)  của anh theo tôi là truyện để lại nhiều ấn tượng nhất.
          Câu chuyện viết về những năm tháng khốn khó, người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh… nhưng bằng giọng văn điềm tĩnh NM kể lại làm người đọc vẫn thấy cảm giác rờn rợn, vì chi tiết cộc cằn khiến người đọc thấy buồn nôn vì cảnh con người đã biến chất, mất hết nhân tính. Đọc xong người đọc không khỏi đặt ra một cật vấn đau đáu về cái chất người, và nỗi lo âu con người sẽ đi về đâu, khi cái “chất lợn” ấy lây lan ô nhiễm xã hội.
          “Thím khoe với tôi cái chuồng heo thím mới sửa. Nhìn mặt nền lát bằng những phiến đá xanh, khít khao với nhau bằng đường kẽ rất nhỏ. Tôi ngạc nhiên và thắc mắc không biết những tảng đá xanh này thím mua từ đâu, thì thím đã nói: Chú thấy chưa, công trình xây dựng của tôi đó. Cái nền này chắc chắn vô cùng… Mấy nhà bên cạnh, trong cư xá này đều bắt chước tôi đó.”
             Người đọc sau đó sẽ hiểu những tảng đá xanh vững chắc kia là những bia mộ người chết sau khi nghĩa trang bị giải tỏa. Trước ánh mắt kinh hoàng của tôi thì: “Thím tôi nhìn vẻ mặt đỏ ngầu của tôi, trả lời tỉnh bơ: “Có gì lạ đâu cậu, những tấm bia của người chết toàn là ngụy quân ngụy quyền, lại còn cả những ông Tây bà đầm thời Pháp thuộc, lật úp nó xuống, những tên những tuổi nằm xuống mặt đất, đưa lưng đá xanh còn tốt, mình nuôi heo, bán ra có tiền nuôi sống biết bao nhiêu con người, như gia đình chú ruột của cậu đây. Cậu bỏ tư tưởng tiểu tư sản ấy đi.”
            Nhưng dã man hơn cả, tán tận lương tâm hơn cả là chuyện mang những thai nhau về làm thức ăn cho heo hay ngâm làm rượu bổ!
            Tôi không muốn nghe những lời của thím nữa. “Thời đó tất cả mọi người đều phải ăn độn, lúa mì hoặc bo bo. Huống chi là súc vật chăn nuôi, nhất là giống heo ngoại quốc này, muốn mau lên cân, giảm ngày nuôi, thím tôi thúc chúng bằng một thức ăn thật là kỳ lạ. Ban đầu, cũng như những tấm bia kia, tôi mù tịt, cứ ngỡ những nắm thịt bầy nhầy được bầm nát bằng con dao phay to tướng và nặng trịch, nổi lên lềnh bềnh trong nồi nước sôi sùng sục, là những mớ thịt dư thừa thím xén bớt từ nhà bếp tập thể của cơ quan. Thím trộn những mớ thịt đó chung với cám tổng hợp làm lũ heo thích thú dành nhau ăn”…
“Tôi mang máng nhận ra có gì rất lạ đến kỳ quái từ những mớ thịt làu nhàu đó cho đến một hôm thím vội vàng đi đâu đó liệng vội vào chuồng heo một miếng thịt sống, lũ heo như bầy quỉ dữ nhào vào cắn xé giành giật, mỗi con mang một miếng nhỏ vào riêng từng góc mà nhai ngấu nghiến. Hình ảnh đó làm tôi rợn người tưởng chừng trước mặt mình là bầy cọp đói đang xâu xé một con người.”
            Những miếng thịt đó là những thai nhi. Nạo thai.
           “Đêm đó tôi ngủ ngoài hiên. Tôi cứ trằn trọc mãi đến nửa khuya mới thiếp đi. Và một cơn ác mộng làm tôi nghẹt thở. Lũ trẻ con đông như kiến, những mái tóc đen óng ả uốn quăn, miệng nở nụ cười rạng rỡ,…   Nhưng, bỗng dưng có tiếng gầm thét như của loài hổ dữ, rồi hiện ra những khuôn mặt đàn bà, miệng méo mó, đưa ra những hàm răng nanh nhọn hoắc, nhào tới chụp lấy một vài đứa trẻ, xé nát nó ra từng mảnh nhỏ như người ta thường xé thịt gà luộc làm gỏi. Lũ trẻ hoảng hốt bỏ chạy, té lên té xuống, u đầu, trật chân. Chúng kêu la thảm thiết. “Ông ơi cứu chúng con với”. Tôi hỏi tên chúng. Chúng lắc đầu bảo: “Tụi con chưa có tên.” “Vì sao?” “Chúng con là những bào thai chết.”
            “Tôi kể lại giấc mơ đó cho thím... Thím nói tỉnh bơ: “Chỉ là giấc mơ. Vớ vẩn.” Tôi tò mò hỏi tiếp: “Hình như gần đây thím đã vài lần nạo thai.” Khuôn mặt thím tôi biến sắc nhưng sau đó trở lại bình thường, thím gật đầu. “Chuyện thường tình mà cậu!”. Còn tôi, tôi cảm thấy lạnh, lạnh từ xương sống lạnh ra.”
             “Từ giấc mơ này tôi mới nhớ chuyện xưa...ngày ấy tôi chỉ là một đứa bé con, bị trật chân suýt té xuống bậc thang, mẹ tôi đưa tay níu kéo cứu tôi…bị trợt chân té lăn cuộn xuống cầu thang, bất tỉnh trên thềm xi măng.  Máu từ ống quần chảy ra lênh láng.. Mẹ tôi bị sẩy thai. Cái bào thai 5 tháng đổi mạng thằng bé 5 tuổi. Mẹ tôi bỏ bào thai  đó vào một cái lu sành nhỏ và đem chôn…”
            Những liên tưởng làm người đọc rợn người. Cảm giác như thân xác mình  đang bị băm vằm như những bào thai bị xé phanh thây để lũ  heo ăn cho chóng lớn!
            Chưa hết. Trên chuyến xe đò vào lai Sài Gòn anh còn nghe bác tài kể lại “Chuyện tượng người lính cầm súng bằng đồng, dựng trước cổng nghĩa trang chảy nước mắt. Những thiếu phụ ra thắp nhang cho chồng thấy lạ, lấy chiếc khăn tay lau những dòng nước đang tuôn lệ từ khoé mắt bằng đồng. Khăn ướt dầm mà nước mắt vẫn tuôn trào.”
            “Người lơ xe kể tiếp… một buổi sáng mùa đông… người phu quét đường bỗng phát hiện ra những tấm bia từ các nghĩa địa bị bốc dở không cánh mà bay đến, dựng đứng từng hàng, trước mặt những tiệm buôn ngày xưa tấp nập giờ đã vắng tanh. Những người đi bán hàng rong buổi sáng sớm ở khu phố đó, dừng lại đứng xem. Những tiếng khóc than phát ra từ tảng đá xanh đó, buồn thảm, ai oán.  Tiếng Tây có. Tiếng Mỹ có. Tiếng Việt có. Cùng tiếng bom rơi, đạn nổ. Tất cả trộn lẫn với nhau, làm những người trông thấy đều rùng mình…”
          “Tôi giật mình. ..linh cảm những tấm bia kia phát xuất từ khu cư xá của thím tôi là có thật. ….Trước khi mở cửa vào nhà thím tôi ngạc nhiên thấy ở một góc sân hẹp dựng lên một trang thờ nhỏ có một lư hương cắm đầy nhang đã cháy tận gốc. Xuống nhà bếp, đúng là những tấm bia lót nền chuồng heo đã bốc lên, còn lởm chởm những tảng ximăng lở lói. Cái máng ăn cũng đã đập vỡ. Thành chuồng cũng trống trơn. Thím bảo: “Không bao giờ tôi nuôi heo nữa cậu ạ. Tất cả vốn liếng tôi đều mất sạch.” Thím cho biết bầy heo chóng lớn kinh khủng, tưởng rằng bán mấy tạ heo này sắm được vài cây vàng, ngờ đâu trước ngày xuất chuồng chúng bỗng dưng ngã đùng ra dãy chết. Bệnh gì mà kỳ lạ chưa bao giờ thấy cả. Những hạt như hạt gạo, màu đỏ như máu, nổi lên khắp thân thể chúng, và toát ra một mùi hôi thối như mùi xác người chết đã thối rữa. Bán không ai dám mua, cho không ai dám nhận. Không biết đâu mà chôn. Nửa đêm, vợ chồng con cái bịt mũi, xúm nhau khiệng liệng xuống con kênh nước đen. Cả xóm, những gia đình mà thím tôi đã bày vẻ kiểu nuôi heo quái đản đó đều gặp phải cảnh tượng như vậy.  Không chỉ mấy chục con heo ngã đùng ra chết mà những người nuôi chúng đều gặp những tai nạn bất ngờ.   …Người bị xe đụng gãy chân mặc dù họ đi bộ trên vỉa hè. Kẻ bể đầu khi choáng váng mặt mày tông vào cột điện…  Họ kể cho nhau nghe những giấc mơ kinh hồn về những oan hồn của những bào thai đó, chúng như những nhân sâm cao ly, chân tay ngắn ngủn, rũ nhau đè lên thân xác họ mà cắn xé, như lũ heo đã từng ăn xác chúng. Sợ quá, thím tôi và những người láng giềng, mỗi nhà lập một cái am nhỏ, hằng đêm thắp nhang cầu xin những oan hồn bé nhỏ vất vưởng và khôn thiêng đó tránh xa họ. Lại nữa, những bóng ma của những người đã chết từ những tấm bia kia hiện ra trong đêm tối mịt mù rên khóc thảm thiết than đói, rên lạnh.”
            Sau đó anh còn nhắc đến cái thẩu thủy tinh chứa rượu màu vàng sánh của ông chú  mà bà thím bảo là rượu bổ, do thím đặc chế. Quí hiếm lắm, không phải ai cũng có. Chú tôi gọi là thuốc trường sinh. Bầy giờ  “Chú tôi kéo tôi ra trước nhà nói nhỏ: “Thím mày đập bể rồi. Thôi đừng nhắc đến nó nữa làm thím mày hoảng sợ.” … “Cậu biết thím cậu ngâm thứ gì trong rượu không?” Không đợi tôi trả lời, chú nói tiếp: “ Cái nhau.”…Thím nói với tôi “Thím không muốn chú ngã đùng ra chết như lũ heo kia với một căn bệnh quái đản, bỏ cả vợ con.”
           “Tưởng rằng mọi chuyện đã chấm dứt. Tôi đâu ngờ, sau thất bại ê chề về nuôi heo với thực phẩm mà Thím tôi đã chế biến kia, Thím tôi quay qua làm thuốc giả và tôi vô tình là kẻ tiếp tay. Tình cờ, có một hôm trời nóng quá, nửa đêm tôi thức giấc, ngang qua phòng Thím còn thắp ngọn đèn ngủ, nhìn vào, tôi thấy Thím lom khom mở những viên thuốc thật, trộn vào một thứ gì đó. Sáng dậy tôi hỏi Thím sự việc, Thím trả lời tôi một cách thản nhiên: “Có chết chóc đâu mà sợ, chỉ thêm một nửa bột mì.” Từ đó, tôi không dám đi buôn thuốc tây nữa. Tôi không vào Sài Gòn. Ở quê cùng vợ cuốc đất, trồng rau.”
           “Mãi đến mấy năm sau, tôi ghé thăm chú thím. Đúng ngay ngày liệm xác thím. Đêm đó, không biết từ đâu lũ mèo hoang kéo nhau về, tụ tập trên mái nhà, chúng ruợt đuổi nhau, cắn xé nhau, và cất lên những tiếng kêu như tiếng khóc của những đứa trẻ sơ sinh.
         Tôi không hiểu những ngày nằm trên giường bệnh, với nỗi đau đớn về thể xác của căn bệnh ung thư tử cung trong giai đoạn cuối, thím có còn bị dằn vặt, ám ảnh về những bào thai mà ngày đó thím không công nhận đó là những con người. Chú tôi kể lại, trước khi trút hơi thở cuối cùng, thím khóc. Tiếng khóc như tiếng mèo gào.”
          Đó chỉ là một trong những câu chuyện “bình thường” trong một giai đoạn lịch sử, của một thời đã qua. Nhưng, theo tôi, câu chuyện “Có một thời” này của NM viết nhân bản mà kinh khủng hơn truyện ngắn tương tự của Nguyễn Huy Thiệp về hoàn cảnh một ông “tướng về hưu”. Hai mẫu người, do ảnh hưởng hai nền giáo dục khác nhau nên tính cách làm người cũng khác nhau. Đã đành cuộc sống ai cũng phải mưu sinh để tồn tại, nhưng bà thím đã mang những tấm mộ bia về lót nền nuôi heo là sự báng bổ và chà đạp lên những vong linhcủa người thua cuộc và việc mang thai nhi về băm nhỏ, trộn với cám cho heo ăn thì đó là hành động cực kỳ dã man .
          Truyện ngắn có một thời nhân bản hơn vì không chỉ kể lại cái ác, cái phi nhân mà còn mang tính triết lý giáo dục, gợi đến thuyết nhân quả và chiều sâu tâm linh. Một truyện ngắn hay không thể chỉ là một câu chuyện kể, mà phải được nâng cấp nhờ màu sắc tâm linh, chứa đựng nội dung nhân bản và có tính phê phán, răn đe… để làm đẹp cuộc đời.


9.

Tình, Nghĩa rạch ròi.

         Về tình yêu và gia đình thì Tình và Nghĩa của NM là hai khái niệm rạch ròi. “… tình yêu tôi chỉ dành cho một người”. Trong tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa  tôi viết về nhân vật Gấm và anh nhà báo: “Sự hòa hợp về thể xác và tinh thần là điều kỳ diệu nhất của cuộc đời. Nó thõa mãn  bản năng lớn nhất và thiêng liêng nhất của con người. Đó là đỉnh điểm của những gì mà con người có thể hy vọng nhận được trong sự tồn sinh” nhưng có lẽ NM không nghĩ thế. Trong anh không có cảm xúc mãnh  liệt hay dòng máu nóng để đam mê cháy bỏng vì tình yêu. Tình yêu duy nhất ấy không thành. Anh cũng… thôi yêu. Có lẽ là do duyên nghiệp, tình yêu sách đã quá choáng ngợp và thay thế mọi thứ cảm xúc. Mực in, chính là nhiên liệu để anh  thắp sáng niềm đam mê, nghe mùi mực hóa thân thành những con chữ trên trang giấy.Tình yêu anh dành cho “người ấy” là tuyệt đối và cả đời anh không hề yêu ai nữa. Còn vợ anh, gặp nhau tình cờ, nhưng anh  đã sống hết mình với gia đình, trọn vẹn ân nghĩa.
         “Tình” của NM rất riêng biệt và rất khác với tình yêu thường gặp… nhất là trong giới văn nghệ sĩ. Đa tình. Đa cảm. Quan hệ nhập nhèm. Còn anh, suốt đời chỉ yêu có một người, yêu một lần là yêu mãi và  dù chẳng bao giờ còn gặp người xưa, nhưng trong đáy lòng anh, tiếng vọng của vô thức luôn luôn hiện diện. Hình như  không có trang viết hoài niệm nào mà không xuất hiện nhân vật T. như một phần không thể thiếu. Nó là máu thịt. Có thể nói sự si tình của anh không bao giờ hết.
           Chuyện vợ con, trong truyện ngắn Chạnh lòng, anh kể : “Cậu tôi cũng hối thúc: “Sao cháu chưa lấy vợ?” Tôi chỉ cười trừ. Tiếng ai hát, vọng từ nhà hàng xóm, bên kia đường. Giọng thanh cao, tự nhiên… Tôi hướng mắt về phía đó, một dáng người con gái, trong bộ đồ bà ba trắng, vừa đi vừa hát, băng qua đường…Tôi hỏi cậu: “Cô bé nào vậy cậu?” – “Cháu ruột của mợ đó.” Rồi tôi nói như một người trong cơn mộng du: “Không hiểu sao lần về quê ngoại này con có cảm tưởng có một cái gì đó lôi cuốn con, cuốn chặt con, hay mẹ con dẫn đường cho con đây.” – “Để làm gì?” – “Lấy vợ?” – “Ai vậy?” Tôi chỉ về cô gái đang vui cười với bạn bè kia: - “Cô bé đó!” Cậu tôi reo lên: - “Thật không con?” …. Cô gái có khuôn mặt phúc hậu … Đôi mắt to và sáng. Khuôn mặt trái xoan. Môi mỏng và đỏ tươi. Lòng tôi gợn lên một chút xao xuyến, như những ngày đầu gặp T. …
            …Vào Sài Gòn tôi báo tin với chị Mai là tôi muốn cưới vợ. Chị vui mừng hỏi tới: - “Ai thế? Tên gì. Gốc gác ra sao?” Giựt mình khi nhận ra tôi vẫn chưa hỏi cậu tôi về cô gái, ngay cả tên họ tôi cũng chưa biết. Tôi thú thật: - “Em mới thấy lần đầu, cô ta còn trẻ lắm. Cháu của vợ cậu.” Chị cười như không tin quyết định vội vàng của tôi: - “Thôi đi cậu ơi, đã nhiều lần tôi chuẩn bị nhẫn cưới cho cậu, thế mà cậu lại quên đi, sau một tuần xa cách!” Nhưng rồi chị xuống nước nhỏ: - “Biết đâu duyên số của em như thế. Em về thưa chuyện với dì để dì ra ngoài đó cùng cậu lo toan việc dạm hỏi?” Tôi cũng nghĩ là tôi nói đùa. Cô gái mang dáng dấp của một người tôi yêu tha thiết. T. đã vụt khỏi tầm tay. Có phải tôi bắt cô gái kia thế chân vào không?”

10

Bao năm mải miết đi tìm.. 

            Gần năm mươi năm trôi qua, từ những thanh niên mang trong mình một hoài bão văn chương giờ đây Nguyên Minh và các bạn cùng thời đã bắt đầu trở thành những ông già chậm rãi, mỏi mệt, cuộc vui hàng ngày không phải là những trận cười thâu đêm suốt sáng mà là những lúc ngồi lặng bên đống sách cũ, bùi ngùi nhớ lại thời trai trẻ, bồi hồi đọc lại những ước vọng thưở nào. Họ không còn nhiều niềm tin ở tương lai, không sống bằng hiện tại mà phần lớn sống bằng hoài niệm! Khoảng trống và nỗi đau trong lòng họ là một cái thú đau thương của những người đang lật từng trang đời thời trẻ để vui buồn một mình.
            Nhưng, khác các bạn đồng niên, NM là một lão tướng chịu chơi. Anh không ngồi lần giở những trang sách cũ mà muốn làm sống lại những hoài niệm trên những trang báo mới. Ở tuổi 70, nhiều người  buông bỏ để vui thú điền viên. Còn anh, thì cơ duyên gặp những người đồng điệu, từ tháng 10-2011 anh can đảm đứng ra làm tờ Quán Văn, một tờ nguyệt san thuần văn chương nghệ thuật. Tính từ ngày ấy đến nay ( 11/2016)  đã hơn 5 năm, ra mắt 42 số báo.
            Năm năm là thời gian có thể ngắn trên con đường tôn vinh vẻ đẹp văn chương nhưng đó là một bước đi dài với nhiều nỗ lực của chủ bút NM cùng tất cả những người chung tay góp sức xây dựng để hình thành một tờ báo trong điều kiện không có nhiều người đọc và trên thị trường tràn ngập sách báo vớ vẩn. Tuy không thuận lợi, người đọc sách ngày nay không nhiều… nhưng QV đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu cho những người yêu thích văn chương .
          Hằng tháng, trong những buổi ra mắt sách trong các quán cà phê đã trở thành một nơi hò hẹn đậm tình bè bạn cho những người quan tâm đến QV. Để đáp lại tâm tình đó, chủ bút NM và nhiều người cộng tác trong thầm lặng đã không ngừng trau chuốt hình ảnh, biên tập để tờ báo đến với bạn đọc với hình thức đẹp và nội dung phong phú.
        
11

Niềm vui… còn một chút này.

Buổi sinh hoạt kỷ niệm tsvhnt Quán Văn tròn  5 tuổi ( 10/2016)

            Giờ đây, ở tuổi 75 NM đã cùng những người đồng cảm, những bạn đọc bạn viết đang cùng đứng dưới bóng mát của Quán Văn để khỏa lấp nỗi bơ vơ. Ngô Thị Mỹ Lệ cho rằng “Mỗi số báo là một lần lần được tắm lại trên cùng một giòng sông” còn Phan Nguyễn Châu Uyên thì mới đây viết trên FB  “Tôi nghĩ Quán Văn ra đời cũng tái sinh tôi. Tôi được đọc những tác giả mình yêu kính, trong niềm hân hoan, cảm thụ và chia sẻ. Đến Quán văn số 20 đã lung linh những “sắc màu”, những phụ bản, những trang văn, thơ đã kèm theo dung nhan tác giả”. Còn Vũ Thế Thành thì nói trong điều kiện thế này, mà NM vẫn nhẫn nại làm QV được tới mấy chục số, thì phải hiểu NM lên cơn vã làm báo đến cỡ nào. Và anh tin là QV cũng sẽ  ghi lại dấu ấn vào văn học VN.
            Trong bài viết này tôi cố gắng khắc họa chân dung văn học NM, có lẽ dưới đôi mắt chủ quan của mình, và xem đó là một cách thể hiện lòng yêu mến và cũng để cảm ơn anh đã tạo dựng cho những người cầm bút chúng tôi một mái nhà QV ấm cúng và chân tình. Để thay lời kết tôi xin nhắc lại câu chuyện cà kê  mà trong một lúc cao hứng Vũ Thế Thành đã kể về anh:  Diêm Vương nửa đêm đến gặp Nguyên Minh; “ Nhà người tới số rồi. Đi theo ta…”. NM lắp bắp: “ Dạ, tới số thì con không dám cãi, xin ngài chờ con một chút để con làm cho xong QV số 1.000 cho… chẵn, rồi chạy theo liền, khỏi phiền ngài dẫn độ…”
            Con đường văn chương trước mắt vẫn còn hun hút xa không ai biết khi nào chạm tới đích nhưng xin chúc NM nhiều sức khỏe để đi hết con đường mà anh đã chọn suốt một đời.

TRƯƠNG VĂN DÂN
Sài Gòn 12-2016
Nguồn tsvhnt Quán Văn số 43

1 https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2016/09/30/nguoi-ngoi-khau-di-san-van-chuong/
2 http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoc-dan-gian/5496-kiet-tan-oi-khi-them-cht-nhng-vn-me-i.html
3 http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13124


No comments:

Post a Comment