Nguyễn
Quang Chơn
Bút tích
của Đinh Cường
Một
năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày. Anh ra đi vừa đã một năm và cũng để lại trong
tôi ba trăm sáu lăm nỗi nhớ. Nhớ anh khôn nguôi, nhớ anh mỗi ngày...
Gần
20 năm trước, mẹ ra đi, rồi hơn 10 năm sau ba qua đời, tôi đều mang trong lòng
một cảm giác hụt hẫng, trống vắng, rất lâu... Tôi không khóc nhiều nhưng nhớ
thương khôn xiết. Cái nỗi nhớ ba mẹ là cái nỗi nhớ của một sự tiếc nuối, lòng
xót xa của một đứa con, không còn được chăm sóc, phụng dưỡng người. Lúc, mình
đã có thời gian, tiền tài, vật chất...
Ở
một người nổi tiếng mà tôi vô cùng kính mến, hoạ sĩ Đinh Cường, anh đi để lại
cho tôi nỗi nhớ khác, hụt hẫng, trống vắng khác...
Không
còn nữa những cuộc điện thoại hai bờ đại dương với giọng anh chậm rãi, ấm áp,
thân thương. Không còn nữa những email ngắn nhưng chân tình, đầy tâm sự sẻ
chia. Không còn nữa những lời khuyên thấm đẫm tình người, những niềm vui ánh
trên mắt anh, khi tôi hoà nhập với bạn bè anh, những người còn xa lạ với tôi...
Ngày
đó, 2010, anh về bày tranh ở Châu Ê Huế với Hoàng Đăng Nhuận, Phan Ngọc Minh.
Tôi ra thăm để lần đầu gặp Bửu Ý, nét phong lưu rất mệ. Thấy H.Đ.Nhuận trên xe
lăn đôi mắt thẳm sâu và, những quí bà đài các, điệu đàng của Huế, với hoa,
tranh...
Giữa
những ồn ào trang trọng đó, có một Đinh Cường giản dị, hiền lành, khiêm tốn...
Anh là người Thủ Dầu Một Bình Dương, nhưng Huế như là quê hương thứ hai của anh
và Đà lạt như một chốn ân tình thời trai trẻ. Những cư dân Huế, nghệ sĩ Huế yêu
mến anh, dịu dàng bên anh như dòng sông Hương êm đềm bên Vỹ dạ. Tên tuổi anh
gắn với Huế như Hương giang gắn với Ngự Bình. Anh hồn nhiên giữa những kiểu
cách rất chi cung đình Huế. Đôi mắt anh luôn mở to, ngơ ngác...
Anh
Đinh Cường như hiện thân của một thiền sư. Anh lắng nghe nhiều hơn nói. Ngôn
ngữ của anh thể hiện qua tranh anh với những sắc màu, với những sáng tạo ảo
diệu, trầm mặc và không ngưng đổi mới. Cái rất cũ trong anh là những cô gái cổ
cao, nhà thờ và thông. Có lẽ những đồi thông Lạc Lâm, Dran thời mộng mơ tuổi
trẻ. Những cô gái Đà Lạt, Huế mỏng mảnh. Những bức hoạ của Modigliani thuở mới
vào nghiệp vẽ, cùng những nhà thờ tuyệt đẹp ở ĐL, SG...đã thẩm thấu vào anh, để
dấu ấn trong tâm hồn và ghim mãi trong
tim. Tôi có giữ bức "nhà thờ Dran" duy nhất (?) được vẽ trên vải bố
rất lạ, mà anh nói là "nhà thờ nhỏ xíu, đẹp nhất thế giới, tiếc là nay đã
bị đập bỏ, không còn!"...
Ba
trăm sáu lăm ngày anh đi xa là tôi có ba trăm sáu lăm nỗi nhớ. Tôi nhớ và mong
trong một giấc mơ nào đó sẽ được gặp anh, được khoe với anh một bức tranh mới
vẽ. Được kể anh nghe những chuyện buồn, vui. Nói với anh rằng. Không ai có thể
thay thế anh trong tôi. Một người anh. Một người bạn tuyệt vời. Dường như bên
anh tôi thấy yêu đời hơn. Thấy tự tin hơn. Thấy cuộc sống đẹp hơn. Thấy, trong
tự nhiên cảm nhận. Không giáo điều. Không ý thức!...
Bởi
ở anh chỉ có sự chân tình làm sức lan toả. Anh là tâm điểm tụ hội mọi người.
Anh luôn tìm đến người, nên người luôn đến bên anh.... Có bao giờ anh nóng
không nhỉ. Chắc có. Anh có giận không nhỉ. Chắc có. Anh có khó tính không nhỉ.
Chắc có. Bởi anh là người mãi đi tìm sự toàn mỹ. Mà trên cõi đời này làm sao có
sự toàn mỹ! Anh sẽ nóng khi có người dẫm nát một nụ hoa. Anh sẽ giận khi một kẻ
bội bạc phản trắc. Và anh sẽ khó chịu khi một ai thiếu trật tự, ngăn nắp. Đinh
Cường yêu cái đẹp, yêu người và chu đáo, cẩn mật, trật tự, ngăn nắp trong lối
sống!...
Tôi
còn lưu giữ những kỷ niệm quí thương của anh, không phải từ những bức tranh khổ
lớn, khổ nhỏ, mà từ những lời viết gởi cám ơn một sự chăm sóc, những tấm carte
postale noel, nguyên đán. Anh hay làm tôi bất ngờ vì những điều rất nhỏ trong
giao tiếp, trong gặp gỡ đời thường tôi không để ý, nhưng anh vẫn lưu tâm, khiến
tôi cảm động. Anh ĐC là vậy. Hiền lành. Dễ thương. Lịch lãm. Chân tình!...
Ngày
mai là đúng một năm ngày anh đi xa. Nét bút cuối cùng anh viết gởi tôi vào ngày
31/12/15 về cái áo len Đà lạt và chiếc mũ Nhật bản, rồi bảy ngày sau, 7/1/16,
anh vĩnh biệt cõi đời...
Như
trong một đề mục bài viết nào đó "Thế giới từ nay vắng Đinh Cường".
Dạ. Thế giới ngày nay đã vắng ĐC. Còn em. Cuộc đời em thiếu anh, cuộc sống em
đã mất đi một tấm lòng trân quý. Như chị Nhung, như Giang, Châu, Chinh, hai
cháu, Như Thơ, Như Tranh đã không còn nữa Đinh Cường, vĩnh viễn!...
Nguyễn
Quang Chơn
Đà lạt 27.11 Bính
Thân
Nhớ hoạ sĩ Đinh Cường,
một năm xa
(
Hoạ sĩ ĐC mất ngày 7.1.16 nhằm 28.11 Ất Mùi)
No comments:
Post a Comment