T.
Vấn
Tác phẩm Quê Nhà Quê Người
■Đôi vầng nhật nguyệt
trên vai mỏi
Nặng một vòng quay giữa thế gian
( Ngọc Phi )
Năm
cùng tháng tận. Những tờ lịch cuối đang nối đuôi nhau vào một ngăn nào đó của
ký ức. Và đất trời cũng đang quay những vòng còn lại trong chu kỳ thời gian bất
tận. Thoáng trong trí một câu nói rất quen thuộc. Nhanh quá! mới đây mà đã . .
.
Giữa
lúc chuyển mùa của thiên nhiên, lòng người cũng dường như dao động. Ai mà dửng
dưng được với những đổi thay của thời tiết. Nhất là thời tiết xứ người. Ngủ một
đêm thức dậy, sáng ra nhìn thấy tuyết phủ trắng xóa. Và gió. Những ngọn gió như
luồn lỏi vào tận da thịt, vào tận tâm hồn vốn đã nặng trĩu như những cành cây
khô ngoài kia oằn mình dưới sức nặng của từng mảng tuyết đã đông lại thành băng.
Và bầu trời. Nặng những đám mây xám xịt. Có đứng giữa một trời đất lạ lẫm như
thế – dù đã hết sức để làm quen – vào những ngày cuối cùng của một năm, mới
thật cảm hoài mà nhìn rõ được thân phận của một đời đầy ắp những điều bất như
ý. Co ro trong lớp áo len dầy cộm giữa một phố xá đông người qua lại – những
người không cùng một màu tóc, không cùng một màu da, không cùng một ngôn ngữ -,
tôi chợt nhớ và thèm những mảng nắng quê nhà. Một quê nhà xa tít tắp, cả không
gian lẫn thời gian.
Cuối
của một ngày. Cuối của một năm. Cuối của một đời.
Những
khái niệm chỉ khác nhau về độ dài thời gian. Nhưng âm vang và ý nghĩa dường như
chúng cũng không khác nhau mấy. Đó là cái cảm giác rất quen thuộc về một nơi
chốn của riêng mình. Nơi đó, dù đạm bạc, dù đơn sơ, vẫn là nơi mình muốn trở về
để yên nghỉ. Và vì thế, trong những ngày cuối năm này, tôi cứ mãi bâng khuâng
với hồi ức về những ngày tết quê nhà. Về hình ảnh bàn thờ tổ tiên nghi ngút
khói hương và những lư đồng bóng loáng giữa đêm cúng giao thừa. Về mâm cơm cuối
năm cả gia đình quây quần – ngon hay dở, nghèo hay sang – vẫn là mâm cơm gia
đình mà tôi đã quen thuộc từ ngày chập chững biết cầm đũa, biết giữ chén cơm
cho khỏi vương vãi trên nền nhà đất nện. Chao ôi! làm sao không trăn trở cho
được trong những lúc năm cùng tháng tận?
Hình
ảnh đoàn tụ thiêng liêng ấy, ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh có khác nhau, nhưng vẫn
chung một cái hồn, cái tinh túy làm nên chất keo khắng khít, làm nên hình ảnh
cụ thể về một chốn quê nhà. Để rồi, mỗi khi cơn gió cuối năm thổi về – dù mạnh
dù nhẹ – đều làm rung lên được sợi dây đàn nhạy cảm nhất trong số những sợi dây
hồi ức đan kết vào nhau thành cái hồn tinh túy mà không ai trong chúng ta không
có.
Và,
trong tâm tưởng ấy, tập tùy bút "Quê
Nhà Quê Người" được thực hiện, gởi đến bằng hữu và độc giả, nhân dịp
mùa xuân quê nhà lại trở về trong tiết trời giá rét của quê người.
Hãy
tưởng tượng một người, hay chính mình, giữa đêm xuân lạnh lẽo, nâng chén rượu
quê người, nhìn về hướng quê nhà, rồi thảng thốt:
Quê
hương ơi! Sao mà nhớ thế!
Quê nhà
và Quê người – hai nẻo của một cõi đi về.
Một
bên là hệ lụy. Bên kia là nấm mồ.
T.Vấn
Mùa Xuân Đinh Dậu
______________________________________
Tập
Tùy Bút "Quê Nhà Quê Người" được phát hành miễn phí trên trang mạng
văn học T.Vấn & Bạn Hữu (http://t-van.net/). Xin bấm vào đây để mở ra
đọc hoặc tải về máy:
No comments:
Post a Comment