Đoàn Thị Phú Yên
Bìa sách Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa
Tôi muốn mở đầu cho những dòng cảm nhận của mình về “ Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Trương Văn Dân bằng hai từ “ Hạnh Phúc”. Bởi lẽ từ lúc tôi mở sách ra đến khi tôi gấp trang cuối cùng, “ Bàn tay nhỏ dưới mưa” của anh đã cho tôi hiểu rõ hơn về khái niệm tưởng như đã cũ nhưng hàm chứa ý nghĩa rất sâu xa về hai từ : Hạnh Phúc.
Đã bao lần tôi trắng đêm tự hỏi: Hạnh Phúc là gì? Hạnh Phúc ở đâu? Làm thế nào để có được Hạnh Phúc? Hay Hạnh Phúc là món quà xa xỉ…Cuộc sống hiện đại vốn xô bồ nên nó cứ cuốn con người cùng với Hạnh Phúc trôi tuột vào vòng xoáy thẳm sâu mà khó ai biết đến bao giờ mình chạm tới đáy. Thà rằng cứ ngã thật đau, thà một lần nằm xuống tận cùng cái sâu thẳm đó còn hơn cứ mãi trôi dần với cảm giác chới với, hụt hẫng khi Hạnh Phúc vẫn ở nơi nào xa quá dù mình đã cố gắng hết sức có thể.
Với người phụ nữ nào thì tôi không biết, nhưng với tôi, khi yêu ai đó thật lòng, chúng ta đều nghĩ đến những điều bền vững, đều khao khát tiến đến một gia đình nhỏ, có tiếng cười trẻ thơ, có mẹ cha, ông bà quây quần bên con cháu, có yêu thương, sẻ chia, Hạnh Phúc…Và tất cả chúng ta ai cũng đã hơn một lần mơ tưởng về điều này. Bởi lẽ, mưu cầu Hạnh Phúc là cái quyền trời ban cho loài người.
Nhưng rồi Hạnh Phúc cứ như một lỗ đen. Sẽ có một ngày lỗ đen đó nuốt chửng lấy con người ta rời xa những ước ao. Hôn nhân là sự đơm hoa kết trái của tình yêu, nhưng cũng là sự thật trần trụi nhất của tình yêu. Trước khi quyết định lấy nhau, con người ta đã phải chuẩn bị cho mình các kiến thức tâm lý để đón nhận những mật ngọt và đối đầu với những gai nhọn của đóa hoa hồng hôn nhân, cố công vun trồng cây Hạnh Phúc. Chính vì thế, khi bước vào hôn nhân, con người ta đều khát khao và…sợ hãi.
Gấm trong “bàn tay nhỏ dưới mưa”của tác giả Trương Văn Dân đã trải qua hai lần hôn nhân đổ vỡ. Cuộc hôn nhân thứ nhất anh không viết nhiều. Cuộc hôn nhân thứ hai của cô kéo dài 4 năm và vợ chồng cô có với nhau một mặt con nhưng tình cảm và sự chịu đựng của Gấm với người mà cô gọi là chồng kéo dài không quá hai năm. Những ngột ngạt đặc quánh mà Gấm đã phải cố gắng chắt lọc từng chút để thở từ gia đình nhà chồng quá ích kỷ chỉ biết có tiền, từ ông chồng bảo thủ, nhu nhược chỉ biết sống dựa dẫm và ỷ lại vào người khác... đã khiến tôi bao lần tức ngực đến mức khó thở.
Người phụ nữ, dù gì đi nữa cũng chỉ là chiếc xương sườn bé bỏng luôn cần được chở che. Nhiều năm sau đó Gấm mới hiểu “những gì kéo tôi đến bên anh ta chỉ là hành động đi tìm một điểm tựa, một sự bấu víu của người đang chơi vơi giữa dòng đời chứ đâu phải tình yêu”. Một khi họ không được chở che, họ không thấy ấm áp, không được yêu thương, Hạnh Phúc lại trở thành sự gá nghĩa và cuộc sống vợ chồng lại trở thành sự cam chịu. Lâu dần, Hạnh Phúc trở thành quán trọ, mình cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, “tha hương ngay nơi quê quán”, chiếu chăn lại là nỗi ám ảnh…
Tôi đồng ý cao độ với tác giả về quan niệm này vì bất hạnh sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trên cái bẫy được gọi là Hạnh Phúc xem ra quá là chua chát ấy!
Ai đã từng đổ vỡ, cuộc sống hôn nhân không được tròn trịa, sẽ hơn ai hết hiểu rõ được điều này và sẽ thông cảm cho Gấm, cho sự vỡ tung hôn nhân lần thứ hai của Gấm, sẽ vị tha hơn cho người đàn bà trải qua hai đời chồng mà còn to gan hất đổ bát cơm thiu để nấu cho mình phần ăn thơm ngon khác.
Là phụ nữ, sau đổ vỡ, họ lại càng dè dặt hơn. Họ sống thu mình với những mặc cảm, những tự ái, những miệng lưỡi thế gian độc địa vốn dĩ không rộng lượng. Nhưng cũng không phải vì thế mà họ quay lưng lại với Hạnh Phúc, đóng hết tất cả các cánh cửa ước mơ.
Chính vì vậy, người đàn ông thứ ba bước vào đời Gấm thật nhẹ nhàng, mang đến cho Gấm món quà được gọi là Hạnh Phúc đúng nghĩa nhưng chắc gì có mấy ai buông tha cho Gấm. Đàn bà gì mà chỉ mới sau ba ngày bỏ chồng, tay dắt con nhỏ…vài hôm sau đã hẹn hò cà phê với người đàn ông khác? Cái nhìn thiển cận cố hữu của những người chỉ sống với một cuộc sống hôn nhân êm ái đã sinh ra lòng khắt khe với Gấm. Lẽ ra, Gấm phải đau khổ tột cùng, phải bỏ ăn bỏ uống, phải trầm cảm, phải lầm lũi suốt một thời gian dài họ mới chịu. Đằng này tác giả lại để cho Gấm nhận lời hẹn cùng cafe với người đàn ông búng mẩu thuốc lá vẽ một đường vòng cung trên ban công như ánh sao băng khi anh ta chứng kiến cảnh Gấm bị gia đình nhà chồng và chồng “đối xử hung bạo khiến anh bất nhẫn và định bước xuống can thiệp”.
Phải chăng đàn bà sau đổ vỡ họ thường dễ dãi, sống buông thả?
Không! Gấm không hề dễ dãi!
Nhìn vào việc Gấm cương quyết yêu cầu phải có hôn thú, phải có hôn nhân với người đàn ông thứ ba thì biết. Gấm cũng cố hữu như ai, cũng hình thức, cũng không vượt qua được những dị nghị…Nhưng rồi sau đó Gấm hiểu tình yêu và hôn nhân là hai phạm trù khác nhau, Gấm nhận ra “hôn nhân chỉ là cái bẫy. Nó giam hãm, cầm tù và đặt điều kiện cho tình yêu. Vì người vợ đã thay thế người tình. Hay đúng hơn, từ tự nguyện hiến dâng bỗng biến thành bổn phận”, “ tôi cần quái gì với danh phận? cái tôi cần bây giờ là đời sống an lành với anh cơ mà?”. Tờ hôn thú là bảo hiểm hôn nhân nhưng một khi hôn nhân đổ vỡ thì thử hỏi tờ hôn thú có níu giữ được tình yêu? Một khi Hạnh Phúc đổ vỡ, luật pháp và người thân cũng không níu kéo nổi nó quay trở lại.
Sau đổ vỡ, mà lại đổ vỡ tới hai lần, tay ôm con, tương lai mù mịt… con người ta ngổn ngang như bãi chiến trường. Lúc ấy họ sống bất chấp hơn, lỳ đòn hơn, miễn nhiễm trước mọi cám dỗ. Vật chất cũng không mua được lòng người, dối trá cũng không nghĩa lý gì với họ, đàn ông là cọng rác, chẳng là cái đinh gì nếu như người đàn ông ấy tầm thường, mọi lời tán tỉnh mật đường, phù thủy cũng chỉ là lời bỏ ngoài tai, một bữa café với bạn cũng chỉ là phép lịch sự tối thiểu chứ không thể là căn cứ để đánh giá đức hạnh của họ.
Đức hạnh rất cần thiết đối với người phụ nữ.
Nhưng một khi giá trị của họ không được trân trọng, bị chà đạp, họ sẽ lấy đức hạnh ra mà soi gương lại mình.
Cái họ cần lúc này là lòng tin, là Hạnh Phúc chứ không phải cần người ta xem họ là người phụ nữ đức hạnh.
Như vậy, việc Gấm nhận lời cùng đi uống café với người đàn ông nhà báo chỉ là sự giao tiếp. Gấm cần giao tiếp để đứng dậy, để sống mà nuôi con, và hơn thế nữa là để hưởng Hạnh Phúc. Cô xứng đáng phải được hưởng Hạnh Phúc. Đây chỉ là một chi tiết nhỏ, một cái cớ để tác giả mở ra cơ hội cho Gấm có dịp tiếp xúc với người đàn ông ấy. Một lần, hai lần, và nhiều lần sau nữa, cô đã nhận được sự yêu thương từ một người đàn ông hiểu biết, đủ độ to lớn dang rộng vòng tay che phủ tình yêu thương rợp mát xuống cuộc đời cô. Tác giả nói hộ người đọc khát khao, chuyển tải hàm ý, tư tưởng tác phẩm.
Và dù họ đến với nhau không hôn thú, không đám cưới, nhưng họ đã trải qua những giây phút được sống rất Hạnh Phúc.
Người đàn ông ấy đã sống rất ân cần với Gấm chẳng phải vì nhờ có hôn thú, cũng chẳng phải vì cái đám cưới danh chính ngôn thuận. Họ Hạnh Phúc vì họ quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thương yêu tôn trọng chia sẻ với nhau những trăn trở vui buồn trong cuộc sống, và quan trọng hơn hết là họ cần có nhau, bù đắp những phần khuyết của đời nhau, dìu dắt nhau đi tới bến bờ Yêu Thương, Hạnh Phúc cho dẫu Hạnh Phúc của họ quá ngắn ngủi vì cái chết của Gấm do căn bệnh tha hóa của xã hội mang lại.
Gấm đã phải kết thúc cuộc đời mình ngay lúc tuổi còn quá trẻ, ngay ngưỡng cửa quay trở lại sống tha thiết với cuộc đời nhưng Gấm đã được hưởng Hạnh Phúc, đã sống được những phút giây ý nghĩa, đáng sống.
Cuộc đời vốn dĩ chứa đầy những bất trắc. Kiếp người lại hữu hạn, mong manh. Xã hội càng hiện đại, mọi giá trị sống càng bị đảo lộn. Một lần nữa tôi xin được cảm ơn tác giả Trương Văn Dân đã sinh ra “Bàn tay nhỏ dưới mưa” để người đọc được một lần chiêm ngưỡng đứa con tinh thần bé nhỏ bất hạnh nhưng đáng yêu của anh với thông điệp Hạnh Phúc mà anh gửi nhắn.
Hạnh Phúc ơi!
Cho dù Hạnh Phúc là bé nhỏ, cuộc đời này vẫn đáng được nâng niu!
Đoàn Thị Phú Yên
tháng 1/2017
Nguồn : https://www.facebook.com/Phuyendoanthi/posts/2171771856380364
No comments:
Post a Comment